Sau nhiều lần lỗi hẹn, đến giữa trung tuần tháng bảy âm lịch tôi và chị Thuý mới gặp được nhau. Chị là người Bến Tre, nhưng nhiều năm nay sinh sống và lập nghiệp ở Sài Gòn, tôi hay gọi chị là “tiểu gia Chợ Lớn”. Vừa gặp mặt, chị đã sởi lởi như phân trần cho những lần lổi hẹn với tôi trước đó:- Tháng bảy là tháng của Ngưu Lang- Chức Nữ, tháng của âm dương hòa hợp… rất hợp với đề tài nói chuyện về vong linh những người đã khuất. Tôi cười, gật đầu, tỏ vẻ tán thành tuyệt đối ý kiến của chị. Đối với tôi, việc gặp chị ở đâu, lúc nào không quan trọng , Cái mà tôi quan tâm nhất là câu chuyện của chị đi tìm hài cốt cha bên triều sông Hàm Luông. Tôi tính vào đề luôn nhưng chị ngăn:
– Chị đã chuẩn bị rồi, hôm nay em đi chơi với chị, có gì chị em mình trao đổi luôn trên đường .
Tôi hơi bất ngờ nên thắc mắc, mình sẽ đi đâu thì chị nói- Đến cái nơi mà cả em và chị đang muốn đến vậy mà. Thì ra để cho tôi có thêm thực tế về câu chuyện mà chị sắp kể – đi tìm hài cốt cha trên sông Hàm luông, chị đã thuê một chiếc tàu du lịch loại nhỏ đưa tôi đến khúc sông mà chị đã tìm được hài cốt của cha mình. Chị chuẩn bị cho chuyến đi rất chu đáo. Trên tàu, tôi thấy rất nhiều trái cây, bia, rượu, nước ngọt và cả hoa tươi. Một điều làm tôi ấn tượng nữa là điểm xuất hành không phải từ một bến sông trong nội ô thị xã, chị yêu cầu tài công chạy ngược dòng về ngã ba Tân Phú rồi mới xuôi dòng về cuối nguồn Hàm Luông. Chị giải thích :- Dòng sông này ngắn lắm, nó to tròn và ngắn như bắp chân của một người đang lớn, đi chưa hết một ngày đò đã kết thúc một đời sông… Vì vậy, chị muốn chuyến đi bắt đầu từ chỗ phải bắt đầu của một dòng sông cho có hậu.
Hàm Luông! dòng sông đúng như chị nói, nó ngắn ngủn và no tròn như bắp chân người lớn. Tuy là một nhánh của sông mẹ Cửu Long, nhưng Hàm Luông chỉ chảy trọn vẹn trên đất Bến Tre và lạnh lùng bóc tách vùng đất này ra thành hai cù lao Minh và Bảo. Bắt đầu của dòng trôi nơi thuộc quyền quản lý của thủy thần Hàm Luông là ngã ba Tân Phú ( Châu Thành), sông đi qua vùng hoa thơm, trái ngọt (Chợ Lách), rồi hun hút như ẩn mình trong xứ dừa Mõ Cày, Gìông Trôm. Cuối nguồn,cách đầu nguồn chừng bảy mươi cây số là những đụn cát giòng ngồn ngộn nối đuôi nhau tạo thành miệt cồn có địa danh Khâu Băng , Thạnh Phú. Với tôi cũng đã nhiều lần xuôi ngược trên sông , nhưng Hàm Luông không để cho tôi nhiều ấn tượng như những dòng sông khác. Bởi nó không có nét kiều diễm, đa tình như dòng sông Hương xứ Huế, lại càng không có phong độ sừng sững, kiêu hùng, ngang tàng như dòng sông Đà, sông Mã … Hai bên triều sông không có chỗ cho
nhà thơ ném ra những câu thơ bóng mượt , vì ở đó chỉ có những cây bần, cây mắm và những rặng dừa nước âm u nhìn đến tối mắt người. Xuôi ngược cùng dòng trôi, đừng bắt người nhạc sĩ phải vút lên những ca từ xa hoa, quí tộc vì muôn đời màu nước chỉ đùn đục phù sa, dáng chảy thì nặng nề, ì ạch giống như dáng đi của người đàn bà mang bầu chờ ngày vượt cạn. Ai đã từng qua sông, rất khó tìm cho mình một sự thăng hoa bay bổng.
Nhưng với tôi, mỗi lần qua sông,tôi coi đó là cơ hội để trải nghiệm về cuộc đời mình.
Đang mãi mê tự truyện trong sự ồn ào nhẹ nhàng của sóng và gió thì chị lên tiếng :
– Em biết tên cúng cơm của con sông này là gì không?
Tôi gật đầu nói:- biết… Ngày xưa tên của nó là Hàm Long ( có nghĩa là hàm con Rồng), nhưng vì sợ phạm húy với vua nên người ta đọc chệch đi thành Hàm Luông cho đến bây giờ.
Nghe tôi nói vậy chị có vẽ buồn và tiếc:
-Ừ thì ngày xưa nó vậy, bây giờ hết vua rồi sao chưa thấy ai lên tiếng trả lại tên cho dòng sông hả em? Hàm Long! chị thích cái tên này, nó vừa mạnh mẽ, nhiều hình tượng, lại mang cốt cách một bậc quân tử.
* *
*
Tháng bảy, trời thường đổ mưa, những cơn mưa tầm tã, dai dẳng làm biến dạng cả một khúc sông Hàm Luông nhuốm màu ảm đạm. Lâu lâu, chị lại dặn anh tài công :-Em nhớ đến xóm Xẻo Đôi thì cho chị hay nhé. Đến lúc này, chị mới kể cho nghe về cuộc đời mình. Cuộc đời của chị cũng giống như bao cuộc đời khác, cũng trãi qua nhiều cung bậc:
Tột cùng khổ đau rồi ngập tràn hạnh phúc.Chị kể:- Quê cha chị ở bên Cù Lao Minh, còn quê mẹ thì lại bên Cù Lao Bảo. Sở dĩ hai ông bà quen được nhau rồi yêu nhau là nhờ có bến đò ngang qua lại ở bến sông làng. Nhưng tình yêu của họ cũng chỉ tầm tầm ở mức hò hẹn gái trai chứ hai bên gia đình chưa có lời đính hôn chính thức. Đến năm Đồng Khởi, cha chị theo ông chú ra rừng kháng chiến. Cũng còn may, ông hoạt động ở vùng này, nên lâu lâu có thời gian vượt sông về thăm mẹ. Kể đến đây, chị như trào nước mắt, rồi tiếp:- Cho đến một đêm, mẹ chị nhớ là đầu mùa mưa năm sáu mốt, trên đường đi công tác, cha ghé vào thăm mẹ, và đêm ấy, họ đã trao thân cho nhau. Và sau cái đêm ngọt ngào nhưng đầy định mệnh đó,mẹ chị đã mang thai rồi sinh chị ra đời. Nhưng cũng từ cái đêm hôm đó,cha chị không còn trở lại với mẹ con chị nữa. Phải mấy năm sau mẹ chị mới biết; đêm
đó sau khi chia tay mẹ, trên đường vượt sông về đơn vị, cha chị đã rơi vào ổ phục kích của địch. Đám lính quyết tâm bắt sống cha chị cho bằng được để khai thác, nên mặc dù ông đã bơi ra một đọan sông rồi mà vẫn có một tay biệt kích bơi theo truy đuổi. Đến gần giữa dòng thì gã ta theo kịp, đôi bên vật lộn nhau trong dòng nước. Cuối cùng, cha chị rút chốt lựu đạn cho nổ và xác cả hai người đều chìm nghỉm trong lòng sông Hàm Luông mờ mịt. Khi biết tin cha đã mất, mẹ chị đau khổ lắm, và mấy năm sau thì bà cũng mắc bệnh qua đời. Từ đó chị trở thành đứa trẻ mồ côi trên cuộc đời này. Lúc thì ở với ngoại, lúc ở với dì, với cậu- mới hơn mười hai tuổi chị đã phải lang thang đầu này, đầu kia kiếm sống.
Cho tới ngày giải phóng, chị vẫn còn mang thân phận của kẻ làm thuê, ở đợ. Ngay cả tên họ của chị, đúng ra phải lấy họ cha là Lê…làm khai sanh, thì cuộc đời cũng chưa cho chị cơ hội chỉnh sửa, phải theo họ mẹ là Nguyễn… và cái tên họ Nguyễn thị Thuý vẫn được chị sử dụng cho đến tận bây giờ.
Giải phóng được vài năm, chị lập gia đình, vợ chồng đều có hòan cảnh giống nhau, nên trong quá trình mưu sinh cũng gặp vô vàn khó nhọc. Mãi mấy năm gần đây, kinh tế gia đình mới khá giả, và nguyện ước bao năm –tìm hài cốt cha về an táng, chị mới bắt tay vào thực hiện . Nhưng quá trình tìm kiếm hài cốt trong lòng sông Hàm Luông mênh mông, cũng giống như người ta đi mò kim dưới biển. Đầu tiên, chị đi tìm những đồng đội cũ của cha để hỏi thăm tin tức, nhưng người biết chuyện thì đã qua đời, người biết sơ sơ thì tuổi già, sức kém, trí nhớ lúc đặng, lúc quên nên thông tin mà chị nắm được chỉ là:- Cha chị chết vào mùa mưa năm đó, trên dòng Hàm Luông… đơn vị không tìm được xác.
Ròng rã nhiều tháng trời tìm kiếm không có kết quả, chồng và các con chị cũng có phần nản chí. Nhưng riêng chị , hình như giữa chị và người đã khuất luôn có một mối liên hệ tư duyên rất linh thiêng về tình ruột thịt. Nhiều đêm, chị mơ thấy như có ai đó từ đáy dòng sông đội nước tìm về gặp chị, tiếng nói của linh hồn nghe ngậm ngùi như tiếng sóng dòng sông khi lúc chiều buông- Trời không phụ người có lòng đâu con. Chính những điều tưởng như thần bí, kỳ quái ấy lại là một động lực rất lớn với chị trong việc kiếm tìm. Đang lúc công việc loay hoay trong bế tắc thì có người mách bảo, ông Sáu ở Xẻo Đôi rất rành cha chị. Người cho tin còn nói:- Trước kia ông là giao liên chuyên đưa người của cách mạng qua sông, cái chết của cha chị ông cũng là người chứng kiến. Nhận được thông tin trên, chị tức tốc lên đường . Trên đường đi, chị chỉ cầu mong ông Sáu còn khỏe mạnh, minh mẫn và cho chị vài thông tin xác đáng . Gặp được ông Sáu, đúng như lời khẩn cầu của chị, ông tuy già yếu nhưng còn rất minh mẫn. Khi nghe chị trình bày ngọn nguồn câu chuyện, ông gật đầu nói rằng còn nhớ. Sau đó ông biểu đứa cháu nội lấy
ghe nhà, chở ông và chị ra khúc sông mà cha chị và gã biệt kích đã quần nhau rồi mất xác. Ông Sáu còn cho hay, sau cái hôm cha chị mất, mấy ngày sau ông và một số anh em có tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy. Theo ông, nếu bây gìơ hài cốt của cha chị vẫn còn thì nó phải trôi theo dòng chảy, hoặc ngược lên theo con nước ít ra cũng vài cây số chứ không thể nằm ở khu vực này. Nghe ông Sáu nói vậy, chị hoang mang lắm, nhất là khi nhìn dòng nước đùn đục phù sa lặng lẽ trôi đi, nhìn những con sóng ì ạch chạy hun hút đến tận mù khơi, trời cao vời vời, sông thăm thẳm sâu…Nghĩ tới đó, chị chỉ còn biết nói vài lời ta thán:- Con biết tìm cha ở đâu bây giờ?!
* *
*
Sau lần gặp ông Sáu, chị bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì tin rằng không còn hy vọng tìm được hài cốt của cha. Tuy nhiên, bất cứ những thông tin có liên qua đến việc tìm hài cốt chị không hề bỏ sót, rồi người này bảo, người kia chỉ… cuối cùng chị tìm đến ông T… một nhà ngoại cảm. Ông T…nói với chị:- Cứ lấy điểm xuất phát từ chổ người đã chết, xuôi theo dòng nước về dưới hạ nguồn khoảng hai cây số, sẽ gặp một cây bần to nằm bên phía Cù lao Bảo, đằng sau cây bần là một đám dừa nước xum suê… xương cốt của người chết đang nằm trong đám dừa nước đó. Nghe ông T.. nói vậy nhưng trong thâm tâm chị không tin, chị cho rằng đó chỉ là chuyện tầm phào, mê tín. Mặc dù nghĩ như vậy, nhưng chị vẫn làm theo lời ông T ..chỉ dẫn. Và kể cũng lạ, khi xuôi theo dòng nước khỏang hơn cây số thì có gặp một cây bần to, đằng sau đó là một đám dừa nước khá lớn.Thì ra ở trên đời này, có những chuyện tưởng như không bao giờ có thì lại hòan tòan có thể xảy ra như câu chuyện vừa nói trên chẳng hạn. Sau khi đã định vị xong địa điểm, được sự giúp đỡ của gia đình ông Sáu và ông chủ đám dừa, chị thuê người đào bới. Hì hục gần hết một
ngày không thấy gì, số người chị thuê bàn ra tính bỏ cuộc, nhưng ông chủ đám dừa động viên- anh em ráng giúp cho chị ấy… còn mấy gốc dừa phía trong đào nốt xem sao. Khi đào gần đến gần gốc cây cuối cùng, bổng có người la lên- Có xương người! Người vừa la giơ lên một mảnh sương sườn bị gãy, mọi người xúm lại mừng rỡ. Riêng chị một cảm xúc rất lạ trong người trào dâng, làm chị như bị thôi miên không thốt được lời nào. Công việc sau đó được tiến hành rất khẩn trương…Nhưng đến đây thì lại có một bất ngờ nằm ngoài sự suy tính – không phải một mà tới hai bộ xương người nằm trộn lẫn vào nhau.
Ông Sáu quả quyết:- Trong hai bộ xương này,một bộ là của cha chị, bộ còn lại chắc chắn là kẻ thù của ông. Xương cốt con người, lại nằm lâu ngày trong bùn trong đất tất cả đều ngã màu xẫm xì, thêm nữa giữa cha chị và kẻ thù của ông đều cùng là người Việt…nên tất cả những người có mặt không ai dám khẳng định đâu là xương cốt của riêng từng người .Trước sự cố trên, mọi người cũng tranh luận dữ lắm, nhưng cuối cùng chị đưa ra quyết định: Bốc cả hai bộ hài cốt, cho vào hai chiếc quan tài nhỏ đem về đất nhà an táng, chứ không mang ra nghĩa trang như dự định ban đầu. Lý giải về quyết định của mình chị nói:
-Thà bị lầm chứ không thể bỏ sót, biết đâu nếu bỏ lại một bộ, mà bộ hài cốt kia lại có hơn phân nửa là của cha mình thì sao? Tội lắm, nghĩa tử là nghĩa tận, người chết thì cũng đã chết rồi… trách nhiệm của người còn sống là phải dành cho họ tất cả những điều tử tế trong điều kiện có thể. Vì vậy, khi đưa hài cốt cha và kẻ thù của ông về đất nhà, chị chôn hai quan tài nằm sát nhau và lập một mộ chung, nhưng phần trên vẫn tạo thành hai mộ phần riêng biệt. Đến lúc lập bia cho mộ cũng không phải đơn giản, có người khuyên đừng lập cứ để trống, có người thì nói, nếu lập bia thì chỉ đề tên cha mình thôi. Cuối cùng chị vẫn quyết định lập bia,nội dung trên bia chị gửi gắm một thông điệp mang đầy sự hòa hợp nhưng cũng rất rạch ròi, sòng phẳng “ Trong hai ngôi mộ này đều có phần xương, cốt của cha tôi! Ông tên…sinh ngày…tháng… ở cù lao Minh, mất ngày…. tại khu vực xóm Xẻo Đôi…trên sông Hàm Luông phía bên bờ cù lao Bảo. Phần dưới tấm bia, chị còn chừa một khoảng trống khá lớn đủ để đề tên họ của một người nữa.
Nghe chị nói vậy, tôi cảm thấy có điều thắc mắc nên hỏi:
-Chị này, nếu có một ngày, người thân của người từng là kẻ thù của cha chị tìm đến, họ xin được bốc cốt và dùng phương pháp ADN để xác định người thân thì chị nghĩ sao?Chị nhìn tôi cười:- Chị có nghĩ tới điều này, nhưng quan điểm của chị thì không đồng nhất với câu hỏi của em. Chị nghĩ, cha chị và người kia , họ chỉ là những người lính bình thường, sinh ra trong thời loạn lạc, mỗi người tự chọn cho mình một lối đi riêng, việc đúng, sai của họ ta hãy để cho lịch sử phán xét. Trên đất nước mình có đến hàng ngàn, hàng vạn người như vậy, họ có phải là vĩ nhân gì đâu mà phải dùng đến ADN, đến khảo cổ học…
Mặc dù đồng tình với suy nghĩ của chị, nhưng tôi vẫn hỏi thêm:
-Nhưng nếu họ vẫn yêu cầu làm như vậy thì sao?
Chị nhìn tôi , đôi mắt hừng hực một niềm kiên quyết:
-Chị sẽ trả lời với họ rằng không! họ có quyền đề tên người thân của mình trên phần bia mộ , còn đào bới lại quá khứ để phân loại sự đau thương thêm một lần nữa là không . Hãy để cho họ được bình yên trong lòng đất .
Thấy chị kiên quyết như vậy, tôi không tiện hỏi nữa, nhưng từ đáy lòng mình, tôi rất trân trọng việc làm của chị. Ròng rã nhiều năm trời đi tìm hài cốt của người cha mà mình chưa bao giờ biết mặt, việc làm này chỉ có người giàu lòng hiếu thảo mới làm nổi. Ngay cả kẻ thù của cha, chị cũng cư xử tử tế, đầy tính nhân văn.
Hàm Luông dòng sông được ví như Bạch Đằng Giang thời đại, hun hút dưới đáy lòng sông ở đó có những gì! Tôi đóan chắc chắn rằng ẩn trong những lớp phù sa mềm nhão còn vô số những linh hồn đang yên nghĩ, trong đó có cả những linh hồn là người ngoại quốc.
Phan Tấn Hà
Một câu chuyện thật cảm động, đầy tính nhân văn, nói lên một thứ tình cảm thiêng liêng của người con hiếu thảo, một thứ tình người cao thượng. Xin được nói lời cảm phục đến người em tên Thúy và xin cảm ơn bạn Phan Tấn Hà như một nhà văn, một bài viết làm cho người đọc là tôi đây phải rơi nước mắt.