Trung Học Chợ Lách

CHÙA HANG CHÂU ĐỐC & GIẢNG BÀ THỢ

Ngày đăng: 08/06/2023, 9:02 chiều, ý kiến phản hồi (0)

Đi từ cụm di tích chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu ở núi Sam Châu Đốc về Nhà Bàng khoảng 1 cây số, ngó lên triển núi, du khách sẽ thấy một tự viện lớn với nhiều toà ngang dãy dọc lợp ngói đỏ nổi lên trên sắc xanh của núi rừng, mà thầm ngưỡng mộ công sức của những người xây dựng. Đó là chùa Hang, tên chữ Phước Điền Tự, một danh lam của tỉnh An Giang.

Đã có rất nhiều bài viết về ngôi chùa nầy nên ở đây, tôi chỉ muốn góp thêm một vài câu chuyện xoay quanh sư bà khai sơn Diệu Thiện và quyển Giảng Bà Thợ của bà hiện còn lưu truyền.

SƯ BÀ KHAI SƠN

Bà Lê Thị Thơ, sanh năm 1818, người Chợ Lớn, thạo nghề may nên thường được kêu là bà Thợ. Mến mộ đạo pháp và do nhiều cơ duyên, ngày vía Quán Thế Âm bồ tát 19 tháng 2 âl năm 1836 , 19 tuổi bà xuất gia và được ban pháp danh Diệu Thiện, truyền thừa Vân Môn Tông đời thứ 40. Năm 1839, 22 tuổi bà thọ giới tỳ kheo ni. Bà là vị ni sư đầu tiên của miền Tây vì tới 80 năm sau, năm 1919 chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu, ni viện đầu tiên dưới sự bảo trợ của tổ Như Hiển Chí Thiền mới được thành lập.

Có ý ẩn tu nên bà tìm về vùng Bảy Núi. Không rõ năm nào nhưng trong lời tựa quyển Giảng Bà Thợ, hoà thượng Huệ Thiện nói ban đầu, bà có thời gian tá túc ở chùa Tây An.

Chùa Tây An lúc nầy còn là một am tranh tre lá do hoà thượng Tiên Giác Hải Tịnh (1788-1875, tục danh Nguyễn Văn Giác), dòng Lâm Tế đời thứ 37 trụ trì, nên người dân trong vùng gọi là chùa Lâm Tế. Mãi đến năm 1847, tổng đốc An Hà (An Giang Hà Tiên) là Doãn Uẩn vui mừng vì lập được đại công đánh đuổi quân Xiêm La, bình định Chân Lạp, cho xây dựng thành một ngôi chùa tường gạch, nền cuốn đá xanh, mái lợp ngói đỏ, đặt tên là Tây An Tự với hàm ý trấn yên bờ cõi phía Tây.

Cũng xin ghi chú thêm, đến cuối năm 1849, ông Đoàn Minh Huyên 43 tuổi, sau khi thành lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có nhiều tín đồ gia nhập, bị chánh quyền nghi ngờ là gian đạo sĩ nên bắt an trí ở chùa nầy và bắt quy y với hoà thượng Hải Tịnh, được ban pháp danh Pháp Tạng, đời 38 dòng Lâm Tế. Tuy nhiên, ông được hoà thượng sư phụ hoan hỷ cho phép rộng đường tu hành, tạo thành một nhánh Phật giáo mới của riêng người Nam kỳ và được tín đồ tôn xưng là Phật Thầy Tây An.

Có lẽ những năm trước và sau 1847, chùa Tây An là một công trình xây dựng ngổn ngang vật liệu và ồn ào (miếu bà Chúa Xứ cất năm 1824 vẫn còn tranh lá nhưng lăng Thoại Ngọc Hầu khởi công từ trước 1829 chắc vừa xong.) nên năm 1845 sư bà Diệu Thiện 28 tuổi, xin phép hạ sơn và đi sâu vô núi rừng tìm chỗ ẩn tu. Như vậy bà rời chùa Tây An trước khi ông Đoàn Minh Huyên bị đưa tới.

Bà đi về hướng Tây của núi và cách chùa chừng hơn cây số bà gặp trên triền núi cao khoảng 100m, một khu vực vắng vẻ um tùm cây cối, có một hang sâu có thể làm nơi che nắng che mưa tự nhiên. Bà bèn dựng ở miệng hang một am tre lá và quyết chí tu hành.

Ai dè trong hang sâu đó, có đôi rắn lớn. Nhưng từ khi bà đến, đôi mãng xà không hung tợn nữa, mà thường đến nằm im lắng nghe kinh kệ. Bà đặt tên chúng là Thanh Xà, Bạch Xà và sau khi bà qua đời, đôi mãng xà cũng bỗng dưng biến mất.

Ngày 15 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1899), sư bà Diệu Thiện viên tịch, thọ 82 tuổi. Tính ra bà gắn bó với chùa Hang 54 năm dài.

Tín mộ đức độ của sư bà Diệu Thiện, ông phán Thông (Nguyễn Ngọc Cang) ở Châu Đốc và nhân dân quanh vùng đã tự quyên góp tiền của, xây dựng lại chùa: nền lót gạch tàu, cột gỗ căm xe, kèo rui gỗ thao lao, lợp ngói móc.

Một thời gian dài sau khi sư bà mất, chùa không có trụ trì. Mãi đến năm 1937, chúng đệ tử mới thỉnh được hoà thượng Thích Huệ Thiện (1904 – 1990), dòng Lâm Tế đời thứ 40 về làm Nhị Tổ, hoà thượng đứng ra trùng tu chùa lần thứ hai. Sau đó kế thừa trụ trì đời thứ ba là Hòa Thượng Thích Thiện Chơn (1932 – 1998). Ngôi chùa được đại trùng tu và kiến thiết thêm nhiều hạng mục lớn nữa cho đến nay dưới sự coi lo chăm sóc của vị trụ trì đời thứ tư, Hòa Thượng Thích Thiện Tài.

GIẢNG BÀ THỢ

Ngày nay trong dân gian còn lưu truyền cuốn Giảng Bà Thợ, lời lẽ giản dị dễ hiểu, khuyên người đời làm lành tránh dữ, tu hành theo Tịnh Độ.

Gọi là giảng vì quyển sách tập hợp những thời pháp thoại của bà, dĩ nhiên phải có trước năm 1899. Tôi đồ rằng sau khi bà mất, để ghi nhớ những lời dạy dỗ mà chúng đệ tử, có thể chính ông phán Thông đã ghi lại thành văn bản và chuyền tay nhau đọc, mãi đến năm 1953 mới xin được giấy phép của chánh quyền tỉnh Châu Đốc để xuất bản và đến năm 1967 trong một lần tái bản, mới có lời tựa của hoà thượng Huệ Thiện.

Quyển giảng gồm 4 phần:

1/. Lời tựa của hoà thượng Huệ Thiện

2/. Kể lại chuyến đi thiếp Tây Phương cực lạc của sư bà bằng văn vần

3/. 10 bài kệ tả cảnh Tây Phương

4/. Pháp thoại của sư bà về cảnh sách thân tâm và pháp môn Tịnh độ

Xin nói tới phần 4 trước. Người chép lại đã cố giữ y lời bà nói, không biên tập thêm bớt nên hơi lạ với người đọc hôm nay. Tuy nhiên, cách đây 120-130 năm mà miền Nam đã có một ni sư biện tài vô ngại như thế thật đáng ngưỡng mộ.

Phần pháp thoại nầy có 9 mục:

  • Cảnh sách thân tâm
  • Nguyên nhân mê muội
  • Nhân vô thường, vật vô thường
  • Sự nghiệp vô thường
  • Vô thường là một đại nhân duyên
  • Pháp môn Tịnh độ
  • Công đức ít nhiều đều được thành Phật
  • Trả lời chất vấn: niệm Phật tội diệt phước sanh
  • Nghi thức niệm Phật.

Tôi đặc biệt thích đề mục thứ 5, vô thường là một đại nhân duyên. Nhiều sư nhiều tổ đã giảng về các pháp ấn: tâm, pháp, vô thường, vô ngã…, nó tạo ra tâm lý ghét bỏ xa lánh vô thường của đại chúng. Có lẽ do đọc ít, tôi chưa thấy sư nào tổ nào khuyên Phật tử nhìn thẳng vào vô thường, sống với vô thường và xem nó là một đại nhân duyên giúp ta tu học, như sư bà khuyên dạy.

Tương truyền hàng ngày bà trì tụng kinh Pháp Hoa và mệnh đề then chốt của kinh nầy là: Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên.

Ghép hai mảnh nầy với nhau khiến cho kẻ hậu học giật mình rúng động.

Phần thứ 2 và thứ 3 là thơ kệ, có thể do ông phán Thông chấp bút, kể lại chuyện sư bà du thiếp ở Tây Phương cực lạc.

Số là gần cuối đời có lần bà nhập thiền đến 6 ngày mà chưa xuất định. Chúng đệ tử hoang mang lo sợ bà đi luôn. Có người nói gióng thử một hồi chuông có thể bà tỉnh lại. Sau khi đánh một hồi chuông thì bà tỉnh thiệt. Hồi lâu bà kể bà đi lên một cõi trời gặp Ngọc Đế, sau đó hỏi thăm đường qua Tây Phương gặp Phật, được Phật hứa khả thì trở về.

Chuyện nầy 100 năm sau có xảy ra ở Trung Quốc. Năm 1967, pháp sư Khoan Tịnh đột nhiên mất tích 6 năm mới trở về. Ông nói Phật bà Quán Thế Âm đưa ông đi viếng cảnh Niết bàn. Chuyện ông kể rất dài và được cư sĩ Lưu Thế Hoa viết thành quyển sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký làm giang hồ xôn xao. Bình luận về việc nầy, pháp sư Tịnh Không tổ sư hiện tại của Tịnh tông Trung Quốc nói không tin.

Tôi biết vọng ngữ là một giới cấm lớn của người Phật tử, nói chi đến tăng lữ. Tôi tin pháp sư Khoan Tịnh và sư bà Diệu Thiện nói thật. Tuy nhiên tôi nghĩ những chuyện mà quý vị ấy kể nó nằm trong tâm thức của quý vị ấy, không nằm bên ngoài. Nên không nói có, không ở đây.

Xin trích vài đoạn của phần 2:

“Núi Sam có vãi chân tu

Tên là Bà Thợ ở chùa Tây An

Sau dời qua ở chùa Hang

Dốc lòng cầu đạo vẹn toàn tu thân…”

“Đức Bà lớn nhỏ đều thương

Lòng thành đi đến Tây Phương ba ngày

Hồi đi gặp đặng ba thầy

Dắt đường đi trước thẳng rày qua sông

Thuyền bè chẳng thấy, đứng trông

Một hồi lại thấy đất không, phẳng bằng..”

“Thấy toà đền các từng từng

Hào quang tỏ rạng bà mừng xuống xe

Lầu đài trướng phủ màn che

Thật đền Ngọc Đế ra mời bà vô

Ngọc Hoàng chào hỏi ớ cô

Chuyện chi nên phải tới phô cõi nầy?..”

“Phật rằng ngươi có lòng thành

Mãn căn ta rước đặng sanh cõi nầy…”….

Phần thứ 3 là 10 bài kệ viết theo thể thơ luật liên hoàn, mô tả cảnh Niết bàn Tây phương Cực lạc. Xin chép lại 2 bài số 4 và số 5:

“…

4.

Các vị thiên vương đến rất đông

Ngày đêm phụng cúng chẳng phai lòng

Kẻ dưng châu báu và cung điện

Người hiến bạc vàng với núi sông

Âm nhạc nhặt khoan thường trỗi giọng

Mạn đà đương rải sắc tươi chong

Danh hương phưởng phất mùi thơm ngát

Lầu các nguy nga rạng vẻ nồng.

5.

Vẻ nồng cõi Phật thiệt là cao

Phong thuỷ khoe khoang thể phú hào

Chim thốt trên cành nghe lảnh lót

Gió rung cội thọ tiếng thanh thao

Núi non sông suối đều xinh đẹp

Dinh thự lầu đài tốt biết bao

Khắp chốn đại thiên miền Tịnh độ

Rạng ngời bảy báu thấy nôn nao.”….

Phần thứ nhất là lời tựa của quyển Giảng do hoà thượng Huệ Thiện cẩn đề.

Như trên đã trình bày, sư bà Diệu Thiện mất năm 1899. Đến năm 1937, hoà thượng Huệ Thiện được chúng đệ tử cung thỉnh làm Nhị tổ, kế thừa và xiển dương mạng mạch Phước Điền. Quyển Giảng Bà Thợ được phép in ấn năm 1953 nhưng đến bản in năm 1967 mới có lời đề tựa của thầy.

Trong lời tựa, văn phong khiêm tốn. Đôi chỗ còn giữ nét biền ngẫu xưa, đọc rất thú vị. Xin trích vài đoạn:

“…Nói về phong cảnh chùa Hang thuở xưa kia, là một đồi núi bịt bùng. Trong hang sâu thăm thẳm lạnh lùng, ngoài cửa điện vô cùng sầm khuất. Cho nên bốn mùa ít kẻ vãng lai, tám tiết không ai thăm viếng…trên đầu non cỏ cây rậm rạp, dưới đồng bằng tạp nạp cánh rừng xanh. Trong hang sâu có cô Thanh cô Bạch thần xà…”

Còn đây là đoạn kể lại công hạnh của sư bà Diệu Thiện:

“…Bà tu khổ hạnh trải qua mấy năm trường đăng đẳng. Ăn thời bữa đói bữa no, cơn nghỉ nằm co trong động đá. Tiết đông thiên lạnh lùng giọt sương sa rỉ rã, nắng trời hè hầm hã nóng như hơ…Ngày che bức màn trời niệm chuỗi bồ đề, đêm trải chiếu đất tụng kệ kinh, dầu cho khó dễ…”…

Chùa Hang bây giờ rất đẹp và vô cùng thanh tịnh. Tháng 4 tới bạn nào có đi vía bà cũng nên dành ít thời gian ghé qua chùa Hang chiêm ngưỡng.

Tháng 5/2023

Đào Dũng Tiến

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

h2
NHÀ VĂN ĐI CHỢ
Anh Lương Minh là nhà báo, nhà văn, quê ở Vĩnh Long, là chủ biên trang văn học tư nhân “Tống Phước Hiệp...
Xem tiếp...
h1b
MỘT MÙA DOLTA BÌNH AN
Tết Sene Dolta năm nay của người Khmer vùng Bảy Núi diễn ra trong 3 ngày, từ 1 đến 3/10/2024, 29/8 đến...
Xem tiếp...
unnamed
Tô Bún Nước Lèo 
Cao Miên là Cam Bốt (từ tiếng Pháp Cambodge). Tiếng Hán, Cao Miên chỉ nước và sắc tộc Khmer. Phụ nữ Miên...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...
h2
NHÀ VĂN ĐI CHỢ
Anh Lương Minh là nhà báo, nhà văn, quê ở Vĩnh Long, là chủ biên trang văn học tư nhân “Tống Phước Hiệp...
Hoa tang
TIN BUỒN
Được tin thầy Đào Hữu Ngạn, sinh năm 1940 tại Vĩnh Bình, cựu hiệu trưởng trường Trung học Chợ Lách, đã...
Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...
-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 13
Lượt truy cập: