Hôm qua, mùng 2 tháng 5 âm lịch, còn ba ngày nữa mới đến tết Đoan Ngọ, vậy mà nhà xe Đại Ngân chạy Sài gòn – Chợ lách đã tăng cường thêm chuyến xe về Chợ Lách(CL). Ngồi bên cạnh tôi là một thanh niên khoảng 30 tuổi, anh hỏi tôi về CL xem lễ hội trái cây ? Tôi giả vờ trả lời, ờ thấy lạ về xem cho biết. Anh nói: “Con đi nhiều nơi trong nước, nhưng thấy chưa nơi nào ăn mùng 5 tháng 5 lớn như ở Chợ Lách. Họ ăn cái tết nửa năm này còn lớn hơn Tết Nguyên đán” (?).Chi tiết này không biết có đúng không, vì anh đã đi được bao nhiêu nơi mà kết luận như thế. Tôi cũng nhìn nhận rằng, người dân CL đi làm ăn ở đâu, sống ở đâu, họ cũng cố gắng về quê trong ngày này và nghĩ rằng đây là dịp để anh em, con cháu trong gia đình đoàn tụ với nhau.
Ăn mùng 5 tháng 5 là ăn gì ? Chữ ăn ở đây giống như ăn Tết, thông thường gia đình làm vài món ăn đặc biệt để đãi người thân từ xa về như bánh xèo, ốc gạo, nấm mối..
Bánh xèo đổ với nhưn ốc gạo là “đúng bài” vì ốc gạo chỉ có vào mùa này, nếu không đi chợ mua ốc được thì làm vịt, lấy bộ đồ lòng và thịt vịt bâm nhỏ trộn với củ sắn, đậu xanh, giá để làm nhưn. Đi từ nhà này đến nhà kia, đâu đâu cũng gặp bánh xèo. Có tục gì không khi làm món này? Thật ra, bánh xèo vừa đổ xong, món ăn nóng giòn cuốn với rau sống, chấm nước mắm, cắn một miếng, uống một ly là quá đã. Món thứ hai là ốc gạo. Trước đây, ốc gạo Tân Phong (thuộc Chợ lách, VL) đã nổi tiếng, nhưng sau này ốc gạo di chuyển về cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, Chợ lách. Cứ đến mùa này là người dân cào ốc bán ở các chợ xã lân cận. Ốc gạo luộc, chấm nước mắm ớt là món ăn dễ làm nhất. Tuy nhiên, người làm nước mắm phải là tay tuyệt chiêu vì nước mắm rất quan trọng. Ốc gạo có thể thay thế tép để làm nhưn bánh xèo ăn rất ngon, chính vì vậy mà anh ba Ngói ở Vĩnh Bình nổi tiếng nhờ món ăn này. Nhiều người ở TP.HCM nghe tiếng đánh xe đi xuống Vĩnh bình để thưởng thức. Thật ra, so với bánh xèo Mười Xiềm, bánh xèo Đinh Công Tráng thì làm sao bằng, nhưng giá cả chỉ bằng 1 phần 5, nhất là với nhưng ốc gạo, lạ miệng hỏi sao không khoái cho được. Còn nấm mối thì ở thành phố hiếm có, giá cao làm sao ăn nổi, do đó về quê được đãi món này, hỏi sao không khoái !
Chợ Lách là xứ trái cây, chính quyền lợi dụng tục lệ này của dân quê nên tổ chức lễ hội trái cây hàng năm, trước là để quảng bá du lịch, giới thiệu cây trái ngon tại địa phương, sau là để người dân vui chơi sau nửa năm lao động mệt nhọc. Tính đến nay, lễ hội này đã trải qua 14 lần (14 năm) và mỗi năm được bày thêm trò chơi mới, nào là kỷ lục mâm trái cây to nhất nước, đá chim, đấu xảo trái cây khổng lồ, con vật hình dáng lạ cho người dân thưởng lãm, chợ gà nòi … Ngoài ra, ở cồn Phú Đa còn có những bãi bồi để người dân tắm sông với truyền thuyết là tắm ngày này sẽ hết các bệnh (?)
Chuyện ăn mùng 5 tháng 5 còn dài. Chút nữa đây, sẽ đi đến nơi tổ chức lễ hội ghi nhận thêm.
Lương Minh
Chợ lách 30/5/2014
xem thêm
http://baobariavungtau.com.vn/cat-luu-du-lieu-cu/201006/an-Tet-doan-Ngo-o-Cho-Lach-237663/
H1
h2