Trung Học Chợ Lách

MẠN ĐÀM VỀ CHỮ : VIÊN, VIỄN, VIỆT, VIN, VÔ

Ngày đăng: 27/05/2025, 7:44 chiều, ý kiến phản hồi (0)
VIÊN MÔN 轅門 : VIÊN 轅 có bộ XA 車 là Xe ở bên trái, nên VIÊN là cái Càng xe. Ngày xưa, vua hoặc đại tướng đóng quân thường quây xe chung quanh làm hàng rào bảo vệ và dựng càng xe lên làm cửa ra vào, nên mới gọi là Viên Môn hay Cửa Viên. 
                            Inline image
                                           Viên Môn Xạ Kích 轅門射戟
      VIÊN MÔN 轅門 : VIÊN 轅 có bộ XA 車 là Xe ở bên trái, nên VIÊN là cái Càng xe. Ngày xưa, vua hoặc đại tướng đóng quân thường quây xe chung quanh làm hàng rào bảo vệ và dựng càng xe lên làm cửa ra vào, nên mới gọi là Viên Môn hay Cửa Viên. Sau nầy, tuy lều trại đã được xây dựng kiên cố khang trang, nhưng cửa ra vào nơi đóng quân vẫn gọi là CỬA VIÊN.
                        Inline image
      Nói đến CỬA VIÊN là VIÊN MÔN, lại làm ta nhớ đến thành ngữ VIÊN MÔN XẠ KÍCH 轅門射戟 là bắn trúng mũi kích dựng ở trước cửa trại binh. Theo tích sau đây :
       Năm Công Nguyên 196 (Năm đầu tiên của Kiến An). Viên Thuật phái đại tướng Kỷ Linh dẫn 3 vạn binh đi đánh Lưu Bị. Lưu Bị cầu cứu Lữ Bố. Bố lo ngại nếu Lưu Bị bị tiêu diệt thì mình cũng bị Viên Thuật bao vây, nên đem binh đến Tiểu Phối cứu ứng. Khi đã đóng binh hạ trại, Lữ Bố bèn thiết tiệc mời Kỷ Linh cùng các tướng đến dự. Khi rượu đã ngà ngà, Bố bèn cầm ly đứng dậy nói rằng : ” Lưu Huyền Đức là hiền đệ của ta, nay bị các vị vây đánh. Ta không thể làm ngơ, nhưng gây hấn với các vị thì lòng ta cũng không muốn. Nay ta có cách nầy để cho trời quyết định. Ta sẽ cho dựng một cây kích trước VIÊN MÔN, nếu ta bắn trúng mũi kích, thì các vị hãy lui binh, bằng như ta bắn không trúng, thì ta sẽ để mặc cho các vị vây đánh Lưu Bị mà không cứu ứng gì cả !” Nói đoạn, ông bèn giương cung lắp tên răng rắc bắn một phát trúng ngay đầu mũi kích dựng trước của dinh đánh “choang” một tiếng, làm mọi người đều kinh hãi vổ tay tán thưởng và đều sợ cho cái thần uy thần tiễn của Lữ Bố  mà đều rút quân về.
                           Inline image
      Thành ngữ  “Viên Môn Xạ Kích 轅門射戟” dùng để chỉ làm một hành đông mạo hiểm nhưng tích cực để giải hòa cho sự tranh chấp hoặc chiến tranh giữa đôi bên.
      Trong Truyện Kiều, khi nghe Hoạn Thư kể lể :”Nghĩ cho khi gác viết kinh, Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo” thì Thúy Kiều đã “Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay” và khi Hoạn Thư :
                     Tạ lòng lạy trước sân mây,
thì thấy…
                  CỬA VIÊN lại dắt một dây dẫn vào.
       Trong bài “Văn Tế Trương Định”, cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đã dùng từ VIÊN LỮ 轅旅 để chỉ quân đội, vì theo quy chế ngày xưa thì một LỮ có khoảng 500 quân đóng thành một trại; Nên VIÊN LỮ là từ phiếm chỉ  chỉ chung về quân đội như câu sau đây :
              Từ thuở ở hàng VIÊN LỮ, pháp binh trăm trận đã làu;
              Đến khi ra quản đồn điền, võ nghệ mấy ban cũng trải.
                  Inline image

      “Hữu bằng tự VIỄN PHƯƠNG LAI, bất diệc lạc hồ ? 有朋自遠方來不亦樂?” Có nghĩa :”Có bạn lặn lội từ xa đến thăm, đó chẳng là niềm vui lắm hay sao?”. Câu nói nầy có xuất xứ từ thiên Học Nhi 學而 của sách Luận Ngữ 論語. Truyện kể…
      Cao Bá Quát hồi còn đi dạy học, một hôm từ xa lặn lội đến thăm một người bạn cũ hiện đang làm chức Tri huyện. Viên Tri huyện này khi đã làm quan thì tính tình đã bắt đầu hợm hĩnh, cho lính ra trả lời là “Quan đang ngơi”, thực ra là hắn vẫn thức mà không muốn tiếp ông bạn hàn vi. Cao Bá Quát nhân đó làm một bài thơ tỏ ý bất bình, đưa cho người lính cầm vào cho viên Tri huyện rồi bỏ đi. Bài thơ như sau :
 
                 Một buổi hầu rồi một buổi ngơi,
                 Đâu còn nhớ chữ VIỄN PHƯƠNG LAI.
                 Mới sang chừng ấy ngơi chừng ấy,
                 Sang nữa thì ngơi biết mấy đời !
 
       Hai câu đầu ý nói : Bây giờ làm quan sang cả rồi, đâu có còn vui khi có bạn từ xa đến thăm nữa. Hai câu sau : Có ý chửi rủa bạn “Mới sang chừng ấy ngơi chừng ấy” Nếu mà “Sang thêm nữa” thì “ngơi biết mấy đời rồi!” hàm ý là : “…đã chết mấy đời rồi !”.
     Viên quan huyện không biết là ai, khi xem thơ mới biết là Cao Bá Quát, liền sai lính ra mời vào, nhưng Cao Bá Quát đã đi xa rồi.
                    Inline image

     VIỆT HỒ 越胡 : VIỆT 越 là nước Việt thời Chiến quốc, gồm các tỉnh Giang Tô, Chiết giang ở miền NAM Trung Hoa; HỒ 胡 là Rợ Hồ chỉ các bộ tộc Mông Cổ Mãn Châu ở phía BẮC Trung Hoa. Nên VIỆT HỒ chỉ hai miền ở cách xa nhau hàng vạn dặm đường, kẻ Nam người Bắc. Cách trở đôi nơi. Như…
     Trong truyện thơ Nôm “Phương Hoa-Lưu Nữ Tướng” có câu :
 
                         Tủi vì nông nổi cơ đồ,
                  Phút mà tất tưởi VIỆT HỒ đôi nơi.
      VIỆT NGÔ hay NGÔ VIỆT : NGÔ là nước Ngô thời Chiến quốc, bao gồm các tỉnh An Huy và một phần của các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, sát cạnh nước Việt. Nên NGÔ VIỆT là vùng sông nước miền Nam, rất thuận tiện cho việc giao thông trên sông nước và buôn bán. Trong Truyện Kiều, khi gặp Thúy Kiều, Kim Trọng đã tìm thuê một căn nhà của các thương buôn vùng Ngô Việt ở cạnh nhà Thúy Kiều :
                   …Là nhà NGÔ VIỆT thương gia,
                 Buồng không để đó người xa chưa về.
                       Lấy điều du học hỏi thuê,
                 Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang…
      VIỆT MAO 鉞旄 là HOÀNG VIỆT 黄钺 và BẠCH MAO 白旄 : là Búa Việt màu vàng và Cờ Mao màu trắng, là hai vật tượng trưng cho quyền lực của tướng soái ngày xưa. Chỉ người nắm binh quyền trong tay. Trong “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu :
                       VIỆT MAO khi đã đến tay,
                  Hoành Sơn một dải mới gây cơ đồ.
                  Inline image
      VIN CÀNH QUẾ hay BẺ QUẾ, chữ Nho là CHIẾT QUẾ 折桂, có xuất xứ từ Tấn Thư Khích Sân Truyện 晉書卻詵傳 ghi rằng : Khích Sân ứng thi hiền lương đối sách, được xếp đầu bảng, bèn tâu với Tấn Võ Đế tự ví mình như là một cành quế trong rừng quế, và chỉ là một phiến ngọc trong núi Côn Sơn đầy ngọc mà thôi. Thơ Ôn Đình Quân đời Đường 唐 温庭筠 có câu :
                 猶喜故人先折桂,  Do hỉ cố nhân tiên CHIẾT QUẾ,
                 自憐羈客尚飄蓬。  Tự lân ký khách thượng phiêu bồng !
      Có nghĩa :
                     BẺ QUẾ sớm mừng cho bạn cũ,
                 Thương thân đất khách vẫn phiêu bồng !
       Trong văn học cổ BẺ QUẾ hay VIN CÀNH QUẾ thường dùng để nói về việc thi đậu, như trong truyện thơ Nôm “Phạm Tải Ngọc Hoa” có câu :
                     Những mong BẺ QUẾ nên danh,
                Mà đền công dưỡng sinh thành hai thân.
       Trong truyện Tây Sương thì có câu :
                        Cũng là tài trí bậc này,
                Chưa VIN CÀNH QUẾ đã xoay ngọn hồng.
      VIN CÀNH QUÍT theo “Truyện Kiều chú giải 1953 của Lê Văn Hòe” dẫn bản chú giải của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim bằng hai câu thơ của họ TÔ(?) là : Lão nhân du hí như đồng tử, Bất chiết mai chi chiết quất chi 老人遊戲如童子,不折梅枝折橘枝. Có nghĩa : Người già mà chơi như con nít, không bẻ cành mai mà bẻ cành quít ! Ý chỉ già mà không nên nết, già mà còn chơi trống bỏi như con nít. Cụ Nguyễn Du đã mượn ý nầy để chỉ suy nghĩ của Mã Giám Sinh khi đã rước Thúy Kiều về chốn trú phường, khi “Bốn bề xuân khóa một nàng ở trong” :
                       Phẩm tiên đã bén tay phàm,
                   Thì VIN CÀNH QUÍT cho cam sự đời.
                    Inline image

     VÔ ĐỊNH tức VÔ ĐỊNH HÀ 無定河 là tên một con sông của miền bắc tỉnh Thiểm Tây, là một chi nhánh của sông Hoàng Hà, vì lòng sông có nhiều phù sa nên thường hay thay đổi dòng chảy mà có tên là VÔ ĐỊNH HÀ. Bài thơ thất ngôn tuyệt cú “Lũng Tây Hành 隴西行” của Trần Đào 陳陶 rất nổi tiếng với các câu :
                誓掃匈奴不顧身,    Thệ tảo Hung Nô bất cố thân,
                五千貂錦喪胡塵。    Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần.
                可憐無定河邊骨,    Khả lân VÔ ĐỊNH HÀ biên cốt,
                猶是深閨夢裏人。    Do thị thâm khuê mộng lý nhân.
      Có nghĩa :
                  Thề quét Hung Nô chẳng nệ thân,
                  Năm ngàn bỏ xác đất Hồ trần.
                  Khá thương xương trắng bờ VÔ ĐỊNH,
                  Vẫn cũng là người chinh phụ mong !
      Lục bát :
                  Hung Nô thề quét chẳng màng,
                  Bên bờ VÔ ĐỊNH năm ngàn bỏ thây.
                  Khá thương xương trắng phơi đầy,
                  Vẫn người trong mộng tháng ngày đợi mong !
       Từ bài thơ trên, nhóm từ “ĐỐNG XƯƠNG VÔ ĐỊNH” trở thành hình tượng bi thương mà hào hùng để chỉ hậu quả tàn khốc chết chóc do chiến tranh gây nên. Trong Truyện Kiều, nàng Kiều đã dùng hình ảnh trên để khuyên Từ Hải khi Hồ Tôn Hiến cho người đến chiêu hàng :
                           Ngẫm từ gây cuộc binh đao,
                  ĐỐNG XƯƠNG VÔ ĐỊNH đã cao bằng đầu.
                            Làm chi để tiếng về sau,
                   Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào !
                 Inline image

     Hẹn bài viết tới :

            Thành Ngữ Điển Tích 121 :
                                                    VỢ, VỖ, VU, VŨ. 
                                                                                     杜紹德
                                                                                Đỗ Chiêu Đức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

Untitled
Phiếm Luận : LANG là CHÀNG 
CHÀNG chữ Nho là LANG 郎. Như hai câu trong bài ngũ ngôn trường thiên “Trường Can Hành” của...
Xem tiếp...
unnamed
PHIẾM VỀ CHỮ KHÚC
KHÚC 曲 là Quanh, Quẹo, Cong, Queo, Gãy, Đoạn… Nên trong chữ Nho, chữ KHÚC là chữ Tượng Hình 象形...
Xem tiếp...
Nhà cong tu bạc liêu
THĂM NHÀ CÔNG TỬ BẠC LIỆU
 Tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018, nhân tiết Nguyên Tiêu, gia đình có tổ chức một tour du lịch ngắn hạn...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Mang
NGUYỄN VĂN MÀNG – LÃO SINH ĐẸP NHẤT LỚP
Trong lớp này, ngoài Lê tấn Lực nhà tổ chức hop mặt hàng năm, tôi còn biết anh Nguyễn văn Màng. Anh lớn...
H3a
LỚP LÃO SINH HOP MẶT LẦN THỨ 8
Theo lịch hẹn , ngày 27 tháng 5 hàng năm, lớp lão niên (NK60) sẽ tổ chức họp mặt một lần, cũng có thể...
Untitled
Phiếm Luận : LANG là CHÀNG 
CHÀNG chữ Nho là LANG 郎. Như hai câu trong bài ngũ ngôn trường thiên “Trường Can Hành” của...
hinh-anh-hoa-va-ruou-sinh-nhat_031939450
CHÚC MỪNG SINH NHẬT LÊ TẤN LỰC
Ngày 14/5 là sinh nhật anh Lê Tấn Lực, cựu HS lo71o đệ thất Trung học Chợ Lách NK 1960. Anh là người...
unnamed
PHIẾM VỀ CHỮ KHÚC
KHÚC 曲 là Quanh, Quẹo, Cong, Queo, Gãy, Đoạn… Nên trong chữ Nho, chữ KHÚC là chữ Tượng Hình 象形...

LỜI DẪN

Tin nhà

H3a
LỚP LÃO SINH HOP MẶT LẦN THỨ 8
H2
CHS NHÓM THCL NIÊN KHÓA 68 HOP MẶT Ở BÌNH ĐẠI
h0
ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH TẠI TP.HCM HỌP MẶT MỪNG XUÂN 
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 12
Lượt truy cập: