Ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm, như những chùa Bà khác của người Hoa ở khắp nơi, chùa Bà Tứk Hẹ, tên chánh thức là Thiên Hậu Thánh Cung, nằm đối diện núi Bà Đội Om ở xã Tân Lợi, Tịnh Biên, An Giang làm lễ vía bà.
Sao lại gọi là chùa Bà Tứk Hẹ? Thiệt ra, người dân muốn nói là chùa Bà Nước Hẹ. Nhưng vùng này là vùng của người dân tộc Khmer, họ dịch tiếng Việt “nước Hẹ” thành “Tứk Hẹ”, lâu ngày quen miệng chết danh.
Tất cả bang hội bà con người Hoa đều có tín ngưỡng thờ bà Thiên Hậu, không riêng gì người Hẹ. Nhưng ở đây, người lập ra ngôi miếu này là người Hẹ nên người Việt, người Khmer gọi luôn là chùa Bà Nước Hẹ.
Người Hẹ, Khách Gia, hay Hakka, 客家; bính âm: kèjiā; nghĩa đen là “nhà khách”, là một tộc người Hán có tổ tiên được cho là gốc gác ở khu vực các tỉnh Hà Nam và Sơn Tây ở miền bắc Trung Quốc cách đây 2700 năm. Họ đã di cư xuống phía nam vì bất ổn, loạn lạc và sự xâm lấn ngoại bang từ thời nhà Tấn (265-420).
Hiện nay, người Khách Gia tập trung ở các vùng miền Nam Trung Quốc như tỉnh Quảng Đông, tây Phúc Kiến, Giang Tây, nam Hồ Nam, Quảng Tây, nam Quý Châu, đông nam Tứ Xuyên, các đảo Hải Nam và Đài Loan.
Ở Việt Nam, người Khách Gia không rõ vì sao mà có tên gọi “người Hẹ”. Có thể là những người đầu tiên đến cư trú ở Việt Nam, trong khi tiếp xúc với người bản địa, do cách giải thích không rõ ràng về nguồn gốc (không rành tiếng Việt) hoặc do người Việt nghe không hiểu và không rõ, đã lấy nguồn gốc hình thành từ thời nhà Hạ biến âm thành “Hẹ” (giống như “Xa” biến thành “Xe”, “Trà” biến thành “Chè”, mùa “Hạ” biến thành mùa “Hè”…). Cũng có thể là do cách phát âm chữ “Khách”, trong “Khách Gia”, đọc theo giọng Quảng Đông và Hẹ đều là Hak (âm tiếng Việt đọc là Hat, giọng ngang không dấu) đã biến thành “Hẹ” (giống như người Triều Châu bị biến thành “Tiều”).
Ban đầu nhà Nguyễn ban hành qui chế thành lập các Bang Hoa Kiều, người Hoa sinh sống ở Việt Nam có tất cả là 7 bang: Quảng Đông, Khách Gia, Triều Châu, Phước Kiến, Phước Châu, Hải Nam và Quỳnh Châu. Trụ sở của 7 Bang (giống như Văn phòng Đại diện) thường được gọi là “Thất Phủ công sở” hoặc “Thất Phủ hội quán”.
Sau khi thực dân Pháp chiếm và ổn định Nam kỳ, tháng 1 năm 1885, họ ra lệnh sáp nhập Bang Phước Châu vào trong Bang Phước Kiến; sáp nhập Bang Quỳnh Châu vào trong Bang Hải Nam. Vì vậy mà từ đó về sau, chúng ta chỉ còn nghe nói đến 5 Bang mà thôi.
Có nhiều truyền thuyết về Bà Thiên Hậu. Bà có tên là Lâm Mật Nương, sinh vào ngày 23/3 âm lịch, khoảng năm Công nguyên 960, có dị bản cho rằng Bà tên là Mi Châu, vì vậy mới gọi là Mã Châu.
Bà là người phát hiện ra loại rong biển nấu ra thạch làm thức ăn và tìm ra dầu ăn được ép từ một loại cây họ mè, giúp dân nghèo vượt qua những trận đói kéo dài. Từ năm 6 tuổi, Bà đã thông thạo Kinh Thư, Kinh Thi, giỏi y lý, biết bốc thuốc chữa bệnh miễn phí. Lớn lên ở vùng biển nên Bà tinh thông khí tượng, thiên văn, thủy triều vì thế các tàu cá, thương thuyền trước khi ra khơi thường tham khảo ý kiến của Bà. Vào ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch năm 988, Bà không bệnh tật mà tự nhiên qua đời.
Người dân ở Phúc Kiến tôn Bà là Thần Biển, nên di cư đến đâu đều lập đền thờ đến đó. Vì thế, nơi nào có nhiều cư dân người Hoa Phúc Kiến sinh sống thường xuất hiện đền, miếu thờ Bà Thiên Hậu. Tương truyền, sau khi Bà thăng thiên, nhiều ngư dân vẫn thấy Bà bay lượn trên biển cả, cứu giúp người bị nạn. Bà được dân gian suy tôn là Thiên Hậu Thánh Mẫu, và nơi thờ tự gọi là Thiên Hậu Thánh Cung.
—-
Tài thần Lão lão
Quan thánh Đế quân
Bên trong chùa có lối kiến trúc theo thế Thiên tỉnh, giếng trời giữa chánh điện. Trước bàn thờ chánh điện là bàn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Bên trái bàn thờ bà là bàn thờ Quan Thánh Đế Quân, bên phải thờ Tài Thần Lão Lão. Trên bàn thờ bà có 3 tượng Thánh Mẫu, nhưng chỉ biết được có 2 tên là Thiên Hậu Thánh Mẫu và Kim Hoa Thánh Mẫu.
Sân chùa rộng mênh mông. Có tượng Di Lặc ngó ra núi Bà Đội. Tượng bồ tát Quán Âm đứng bên một hồ lớn.
Tiếp xúc với ông Lương Ngọc Nhơn, hiện là trưởng ban Quản Trị chùa. Ông cho biết, bà tổ tộc của ông xây dựng chùa từ năm 1899 bằng tre lá đơn sơ để tạ ơn Thánh Mẫu đã phù hộ cho bà và gia tộc qua những tháng ngày lênh đênh trên biển cả và cuối cùng được an cư lạc nghiệp ở xứ này. Năm 1945, chùa bị hỏa hoạn. Năm 1957, thời cuộc tương đối yên ả nên bà con trong họ chung tay dựng lại ngôi miếu khang trang cho đến bây giờ.
Tôi cũng hỏi ông về món ăn nổi tiếng của chùa mà ai cũng khen ngợi, luôn được nấu để chiêu đãi khách thập phương nhơn dịp này. Đó là món hầm sối. Ông Nhơn cười nói, ngày xưa vùng này hoang vắng, chợ búa không phải dễ dàng, nên bà tổ của ông chế ra cách nấu món này để ăn được dài lâu. Nó gồm thịt heo ướp với dưa cải, tương hột…, phối hợp tương thích tạo ra một món ăn là lạ và ngon miệng. Ông vui vẻ và rất nhiệt tình mời tôi ăn cơm một lần với chùa cho biết.
Bài viết đã dài mà còn hai chuyện nữa, không kể cho các bạn nghe là thiếu sót.
Một là phần biểu diễn của đội nhạc Tiều từ Tân Châu qua cúng chùa. Với một cái trống lớn và mười mấy cái phèn la, các nhạc công trong trang phục người Tiều, làm rộn rã cả một góc trời núi Cấm.
Hai là trong chánh điện khói hương mù mịt, bá tánh thập phương chen nhau ngồi lắc ống xin xăm. Tiếng xăm kêu liên tục không dừng. Nghe nói xăm bà cho linh ứng lắm.
Hôm nào có dịp du sơn Bảy Núi, các bạn nhớ dành thời gian ghé lại đây, thưởng ngoạn một vùng danh lam rồi xin một cây xăm nha. Biết đâu thời thế!
20/04/2025
Đào Dũng Tiến
tác giả Đào Dũng Tiến và Lương Ngoc Nhơn (ban quản lý chùa)
Riêng đối với Bang Khách Gia ở Việt Nam thì không chỉ có người Hẹ. Theo lệnh của Thực dân Pháp, những người Trung Quốc sinh sống ở Việt Nam nhưng có nguyên quán (Tổ tịch) không thuộc 4 Bang kia, tất cả đều phải chịu sự quản lý của Bang Khách Gia. Vì vậy mà trong Bang Khách Gia Việt Nam có những người gốc Giang Tô, Thượng Hải, Chiết Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam…
Rất nhiều danh nhân châu Á là người Hẹ. Vào những năm 1980-1990, ba đất nước tại châu Á có đồng thời ba lãnh tụ hàng đầu là người Khách Gia: Đặng Tiểu Bình của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Lý Đăng Huy của Trung Hoa Dân Quốc và Lý Quang Diệu của Singapore. Một số người Khách Gia khác vang danh thế giới:
. Ba chị em họ Tống
Tống Ái Linh (1890-1973; Thượng Hải), vợ Khổng Tường Hy
Tống Khánh Linh (1893-1981; Côn Sơn, Giang Tô), vợ Tôn Dật Tiên
Tống Mỹ Linh (1898-2003; Văn Xương, Hải Nam), vợ Tưởng Giới Thạch
. Ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa:
– Trương Quốc Đào (1897-1979; Bình Hương, Giang Tây), thành viên sáng lập, từng là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc
– Chu Đức (1896-1976; Nghi Lũng, Tứ Xuyên), Tổng tư lệnh, một trong những người sáng lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
– Hồ Diệu Bang (1915-89; Hồ Nam), cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc
– Diệp Kiếm Anh (1897-1986; Mai huyện, Quảng Đông), Nguyên soái Trung Quốc
– Tăng Khánh Hồng (1939-, Cát An, Giang Tây), cựu Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
– Đặng Tiểu Bình (1904-1997; Quảng An, Tứ Xuyên), cố lãnh đạo tối cao của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa
– Quách Thanh Côn, bộ trưởng bộ Công An Trung Quốc
– Hà Lập Phong (Hưng Ninh, Quảng Đông; sinh tại Vĩnh Định, Phúc Kiến), phó thủ tướng
. Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)
- Lý Đăng Huy (1923-; huyện Vĩnh Định, Phúc Kiến; sinh tại Đài Loan), cựu Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc
- Trần Thủy Biển (1950-; huyện Triều An, Phúc Kiến; sinh tại Đài Loan), cựu kim Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc
- Diệp Cúc Lan (1949-; sinh tại Đài Loan), đương kim Phó Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc
- Thái Anh Văn (1956-; huyện Bình Đông, Đài Loan), tổng thống Trung Hoa Dân Quốc nhiệm kì 2016-2020
Hải ngoại:
– Lý Quang Diệu (1923-; Đại Bộ, Quảng Đông; sinh tại Singapore), sáng lập gia và lãnh tụ của Singapore hiện đại
– Lý Hiển Long (1952-, Đại Bộ, Quảng Đông; sinh tại Singapore), đương kim Thủ tướng Singapore
– Thaksin Shinawatra (丘達新), cựu Thủ tướng Thái Lan (sinh tại Thái Lan).
– Abhisit Vejjajiva, cựu Thủ tướng Thái Lan sinh tại Newcastle (Anh), ông là người Khách Gia đến Thái Lan từ Việt Nam, tên họ trong tiếng Việt là Viên.
– Yingluck Shinawatra, em gái của Thaksin Shinawatra. Bà không chỉ là một doanh nhân nổi tiếng mà còn là vị nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Theo giới truyền thông Trung Quốc, tổ tiên của bà Yingluck Shinawatra phát tích từ huyện Phong Thuận thành phố Mai Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
. Văn sĩ:
– Quách Mạt Nhược (1892-1978; Lạc Sơn, Tứ Xuyên), văn sĩ Trung Hoa nổi tiếng, từng là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
– Hàn Tố Âm (1917-; Tín Dương, Hà Nam), tác giả đương đại của Trung Hoa
– La Hương Lâm (Hưng Ninh, Quảng Đông), một trong những học giả lớn nhất về văn hóa và ngôn ngữ Khách Gia
. Nghệ sĩ giải trí
– Châu Nhuận Phát (1955-; Bảo An, Quảng Đông; sinh tại Hồng Kông), diễn viên Hồng Kông và Hollywood
– Chung Sở Hồng, diễn viên
Đặc biệt Naomi Campbell siêu mẫu ,diễn viên Vương Quốc Anh cũng gốc người Hẹ.