Hôm nay, thư viện Phạm Thế Cường (Gò Vấp) tổ chức nói chuyện chuyên đề về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi có đọc và còn giữ cuốn Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Tôi thường đến dự những buổi nói chuyện như thế này của CLB định kỳ mỗi tháng để nghe những người trong đây nói chuyện. Có người nói theo chương trình, có người nói tự yêu cầu, có người nói để chen khoảng thời gian trống, có người nói gợi phản biện, có người nói không ăn nhập vào đâu… Phần lớn thời gian đến đây tôi chỉ ngồi nghe. Nghe cũng là một hình thức giao tiếp. Không phải ai nói cũng đúng vì họ nói cho có, không phải ai nói cũng để người khác nghe, đôi khi người ta nói để thể hiện cái tôi. Và có những người nói thật hay làm ta phải ghi nhớ từng câu. Với góc độ người nghe, tôi tóm lượt và phân tích tâm lý tư tưởng người nói chứ không quan tâm tính chất câu chuyện họ nói, bởi với riêng tôi, dù có nghe bao nhiêu thì trong tư tưởng ai cũng đã kết chặt một triết lý của riêng mình. Mỗi người thường giữ một quan điểm cá nhân.
GS Đoàn Trong Huy
Khi một vị giáo sư nói rằng nhà thơ không cần trình độ cao còn nhà văn thì phải có học vị từ đại học trở lên. Một vị cao niên khác nói là văn chương trong tác phẩm miền Bắc đọc dạt dào xúc động và tình cảm còn những tác phẩm miền Nam đọc không có gì ngoài cảnh đẹp và mơ mộng lãng mạn. Sự mạnh dạng so sánh hai nhân vật có tầm ảnh hưởng hai đề tài xã hội khác nhau, sống hai cuộc đời khác nhau đã là một sự so sánh khập khiễng. Ví dụ một Dương Thu Hương vượt qua số phận không thể so sánh ngang bằng với một Nguyễn Huy Thiệp cam chịu sống nghèo đến hết đời – như lời người nói. Một nhà văn sáng tác trong xã hội yên bình khác với nhà văn sáng tác trong xã hội lúc nào cũng có nỗi lo cơm áo và sự chia ly vì chiến tranh.
Mỗi người có quyền giữ riêng suy nghĩ của mình, nhưng ít ra cũng nên nhìn thấy thực tế mà ai cũng thấy để không thể nói khác.
Nhà thơ Hoàng Hưng
Tôi thích ngồi yên lắng nghe để đọc tư tưởng của mọi người, người đang nói và người nghe chung quanh tôi. Tất cả đều dễ mến và hiền lành. Phần đông là những cựu binh hoặc công chức về hưu không làm việc nữa. Nơi đây rất thoải mái vì ai cũng có thể nói và viết. Không cần viết hay, chỉ cần thích viết thì xin mời cứ nói, cứ viết… nhưng để không phải xấu hổ vì lộ cái sự dốt của mình mà lại thích nói thì tốt nhứt nên tìm hiểu chính xác trước khi nói. Nhiều người không chấp nhận dẫn lời “người ta nói” mà nên đọc kỹ lại trước khi nói. “Nói có sách, mách có chứng” mà.
Thư viện Phạm Thế Cường mở Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng có đầy đủ các loại sách cho mọi người đọc và không từ chối một ai đến mượn sách. Xin mời các bạn đến địa chỉ 352 Đường số 8, P 11, Q Gò Vấp, Tp HCM. Đây cũng là địa chỉ sinh hoạt chuyên đề hàng tháng. Hôm nay, chúng tôi ngồi nói chuyện về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Chuyên đề kỳ tới sẽ là Giáo sư Trần Huy Liệu. Xin mời mọi người tìm hiểu về vị Viện Trưởng đầu tiên của Viện Sử Học thời kỳ 1960- 1969. Ông cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Địa chỉ này cũng là nơi tiếp nhận sách của quý đọc giả gởi biếu sách cho thư viện.
NGUYỄN KIỀU PHƯƠNG
Nhà văn Phùng Vinh
Kiều Phương & Khánh Trâm
đặc san của CLB ra hàng tháng kèm với buổi sinh hoạt