Trung Học Chợ Lách

ĐI THĂM ĐÌNH TÂN PHÚ

Ngày đăng: 19/03/2023, 3:34 chiều, ý kiến phản hồi (1)

Mấy tháng trước tôi đã có đến thăm đình Tân Phú ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách,( Bến Tre) Lần ấy tôi chỉ được tham quan ngoài sân và chung quanh đình vì không có người mở cửa vào xem bên trong.Lúc đó tôi thấy sân đình đã bị lở sâu vào vì sự xâm thực bởi dòng chảy của con sông Tiền trước mặt. Đất bờ sông bị sạt lở chắc đã đưa những kiến trúc ngoài sân đình, thường là cái đàn xã tắc (bằng đất đắp, thường lát gạch, có bàn thờ Thần Nông), tấm bình phong (thường bằng gạch, có hình con hổ con rồng…) và vài ba cái miếu nhỏ đặt ngoài đình (vì đình có thờ nhiều thần)… cuốn trôi theo dòng nước từ lâu rồi…?!

Lần này muốn đi thăm đình tôi phải hẹn trước với người giữ đình để có thể mở cửa vào xem bên trong. Khi tôi đến lần này, ngoài sân vẫn chỉ là hai cái miếu nhỏ như lần trước tôi đã thấy. Trong mỗi miếu đều có bài vị ghi hai hàng chữ Hán theo chiều dọc. Nhờ đã chụp hình giữ lại để về tra tự điển khi đến đây lần trước nên tôi biết một cái miếu thờ hai vị Chúa Xứ Nguyên Quân Ngũ Hành Nương Nương, một cái thờ Bạch Mã Thái GiámMộc Trụ Thần Quan.

Nóc đình có trang trí hai con rồng nhưng hai rồng được đặt ở hai đầu nóc nên cách nhau xa quá, so với vị trí quả châu ở giữa thì không hợp với ý “Lưỡng long tranh châu” thường thấy ở nóc các đình. Mái lợp bằng ngói phẳng kiểu Phú Hữu gần đây, không phải kiểu ngói vảy cá hay ngói âm dương xưa… cho biết đợt trùng tu gần đây nhất cách nay không lâu lắm và người ta không giữ lại những vật liệu kiến trúc cổ!

Bên phải hai cái miếu là một cây Sộp cổ thụ già rất to mà tôi nghĩ nó đã được người dân “phong thần” và được thờ theo tín ngưỡng dân gian (thờ những cây cổ thụ nhiều tuổi) trong cái miếu thờ có ghi Mộc Trụ Thần Quan. Khi nói về cây Sộp, bà giữ đình, một cách kính cẩn, kể chuyệnt vài chục năm trước đây, khi còn nhỏ, bà đã thấy trong đám thân cây chằng chịt có vài cục đá to. Sau đó không biết vì sao chúng biến mất! Nghe bà kể, tôi nghĩ đó có thể là “Ông Tề” của tín ngưỡng người Khmer. Tôi không chắc người Khmer (vì lý do tín ngưỡng) hay một người Việt nào đó (có thể vì lý do khác) đã đặt hòn đá vào gốc cây từ thời xa xưa lúc cây còn nhỏ, rồi hòn đá dần dần được đưa lên cao với thời gian khi cây lớn lên nhờ đám rễ chằng chịt quấn quanh,. Dầu sao cũng nên nhớ, trước khi người Việt đến đây, không nhiều thì ít, người Khmer xa xưa có thể đã ở vùng này.Chuyện những hòn đá biến mất chẳng phải là chuyện thần thánh gì; tôi nghĩ chẳng qua là về sau chúng đã bị người khác lấy đi.

Liền ngay trước và bên ngoài chính tẩm là võ ca, một ngôi nhà trống không. Cũng chẳng có lầu chuông, lầu trống. Trước đây nơi này phải có sân khấu để hát bội và tiến hành các nghi lễ cúng thần. Võ ca còn khá mới nhưng bộ giàn trò không phải là danh mộc và không chạm trổ gì! Theo bà giữ đình võ ca được một mạnh thường quân địa phương, anh Vĩnh Long, xây cất lại cách nay vài năm, do cái cũ đã đổ nát. Trong nhà phụ bên cánh tả tiếp nối với võ ca, cũng được xây cất lại cùng lúc với võ ca, có khỏang không gian trống trải khá rộng đủ chỗ đặt được chừng tám bộ bàn ghế ăn dùng cho những buổi cúng đình hàng năm.

Sát vách tường ngoài có bàn thờ Tiên Sư trên bệ gạch. Nghe nói trước đây vài chục năm nơi này có một ông thầy giáo đến ở và dạy các lớp vỡ lòng cho bọn trẻ trong làng. Vật liệu dùng để xây cất, màu sơn và cách kiến trúc phần võ ca, nhà phụ, bàn thờ Tiên Sư…thuộc loại thông thường, hơi kém mỹ thuật… như của người dân trong xã hay dùng trước đây. Không còn những đường nét cổ. Có thể một phần vì ngân sách eo hẹp, một phần vì trình độ về văn hóa và kiến trúc cổ không cao của người địa phương có trách nhiệm trùng tu và của thợ xây dựng!

Những cánh cửa chính tẩm vẫn đóng khi tôi tới. Trước cửa có treo một bảng nhỏ bằng mi-ca màu xanh, khắc những hàng chữ bằng sơn trắng: “DI TÍCH. Đình Thần Tân Phú do sắc phong của vua Tự Đức xây dựng ngày 12 tháng 11 năm 1852. Do hư hoại nên được xây dựng mới năm 1952”. Khi đọc những hàng chữ này tôi nghĩ có sự nhầm lẫn ở đây về năm xây dựng đình! Theo lệ thường, lưu dân đến một nơi nào đó ở miền Nam để khai hoang, tụ họp lập ấp và xây đình rồi mới dâng sớ về triều đình xin công nhận làng và ban sắc phong thần cho đình làng. Những việc này phải tốn thời gian rất lâu và khi vua quan ngồi “rề rà” duyệt xét xong thì cũng chỉ cấp sắc phong cho từng làng. Đến năm 1852 là Tự Đức ngũ niên, nhà vua lại đồng loạt ban sắc thần cho toàn bộ các đình làng còn chưa có sắc, đó là nhằm nhanh tay xác nhận chủ quyền của nước Đại Nam trên tất cả các làng mới lập trước nguy cơ xâm lăng của người Pháp. Như thế người dân nơi đây ắt đã thành lập làng và xây dựng đình Tân Phú này xong ít nhất cũng vài năm trước khi được nhà vua ban sắc phong năm 1852!

Sau khi bà giữ đình mở cửa (cả cửa chính lẫn cửa hông) tôi bước vào trong và quan sát chính tẩm. Nhìn chung, gian chính tẩm hơi nhỏ, u tối cũng như của các đình khác. Các món đồ tự khílổ bộ không nhiều, không đủ bộ, có lẽ đã bị thất lạc, mất mát…làm mất đi vẻ uy nghiêm tạo ra bởi những thứ được xem là nghi trượng của thánh thần! Cũng may là còn tượng hai con hạc khá to khá đẹp khiến không gian có phần “thanh thoát” hơn!

Treo trên cao là bảng tên đình viết bằng chữ Hán “ Tân Phú Đình”. Vậy tên Tân Phú đã có từ xưa, từ ngày thành lập làng. Ngày nay đình vẫn thuộc ấp Tân Phú, xã Sơn Định. Dưới bảng tên đình là tấm trướng màu đỏ ghi hàng chữ “Quốc Thái Dân An” bằng chữ Việt và tên họ của một cố hương chức đề tặng.Chỉ có vậy, chẳng có hoành, phi, câu đối… gì khác. Tứ trụ cũng chẳng có chạm trỗ rồng…!

Trong chính điện không có nhiều hương án thờ các vị thần phối tự như ở các đình khác. Trên hương án chính có chữ “Thần” bằng chữ Hán thật to. Tôi nghĩ đây cũng là hạ đẳng thần Bổn Cảnh Thành Hoàng, nhưng không thấy đồ tự khí nào ngoài cái tráp đậy kín. Khi chỉ cho tôi cái tráp, nét mặt bà giữ đình rất trịnh trọng. Thông thường ở các đình, cái tráp này đựng sắc phong Thần của vua ban. Vào năm Tự Đức ngũ niên, nhà vua ký rất nhiều sắc phong cho các đình miền Nam đang mở đất. Nhưng tại một số địa phương, lưu dân đến sống rất đông, xây dựng nhiều đình mà chỉ nhận được một sắc phong, nên có tình trạng nhiều đình phải “xài chung” một sắc! Do đó sắc phong thần là vật rất quý, được gìn giữ cẩn thận. Tôi không tin lắm trong cái tráp đặt công khai trên bàn thờ và không bố trí người bảo vệ như thế này có chứa sắc thần?!

Trên hương án thờ Tả Ban cũng có hàng chữ “Quốc Thái Dân An” nhưng viết bằng chữ Hán và trên hương án thờ Hữu Ban có hàng chữ Hán “Phong Điều Vũ Thuận”. Cũng chẳng thấy đồ tự khí trên hai hương án này!

Ngoài hương án thờ Tả Ban và Hữu Ban đặt hai bên hương án thờ thần Thành Hoàng, tôi chỉ thấy ở một bên chính tẩm có hương án thờ các bậc Tiền Vãng (ở các đình khác lại thường có hương án thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền). Tuy ghi là vậy (bằng chữ Hán) tôi lại cũng không thấy có bài vị nào thờ những người cố cựu có công có đức ở địa phương từ ngày thành lập làng! Ở những đình khác, có khi danh sách này ngắn, có khi rất dài.

Thấy tôi quan tâm đến sự “khiêm tốn” của đình dầu theo bảng giới thiệu gắn trên cửa, tuổi đời của đình đã gần hai trăm năm, xứng đáng là một di tích cổ có giá trị; bà giữ đình cho biết, hàng năm ban hội tề vẫn đều đặn và nghiêm túc tổ chức cúng kỳ yên theo cổ lệ. Tuy ban hội tề có vận động các mạnh thường quân tu bổ sửa chữa đình, nhưng không được nhiều! Bà ấy còn chỉ tay lên nóc và cho biết thêm, những khi trời mưa, mái ngói bị dột nhiều khiến các bàn thờ bị ướt và nền chính điện bị đọng nhiều nước…!

Thật ra khi nhìn những kết quả do tu bổ sửa chữa, tôi biết những người thợ tay ngang địa phương thời nay đã làm sai lệch hay mất mát nhiều đường nét kiến trúc cổ! Nhưng cũng phải đành! Có còn hơn không, để lưu giữ lại một di tích văn hóa! Tôi mong những mạnh thường quân của ngay chính địa phương và những người “hằng tâm hằng sản” các nơi đã góp tiền góp của xây dựng nhiều công trình tôn giáo lớn khác, hãy chung tay góp sức tu sửa lại ngôi đình nhỏ này. Nếu đình được trùng tu xứng đáng và đường sá lưu thông tốt hơn (cả đường sông phía trước lẫn đường bộ phía sau đi tới bến đò qua Ngũ Hiệp) tôi hy vọng rồi sẽ có nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm đình, làm “sống lại” một di tích văn hóa cũ của người Việt, đồng thời góp phần phát triển nền kinh tế trong vùng.

Chẳng phải vì mê tín, nhưng để khuyến khích việc lưu giữ một truyền thống văn hóa, tôi nghĩ những người có góp công góp của tu bổ xây dựng đình cho ra dáng một di sản văn hóa, khi chết đi sẽ được có bài vị trên bàn thờ Tiền Vãng đang để trống!

Đi khỏi cái đình “nghèo” không bao xa, tôi trông thấy một ngôi chùa xây cất gần xong. Cũng như nhiều chùa khác trong thời buổi ngày nay, ngôi chùa mới đó trông bề thế, oai phong và hoành tráng… không như cái đình Tân Phú cũ này!

(Long Xuyên tháng 6/ 2022)

KHƯƠNG TRỌNG SỬU

H1

h2

h3

h4

h5

h6

h7

Một bình luận

  1. Đến hôm nay tôi đã đăng bài này hơn một tháng rồi mà không thấy ai có ý kiến gì để làm rõ thêm về cái ngôi đình cổ này. Tiếc thật!

    Tôi sinh sống ở địa phương khác. Khi đến thăm  đình thì viết đôi điều, không tránh được phần chủ quan… nên rất mong được người địa phương có quan tâm đến một thiết chế văn hóa lịch sử của địa phương đóng góp thêm!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

unnamed
Tô Bún Nước Lèo 
Cao Miên là Cam Bốt (từ tiếng Pháp Cambodge). Tiếng Hán, Cao Miên chỉ nước và sắc tộc Khmer. Phụ nữ Miên...
Xem tiếp...
H6 - Copy
HỘI ĐUA BÒ CHÙA RÔ LẦN THỨ X
Hôm nay, 8/9/2024, thị xã Tịnh Biên, An Giang tổ chức hội đua bò chùa Rô lần thứ X. Do hoàn lưu bão số...
Xem tiếp...
h6
ĐI LÁI THIÊU ĂN SÁNG
Lái Thiêu là thủ phủ của TP Thuận An, Bình Dương, nơi được xem là có nhiều di tích của người Hoa ở Bình...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

d92ab2a7-5d6c-49a4-8b59-87bb3265d276
BẾN TRE DƯỚI THỜI GIA LONG:
Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Đời vua Minh Mạng, miền...
h1b
MỘT MÙA DOLTA BÌNH AN
Tết Sene Dolta năm nay của người Khmer vùng Bảy Núi diễn ra trong 3 ngày, từ 1 đến 3/10/2024, 29/8 đến...
H1
SƯU TẦM VÉ SỐ CŨNG CÔNG PHU
Mua vé số sưu tầm thì về phân loại theo chủ đề: vé số Đông Dương, kiến thiết Quốc gia, vé sau 1975, chủ...
1727824568052blob
Chữ "Ả"
Ả vốn là từ A 婀(妸) trong “Chữ Nho… Dễ Học” được Nôm Hoá và được thông dụng cả hai âm...
unnamed
Tô Bún Nước Lèo 
Cao Miên là Cam Bốt (từ tiếng Pháp Cambodge). Tiếng Hán, Cao Miên chỉ nước và sắc tộc Khmer. Phụ nữ Miên...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 14
Lượt truy cập: