Trung Học Chợ Lách

RẰM THÁNG GIÊNG ĐI CHÙA ĐƯỢC ĂN NGON

Ngày đăng: 18/02/2014, 9:32 sáng, ý kiến phản hồi (5)

Có lẽ ở miền Tây, vùng Bảy Núi là nơi tập trung nhiều chùa nhất. Không tính các chùa của người Khmer, theo Phật giáo Nam tông, chùa người Việt lớn nhỏ cũng trên 300 ngôi. Có những kiểng chùa hoành tráng và hết sức lộng lẫy như chùa Huỳnh Đạo, chùa Hang ( chùa Phước Điền ) ở núi Sam, chùa Kim Tiên, tịnh xá Ngọc Mai ở núi Dài năm giếng Nhà Bàng, chùa Bửu Sơn, chùa Vạn Linh trên núi Cấm đến những ngôi chùa nhỏ, nghèo và chật hẹp như chùa Sân Công ở núi Trà Sư ( đối diện chùa Sân Công nầy lại có chùa Sơn Công, tương đối bề thế hơn. Nhưng không biết tại sao tên của hai chùa nhất định phải có chữ Công ? Hay là ngày xửa ngày xưa, trên tảng đá mà hai chùa tọa lạc, chim công thường về múa hát?)

 

     Một tịnh xá ở Sóc Trăng (hình minh họa, tác giả không gửi ảnh chùa)

Rằm tháng giêng, Phật tử nô nức đi chùa. Chùa nhiều quá, mà chùa nào cũng muốn có nhiều Phật tử ghé thăm, đông vui lễ Phật. Cùng là hai kiểng chùa nằm kế bên nhau, chùa người ta nườm nượp, chen chân không lọt, còn chùa mình vắng tanh, coi sao được ?! Nên chùa nào cũng ra sức trang hoàng, quét dọn, làm cho chốn đạo tràng càng tôn nghiêm thanh tịnh. Một tuyệt chiêu nữa mà quý bà Phật tử ruột của từng chùa triển khai là tạo ra cho chùa mình một món ăn ngon không đụng hàng! Riết rồi thành danh. Nhắc tới chùa đó, người ta không còn nhắc đến chánh điện tôn nghiêm thế nào, sư trụ trì đạo hạnh cao sâu ra sao, người ta chỉ còn nhắc tới chùa đó có món gì ngon nhất ?

Thí dụ như nhắc tới chùa Phật nằm ( Đông Lai Thiền Viện ), người ta nhắc tới món bánh xèo. Món bánh xèo nầy ngon tới mức báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh nghe tiếng ( mùi thơm thì đúng hơn chớ hả ? ), cử phóng viên về ghi chép, mình không nhắc nữa, chỉ xin điểm thêm một vài món danh tiếng khác ở một vài chùa khác. Mong bạn ghi vào sổ tay, có dịp nhớ tới.

Buổi sáng ngày đi chùa, bạn không nên điểm tâm. Dành thời gian chăm sóc tâm trí, thân xác mình một chút cho thêm phần …nhẹ nhàng. Dĩ nhiên nếu bạn đi với vợ hay với người yêu, cũng dành một chút quan tâm tới nàng. Ngắm nàng một tí, ghi vội vào lòng một vài tứ thơ chợt đến, rồi mời nàng ra xe. Ở Việt Nam, nếu bạn có xế hộp, mình cũng khuyên bạn nên cất nó ở nhà, xe hai bánh là tiện nhất. Đầu tiên bạn nên trực chỉ chùa Thới Hưng ( bảng tên chùa ghi là Thới Hưng Cổ Tự ), nằm trên dốc núi Két, Nhà Bàng, nhánh đi về Chi Lăng , h. Tri Tôn, An Giang) Đường dẫn vào chùa dốc lên thoai thoải, bạn cứ chạy xe thẳng lên sân chùa, sẽ có người giữ xe cho bạn, dĩ nhiên là miễn phí. Trước chánh điện có tượng hai ông thiện ác, nhìn rất dữ tợn. Nhưng bạn đừng lo, đó chỉ là hai vị hộ pháp. Sau khi lễ Phật, bạn hãy ghé qua trai đường. Tuy còn rất sớm và trai đường rộng lớn, nhưng bạn sẽ khó tìm được chiếc bàn trống. Thôi thì bạn cứ tìm ghế trống mà ngồi. Chen chút nhau, hỏi thăm ít câu với các bạn chung bàn, đôi khi cũng có nhiều điều hay lắm. Bạn đợi một chút, sẽ có Phật tử làm công quả đến hỏi bạn dùng gì? Có nhiều món cho bạn chọn: bún cá, bún nước kèn, gỏi cuốn, cà phê đá, trà đường…Tôi đề nghị bạn dùng tổ hợp: bún cá, gỏi cuốn và cà phê đá. Món bún cá chùa Thới Hưng là…oai trấn võ lâm. Nước lèo rất trong, ngãi bún nêm vừa phải. Tàu hủ loại gì và không biết quý bà làm thế nào mà giống như thịt cá lóc, lại có hương vị của mắm bò – hóc nữa chớ! Thật là tuyệt chiêu.

Ăn sáng xong, bạn có thể ra nằm võng hoặc ngồi trên mấy chiếc ghế đá kê dưới tàng cây vú sữa rậm rạp, mát mẻ của nhà chùa, nghe pháp Phật nhiệm mầu thấm nhuận toàn thân.

Sau đó, chắc hẳn còn sớm và cũng còn no, bạn hãy đi viếng thêm năm, bảy kiểng chùa nữa ( cho đủ mười kiểng như thường nguyện ). Chùa nào cũng có món ngon đãi bạn. Ở tịnh xá Ngọc Thanh có món canh chua. Chùa Long Sơn có các món mắm: mắm kho, mắm chưng đủ thứ. Tịnh xá Ngọc Thọ nỗi tiếng món kiểm và mấy món đặc biệt nữa, phần sau tôi sẽ trở lại. Nhưng tôi khuyên bạn, ở các chùa nầy chỉ vào đảnh lễ Tam bảo và viếng chùa thôi, đừng ăn thêm gì hết. Muốn ăn để các kỳ sau. Bạn hãy để cho bụng hơi đói và số chùa đi đã gần đủ, tầm 12 giờ, 1 giờ, chúng ta ghé chùa Mai Sơn ăn bánh cống.

Từ thị trấn Nhà Bàng, theo Quốc lộ 91 đổ ra cửa khẩu Tịnh Biên, chùa Mai Sơn nằm sâu trong một hương lộ, mé tay phải. Tuy là hương lộ nhưng được tráng nhựa nên đi lại cũng dễ dàng.
Chùa nằm trên một mặt bằng rất rộng, chắc trên 1 ha. Đứng ở ranh chùa ngó ra ngoài, núi đồi thu vào tầm mắt, hết sức sảng khoái. Chùa còn gọn nhỏ, chưa xây dựng lại. Ngày rằm lớn, sân chùa rộng được che mát bằng mấy cây dù to và quây kín bàn ghế, vậy mà vẫn không đủ cho khách thập phương. Kiếm ghế ngồi đã khó vẫn chưa khó bằng sắp hàng xin dĩa bánh. Nói sắp hàng chớ có thành hàng được đâu! Luôn luôn có người xen ngang lấy trước. Thôi kệ, bạn cứ kiên trì một lát, rồi cũng có dĩa bánh trên tay. Bánh cống của chùa cũng ngon như các nơi khác, cũng có hạt đậu xanh, bột gạo nêm nếm cho vừa ăn. Tuyệt chiêu của chùa nằm ở phần nước mắm. Không biết các bà làm thế nào mà y như nước mắm ngon thứ thiệt ( được ủ bằng cá cơm, cá linh…). Bạn chan ít cũng vừa ăn, mà có lỡ tay hơi nhiều một chút, cũng vừa ăn. Hay chưa? 
Nhiều người từng ăn qua, đi ăn kỳ nầy có kinh nghiệm, thủ 2 cái bọc nylon trong túi. Để khi ra về, xin thêm một phần bánh và một bọc nước mắm, còn bún và rau cải, tạt qua chợ mua cũng được!

Giờ thì tà tà bóng đã ngã về tây, người cũng đã lừ đừ ( một bụng ), thế thì dang tay ra về. Nhưng xin các bạn thêm một chút thời gian để tôi kể tiếp hai chuyện ở tịnh xá Ngọc Thọ, mà tôi đã hứa.
Tịnh xá Ngọc Thọ cũng nằm trong một hương lộ của QL 91, khỏi hương lộ chùa Mai Sơn một đổi. Từ ngoài đường đi vào, ta gặp tịnh xá Ngọc Mai, hoành tráng và lộng lẫy trước. Sau mới tới Ngọc Thọ. Ngọc Thọ vang danh với món kiểm nhưng đối với riêng tôi, Ngọc Thọ còn kỳ bí ở chỗ nầy:
1/. Như mọi chùa chiền khác, chùa nào ngoài các món ăn vật chất đãi người đi chùa, cũng có một bàn bày kinh kệ, sách vỡ do Phật tử ấn tống cúng dường. Ai muốn lấy gì thì lấy. Thường cũng chỉ là kinh sách phổ thông có thể tìm thấy ở khắp nơi. Riêng Ngọc Thọ mấy năm nay lại khác. Tôi không biết vị bố tát ẩn danh nào của Ngọc Thọ mà kỳ nào đi chùa tôi cũng gặp được những kỳ thư không tìm được ở đâu hết. Kể ra từng cuốn của nhiều năm thì dài dòng lắm. Chỉ nói năm rồi ở đây, tôi nhận được quyển nói về Vipassara. Không biết nhân duyên gì mà Thiền phái Minh sát , lẫy lừng quốc tế nầy lại tìm ra tôi, ở một nơi khỉ ho cò gáy như thế nầy? Năm nay tôi lại nhận được 3 quyển cực kỳ trân quý. Một là quyển Đại Bi Sám Pháp của đại sư Huệ Nhật, hệ phái Khất sĩ Bấc tông, NXB Tôn giáo, ấn hành năm 2005. Hai là quyển Quy Sơn Cảnh Sách Giảng Giải của Hòa thượng Thích Thanh Từ, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành năm 1993. Quyển thứ 3 mới là quyển chết người: Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư, pháp sư Đạo Chứng giảng, thầy Thích Minh Quang dịch, NXB Tôn Giáo ấn hành năm 2006. Quyển thứ 3 nầy, tôi mới đọc vài mươi trang đầu, xác quyết rằng đây là quyển nói về Tịnh Độ Tông hay nhất mà tôi từng được đọc. Trân trọng giới thiệu với các bạn.

2/. Chuyện thứ 2 cũng ngộ ngộ. Sau khi lễ Phật, tôi đi một vòng quanh chùa ngắm cảnh. Lại gần cái am nhỏ của sư Trụ trì, trên một tảng đá to dựa vào một cây bồ đề lớn. Tôi thấy có mấy cái mùng, giống như mấy cái mùng chụp cho em bé ngủ, nhưng lớn hơn. Nhìn thì tôi biết, đây là mấy cái mùng dành cho quý sư ngồi thiền ban đêm không bị muỗi cắn. Thấy ngộ quá tôi giơ máy ảnh lên chụp. Có một tín nữ, trạc ngoài bốn mươi hỏi tôi, bộ tính chụp làm kiểu hả? Tôi cười cười, nhìn lại ý muốn hỏi. Tín nữ ấy phân trần, mình bây giờ nhiều tạp niệm quá… Tôi nói, thời Thích Ca đâu có. Có một ông râu dài, bới tóc, làm như thông thái lắm chen vào, để muỗi cắn bệnh chết. Thấy tướng ổng đạo cao đức trọng mà sao dễ té quá. Tôi rủ ông trở lại: bịnh hay không là do mình. Ai dè ông đi patin luôn, kéo không nỗi: vậy thì bác sĩ, y sĩ để làm gì. Thôi tôi đành tùy vậy.

Chuyện nầy kể làm chuyện vui kết thúc. Không biết anh Hồng Băng và các bạn nghĩ sao?

Rằm tháng giêng 2014,
       Quách Đào.

H1.                                   Bún cá chùa Thới Hưng
H2.                               Bánh cống chùa Mai Sơn
H3.                         Ba quyển kỳ thư nhận được ỏ tx Ngọc Thọ
H4.                                                       Mùng thiền

 

 

5 bình luận

  1. Trời đất, nghe anh kể mà em mắc… thèm! Thế nào em cũng sẽ ngao du một chuyến đến những nơi anh kể (một ngày gần đây định “giang hồ” một chuyến bằng xe gắn máy về An Giang), hy vọng, có những trải nghiệm mới để viết.

  2. Anh Quách Đào ơi, phục anh quá đi thôi. Kể chuyện ăn chay mà em thèm muốn chết. Có dịp nào trang THCL tổ chức đi du lịch Tịnh Biên anh làm hướng dẫn viên cho nhóm nha. (PC)

  3. Mẹ tôi cũng là một tín đồ đạo Phật rất chăm chỉ đi chùa , riêng bản thân vì không được ở gần nhà nên ít khi được đến chùa lễ bái thường xuyên, hôm nay đọc bài viết của a Quách Đào tự nhiên thấy muốn đi chùa Việt Nam quá , có điều , tôi không hiểu vì sao các món ăn chay trong chùa thương hay được gọi tên thành những món mặn vậy ? ví dụ như Tôm kho tau ? bún mắm ? bún bò huế ? cá cơm kho tiêu nữa chứ ? ai biết làm ơn giải đáp dùm …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

h1
VINH BÌNH HOP MẶT MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO
Ngày 17/11, Hội CGC xã Vĩnh Bình đã tổ chức hop mặt mừng ngày Nhà giáo. Có 30 hội viên các nơi về dự,...
Xem tiếp...
h1
THĂM BẠN GIÀ LÊ HỮU HỒNG
Năm ngoái, ngày 20/11 đi Phú Phụng thăm thầy Lê Hữu Hồng, hiệu trưởng trường PTTH Chợ Lách đã về hưu....
Xem tiếp...
h1b
MỘT MÙA DOLTA BÌNH AN
Tết Sene Dolta năm nay của người Khmer vùng Bảy Núi diễn ra trong 3 ngày, từ 1 đến 3/10/2024, 29/8 đến...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...
h4
VINH BÌNH- NHIỀU HỘI VIÊN CGC NHẬN QUÀ SINH NHẬT
Hội CGC Vĩnh Bình có thông lệ mừng sinh nhật hàng quý vì mỗi quý gặp nhau một lần. Lần này những hội...
h1
VINH BÌNH HOP MẶT MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO
Ngày 17/11, Hội CGC xã Vĩnh Bình đã tổ chức hop mặt mừng ngày Nhà giáo. Có 30 hội viên các nơi về dự,...
h1
THĂM BẠN GIÀ LÊ HỮU HỒNG
Năm ngoái, ngày 20/11 đi Phú Phụng thăm thầy Lê Hữu Hồng, hiệu trưởng trường PTTH Chợ Lách đã về hưu....
images (2)
TIN VUI
Được tin anh Trương Văn Năng, trang trunghoccholach.com sẽ tổ chức lễ vui quy cho ái nữ là Trương Minh...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 3
Lượt truy cập: