Trung Học Chợ Lách

NGÀY XUÂN QUÝ MÃO Ở CHỢ LÁCH

Ngày đăng: 01/02/2023, 9:26 sáng, ý kiến phản hồi (2)

Năm nay tôi ở Chợ Lách từ mùng hai đến hết mùng năm, vậy là được ăn một nửa sau của cái Tết Quý Mão này tại quê vợ. Thật ra Tết ngày nay không có trọn vẹn “cái hồn” của Tết ngày xưa, nhưng con người ngày nay vẫn cố giữ được một số sinh hoạt truyền thống, một số nét văn hóa cũ của ngày Tết… Cũng hay! Tuy vậy, vẫn nên bỏ một số sinh hoạt tuy vẫn là truyền thống nhưng không còn phù hợp với văn hóa và xã hội ngày nay nữa! May cho tôi là trong vài ngày Tết ít ỏi này, tôi được hưởng một số niềm vui mang tính truyền thống văn hóa đẹp cùng những con người dễ mến nơi đây.

Trước Tết, qua email trao đổi cùng bạn hữu, tôi được giới thiệu bài viết của một đồng nghiệp đàn anh, BS Nguyễn Chấn Hùng, đăng trong giai phẩm Thế Giới Hội Nhập 2023 dưới tựa đề “Bến Tre, Venice Việt”. Sau mười năm tham gia đào tạo nâng cao chuyên môn cho các bác sĩ ở tỉnh và các huyện của Bến Tre, được dịp đi thăm nhiều nơi trong tỉnh, Nguyễn Chấn Hùng đã nhận xét cảnh sông nước của xứ dừa này đâu thua gì cảnh thành phố sông nước nổi tiếng Venice vùng Đông-Bắc Ý! Có thể anh hơi “cường điệu”, nhưng chẳng sao! Người dân Bến Tre cũng như Chợ Lách có quyền hãnh diện bởi nét đẹp của quê hương mình, cái đẹp của xứ vườn với nhiều loại cây ngon trái ngọt, với nhiều giống hoa kiểng xinh đẹp và gần đây lại nổi tiếng với nghề tháp cây trồng (còn gọi là “chui cành”) khiến người Tây nguyên xa xôi cũng tìm về để mua giống…

Nói đến cái đẹp của vườn hoa cây kiểng, cũng trước Tết tôi được cậu em vợ gửi xem những tấm hình flycam chụp cảnh hội hoa xuân Chợ Lách. Màu đỏ tươi của những bông hoa giấy tràn ngập rực rở cả một vùng khiến tôi ngạc nhiên đến mức ngày mùng năm tôi phải tìm đến vùng Long Thới để xem cho được những cánh hoa này bằng chính mắt mình.

Tuy nền kinh tế của Chợ Lách có vẻ chưa phồn thịnh lắm, nhưng vào dịp Tết tôi thấy nhà nhà đều có chuẩn bị đón Tết. Đường sá sạch sẽ, đoạn đường bờ kinh vào ấp Thới Lộc, xã Sơn Định đầy ổ gà nay được tráng lại bằng phẳng. Mỗi nhà đều có trang hoàng nhiều chậu hoa tươi thắm. Hầu hết những gốc mai lớn nhỏ do mỗi nhà trồng đều nở rộ đúng dịp Tết. Ngôi chùa to lớn mới xây xong trước cửa dãy nhà chị em bên vợ tôi trông lộng lẫy, “hoành tráng” lắm và được người ta hiến tặng rất nhiều chậu hoa vạn thọ để trang hoàng trước sân chùa!

Có một sinh hoạt mà tôi thấy nên khuyến khích. Ngày mùng ba cậu em vợ tôi đi dự họp mặt các bạn cùng lớp nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm ngày ra trường và cũng để vinh danh các thầy cô cũ. Ngày mùng năm vợ tôi dự họp thương niên cùng các bạn lớp Đệ Tứ trường Trung học Chợ Lách xưa. Hầu hết bạn bè xưa nay đầu đã bạc nhưng mọi người đều rất sôi nổi mừng rở khi gặp lại nhau! Cũng trong những dịp này bất ngờ lộ ra nhiều tiếng đàn giọng hát nghiệp dư rất hay của một số học trò cũ nay đã là bác sĩ, kỹ sư, thương gia…

Đó là một nét văn hóa nên gìn giữ. Nhân nói đến cái đẹp của tâm hồn con người, đặc biệt tôi vẫn lưu ý đến chuyện thơ văn. Tôi cám ơn bạn Lương Minh đã đăng lại bài “Bóng Dừa và Cây Cầu Chợ Lách” của tôi trên giai phẩm “Bản Tin Xuân” của Cựu giáo chức Vĩnh Bình. Chỉ là một hội nhỏ của một xã mà làm được một tờ báo xuân thật đẹp!

Xứ Chợ Lách quả thật có nhiều người làm thơ, viết văn, viết báo và cả viết nhạc… hay lắm! Dịp Tết này tôi đã tìm được vài bài hay. Trên FB của Cựu học sinh Trung học Chợ Lách ngày mùng bốn, tôi thấy bài viết của Phạm Thu Thảo, bài “Tản Mạn Chuyện Hoa” viết về việc trồng hoa xuân của vùng này với cảm xúc chân thật trước cảnh phủ phàng tối ba mươi tại những chơ hoa các nơi: “ Người bán hoa Tết ở Chợ Lách được cái vì ế có thể bỏ chất đống cạnh thùng rác hay mé bờ sông lúc dọn hàng để thị trấn đón giao thừa. nhưng chưa bao giờ họ đan tâm cắt bỏ hay đập tan nát từng chậu hoa như những người bán tại các chợ hoa nơi thành phố”. Đọc tới đây tôi cảm thấy hơi buồn, không chỉ buồn vì chuyện trước mắt mà còn cảm thấy lo vì nghĩ rằng “sức mua” của dân mình năm nay giảm!

Tôi cũng được đọc mấy vần thơ của Song Thu viết trước Tết, bài “Xuân Tha Hương” nhớ đến một người, có lẽ là cháu, còn ở phương xa không về quê ăn Tết được. Sau khi nhắc những món ăn ngày Tết và cảnh đẹp quê hương, nhà thơ đã “buông” hai câu phải được xem là “tuyệt”: “Nhớ mái nhà xưa cảm động lặng thinh. Nghe sợi khói nhẹ vương đôi mắt đỏ”. Rồi cũng thấy bài thất ngôn bát cú “Xuân An Lạc” của Hổ Ca với hai câu kết nhuốm mùi Thiền: “Tĩnh tại… đông tàn…hoa sẽ nở. Đong đầy An Lạc bễ trầm luân”… làm người đọc lâng lâng cảm giác thanh thản giữa ngày xuân!

         Thầy Phú- Tác Giả Khuong Trong Sửu- Phong Tâm- Lương Minh

  Cuối cùng, vào mùng năm tôi cũng gặp lại nhà thơ Phong Tâm và đọc một bài thơ anh mới viết, đăng trên FB của anh, kèm hai tấm hình minh họa thật đẹp do chính anh chụp cảnh quanh nhà, bài “Rồi Mùng Bốn Tết” có câu “Mùng bốn em ơi Tết đã tàn”. Riêng bốn câu của khổ cuối bài thơ đặc tả cảnh quê vùng sông nước miền Nam với “văn phong” rất Phong Tâm: ”Đêm nay ngủ mệt, lơ mơ sáng. Nước ngập tràn sân cóc nhảy dây”. Con cóc mà biết chơi trò “nhảy dây” như con người à?! Chỉ có nhà thơ mới “thấy” được cảnh đó! Rồi “Mùng bốn tháng giêng mà nước nổi?” lại nói lên cái hiện thực đáng lo của thời tiết năm nay. Con nước rong tháng đầu năm từ ba mươi đến mùng một, kéo qua mùng hai, quá lắm là mùng ba… vậy mà mùng bốn vẫn cao?! Tôi chợt nhớ tối hôm đó đã cảm thấy ngọn gió Đông Bắc thổi mạnh và lạnh nên thấy lo chuyện nó có thể góp phần tạo ngọn gió Chướng thổi ngược dòng sông, đem nước mặn vào đồng ruộng. Nếu năm nay nước mặn lại tràn vào tới kinh rạch vùng sông Hàm Luông và Cổ Chiên… thì nhà vườn Chợ Lách năm nay có cơ khốn đốn?! Nhưng thôi không nói tới chuyện đó (vì còn ngày xuân mà!). Câu cuối hơi gây bất ngờ: “Eo ui! O Huế cũng chau mày”. Đâu có cô gái Huế nào ở đây nhưng nhà thơ vẫn tả như một nét chấm phá khá đặc sắc để chấm dứt bài thơ.

Đã hết Tết rồi nhưng vẫn còn không khí mùa xuân, tôi hồi tưởng lại vài ngày vui đã qua nên ngồi viết để các bạn đọc chơi!

Bài và ảnh KHUONG TRỌNG SỬU (1)


(1) Bác sĩ ở Long Xuyên, rể của THCL

 

2 bình luận

  1. Tết năm con mèo nầy với tôi vui hơn mấy năm trước đó; không phải bận tâm đến sức khỏe như năm rồi đến đổi không còn cảm hứng để có bài viết. Ngược lại, năm nay bận bịu…vui mừng con cháu đầy đủ về thăm, từ đầu năm đã mất ngày giờ với một vòng “du lịch”, nên tới nay mới có thời gian vào trang Web Trung học Chợ Lách đọc bài viết của anh Khương Trọng Sửu (Bs Sửu) có đề cập đến bài thơ “Rồi mùng bốn Tết” của tôi. Nhìn chung, bài viết của anh Bs Sửu rất hay, thu hút, dễ tiếp cận do tính kỹ trọng như phong thái của anh. Riêng bài thơ của tôi, anh bình luận nhẹ nhàng, tuy vậy không kém phần sâu sắc. Xin cám ơn anh.

  2. Thân gửi anh Phong Tâm,
    Tôi không chỉ đọc bài “Rồi Mùng Bốn Tết” của anh; tôi đã đọc tập thơ “Đơn Giản Như Dòng Sông Trôi” và nhận thấy rất hay nên cũng có viết một bài nêu cảm nghĩ của mình!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
Vừa đặt tách cà phê xuống bàn thì tiếng chuông tin nhắn của chiếc điện thoại vang lên , thoáng nhìn qua...
Xem tiếp...
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
Năm 1969, nhà xuất bản Ca Dao của Hoài Khanh in cuốn Đi Vào Cõi Thơ của Bùi Giáng. Ngoài những nhà thơ...
Xem tiếp...
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Ngày 26/3, Lớp Lão niên đã họp mặt lần 6  tại quán Hiếu Nhân, thị trấn Chợ lách. Về dự có 13 CHS, đặc...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...
h4
VINH BÌNH- NHIỀU HỘI VIÊN CGC NHẬN QUÀ SINH NHẬT
Hội CGC Vĩnh Bình có thông lệ mừng sinh nhật hàng quý vì mỗi quý gặp nhau một lần. Lần này những hội...
h1
VINH BÌNH HOP MẶT MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO
Ngày 17/11, Hội CGC xã Vĩnh Bình đã tổ chức hop mặt mừng ngày Nhà giáo. Có 30 hội viên các nơi về dự,...
h1
THĂM BẠN GIÀ LÊ HỮU HỒNG
Năm ngoái, ngày 20/11 đi Phú Phụng thăm thầy Lê Hữu Hồng, hiệu trưởng trường PTTH Chợ Lách đã về hưu....
images (2)
TIN VUI
Được tin anh Trương Văn Năng, trang trunghoccholach.com sẽ tổ chức lễ vui quy cho ái nữ là Trương Minh...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 5
Lượt truy cập: