Hôm nay là ngày 21/4, nhiều nơi trong nước đang tổ chức “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam”. Tôi ủng hô chủ trương khuyến khích “đọc sách” và “văn hóa đọc” vì rất đúng và hợp thời! Thật ra tôi không chỉ khuyến khích việc đọc mà còn khuyến khích việc viết văn, làm thơ… nữa!
Gần đây tôi thường nhờ bạn Lương Minh đăng bài viết của tôi trên hai trang web của tongphuochiep-vinhlong.com và trunghoccholach.com để nhiều người có thể đọc và tham gia bàn luận (chỉ tiếc là đến nay có rất ít người tham gia!). Ngoài việc nhân cơ hội được trao đổi học hỏi với mọi người, nhất là đối với các bạn Chợ Lách và Vĩnh Long, tôi còn muốn góp phần cho hai trang web này được sinh động hơn, lôi cuốn nhiều người chủ động tham gia hơn qua những góp ý, bình luận và phản biện! Có như thế nhiều người sẽ có những thôi thúc tự thân nhu cầu đọc và viết.
Ngày nay trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhiều người có thể mãi lo làm ăn lúc chưa có tiền, đến khi có tiền rồi lại muốn có tiền nhiều hơn… nên không có thời giờ đọc, thời giờ viết. Người học ít mà lười đọc, lười viết thì không nói làm gì; đến người học nhiều, có bằng cấp cao cũng vẫn lười… nên tuy lúc nhỏ rất ham đọc sách, bây giờ khi cầm đến một quyển sách không dày lắm (dầu rất hay) cũng cảm thấy ngán ngẩm; đến lúc phải cầm bút viết một đoạn văn không dài lắm cũng đủ thấy khó khăn khi chọn câu, chọn chữ…!
Chính việc lười đọc lười viết này dẫn đến một hệ luận khá phổ biến, đó là việc viết sai chính tả, viết văn bất thành cú… nhan nhản nhiều nơi trong những bài viết trên mạng, trên bảng hiệu hàng quán, trên biển báo giao thông… Những việc này đập vào mắt mọi người mà dường như nhiều người không hay, không biết… hoặc có biết thì cũng chép miệng cho qua vì thấy chẳng có gì quan trọng!
Tôi nghĩ cố gắng “tập tành” lại khả năng đọc và viết là một biện pháp khá quan trọng để giảm bớt tệ nạn này. Hơn nữa, có viết nhiều thì lời văn càng minh bạch, ý văn càng khúc chiết; có làm thơ nhiều thì lời thơ càng sâu lắng, “cảm” được lòng người, khỏi cần phải “mượn” lời và ý của những nhà thơ đi trước, khỏi dùng chữ rối rắm, cầu kì… mà vẫn tạo được nét riêng trong “thi phong” của mình, đạt được tiêu chuẩn đánh giá về “tài” và “tình” như Tản Đà vẫn thường nói đến khi “bình thơ”!
Nhiều nhà văn hóa đã nói phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Không phải bỗng nhiên mà người ta nói đến văn hóa đọc! Hôm nay nhiều nơi đang tổ chức ngày sách và văn hóa đọc kéo dài đến cuối tháng. Vốn đã khá bi quan với tình hình nhưng hôm nay nhìn những tấm hình minh họa trên báo, thấy nhiều em học sinh tụ tập quanh các quầy sách, tôi bỗng thấy vui và mong là các em vẫn còn ý thích đọc sách lâu dài!
Long Xuyên 21/4/23
KHƯƠNG TRỌNG SỬU
Nhiều người cho rằng các trang mạng xã hội như FB, Youtube… đã làm người ta có thói quen đọc lướt nhanh các thông tin ngắn, hoặc xem chuyện này chuyện nọ trên những vidéo-clip… nên dần dần bỏ thói quen đọc sách! Việc này có tác hại đối với người lớn tuy đã có thói quen đọc sách từ nhỏ nay mất dần đi thói quen này.
Tuy nhiên nguy cơ lớn hơn là trẻ con bây giờ vì mê đủ thứ trò trên mạng nên không có thói quen đọc sách từ nhỏ!