“Con sáo sang sông, con sáo đậu không về”
Không biết trong câu ca trên đây còn có ẩn ý cao xa gì trong đó. Chớ nếu chỉ nói về con chim có thân hình vừa phải, chiếc mỏ xinh xắn bằng trái ớt kiểng vàng tươi, bộ lông đen tuyền, khi bay mới lộ ra hai chấm lông trắng tròn vo ẩn bên trong cánh. Thì tôi tin rằng nó chỉ bay sang bên kia sông chơi một lát rồi sẽ bay trở về chỗ cũ.
Ở một nơi có sáu tháng lạnh, sáu tháng nóng nầy. Vì nhu cầu công việc, vì muốn chỗ ở tốt hơn, nên chúng tôi phải thay đổi cư trú thường xuyên. Dư chấn của nó là cảnh dọn nhà nhiều khi kéo dài cả tuần lễ. Dĩ nhiên cũng có đôi chút đau lòng phải chia tay những món đồ chưa đến nỗi cho là đồng nát, nhưng dù sao cũng mến tay mến chân tự bấy lâu nay.
Căn nhà chúng tôi đang trả lại cho chủ thuộc loại nhà gạch hai tầng có ba phòng ngủ, bề dài căn nhà gần ba lần bề ngang, vì không có cửa sổ phía hông nên cảm thấy nó sâu hun hút. Đứng chen vai sát cánh trong dãy phố 18 căn, có tuổi đời đúng lý tôi phải kêu bằng chú lớn. Từ cửa trước, chỉ vài bước là qua khỏi vuông sân có cái hàng rào thấp lè tè cho có lệ, là đụng ngay lối đi bộ công cộng bằng bê tông thẳng tấp. Lối đi nầy bề ngang đủ cho hai người ốm ốm ngược chiều không cần phải né. Nó đang chạy song song và phân cách với cái gờ bê tông thềm lộ bằng thảm cỏ bề ngang chừng hai feet. Theo sự ước định bất thành văn kể từ khi có những chiếc xe hơi đầu tiên bắt đầu lăn bánh trên đường lộ khiến cho những chú ngựa đang kéo xe phải hoảng hồn cất cao hai vó trước, thì xe của nhà nào chỉ nên đậu vừa vặn trên mặt lộ đối diện nhà mình. Cũng chỉ vì là lệ làng nên ít người chịu khó tuân theo, bởi vậy nhiều khi đi đâu về, thấy trước nhà có xe ai để chình ình, lại phải chạy tìm một chỗ trống nào đó để đậu vớt xe vô. Sau đó thì vô trong nhà ngó ra miết, khi nào nghe tiếng xe đề máy, xem có phải là tay đang lấn đất nhà mình định bỏ đi, thì phải lẹ làng dẵn con trâu già về cột đúng chuồng ta cho phải phép.
Mặt sau của dãy bên nầy ngó thẳng mặt sau dãy bên kia, chạy dọc ngay giữa có con đường xài chung tráng nhựa sơ sài dành cho xe lấy rác hay xe sửa điện nước. Mỗi nhà của hai dãy có một chỗ đậu xe ở sân sau, cũng dùng con đường nầy, rồi quẹo vào chỗ riêng của mình, đầu xe gần đụng tới cửa sau. Không hẳn nhà nào cũng lấy sân sau làm chỗ đậu xe như vậy, có người biến nó thành vườn cây nho nhỏ, có người kê bàn ghế để lâu lâu nướng barbecue ăn uống trong những ngày hè, có người để trống lõng không làm gì hết.
Những ngày đầu mới dọn về đây, tôi để ý một cây dại thân ốm quẳn queo, tàn lá lưa thưa vừa cao khỏi đầu, gốc mọc chen trong kẻ xi măng gần sát chân tường nhà, phần thân và nhánh cố nhoài mình hướng ra khoảng trống. Giữa không gian gạch đá xi măng nắng hè nóng bỏng mà có một bóng cây xanh cũng tốt , nên tôi đập vỡ lớp bê tông chung quanh gốc cây để cho nước dễ dàng ngấm sâu bên dưới. Nhờ vậy mà chỉ năm sau nó lớn nhanh như thổi, quả thiệt là nắng hạn chờ mưa. Tàn cây rậm mát rủ rê chim chóc đến đậu nghĩ trú nắng cũng nhiều. Cứ vài ngày chúng đến chơi nói chuyện líu lo như vậy, bổng nhiên một bữa cả bầy nổi hứng cùng nhau ở lại qua đêm, sáng hôm sau để lại hàng trăm bông vôi lốm đốm trên nửa phần trước thân xe.
Từ ngày có cặp vợ chồng son Cu đất dọn về cây nầy xây tổ, bầy chim loi nhoi kia không còn bén mảng tới đây. Tụi tui mừng lắm nhưng dấu đám con, vì sợ chúng tò mò thì cặp kia bỏ ổ. Tới chừng thấy tụi nó túm tụm rình mò ở 2 cửa sổ phòng ngủ cuối trên lầu. Tụi nó nói biết ngay từ những ngày cặp chim nầy tha rác.
Lúc tôi khoảng chừng 10 tuổi, người ốm yếu nhỏ con mà cái mặt vác hất ngó trời mây. Những cọng cỏ rác sút lào thào trên đầu tường dưới kẹt mái nhà, tôi đều tìm tòi xem cái gì trong đó. Chỉ có những ổ sẻ trong lổ bộng ngang của những cây cột điện xi măng từ Cầu Lầu dài vô Văn Thánh là thoát được tay tôi. Bởi vậy nên tôi sợ đám con tôi hưởng di truyền cái tật nầy của tôi hồi nhỏ. Tôi căn dặn chúng nó chỉ được phép dòm thôi.
Bà xã biết rành bao lâu thì trứng gà ấp nở, nên áp dụng cái kinh nghiệm quê mùa đó cho hai trứng chim cu. Tuy ghi lên lịch chờ nhưng vài bữa tôi cũng lên chỗ cửa sổ trên lầu ngó xuống một lần. Lúc con chim trống hét hò đánh đuổi những chú sẽ vô tình lạc vào không phận, thì chúng tôi vui vẻ đón chào hai chú chim con mới đến với hành tinh xanh.
Một bữa, lúc đang nấu cơm bà xả tôi thấy cặp vợ chồng láng giềng đang lượn vòng vòng rà sát sân đậu xe. Bả không biết chuyện gì tới khi thấy con chim non đang bò lết, cố chớp đôi cánh lông tơ trên sân xi măng nóng. Tôi đang ở chỗ làm mà nghe tiếng hốt hoảng trong điện thoại tưởng nhà mình đang bị cháy. Tôi nói bả lượm chú chim bỏ vào hộp giày đem vô nhà, tôi về ngay bắt thang trả lên ổ nó. Trên đường về tôi chợt nhớ ông bà xưa có nói, đừng rờ tay vào chim non mới nở, cha mẹ nó đánh hơi tưởng đứa lạ nên cắn mổ chết tươi. Tôi ghé tiệm bán thú nuôi kiểng mua một chiếc lồng chim, từ đó gia đình tôi có một chú chim cu thật đẹp một cách tình cờ và hữu duyên như vậy. Chúng tôi đặt tên Sunny cho chú, kỹ niệm một ngày hè rực nắng. Ban đêm thì chú nhỏ nầy ngủ tầng hầm, sáng ra lúc đi làm tôi đem lồng ra máng vào nhánh cây nơi tổ cũ. Vào mùa đông, chú chỉ được tắm nắng vài tiếng nắng chiều bên trong cửa sổ bếp. Ban đầu thì chúng tôi định nuôi cấp cứu một năm cho cứng cáp rồi thả chú về với thiên nhiên. Nhưng đã hai năm rồi mà vẫn không nỡ chia tay.
Chỗ nhà sắp đến không có tầng hầm biệt lập nên chúng tôi đành phải chia tay chú chim dễ thương vì gia đình có người bị dị ứng, không thể sống chung với chim chóc hoặc chó mèo. Bà xã tôi ăn dặn, lâu lâu nhớ chạy vòng qua phía sau nhà cũ, coi chú chim cu có lai vãng về đó hay không.
Đến chỗ mới được tuần lễ chúng tôi mở tiệc chào sân, quây quần nướng barbecue ăn uống ở vườn sau để giới thiệu địa chỉ cho bạn bè thân thuộc và chào hỏi láng giềng cố cựu chung quanh. Khách khứa trầm trồ một chú chim cu hoang dã, màu lông cườm tuyệt đẹp, dạn dĩ đậu trên cành cây Dogwood gáy cù cú cu lảnh lót. Mấy nhỏ chạy vô nhà kêu
chúng tôi ra nhìn coi phải Sunny của mình. Bà xã tôi mếu máo khi nhìn cái vòng dây nylon đỏ buôc lõng ở cổ chân khi tung Sunny lên trời cao hồi bên nhà cũ. Bằng cách nào mà Sunny tìm lại chúng tôi trong khoảng cách 5 km đường chim bay. Sunny bay sà sà trên đầu chúng tôi như định đáp xuống, khách khứa thấy lạ kéo tới xem như gánh xiếc. Sunny trở lên đậu trên nhánh cao hơn, đôi mắt tròn xoe như hai hạt tiêu màu hổ phách cứ nhìn tụi tôi như muốn nói điều gì. Chúng tôi không thể bỏ khách khứa để tiếp chú nhỏ thân quen, vẫy tay với Sunny và kêu chú đậu ở đó chờ nhe.
Hôm sau bà xã tôi chạy mua bịt hạt thức ăn mà Sunny từng ăn trong suốt hai năm. Hằng ngày chúng tôi thi nhau rãi hạt dưới tán cây Dogwood, hy vọng Sunny thấy vắng vẻ mà về đây ở trong khu vườn rộng rãi, không như từng kham khổ chật hẹp trong lồng kẻm và dưới khung trời nhỏ xíu ở sân đậu xe trong thời niên thiếu.
Đám sáo bông đánh hơi ngủ cốc, ngày nào cũng kéo đến từng đàn lượm sạch thức ăn dành riêng cho chú nhỏ Sunny. Còn riêng chú ta thì vẫn biền biệt bóng chim tăm cá.
Từ ngày có đàn sáo bông, khách mời ngoài dự tính, khu vườn sau của chúng tôi cũng có chút vui vui. Khi mặt trời vừa mọc là chúng kéo nhau đến léc chéc vang rân, có ngày chúng tới thăm mấy bận. Khu chúng tôi nhà lưa thưa, vườn cây rộng lớn nên có số mèo lạc chủ sống hoang vu. Chúng tôi hỏi thăm chỗ bán thú nuôi cách chống lại đám mèo không cho xâm nhập vào vườn rình mò đám sáo bông. Ông chủ tiệm chỉ con chó sành lông trắng bông nâu đang ngồi chống tó, lớn y như chó thật. Chúng tôi mang nó về cho ngồi giữ cửa rào phía sau, nơi mấy chú mèo hay lẻn chen vào.
Mấy đứa con khoe rằng tụi nó phát hiện ổ chim sáo trên cây plum già đang ra trái. Thế là cảnh tượng thăm viếng ổ chim diễn ra y như mùa hè mấy năm trước. Mùa trái plum năm đó chúng tôi phải bỏ kỳ xịt thuốc ngừa bọ xít.
Chúng tôi có được niềm vui, hàng năm có vài cặp sáo bông đến nương tựa với mình. Mùa xuân lại về, những bãi cỏ héo úa và những cành cây trơ xương hôm nào đang xanh thẩm. Lại có việc để giúp đàn sáo phương nam, tôi xịt sơn màu lông đen tuyền cho con chó sành, nổi lên bộ răng trắng nhởn, chấm hai nốt đỏ rực như lửa trên đôi mắt. Mong sao những chú mèo hoang có ý mon men thèm thuồng đám sáo, nghĩ rắng , thằng Mực nầy coi bộ dữ tợn hơn thằng Đốm hồi năm ngoái.
Nguyễn Thế Điển