Trung Học Chợ Lách

ĐI DỰ RA MẮT SÁCH

Ngày đăng: 16/04/2025, 12:18 chiều, ý kiến phản hồi (0)

Hôm nọ gặp nhà báo Nguyễn Trọng Dũng (NTD) ở Vĩnh Long, anh tặng  tôi quyển sách mới vừa được ấn hành: “Chuyện ít người biết – Tập 2” và có ý nhờ  tôi giới thiệu với bạn bè gần xa. Tôi nói đùa Chuyện ít ai biết mà xúi tôi nói tùm lum cho người ta biết thì tôi trở thành người nhiều chuyện à? Nói vui vậy chứ thực ra khi về nhà đọc thấy thú vị và hay, nên tôi sẽ tìm cách phổ biến rộng rãi cho nhiều người biết.

Thế là vừa qua “Chuyện Ít Người Biết – Tập 2” của nhà báo Nguyễn Trọng Dũng (Vĩnh Long) được ra mắt độc giả tại Quán cà phê Nắng Mới, Khóm 2, Thị trấn Chợ Lách – Bến Tre. Quán khá khang trang, nằm đối diện UBND huyện Chợ Lách, Quán cũng giống như phòng họp nhỏ, khách vừa trò chuyện vừa ăn bánh ngọt, uống trà, cà phê. Khách mời hôm đó độ hơn 20 người. Ngoài khách mời đặc biệt như nhà thơ Phong Tâm, nhà văn Đào Ngọc Vinh, nhà thơ đường thi Văn Thành Thông… còn hầu hết là những thành viên trang Web trunghoccholach.com. Đó là quý anh, chị giáo viên bạn tôi: Lê Tấn Lực, Phạm Văn Long, Phạm Công Hòa, Lê Thị Hạnh, Trương Thị Khuyến, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Văn Phép, Trần Khải Hoàng, Lương Nguyệt Yến, Nguyễn Văn Tư, và tôi Nguyễn Ngoc Hà… đây là những cựu học sinh trường trung học Chợ Lách hơn 50 năm trước.

Buổi ra mắt sách “Chuyện Ít Người Biết- Tập 2” diễn ra hôm ấy không có MC. Quá 8 giờ sáng mà buổi trò chuyện vẫn chưa chính thức bắt đầu,  vì phải chờ nhà thơ Phong Tâm từ Cái Mơn đi xe buýt lên; thứ hai vì trong “ban tổ chức” có người chưa biết cách bắt đầu buồi giới thiệu như thế nào. Một cây bút nữ, kiêm Huấn luyện viên YoGa Lương Nguyệt Hồng, được mời nói mở đầu thì một mực từ chối, em không biết nói gì đâu! Lát sau cô ta mới chịu làm MC bất đắc dĩ. Lương Nguyệt Hồng chia sẻ: “Hôm nay anh Nguyễn Trọng Dũng có một quyển sách mới… “ra lò”, anh muốn nhờ Lương Minh trong  trunghoccholach.com giới thiệu với anh chị em văn nghệ  và các cựu học sinh Trung học Chợ Lách, thành thử các thành viên trong trang web  trunghoccholach.com về đây trước là để cùng vui với anh, sau đó là nghe anh Lương Minh nói chuyện cho mọi người biết Chuyện It Người Biết”.

Anh chủ trang  trunghoccholach.com và tongphuochiep.com – nhà báo Lương Minh cũng nhận mình là người không quen nói trước đám đông, cũng không khả năng nói được nhiều. Anh ngập ngừng, ngắc ngứ, nhưng khi đã vào guồng, anh nói rất say sưa về cái duyên của mình với người bạn thân – tác giả Nguyễn Trọng Dũng với những điều tâm đắc trong cuốn sách “Chuyện ít người biết” từ tập 1 cho tới tập 2 hoặc kể cả những cuốn sách đã xuất bản trước đó nữa, như cuốn “Vĩnh Long chuyện xưa” mà Trọng Dũng đã gởi tặng.

Lương Minh nói: Hồi tôi ở Vĩnh Long, Trọng Dũng là Thư ký Tòa soạn Báo Văn nghệ Cửu Long thuộc Hội VHNT tỉnh Cửu Long. Tôi nghĩ lúc đó anh đã là nhà văn rồi, nên việc viết, in sách và xuất bản sách đối với anh là việc đâu khó. Nhưng sau nầy, khi lên thành phố Hồ Chí Minh làm báo thì tôi mới biết anh là  đồng nghiệp với tôi. Khi đó (1994) anh là phóng viên, biên tập Đài THVL chuyên viết ký sự và phim tài liệu. Nói xin lỗi, đã là nhà báo thì chỉ có đi làm báo, viết báo thôi, chứ đâu có thể có thời gian “riêng” để viết văn, làm thơ, in sách được. Thành thử  nhà văn Sơn Nam hồi còn sống, ông cũng hay rầy rà tôi về chuyện nầy. Ông nói: Cậu em mình hay “ăn xổi, ở thì”. Nghĩa là ông muốn nói về việc tôi viết bài báo nào “ăn” nhuận bút hết bài báo ấy, không biết “tranh thủ” thêm cái nghề tay trái, là tạo ra tác phẩm văn chương để có bài in sách “để đời” như người ta. Sau nầy tôi gặp lại anh Dũng thì tôi rất mừng. Mừng vì thấy anh là nhà báo, lại là phóng viên biên tập truyền hình nữa, mà đã trình làng được “bộn” tác phẩm như vậy là quá hay. Và, cuốn sách ra mắt hôm nay là tác phẩm thứ 6 trong cuộc đời viết văn, làm báo của Nguyễn Trọng Dũng. Tức “Chuyện ít người biết – Tập 2” do Nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế, ấn hành tháng 12-2024 (Nguyên văn của Lương Minh)

Điều ngạc nhiên là cái tựa sách “Chuyện Ít Người Biết- Tập 2”. Tôi có hỏi anh Tập 1 và Tập 2 có gì “dính” với nhau không? Anh nói “không”. Vì mỗi tập đều là những câu chuyện riêng lẻ, được tập hợp lại để in thành tập là để dễ “lưu trữ”. Và, chính cái tựa sách “Chuyện ít người biết” nầy đã nói lên trọng tâm của tác phẩm: sưu tầm và kể lại những mẩu truyện dân gian ở ÐBSCL, nhất là ở Vĩnh Long, từ thời khẩn hoang, lập nghiệp đến phong tục, tập quán, cách ăn nếp ở của người dân vùng đất này.

Vậy chuyện ít người biết là chuyện gì?

Với tư cách bạn đọc cũng xin “nói giùm” mọi người biết chuyện ít người biết: đó có thể là… chuyện “Khởi nghiệp từ thời mở cõi”, với chiếc “Gối cung đình Thăng Long” (tức gối có 4 con vuông dài) mà tác giả “mách bảo” người khởi nghiệp, khởi nghề làm ra chiếc gối thời đó chính là bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, vợ của Trịnh Kiểm, chị gái ruột Chúa tiên Nguyễn Hoàng. Đó có thể là… ông Hứa Hải trong câu chuyện “Nghề khai thác đá ong ở cù lao Phố”, ông là một trong những người đầu tiên trong nhóm người Hẹ vốn là di dân Trung Hoa theo chân của Trần Thượng Xuyên vào xứ Đồng Nai tìm ra mỏ đá ong và nghề khai thác đá ong ở cù lao Phố – Biên Hòa. Đó có thể là… câu “Chuyện áo bà ba cùng chiếc khăn rằn thời mở cõi”, tác giả nhấn nhả cho ta biết: Tại sao chiếc áo tứ thân ở miền Bắc được biến tấu thành chiếc áo bà ba khi đến đồng bằng sông Cửu Long? Còn chiếc khăn rằn, tại sao lại có họa tiết là ô vuông? Tại sao phải sọc rằn, vuông, đen, trắng xen kẽ đan xen nhau?

Nhờ đọc sách mà tôi biết là  ở xóm “Nghề đổi tro” ở gần đình Long Thanh (TP. Vĩnh Long) có từ hồi những năm 1940-1950, do ông Ðồng ở miền Ðông về khởi sự. Một nghề khác lạ hơn là “Nghề quạt vôi ăn trầu”, cũng ở phường 5, TP. Vĩnh Long, có từ những năm 1930, do một cô gái Vĩnh Long học nghề từ quê chồng ở làng quê Bình Ðại, Bến Tre, mang về khởi nghiệp, nhưng đổi nguyên liệu là thay vì vỏ nghêu thì bằng vỏ hến. Tác giả còn kể về hãng rượu Quảng Ðức An nổi tiếng Trà Ôn, do ông Tạ Thành Sung (tức cha cố nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn – nổi tiếng với bài “Mùa thu rồi ngày 23” hình thành. Rồi khởi nguyên nghề làm gạch, gốm ở Mang Thít hay các nghề xưa, như: Nghề vá lu, khạp; Nghề chằm lá lợp nhà, Nghề làm bánh mì Sài Gòn ở Vĩnh Long… Nghề nào, tác giả cũng kể những giai thoại đan xen rất thú vị.

Trươc hết bằng một bút pháp với ngôn ngữ bình dị, NTD đã rình rập từng hình ảnh, chăm chú lắng nghe, ghi chép từng mẩu chuyện vụn vặt để tái hiện “Chuyện ít người biết”. Và, trong tổng số 34 bài viết – 34 câu chuyện kể, gồm đủ mọi lĩnh vực, phải là dân Nam Bộ “chánh hiệu”, NTD mới đưa vào tác phẩm tiếng nói hàng ngày, ngôn ngữ địa phương một cách nhuần nhuyễn tự nhiên. Chỉ chuyện thứ nhứt: “Gối cung đình Thăng Long”, anh đã sử dụng rất nhiều tiếng nói địa phương, như: thước – tấc, rổ “quẩu”, cụ bị, dong buồm, cắm dùi, to đùng, hay chuyện thứ hai: “Nghề khai thác đá ong của người cù lao Phố”: dễ ụi, tối…hù, to bằng bắp vế, học lớm (lỏm), sông cái hay sông con, mần ăn – chặp nhứt, chập ba, gọn hơ… Hoặc “Chuyện đi… thiếp”: xiết nợ, cạo nồi, vét ống, một đỗi, bằng chang, bự chảng v.v…

Và, để chuyện kể thêm hấp dẫn, có sức thuyết phục, anh đã khéo léo đưa vào chuyện kể hàng chục câu tục ngữ, thành ngữ, như ở chuyện “Ma Thần Vòng” – trang 138: “Thà ở chuồng heo, chứ không ai đeo bên vợ”. “Dù ai có ruộng sâu, trâu nái, cũng không bằng có con gái đầu lòng”, “Đứa thôi nôi, kéo lôi đứa đầy tháng”, “Già kén, chẹn hom”, “Mèo mả gà đồng”, “Mở cờ trong bụng – của dư của để – liệu cơm gắp mắm – dốt đặc cán mai – mẹ tròn con vuông, con trâu là đầu cơ nghiệp, mất trâu mới lo làm chuồng”; hay chuyện “Chuyện… đi thiếp”: “Phụ nhơn nan hóa (Phụ nhơn: đàn bà; nan: khó; hóa: làm cho thay đổi, dạy dỗ)”; “tuốc mùng vô thúng tham”, “đi xa về gần”v.v… Trong các chuyện ít người biết khác, vô số phương ngữ – lời ăn tiếng nói dân gian, được tác giả khéo lồng ghép trong câu văn một cách có dụng ý, nhưng rất tự nhiên như nói chuyện hàng ngày. Độc giả sẽ lấy làm ngạc nhiên khi những phương ngữ sau đây đập vào mắt: quá chừng, quá đỗi, bận đi – bận về, giá cả cào bằng – bể bồ – nước đực – nước cái, nước quậng; hoặc một số từ láy như: “Xanh xít – Đít đuôi” (cho vay lấy lời là 6, cho vay 10 chạy ra 12, 15 lận) … Với những “Ma thần vòng”, “Chim sáo rù rì (Ma rù rì)”, “Trong ngôi nhà bí ẩn” (Ngôi nhà Ma), “Chuyện đi thiếp”, “Cầu mưa giải hạn”… cũng như chuyện “ông Ban Cố chết” trong “Nghề khai thác đá ong của người cù lao Phố” ở phần trước , NTD còn bộc lộ một nội tâm hóm hỉnh, trào lộng duyên dáng – bút pháp điển hình của một thời xưa cũ vàng son. Đây không chỉ là những câu chuyện để đọc, để giải trí mà còn là tư liệu tốt cho những nhà văn đang viết truyện kinh dị, hoặc các thể loại văn học có yếu tố tâm linh, huyền ảo khác (mời các bạn cùng đọc). 

Đan xen vào chuyện kể, tác giả không quên khơi gợi lại một số phong tục tập quán, đời sống văn hóa của người dân Nam Bộ trên vùng đất mới như tục tổ chức tang lễ của một người Hoa (ông Bang trưởng tên Ban Cố) trong câu chuyện “Nghề khai thác đá ong của người cù lao Phố”, còn sở hữu những nét riêng biệt và độc đáo, có một chút khác biệt so với đám tang của người Việt tại vùng đất mới. Đặc biệt, câu “Chuyện áo bà ba…” là trang phục nổi tiếng của người miền Tây, được biến tấu từ áo tứ thân miền Bắc. Theo tác giả, áo may dưới dạng cổ tròn, độ dài chỉ kéo đến hông, thêm hai túi to phía trước đối với nam giới và hai túi nhỏ đối với nữ. Áo bà ba thường mặc với chiếc quần đen dài chấm đến cổ chân. Ngoài ra, khi mặc bộ trang phục này, người ta thường có những phụ kiện đi kèm như như khăn rằn ri, nón lá. Lý do khăn rằn ri xuất hiện là bởi người dân ở các tỉnh miền Tây chủ yếu là người Khmer và họ tôn thờ thần Vishnu nên đã làm ra chiếc khăn Krama (dịch là khăn rằn) tượng trưng cho rắn thần Naga. Người Khmer quan niệm rằng quàng chiếc khăn này trên đầu giống như luôn có thần ở bên chở che, mang lại may mắn.

Còn đủ thứ chuyện kể khác về: “Chuyện hai nghĩa binh  thời Phan Tôn- Phan Liêm”, “Nhà sư cách mạng”, “Hai anh em”, “Thầy võ miệt vườn”… Mỗi câu chuyện đưa ta đến một miền quê khác nhau, một gia đình – dòng họ, một tình huống, một mối quan hệ … ở đó có những điều bổ ích, những điều cần học hỏi, chia sẻ, cảm thông. Bất giác anh Lương Minh nhắc đến câu nói của anh Quốc Bảo. Mà hồi trước anh làm bí thư huyện đoàn ở đây. Sau đó, anh về tỉnh làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học Bến Tre. Anh Quốc Bảo nói với Lương Minh: “Anh  làm ơn viết về huyện mình một cuốn sách; viết những câu chuyện gì mà người ta còn ấn tượng”.  Lương Minh nói. Tôi muốn làm lắm nhưng một mình làm hổng nổi. Anh Quốc Bảo còn căn dặn: “Nếu không ai viết thì anh viết. Thí dụ như hồi xưa ở Chợ Lách mình có nơi được người ta kêu Vũng Tàu 2, mà ngày Mùng 5 tháng 5, người dân về đó đánh trống, thổi kèn, vui chơi trên cồn Cái Gà đó. Những cái chuyện thí dụ như Chợ Lách xưa, Chuyện lò gạch cũ giữa làng hoa Chợ Lách, Nghề đan bội kẽm ở Long Thới, Nghề trồng trầu bền bờ kênh Cái Ớt mà bây giờ nó không còn nữa. Thậm chí ở Chợ Lách nầy cũng có luôn làng nghề giống và hoa kiểng… Thì những cái chuyện hay đó, anh Quốc Bảo muốn Lương Minh ghi lại thành những chuyện dân gian để in cuốn sách: “Chuyện ở Chợ Lách”. Anh Lương Minh nói:  thấy sách nầy anh rất thích, nó giống như những ý tưởng của mình muốn làm, để cho người ở Chợ Lách nầy biết nó nổi tiếng về cái gì, cái gì hay?…

Trong quyển hồi ký Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười, nhà văn Nguyễn Hiến Lê có viết: “Người xưa nói: Phải có cái duyên mới viết được một cuốn sách. Tôi cũng muốn nói thêm: Cũng phải có duyên mới xuất bản được một cuốn sách”. Xin chúc mừng anh Nguyễn Trọng Dũng đã có được “cái duyên” để xuất bản cuốn sách “Chuyện Ít Người Biết” cộng thêm cái duyên được ra mắt đứa con tinh thần của mình trước đông đảo văn thi hữu gần xa. Chắc chắn là thành công tốt đẹp.

      Chợ Lách, tháng 4-2025

            Nguyễn Ngoc Hà

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

h3
CHUYỆN NHẬU CỦA TÔI
Tửu lượng thì kém , vị giác lại không thích nghi được những thức ăn nào quá đắng hoặc quá cay , vì vậy...
Xem tiếp...
Untitled
ĐỜI NGHỆ SĨ CỦA VÕ ĐẮC DANH- LÊ ĐẠI ANH KIỆT- HUỲNH THANH DIỆU- HOÀNG KIM
ĐỜI NGHỆ SĨ với mười bốn nhân vật là mười bốn câu chuyện đậm tính nhân văn, mười bốn cuộc đời và tính...
Xem tiếp...
2025
BẢN TIN XUÂN CỦA HỘI CGC XÃ VĨNH BÌNH
Xã Vĩnh Bình thuộc huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Giờ là vậy nhưng mai mốt chưa biết thuộc tỉnh nào? Cũng...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

unnamed
NỮ TRUNG NGHIÊU THUẤN
Trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh, ông đã cho bà Vãi đề cao các giới nữ TÀI MẠO SONG TOÀN,...
h3
KHÔNG NĂM TÁM
Thời gian trước, người bạn học ở gần, nên chúng tôi thường gặp nhau. Một hôm tôi nói, “Cùng ăn một lượng...
My Toan
CHÚC MỪNG SINH NHẬT MỸ TOÀN
Ngày 15/4 là sinh nhật của Dương Mỹ Toàn, CHS trung hoc Chợ lách. Hiện nay em sống tại Chợ Lách và thường...
h3
CHUYỆN NHẬU CỦA TÔI
Tửu lượng thì kém , vị giác lại không thích nghi được những thức ăn nào quá đắng hoặc quá cay , vì vậy...
mom
CAMPUCHIA, MỘT CON ĐƯỜNG KHÁC, MỘT CÁCH NGHĨ KHÁC
Ngoài chuyện tiền bạc, về tâm lý thôi mà nói, tôi thường đã rất ngại, không dám tính đi du lịch các nước...

LỜI DẪN

Tin nhà

H2
CHS NHÓM THCL NIÊN KHÓA 68 HOP MẶT Ở BÌNH ĐẠI
h0
ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH TẠI TP.HCM HỌP MẶT MỪNG XUÂN 
1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 19
Lượt truy cập: