Sáng nay tôi ra chợ, gặp lại dì bán cá hấp Phan Thiết thường ngày tôi vẫn mua. Dì từ Phan Thiết vô ở nhà trọ và bán cá mỗi ngày ở chợ. Gặp dì tôi mừng lắm nhưng chưa kịp chào thì dì đã gọi tôi lại. Tôi nghĩ dì mời tôi mua cá nên vội nói:
– Dì ơi con còn cá ở nhà khi nào hết con mua nhé
Dì nói: – Không, không phải dì nhờ mua mà gọi để mừng cho con và dì được bình an. Gặp lại nhau vui quá! Mọi người đã không sao.
Tôi nghe dì nói mà xúc động trong lòng. Đó là tình người, tôi và dì, và rất nhiều người đã may mắn trong cơn dịch bệnh cho đến giờ phút này. Nhưng đã có hơn 20 ngàn người- con số có thể cao hơn nữa- không được may mắn như vậy. Họ đã ra đi mãi mãi trong đau đớn. Đau đớn về thể xác , đau đớn về tinh thần, khi giây phút cuối cùng của cuộc đời không có người thân nào bên cạnh. Không có một đám tang, không đươc nhận nghi thức cuối cùng của tôn giáo
Qua cơn đại dịch, chúng ta mới thấy “tình người” ấm áp và sâu sắc như thế nào?! Những bác sỹ, y tá họ đã cố gắng hết sức, ngày đêm, họ kiệt sức… và họ đã rơi nước mắt nhìn bệnh nhân của mình ra đi trong đau đớn mà không thể cứu sống. Những người dân đã bỏ của , bỏ công tìm nguồn lương thực để mang đến cho người nghèo. Có nhiều người trong họ đã nhiễm bệnh và ra đi mãi mãi. Những tu sỹ đến giúp các bệnh viện và cũng đã nằm xuống nơi đó. Những người tự tìm mua bình Oxy mà mang đến tận nhà miễn phí cho người bệnh. Xóm làng thì ai có gì cũng chia sẻ cho nhau. Người nông dân ở các tỉnh bán rẻ hoặc cho không nông sản của mình làm ra để chia sẻ phần nào khó khăn với thành phố. Những người hai bên đường trao tiền, xăng, thức ăn… cho đoàn người trở về quê. Ai có bài thuốc nào hay, ai tự chữa tại nhà hết bệnh cũng phổ biến cho mọi người biết. Tình người ở khắp mọi nơi. Nói sao cho hết những tấm lòng nhân ái của con người.
Xã hội hôm nay vẫn có nhiều người ác, vô cảm, họ nghĩ về quyền lợi của họ mặc kệ nỗi đau và mất mát của người khác. Nhưng bên cạnh đó, qua cơn địa dịch này, chúng ta vẫn tin được một điều :TÌNH NGƯỜI vẫn còn đó và luộn hiện hữu chung quanh ta.
KIM DUNG