Ấn tượng đầu tiên gây chú ý cho khách phương xa với Nhà Thờ Cái Nhum là hai cây me cổ thụ trước cửa. Tôi không biết Cây me và Nhà Thờ có cùng lúc hay sao mà cây lớn vòng tay hai người ôm không giáp. Bước vào trong Nhà Thờ trò chuyện với vị tu sĩ ở đây thì mới biết tên gọi đúng là Tu Viện dòng Kito Vua.
Tu viện lúc này đang lễ chiều, có chừng mươi con chiên của Chúa trong thánh đường, hầu như toàn là các thầy dòng trong Tu Viện. Theo thói quen, tôi chụp vài tấm ảnh lưu niệm. Một người tuổi trung niên mặt vuông chữ điền bước ra hỏi tôi có cần giúp gì không ? Tôi nói chỉ muốn ghé vào đây một chút thôi, không cần gì cả. Trò chuyện với vị này một lúc thì đoán rằng, đây cũng một trong những thầy dòng trong Tu Viện bởi phong cách tự tin và nhả nhặn của một người đang hành đạo.
Ông mời tôi vào tham quan Tu Viện, nhưng tôi chỉ rảo vòng ngoài, hẹn lần sau sẽ ghé vì hiện tại bên trong giáo đường đang có lễ. Từ chối lời mời nhưng tôi thấy tiếc và dặn lòng sẽ ghé lại nơi đây lần nữa bởi lời mời chân tình của ông.
Tu Viện trong mùa Giáng Sinh trang trí đơn sơ bằng hai vòng lá thông bằng nhựa nhỏ xíu ở hai bên cột giáo đường. Vị tu sĩ giải thích, đây là tu viện nên không bài trí như ngoài đời, lúc này tôi mới nhận ra Tu Viện không có hang đá. Trên vách tường chỉ còn giữ lại tấm tranh, tôi đọc được dòng chữ trên đó: ” Cha Gernot Quý/ Đấng Sáng Lập I Dòng Ki Tô Vua /Thánh Lễ Bế Mạc- Năm Thánh 150 năm”
Tu Viện Dòng Ki Tô Vua nhỏ gọn, duyên dáng, hài hoà dưới bầu trời rộng mênh mông được dựng từ thế kỷ thứ 18. Đây là Tu Viện Ki Tô Vua lớn nhất cả nước ( theo nghĩa bóng). Tiếng kinh cầu nhẹ nhàng vang vang trong khoảng không rộng lớn như vọng từ nơi xa vang lại. Lời thầy đang giảng mà như trò chuyện với ai trong đó vì không có sự hổ trợ của thiết bị âm thanh nhưng nghe rất rỏ. Tôi dừng lại vài giây rồi quay bước trở ra vì sợ làm kinh động không khí trang nghiêm buổi lễ.
Sân nhà thờ ngập nắng vàng, chiều đang xuống, tôi chụp vội mấy tấm hình Lăng mộ Đô đốc Thống Chế Nicolas Trần Công Lại, ông là một võ tướng thời vua Gia Long người Thanh Hóa di cư vào Nam sống ở Vĩnh Bình, ngày xưa nơi đây còn thuộc Vĩnh Long. Khi còn sống, Trần Công Lại từng làm cai đội dưới trướng Châu Văn Tiếp và được giao giữ đồn Giác Ngư bên bờ sông Saigon. Ông lập nhiều công trạng trước khi được phong Đô Đốc Chế dưới quyền của Tả quân Lê Văn Duyệt. Năm 1822, Vua Minh Mạng phái ông làm Vệ Úy ở trấn Vĩnh Thanh (gồm An Giang và Vĩnh Long) Ông mất năm 1824, mộ ông được xây theo kiến trúc Đông Tây pha trộn Phật và Thiên Chúa Giáo bởi những hoa văn và vòm che giống trong đền chùa nhưng trên bia mộ khắc thánh giá nổi. Mộ ông lớn nhất trong bên cạnh mộ vợ và các con. Quần thể khu mộ rộng chừng 50m2 nằm trong sân Tu Viện, nhà ông đã hiến đất cho tu viện xây nhà dòng. Tôi đứng ngắm cả khu mộ trong nắng chiều, có chút óng ánh vàng lung linh trong lớp rong rêu đã ngã màu đen buồn bả. Không có chỗ để cắm nhang, không có bình để đặt hoa, mộ cổ là như vậy phải không, tôi tự hỏi.
Bài và ảnh NGUYỄN KIỀU PHƯƠNG
h3 tác giả trước nhà thờ Kito Vua
h4
h5
h6
h7
h8