Trung Học Chợ Lách

GIÁNG CHÂU - MĂNG CỤT

Ngày đăng: 20/07/2017, 2:55 chiều, ý kiến phản hồi (0)

Thiếu Lang Nguyễn Thanh Nguyên,  người ở thị trấn Chợ Lách, vừa gửi trang nhà một bài nghiên cứu về cây măng cụt nhằm để nhớ Chợ Lách năm xưa…(LM)

cayy   Cây măng cụt, trong tự điển Đào Duy Anh, (NXB Tân Việt, Paris 1936) còn có tên Giáng Châu. Theo tôi, khi “nhìn tận mắt, bắt tận tay, nhai tận miệng”, thứ trái hương vị tuyệt vời kia, tên Giáng Châu, rất thích hợp cho loại đại mộc vùng nhiệt đới nầy:   Tên cây: Măng Cụt, Măng, Mangoustanier (pháp) – Mangosteen (anh).    Tên thực vật: Garcinia Mangostana.  Họ: Clusiaceae (Guttiferae). Thân cao đến 20m, nhựa cây (mủ) vàng đục, nhánh mọc đối, tán tròn, hình tháp, lá dày, hình thuẩn, cứng, mọc đối, không lông, mặt dưới xanh lợt. Trổ hoa vào khoảng tháng 2 đến tháng 5. Kết trái từ tháng 5 đến tháng 8. Măng cụt có hoa tạp phái, thường là cái (femelle) và lưỡng phái (hermaphrodite, bisexué), có 4 lá đài. Tràng hoa 4cánh, trắng viền đỏ, nhụy cái to có nhiều nướm (stigmate).

Trái lúc non, vỏ màu xanh, mủ trắng đục, chuyển sang vàng ngà, và khi chín, vỏ nâu tím đậm, mủ đỏ tím. Trái đơm trên cành, chẳng khác vô số quả châu rơi , nên gọi Giáng Châu !

Thông thường, trái có từ 5 đến 8 múi, rất hiếm thấy 4 múi. Nhìn vết sẹo (nướm của nhụy cái) trên vỏ trái măng, đoán được số múi lớn nhỏ trong ruột.  Các múi, có bì trắng như tuyết, vị ngọt chua. Múi lớn có hạt giòn ăn được, múi nhỏ, chỉ có bì, không hạt.

Măng cụt được trồng nhiều ở Thủ Dầu Một, Chợ Lách, Cái Mơn, Vĩnh Long, Trà Vinh, có triển vọng xuất khẩu theo tiêu chuẩn chất lượng quốc gia.

Các nhà thực vật học cho biết gốc gác của Măng cụt tập trung ở Đông Nam Á, Malaisia, Indonesia. Cũng có giống tương cận như: Bứa (Garcinia Cambogia), Garcinia Indica, Garcinia Hanburyi, Garcinia Kola, ở các vùng nhiệt đới, Campuchia, Ấn độ, Mỹ châu, Phi châu, quần đảo Antilles.

Vào năm 1700, Laurentiers Garcin, thương nhân người pháp, mang trái này vào Âu châu. Từ đó, tên thực vật Garcinia Mangostana ra đời.

Ông Talo Pambrun, người đảo Tahiti, ghép thành công được một cây măng duy nhất trong số nhiều mắt ghép, hiếm thấy trong loài cây khó tháp nhất. Cây măng tháp cành này trồng trong vườn Tetavake, ở Punaauia. Bên Pháp, trong Jardin Botanique, Paris có một cây măng cụt, do nhà thực vật học Harrison Smith đem giống về từ Sarawak, Malaisia, năm 1921. Tương truyền, giống trái ngon nầy được đem từ trong Nam ra kinh đô Huế tiến vua, và từ đó, mang mỹ danh là Giáng Châu.

Không rõ măng cụt du nhập đến Việt Nam thời nào, mà hồi thập niên 50, tôi đã được hưởng thú trèo cây hái măng, trong vườn măng do ông nội tôi trồng tại Kinh Ông Cai, Chợ Lách. Hầu hết các cây măng hiện có nơi đây, được trồng thêm sau này vào khoảng năm 1965.

Một nhà nghiên cứu về ông Trương Vĩnh Ký, cho biết chính ông Trương Vĩnh Ký, người gốc Cái Mơn-Chợ Lách, đã đem các giống  chôm chôm, bòn bon, măng cụt từ Penang bên Mã Lai về cho bà con trồng.

h2 Cây măng cụt, phát triển chậm, trồng bằng cách nhân giống từ hạt. Trồng đến khoảng 6 năm trở lên, cây mới bắt đầu có trái chuyến. Măng càng nhiều tuổi, năng suất càng cao. Mỗi năm, trung bình một cây cho từ 500 đến 1500 trái. Theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn, mùa măng thu hoạch một năm trúng, một năm thất.

Trái của cây măng «lão» thường ngọt hơn măng «tơ». Măng cuối mùa, trái bị «sượng», (múi có mủ chát ngắt) nhiều hơn đầu mùa. Trái măng «cám», vỏ mỏng, như có phủ lớp cám, không bóng láng, trông bề ngoài xấu xí, thế mà trong ruột rất ngon.  Măng cụt nằm trong danh sách các loại trái quí vùng nhiệt đới, được nhiều người ưa chuộng. Ít thấy ai bị dị ứng, hay ăn măng cụt không được, như trường hợp trái sầu riêng, hay mít Tố Nữ.

Vào thế kỷ 19, Nữ hoàng Anh Victoria được ăn trái lạ này, thích ngay, bèn hứa phong tước vị cho người nào tiến cống. Từ đó, ở Âu châu, Măng cụt được biết thêm với tên «Nữ hoàng trái cây» – Reine des fruits.

Trái măng cụt chín, còn dùng làm bánh mứt, nước ép, và phụ liệu trong các món ăn mặn. Gần đây, xuất hiện công nghiệp chế biến nước giải khát từ trái măng.

Thông thường, trái măng được dùng tươi, như các trái cây khác, từ khi còn «sồn sồn», cho tới lúc thật mùi. Lúc vỏ măng vừa «điểm» (vỏ mới chuyển sang chút nâu hồng) là có thể ăn được.

Đặc biệt, trái măng thật già, chưa chín vỏ còn màu vàng ngà, mủ còn đục, đem gọt vỏ trong nước, cho mủ không dính tay, tách lấy các múi hãy còn tươi giòn, ăn vừa ngon vừa khoái khẩu.

Mủ măng, dính vào quần áo, hay trên tay, khó tẩy sạch. Khi bị dính mủ, dùng ngay một múi măng chín, chà vào nơi mủ bám. Dung dịch của múi măng sẽ hòa tan với chất mủ. Nhờ vậy, sau đó dễ dàng tẩy rữa vết mủ với nước và xà bông.

h1Nhiều người đã trải nghiệm, sau khi ăn sầu riêng, ăn thêm vài trái măng cụt, sẽ hóa giải được chứng «lâu tiêu». Nếu bạn mê sầu riêng, nhưng ăn xong lại bị «ở cần cổ», cũng nên ghi nhớ kinh nghiệm này, và thử xem có đúng như thế không !

Vỏ măng phơi khô, làm chất đốt rất đượm. Thời dân quê còn dùng củi làm chất đốt, than vỏ măng, bền ngang hàng với than đước, dùng ủi quần áo, nướng bánh. Cũng có người dùng mủ vỏ măng chín làm màu nhuộm cho vải, sợi lâu mục. Măng cụt, hữu ích, có dược tính, không vì những chuyện vặt trên.

Từ xa xưa, dân gian dùng vỏ măng trị bệnh tiêu chảy, cầm máu. Thành phần thuốc «đau bụng» hiệu Con Rồng của Việt nam thập niên 50, có chất chát của vỏ măng cụt. Một thời, thuốc trị kiết lỵ bào chế từ vỏ măng cụt bán trên thị trường bên Pháp mang tên “amibiasine”.

Ngoài ra, vỏ măng cụt chứa chất «xanthone», thường gọi dưới tên dibenzo gama-pyrone, một chất chống lão hóa.

Tuy chưa có kết luận tin cậy, từ lâm sàng của ngành y dược chính thống, nhưng trên thị trường, đã xuất hiện loại nước măng cụt, ngoài giá trị dinh dưỡng được giới thiệu, còn có khả năng trị lành nhiều bệnh, như các chứng viêm, đau nhức, tim mạch, tiểu đường, hạ cơn suyễn, giúp dễ tiêu hóa, lợi tiểu, … và càng hấp dẫn, thời thượng hơn nữa, là giảm béo phì, chống lão hóa. Từ một trái cây nhiệt đới thiên nhiên, Măng cụt trở nên Bà Hoàng của trái cây – Reine des fruits, rồi hóa thành “Fruits des Dieux” (Trái cây.. của Thượng giới ?)

Ngồi dưới gốc cây măng, vừa thưởng thức hương vị ngọt, thơm, vừa nhìn tán lá xanh mát như chiếc lọng, lấp ló trái vàng trái đỏ, chợt nghĩ, chọn mỹ danh Giáng Châu cho trái mangoustan, thích hợp và ý nghĩa thay !

Thiếu Lang Nguyễn Thanh Nguyên

Tặng Lương Minh, người con tình nghĩa của Chợ Lách”.

Saint Ouen 2015

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

unnamed
CÂU ĐỐI TẾT CHO NĂM ẤT TỴ 2025
Đông phương Giáp ẤT thuộc hành Mộc, chủ màu xanh của cây cỏ. Nên năm GIÁP THÌN là con rồng có màu xanh,...
Xem tiếp...
ran-hoa-mai
TUỔI TỴ- RẮN Ở TRÊN CÂY
Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ… Hết Thìn tới Tỵ, Nhâm Thìn đi thì Quý Tỵ (2013) đến; Giáp Thìn qua...
Xem tiếp...
Gio-ben-trien-song-van-thoi
VĂN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC DŨ- CẢM XÚC CHÂN THÀNH VÀ ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN
Truyện của Phạm Ngọc Dũ được viết ra từ cảm xúc rất đỗi chân thành. Với giọng văn giản dị, mang yếu tố...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

unnamed
CÂU ĐỐI TẾT CHO NĂM ẤT TỴ 2025
Đông phương Giáp ẤT thuộc hành Mộc, chủ màu xanh của cây cỏ. Nên năm GIÁP THÌN là con rồng có màu xanh,...
Untitled
GẶP GỠ CUỐI NĂM
Ngày cuối năm, họa sĩ Nguyễn Quang, cộng tác viên trang nhà từ Đồng Nai về thăm anh em, thế là hẹn nhau...
ran-hoa-mai
TUỔI TỴ- RẮN Ở TRÊN CÂY
Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ… Hết Thìn tới Tỵ, Nhâm Thìn đi thì Quý Tỵ (2013) đến; Giáp Thìn qua...
Gio-ben-trien-song-van-thoi
VĂN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC DŨ- CẢM XÚC CHÂN THÀNH VÀ ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN
Truyện của Phạm Ngọc Dũ được viết ra từ cảm xúc rất đỗi chân thành. Với giọng văn giản dị, mang yếu tố...
Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 6
Lượt truy cập: