Chợ Lách quê tôi ở đầu cù lao Minh của tỉnh Bến Tre, nơi được hai “con rồng” Cổ Chiên và Hàm Luông cuộn mình ôm ấp.
Nếu du khách đến từ trung tâm thành phố Bến Tre thì ngồi xe trên đường tráng nhựa êm ru qua chiếc cầu Hàm Luông mới bắc năm 2010, vượt qua huyện Mỏ Cày Bắc, non non năm mươi cây số là đến trung tâm huyện. Nếu du khách ở các tỉnh miền trong thì qua ngỏ phà Đình Khao của Vĩnh Long lại rất gần vì ngồi xe chưa đầy hai mươi cây số.
Cầu Cái Mơn (xã Vĩnh Thành)
Từ bao đời nay, phù sa các con sông Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Tiền đã bồi đắp để huyện Chợ Lách trở thành xứ sở của trái ngọt cây lành. Hầu hết các xã của Chợ Lách đều trồng cây ăn trái. Bây giờ bà con đã biết làm trái nghịch nên gần như mùa nào du khách đến đây cũng có thể thưởng thức nhiều loại trái cây ngon.
Nếu du khách đến quê tôi vào những ngày hội trái cây ngon và an toàn được tổ chức vào dịp tết Đoan Ngọ mùng Năm tháng Năm âm lịch hàng năm thì tha hồ thưởng thức đủ loại trái cây. Nào lôm chôm, sầu riêng, bòn bon, măng cụt, nhãn, mít, xoài, mận. Hương vị trái cây ở đây thơm ngon khác xa trái cây ở miền Đông cũng nhờ phù sa màu mỡ của ba con sông Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Tiền quanh năm nước ngọt.
Cây giống và hoa kiểng cũng là đặc sản của quê tôi. Huyện đã có trại thực nghiệm cây giống ở Cái Mơn. Nhiều nơi đã được công nhận danh hiệu làng nghề cây giống và hoa kiểng như xã Vĩnh Thành chẳng hạn. Số hộ cấy ghép cây giống và trồng hoa kiểng chuyên nghiệp càng lúc càng nhiều. Đủ chủng loại mới lạ được xuất bán ra khắp cả nước. Nhiều trại hoa kiểng và cây giống nổi tiếng nằm dọc quốc lộ 57, du khách có thể dễ dàng ghé thăm bất cứ lúc nào. Nổi tiếng có vườn kiểng thú của ông Năm Công ở xã Hưng Khánh Trung B, với những con thú, những túp lều, những tòa tháp, những chiếc lục bình… kết bằng cây xanh, cây si cao ngất đã được đưa vào gui-net. Vào mùa xuân, đến thăm các trại hoa kiểng nầy mới thấy như lạc vào vùng “hương sắc”, rực rỡ đủ loại sắc màu và ngào ngạt hương thơm. Nổi bật nhất là những chậu mai vàng chi chít bông và những chậu kiểng tắc dày đặc trái tượng trưng cho một mùa xuân sung mãn. Cũng từ đây hoa kiểng được tỏa khắp nhiều tỉnh, nhất là thành phố Hồ Chí Minh cho mùa xuân thêm rực rỡ.
Đến với hội trái cây ngon và an toàn mùng Năm tháng Năm, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản được chế biến từ hến, ốc gạo, ba ba, tôm càng xanh. Ốc gạo Phú Đa (xã Vĩnh Bình-Chợ Lách) nổi tiếng từ bao đời nay. Đây cũng là nơi ốc gạo được bảo tồn và phát triển. Ngồi trong những gian hàng ẩm thực bên dòng kinh xáng Chợ Lách thưởng thức những món đặc sản, nhâm nhi chút rượu đế rồi nhìn ghe tàu liên tục nối đuôi nhau dưới dòng kinh hoặc xe cộ dập dìu qua chiếc cầu cao nghệu mới thật là thú vị! Từ đây du khách còn có thể xuôi dòng Cổ Chiên, dạo quanh cồn Phú Đa đến khu du lịch sinh thái Phú Bình đang mở hoặc ghé những quán nhỏ ven sông trong vườn cây rậm rạp nhâm nhi, trò chuyện với các cô thôn nữ chiêu đãi thì tuyệt.
Chợ Lách là nơi nuôi khá nhiều cá da trơn và gà nòi nổi tiếng. Du khách sẽ được toại nguyện với ý định chọn cho mình ít chú gà chọi giống tốt.
Chợ Lách còn là xứ đạo. Hơn 60% dân chúng theo Công giáo. Những mái nhà thờ cổ kính đồ sộ ở họ đạo Cái Nhum (Long Thới) được xây dựng từ năm 1731 và ở Cái Mơn (Vĩnh Thành) được cất từ năm 1872, chiều chiều buông những tiếng chuông ngân vang cả một vùng làm cho xứ đạo nơi đây thêm thơ mộng yên bình.
Nguyễn An Cư
Hội viên hội Nhà báo Bến Tre
Doc bai nay tac gia lam toi nho CHO LACH qua….Neu si co ve Cho Lach…qua cau Cai Ga….que toi do….Nho lam sao…