Trung Học Chợ Lách

VĂN, VÂN, VẦNG, VẬT, VỊ.

Ngày đăng: 30/04/2025, 9:33 sáng, ý kiến phản hồi (0)
VĂN QUÂN là Trác Văn Quân 卓文君 và chồng là Tư Mã Tương Như 司馬相如.
      Nói đến Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân là người ta sẽ nghĩ ngay đến khúc “Phượng Cầu Kỳ Hoàng 鳳求其凰”, thường được gọi cho gọn là khúc “Phượng Cầu Hoàng” của Tư Mã Tương Như đàn để quyến rũ người đẹp Trác Văn Quân nửa đêm cuốn gói bỏ nhà đi theo Tư Mã Tương Như về Thành Đô sinh sống, mà rất ít người biết rằng những năm sau đó khi Tư Mã Tương Như được Hán Vũ Đế trọng dụng, và khi đã thanh vân đắc ý rồi thì lại định hắt hủi Trác Văn Quân để lập thiếp với người con gái đất Mậu Lăng
                             Inline image
                                   Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân    
      . Trác Văn Quân hay tin đã làm bài thơ “Bạch Đầu Ngâm 白頭吟” sau đây để gởi cho Tư Mã Tương Như :
          皚如山上雪,    Ngai như sơn thượng tuyết,
          皎若雲間月。    Kiểu nhược vân gian nguyệt.
          聞君有兩意,    Văn quân hữu lưỡng ý,
          故來相決絕。    Cố lai tương quyết tuyệt.
          今日斗酒會,    Kim nhật đấu tửu hội,
          明旦溝水頭。    Minh đán câu thủy đầu.
          躞蹀御溝上,    Tiệp điệp ngự câu thượng,
          溝水東西流。    Câu thủy đông tây lưu.
          淒淒復淒淒,    Thê thê phục thê thê,
          嫁娶不須啼。    Giá thú bất tu đề.
          願得一心人,    Nguyện đắc nhất tâm nhân,
          白頭不相離。    Bạch đầu bất tương ly.
          竹竿何嫋嫋,    Trúc can hà niễu niễu,
          魚尾何簁簁。    Ngư vĩ hà si si.
          男兒重意氣,    Nam nhi trọng ý khí,
          何用錢刀為。    Hà dụng tiền đao vi ?!
             Inline image
 Có nghĩa :
              Đầu núi tuyết trắng như bông,
          Trong mây trăng sáng như lòng thiếp đây.
              Nghe chàng có ý đổi thay,
          Thì thôi đoạn tuyệt kẽo hoài ước mơ.
              Hôm nay đấu rượu thay thơ,
          Mai ngày nước chảy hững hờ lòng đau.
              Tần ngần suốt buổi ngự câu,
          Đông tây nước cuốn thêm sầu lòng đây.
              Thê lương, ôi, thê lương đầy…
          Ai đời giá thú lại rây lệ sầu.
              Chỉ mong ý hiệp tâm đầu,
          Bạc đầu giai lão còn cầu gì hơn !
              Mềm như thân trúc chẳng hờn,
          Mơn man đuôi cá chi sờn lòng đây.
              Nam nhi ý chí đong đầy,
          Sao vì phú quý nở đày đọa nhau ?!
        Inline image
      Tư Mã Tương Như đọc xong, cảm động quá chừng chừng, bèn bỏ ý định không lập thiếp nữa. Trong “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm có câu :
                    Kìa VĂN QUÂN mỹ miều thuở trước,
                    E đến khi đầu bạc mà thương !
   … và trong truyện thơ Nôm “Bích Câu Kỳ Ngộ”, lúc tả chàng công tử Tú Uyên ướm thử lòng Giáng Kiều cũng có câu :
                        Cầu hoàng tay lựa nên vần,
                 Tương Như lòng ấy, VĂN QUÂN lòng nào ?!
 
       VÂN CẨU 雲狗 là Mây Chó, là mây có hình dạng tựa như con chó. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ hai câu thơ mở đầu trong bài “Khả Thán Thi 可嘆詩” của Thi Thánh Đỗ Phủ đời Đường như sau :
            Thiên thượng phù vân như bạch y,   天上浮雲如白衣,
            Tư tu cải biến như thương cẩu.        斯須改變如蒼狗。
  Có nghĩa :
               Mây nổi trên trời như áo trắng,
               Phút giây chợt tựa chó xanh lơ.
             Inline image
       Từ hai câu thơ trên cho ta thấy, Phù Vân 浮雲 là mây nổi bay trên trời có thiên hình vạn trạng và biến đổi vô thường, mới thấy như tà áo trắng đó, mà trong phút chốc đã thành như một chú chó màu xanh. Trong văn học cổ mượn để chỉ  việc đời thay đổi vô chừng và nhanh chóng. Trong “Cung Oán Ngâm Khúc” của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có câu :
                          Lò cừ nung nấu sự đời,
               Bức tranh VÂN CẨU vẽ người tang thương.
       VÂN CÙ 雲衢 : CÙ là đường cái, nên Vân Cù là “Đường Mây”; Trong văn học cổ chỉ “Đường Công Danh” của kẻ sĩ ngày xưa, như trong bài hát nói “Kẻ Sĩ” của cụ Nguyễn Công Trứ :
                    Đường Mây rộng thênh thênh cử bộ,
                   Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo.
       Hay như trong truyện thơ “Lâm Tuyền Kỳ Ngộ” cũng có câu :
                    Đường Mây hội mặt làng văn vật,
                    Cửa tuyết dan tay bạn sử kinh.
       Trong “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của Đoàn Thị Điểm diễn Nôm cũng có câu :
                        Sứ trời sớm giục Đường Mây,
                    Phép công là trọng niềm tây xá nào !
       Còn trong “hoa Tiên Ký” của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì sử dụng thẳng từ Hán Việt VÂN CÙ :
                           Lại gì cho trọng hơn ru,
                    Mà coi trăm dặm VÂN CÙ làm chơi !

Inline image

       VÂN NGHÊ 雲霓 là Mây và Cầu Vòng : Chỉ Mây ngũ sắc, mây có màu sắc rực rỡ, còn được gọi là TƯỜNG VÂN 祥雲 là “Mây lành”, thường xuất hiện dưới chân hoặc sau lưng của các Tiên, Phật, Bồ Tát… Trong văn học cổ mượn để nói lên lòng mong mõi khao khát thiết tha… Như trong “Thiên Nam Ngữ Lục ” có câu :
                        Cùng nhau chăn gối sớm khuya,
                    Nguồn đào nước lũ, VÂN NGHÊ dấy đường.
       VÂN THỤ 雲樹 là Mây và Cây. Có xuất xứ từ hai câu thơ trong bài “Xuân Nhật Ức Lý Bạch 春日憶李白”(Ngày xuân nhớ Lý Bạch) của Đỗ Phủ, như sau :
                  渭北春天樹,   Vị Bắc xuân thiên thụ,
                  江東日暮雲。   Giang Đông nhật mộ vân.
      Có nghĩa :
                          Vị Bắc cây mới vào xuân,
                 Giang Đông mây nổi bâng khuâng trời chiều.
       Đỗ Phủ muốn nói mình đang vui vẻ mạnh khỏe như cây vào xuân, nhớ đến bạn còn đang trôi nổi như mây chiều ở tận xứ Giang Đông. Thường dùng để chỉ tình bạn bè xa xôi nhớ đến nhau. Như trong “Truyện Tây Sương” có câu :
                        Bước vào làm lễ tức thì,
                 Giải tình VÂN THỤ, tính kỳ tinh sương.

                  Inline image

       VẦNG THỎ hay BÓNG THỎ đều chỉ Mặt Trăng. Có xuất xứ từ bài “Nghĩ Thiên Vấn 拟天問” của Phó Huyền 傅玄 đời Tấn, có câu : Nguyệt trung hà hữu ? Bạch thố đão dược 月中何有?白兔搗藥” Có nghĩa : Trong mặt trăng có gì ? Có con thỏ trắng đang giã thuốc tiên”. Thỏ Trắng hay Thỏ Ngọc đều là hình tượng mượn để chỉ Mặt Trăng trong Văn học cổ.
       Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có câu :
                      Khi BÓNG THỎ chênh vênh trước nóc,
                      Nghe vang lừng tiếng giục bên tai.
       Trong truyên thơ Nôm khuyết danh Trinh Thử thì gọi là VẦNG THỎ :
                      Một niềm dạ sắt in VẦNG THỎ,
                      Mấy lúc lòng vàng chỉ Bóng Ô.
       Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du chỉ dùng một chữ THỎ mà thôi :
                         Trãi bao THỎ lặn Ác tà,
                    Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm !
        VẬT ĐỔI SAO DỜI chữ Nho là VẬT HOÁN TINH DI 物換星移. Có xuất xứ từ 2 câu trong bài thơ cảm khái ở cuối bài Tự Đằng Vương Các của Vương Bột 王勃, người đứng đầu trong Sơ Đường Tứ Kiệt, là :
                 閒雲潭影日悠悠,     Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
                 物換星移幾度秋…    VẬT HOÁN TINH DI kỷ độ thu…
      Có nghĩa :
                      Mây trôi bóng nước mịt mù,
                      VẬT ĐỔI SAO DỜI đã mấy thu… 
        Ý chỉ cuộc đời luôn đổi thay dời đổi không ngừng như sao trên trời cũng đổi ngôi vậy. Như trong Truyện Kiều lúc Kim Kiều tái hợp, Kim Trọng đã nói với Thúy Kiều rằng :
                        Dẫu rằng VẬT ĐỔI SAO DỜI,
                    Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh.
                        Duyên kia có phụ chi tình, 
                   Mà toan chia gánh chung tình làm hai ?
               Inline image
                                   VẬT ĐỔI SAO DỜI
       VẬT NGOẠI 物外 là Ở ngoài mọi sự việc, là “Ở ngoài cuộc đời” đó. Trong văn học cổ mượn ý nói “Sự thoát ly khỏi việc đời phiền toái”. Như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã cho nàng cung phi lý luận :
                      Thoát trần một gót thiên nhiên,
                   Cái thân VẬT NGOẠI là tiên trong đời !
       VỊ THỦY 渭水 là Dòng sông Vị, bắt nguồn từ tỉnh Cam Túc chảy qua tỉnh Thiểm Tây rồi đổ vào sông Hoàng Hà. Nơi mà ông Lã Vọng Khương Tử Nha ngồi câu cá khi chưa gặp thời, như cụ Nguyễn Công Trứ đã viết trong bài “Kẻ Sĩ” là :
                  Lúc vị ngộ, hối tàng nơi bồng tất, 
                  Hiêu hiêu nhiên điếu VỊ, canh Sằn. 
      Có nghĩa :
              – Lúc chưa gặp thời thì ẩn mình trong gian nhà cỏ bồng,
              – Rất thanh thản mà ngồi câu trên sông VỊ và cày ruộng ở đất Sằn.
       Tương truyền, nước sông VỊ rất trong, khi chảy đến huyện Cao Lăng thì gặp dòng sông Kinh nước rất đục; nhưng sông VỊ vẫn giữ được làn nước trong của mình mà không bị hòa nhập vào dòng sông Kinh vẩn đục kia. Nên, VỊ THỦY còn chỉ nơi ở của những bậc thanh cao, hiền tài không hòa nhập với xã hội xấu xa bên ngoài. Như trong bài thơ 149 “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có tài liệu lại cho rằng : Trong bài “Thuật Hứng 20” Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi :
                       Non Phú Xuân cao, nước VỊ THỦY thanh,
                       Mây quyến khách, nguyệt vô tình…
                       (Mây quen nguyệt, khách vô tình…)
                   Inline image
                          Nguyễn Trãi  ?                       Nguyễn Bỉnh Khiêm  ?
                         Đỗ Chiêu Đức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

H1
HOÀI THỦY BIỆT HỮU  của Trịnh Cốc
             Đây là bài viết riêng tặng cho Anh Suôi HUỲNH THANH SƠN, người đã có chung cảm xúc hoài...
Xem tiếp...
unnamed
NỮ TRUNG NGHIÊU THUẤN
Trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh, ông đã cho bà Vãi đề cao các giới nữ TÀI MẠO SONG TOÀN,...
Xem tiếp...
h3
KHÔNG NĂM TÁM
Thời gian trước, người bạn học ở gần, nên chúng tôi thường gặp nhau. Một hôm tôi nói, “Cùng ăn một lượng...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

h3
LỄ KHAI THỊ NGÔI CHỢ TRĂM NĂM
Tờ Nông Cổ Mín Đàm số ra ngày 1er Février 1917, nơi trang 4 có đăng “Lễ khai thị chợ thành phố quận GOCONG”...
Untitled
HẠNH
Ba chị em đều đẹp, nhưng Hạnh, đứa nhỏ nhứt lại đẹp nhứt. Đôi mắt của nó không to, luôn lúng liếng như...
H1
HOÀI THỦY BIỆT HỮU  của Trịnh Cốc
             Đây là bài viết riêng tặng cho Anh Suôi HUỲNH THANH SƠN, người đã có chung cảm xúc hoài...
H1a
CHÙA BÀ TỨK HẸ – THIÊN HẬU THÁNH CUNG TỊNH BIÊN AN GIANG
Ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm, như những chùa Bà khác của người Hoa ở khắp nơi, chùa Bà Tứk Hẹ, tên...
THCL
ĐỌC VÀ VIẾT CHO TRUNGHOCCHOLACH.COM
Trang trunghoccholach.com hoạt động từ năm 2012, đến nay. Số lượng người xem ít vì ít bài vở và thong...

LỜI DẪN

Tin nhà

H2
CHS NHÓM THCL NIÊN KHÓA 68 HOP MẶT Ở BÌNH ĐẠI
h0
ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH TẠI TP.HCM HỌP MẶT MỪNG XUÂN 
1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 12
Lượt truy cập: