Thật không ngờ Chợ Lách có rất nhiều di tích văn hóa! Khi biết trong khuôn viên của một Dòng tu đạo Thiên Chúa lại có ngôi mộ cổ hai trăm năm gần như còn nguyên vẹn của một vị quan triều Nguyễn, thì tôi thấy thích thú và muốn đến tận nơi tìm hiểu. Với bài viết này tôi chỉ nhằm góp phần giới thiệu về một di tích cũ của quê vợ mà chắc là những du khách phương xa thích văn hóa sẽ quan tâm.
Tôi chỉ mong Chợ Lách vốn nổi tiếng về nghề làm vườn, về giống cây trồng, về tháp cây, ghép cây… từ khá lâu rồi mà chưa “giàu” được… thì nay sẽ nổi tiếng hơn, được nhiều du khách tìm đến hơn nhờ sự giới thiệu những giá trị văn hóa mà địa phương mình có…!
THĂM NGÔI MỘ CỔ Ở CÁI NHUM
Chủ nhật vừa rồi nhân dịp về quê vợ, tình hình dịch Covid đã có giảm phần nào, tôi được cậu em vợ hướng dẫn đi thăm một ngôi mộ cổ ở Cái Nhum, xã Long Thới, Chợ Lách, Bến Tre. Đó là ngôi mộ của ông Trần Công Lại, làm quan hai triều vua Gia Long và Minh Mạng, được phong tới chức Đô thống chế, mất năm 1824, sau khi vua Minh Mạng lên ngôi được bốn năm (vua mất năm 1841).
Sở dĩ tôi phải nhắc đến hai ông vua trên vì ông Trần Công Lại phò vua Gia Long từ cuối thế kỉ mười tám qua đầu thế kỉ mười chín và ông là người theo đạo Thiên Chúa trước khi người Pháp xâm lăng Việt Nam, có tên thánh Nicolas. Trong thời Gia Long, nhà vua rất dễ dãi đối với sự truyền đạo Thiên Chúa, nhưng vua Minh Mạng là người chống đối quyết liệt. Sử có đề cập đến cả việc tàn sát các linh mục truyền đạo và giáo dân trong thời ông vua này.
Tuy là mộ cổ nhưng không phải bằng đá, toàn khu mộ được xây bằng gạch quét vôi. Vì gần tu viện, chắc có người thường xuyên chăm sóc nên khu mộ không có những lớp rêu phong. Nhưng nhìn màu vôi loang lổ, trông thấy thời gian và mưa nắng nhuộm đen các ngôi mộ, những hàng chữ Hán lờ mờ trên các bia mộ, đọc không rõ, tuy chẳng phải cảnh thê lương nhưng tôi vẫn chạnh nhớ câu thơ xưa “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Nước còn cau mặt với tang thương”…!
Vì ông là quan to nên kiến trúc chính của ngôi mộ có vẻ đã theo quy tắc xây mộ quan triều Nguyễn. Phía ngoài là một bức vách bình phong bằng gạch, trên vách có tạc hình, tuy nay mờ nhạt khó nhìn nhưng tôi cũng trông thấy giống như bức tranh “Lưỡng long tranh châu”. Chỉ khác là chỗ quả “châu” bây giờ là một cái lỗ hổng tròn khá lớn! Nóc bức tường được lợp bằng ngói âm dương làm tăng thêm nét cổ kính.
Sau bức vách là tường bao khu mộ, cũng bằng gạch tô và được lợp ngói âm dương. Tường bao này chỉ thấp độ năm sáu tấc. Chắc chắn phải theo quy tắc, chiều cao bờ tường không được phép cao bằng tường bao của lăng mộ vua. Ngôi mộ vị quan nằm gần vách hậu. Đó là một tấm bình phong khác cũng được xây bằng gạch nằm phía sau mộ. Tấm bình phong này được tiếp nối hai bên là tường bao khu mộ vòng từ sau ra trước.
Bia mộ vị quan trông lạ vì có một lớp đá mài nhiều màu khiến tôi trông không rõ hình thánh giá giữa bia. Cũng không thấy cây thánh giá cắm trên bia mộ như tại những nấm mộ của người theo đạo Thiên Chúa khác. Bốn hàng chữ Hán được tô lại bằng sơn đỏ chưa chắc đã giữ đúng những nét chữ khắc xưa. Mà đối với chữ Hán, chỉ thay đổi một nét thì đã có thể thay đổi ngữ nghĩa của chữ rất nhiều?! Không biết việc vua Minh Mạng với nhiều biện pháp “gắt gao” chống đạo Thiên Chúa có khiến con cháu ông phải tìm cách xóa cây thánh giá trên bia trên mộ?!
Hai bên mộ ông, nhưng hơi chồm lên phía trước là hai ngôi mộ khác, kích thước tương đối bằng nhau, có lẽ là mộ hai quan bà?
Phía ngoài vòng tường bao còn có một số ngôi mộ khác, nhỏ hơn mộ quan ông. Trên những tấm bia của các ngôi mộ này, có cái tôi đọc thấy năm chôn cất là nhiều chục năm sau 1824. Có lẽ đó là những ngôi mộ của con cháu ông được chôn cất về sau?
Tác giả bên ngôi mộ cổ
Bên ngoài những ngôi mộ con cháu là một vòng tường khác, cao to hơn bờ tường bao ngôi mộ, cũng xây bằng gạch nhưng phía trên là hàng rào sắt. Phía trước vòng rào này là hai cánh cổng bằng sắt, nay đã han rỉ, hư hoại nhiều! Lối kiến trúc của các cột gạch và cánh cổng sắt giống như cách kiến trúc thời Pháp thuộc. Chắc chắn vòng rào phía ngoài này là do con cháu của ông xây, không phải thuộc phần kiến trúc ban đầu của mộ quan.
Vì đi tham quan vào mùa dịch nên tuy khu mộ nằm trong vòng rào của tu viện dòng Ki-Tô Vua đáng lẽ khá đông người, lại không một bóng ai. Tôi muốn tìm gặp người của tu viện để hỏi han tìm hiểu thêm, tìm hiểu về ngôi mộ và cũng tìm hiểu về tu viện, nhưng không được gặp. Thật tiếc!
Ngôi mộ cổ gần đường đi với kiến trúc Việt xưa thật ra cũng không tương phản lắm với kiến trúc ngôi giáo đường của dòng tu đạo Thiên Chúa bên trong. Những cái tháp mang nhiều màu sắc Á Đông trông “quen mắt” hơn là những tháp cao nhọn của kiến trúc nhiều nhà thờ phương Tây. Những đường nét kỉ hà cùng những vòm cong kiểu roman trông “gần gũi” với người Việt hơn lối kiến trúc kiểu gothique. Tuy vậy, bước vào trong nhà nguyện mới thấy vòm trần cong mang đậm nét kiến trúc nhà thờ Tây phương (chỉ còn thiếu những tranh vẽ, kiểu của Michelangelo như trong Sisteen Chapel ở Vatican).
Đọc trên mạng tôi thấy tỉnh Bến Tre đã đưa khu mộ vào danh sách đề nghị bảo tồn di tích cổ. Phải thôi, đó là một di tích văn hóa. Cũng đáng mừng là nói chung khu mộ còn khá nguyên vẹn dầu đã được hai trăm tuổi!
Không phải phạm vi chuyên môn của mình nên những điều tôi ghi nhận chắc chắn có nhiều sai sót. Mong bạn đọc hiểu cho!
Long Xuyên, tháng 1/ 2022
KHƯƠNG TRỌNG SỬU
Hinh 6
Hinh 7