Xã Vĩnh Bình cách chợ Chợ Lách năm cây số. Ngày xưa đường chưa tráng nhựa, lộ xe chỉ có lớp đá nền to, trải lên mặt một lớp đá đỏ rồi cho xe hủ lô cán qua. Làm đơn giản vậy lộ dễ hư nên nhà nước sắm ra ông lục lộ. Hàng ngày ông ấy chạy xe đạp tới lui trên đoạn đường mình phụ trách, thấy lộ chỗ nào chớm lở lói thì cuốc đất bên đường đắp vô. Nhờ vậy mà con lộ xài được lâu lâu. Nói vậy chớ nhà nước coi bộ cũng nghèo nên không dám mướn nhiều người. Giao cho một ông lục lộ một phần đường dài ngoẵng. Từ Chợ Lách đến bắc Cổ Chiên chỉ có một ông. Thành ra con đường luôn ở tình trạng không được tốt. Lắm ổ gà ổ voi. Phương tiện đi lại cũng chưa nhiều. Cả quận chỉ có mấy chiếc xe đò. Xe gắn máy cho cá nhân làm gì có. Tôi không nhớ ra, ai là người ở Vĩnh Bình hay Chợ Lách có chiếc Goebel, Sachs, hay Mobylette? Có xe đạp chạy là bảnh lắm rồi!
Nói vậy để thấy chuyện đi lại ở xã nhà những năm 60 còn cực lắm. Ai đi xa như Chợ Lách – Vĩnh Long, Chợ Lách – Mỹ Tho, thường là đi tàu đò nếu phải chở hàng hoá. Đồ mua bán ít hoặc đi mình không thì đi xe đò cho nhanh. Xe đò Hoa Nam chạy Chợ Lách – Vĩnh Long, ngày có 3 chuyến đi và về. Nhiều bữa khách đông, thanh niên được cho lên mui ngồi là cả một điều thích thú! Ở xã xa về chợ quận như Phú Phụng về Chợ Lách, người ta cũng đi tàu đò. Còn ở Long Thới, Hoà Nghĩa về Chợ Lách thì đi xe ngựa.
Đặc biệt ở Vĩnh Bình về Chợ Lách cho kịp buổi chợ sáng, kịp đò đi Mỹ Tho, người ta đi bằng xe lôi. Xe lôi là gì và nó ra làm sao? Chắc nhiều người chưa quên chiếc xe lôi. Nói chi đâu xa, vài ba năm trước, ai đi chợ Vĩnh Long cũng còn thấy chiếc xe lôi máy. (Xe lôi đạp bây giờ chỉ có ở Châu Đốc). Xe lôi gồm có một chiếc xe kéo đằng trước, kéo theo sau một thùng xe để chở người hay hàng hoá. Nó khác với chiếc xích lô. Xích lô, khách ngồi thùng xe phía trước, xe đẩy phía sau. Xe lôi ở Vĩnh Long trang nhã và gọn. Đầu xe kéo thường là chiếc Honda SS 50, thùng xe phía sau có mui và chở được 4 người. Toàn bộ phần kim loại của xe được gò bằng Inox nên bóng sáng và đẹp vô cùng. Nhưng xe lôi ở Vĩnh Bình có khác!
Có thể hình dung xe lôi Vĩnh Long xinh đẹp như con lừa, con dê lông trắng thì xe lôi Vĩnh Bình ngày xưa như là con trâu nước! Nó to bè bè, có thể cộ một lúc chín, mười hành khách.
Và còn tiếng rống của nó nữa chớ! Sáng 3 giờ, xe ông Năm Lục nổ máy bên chợ Vĩnh Bình, nhà ông Chín Tạo bên kinh Bổn Sồ có thể nghe được đó.
Ông Năm Lục và người anh là ông Ba Nam là hai gia đình có xe lôi chở khách Vĩnh Bình – Chợ Lách, trước khi phổ biến chiếc xe lam.
Đầu xe kéo thường là những chiếc xe 2 thì hiệu Jawa 350 phân khối, chạy xăng pha nhớt, cũ kỹ ghép nối đến mức không còn rõ hiệu là gì? Nhưng bền bĩ và mạnh mẽ lắm. Chỉ cần nhớm ga mạnh một chút là có thể kéo cái thùng xe với đầy nhóc khách.
Thùng xe, không ở đâu có! Nó gồm phần chính là 2 băng ghế ngồi ngang, đối diện nhau. Một băng là 3 người. Chỗ thùng xe móc vào xe kéo cũng được làm rộng ra để có thể chở thêm 2 người. Và đôi khi nhét thêm 1 người ngồi giữa như ôm eo tài xế.
Phía sau thùng xe còn gắn thêm một băng sắt. Mục đích chính là chở hàng hoá nhưng nếu có một hai người đứng vịn mui xe cũng không sao!
Hàng ngày, cứ 3 – 4 giờ sáng có một chuyến xe như vậy chạy đi Chợ Lách. Lâu quá tôi không nhớ có chuyến thứ hai không? Nhưng mà hình như hai anh em ông Ba Nam, Năm Lục thay phiên nhau mỗi người chạy một ngày.
….
Ngày tôi còn nhỏ, mỗi năm nhà nội tôi có năm sáu cái đám giỗ. Khi bà còn sống, những dịp như thế các cô, thiếm của tôi đều phải đi chợ lớn để mua cho đủ đồ và tôi được ưu tiên đi theo phụ xách.
Tôi cứ nhớ mãi ánh sáng bập bùng của bó đuốc lá dừa, thằng nhỏ tôi mắt nhắm mắt mở bước lúp xúp theo mấy thiếm trong tiếng hối thúc, lẹ lẹ lên trễ rồi kìa. Vậy mà nhiều khi ra tới bến xe, chỉ mới có lưa thưa một hai người khách.
Trong đêm còn chưa sáng, những câu chuyện với nhau thì thầm, dứt lát, chen những tiếng ngáp dài của cơn buồn ngủ, trong tâm hồn náo nức của thằng trẻ con lâu lâu được đi chợ quận như tôi, thiệt là một cảm xúc kỳ lạ.
Dũng Tiến
(bài này đã đang trong đặc san “CGC xã Vĩnh Bình, số xuân 2019”)