Trung Học Chợ Lách

CÂY CẦU ĐÌNH ( cầu Bình Sơn)

Ngày đăng: 01/07/2022, 11:08 chiều, ý kiến phản hồi (2)

Hôm nay, sáng sớm tôi chuẩn bị về Chợ Lách, có hẹn uống cà phê thứ ba với nhóm cựu HS trường trung học Chợ Lách.

Tôi cố ý đi sớm, ngã phà Phước An để đi ngang qua cầu Đình, nơi mà lúc nhỏ từng ở xóm nhà máy chà lúa Vạn Phước để đi học (từ1963 đến 1967). Đến con đường cập ngã ba sông, từ bến đò hướng về đình, tôi chạy xe thật chậm, dõi mắt phía bên kia sông, nơi mặt hậu của dãy nhà xưa, hoàn toàn đổi khác, tôi không còn nhận ra vị trí của nhà tôi ở.

Tới dốc cầu Đình (giờ mang tên Bình Sơn) tôi dừng lại xuống xe, quan sát và tưởng tượng lại cảnh ngày xưa: Bên tay phải theo con lộ, xưa kia là bãi bùn, con lộ đất nhỏ chạy cặp theo mé sông, không có nhà cửa, nay con đường nhựa xích vô trong, còn cập sông là dãy nhà cấp bốn xoay mặt vào lộ . Phía tay trái là dãy nhà nhìn ra sông và con lộ, cạnh bên dốc cầu, nhìn dãy hàng rào kiên cố, phía trong là căn nhà đồ sộ, sân bên cạnh là căn nhà mồ cũng lộng lẫy không kém.

Tôi còn nhớ, xưa nơi này là căn nhà lá, vách ván của bác Hai Phúc, xung quanh là khu vườn chôm chôm rộng mát. Tôi xuống xe đến quán cà phê cạnh cầu hỏi thăm , đúng miếng đất nầy xưa kia là miếng vườn của bác Hai Phúc rồi. Hai bác đã mất, còn đứa con gái cở tôi có gia đình nơi khác.

Nói về bác Hai Phúc, thời đó có nhiều giai thoại về bác. Bác làm nghề hớt tóc , chỗ hành nghề của bác là một góc hàng ba nhà cô Sáu Đông , ngay bến đò chợ. Ngày xưa, tiệm hớt tóc chỉ là một chỗ tạm, đơn sơ rộng chừng ba mét vuông, có một ghế dựa bằng gỗ hơi cao, vừa người ngồi thuận tầm tay hớt ( ghé bốn chân không xoay được), nên khi hớt bác phải đi xoay vòng quanh người ngồi. Sát vách là cái bàn nhỏ hơi cao vừa tầm tay để đồ (cở 4 tất ngang dài 1 mét), trên vách là tấm gương lớn để khách nhìn. Đồ nghề cũng đơn giản: một tông đơ, một dao cạo, kéo thường và kéo tỉa có răng, một bình xịt nước , hai cây lược, hai tấm khăn vải để choàng , dụng cụ vừa giỏ xách để sáng chiều xách tay đi về.

Nếu các bạn có thắc mắc, sao hơn nửa thế kỷ rồi mà tôi còn nhớ rành vậy? Xin thưa tôi là khách hớt tóc thường xuyên hàng tháng của bác Hai Phúc.

Ngoài nghề hớt tóc, bác còn là thầy bùa lỗ ban, tôi biết thời đó thỉnh thoảng có người đến nhà bác, nhờ gỡ bùa hoặc nhờ trị bệnh, bác Hai chỉ làm giúp mà không bao giờ nhận tiền của ai, đúng là rất xứng đáng với tên PHÚC của bác.

Thời đó tôi có chơi với bạn G, nhà bên sông đối diện nhà bác Hai Phúc, G là một đứa bé trai lí lắc, thường hay lội sông qua nhà bác Hai để hái lén chôm chôm, có vài lần rủ tôi nhưng tôi không đi. Có một thời gian bạn G không dám lén qua nhà bác Hai hái trái cây nữa, tôi có hỏi và nghe bạn G kể lại: bác Hai Phúc có bùa lỗ ban linh lắm, mấy hôm trước có một đám tụi nhỏ, tối lén vào vườn bác Hai hái trái cây, trong nhà bác biết được, rồi vẽ bùa thế nào, mà tụi nhỏ vừa ôm thân cây ,vừa xoay vòng vòng vừa khóc. Một lúc thấy mấy trẻ mệt đừ, bác Hai mới từ từ trong nhà đi ra hỏi ” tụi bây làm gì vậy thôi về đi” , lúc đó tụi nhỏ mới buông cây ra được, xá bác lia lịa rồi bỏ chạy. Kể từ đó ít có đứa nhỏ nào, dám bén mảng đến vườn bác  hái trộm trái cây. Không biết chuyện có thật hay không và bạn G có bị chưa, riêng tôi chỉ nghe kể thôi, đã vừa nể vừa phục bác Hai Phúc sát đất ( nể tánh hiền lành hay giúp người và phục tài bùa lỗ ban của bác ).

oOo

Tôi lên xe chạy chậm chậm lên dốc cầu , trước mắt bên tay phải dốc cầu, có bảng xanh nhỏ ghi Cầu Bình Sơn, giờ tôi mới biết tên cầu, chứ trước kia theo thói quen cũ, tôi thường gọi là cầu ĐÌNH, nay là cầu bê tông vững chắc, cở xe 16 chỗ qua dể đàng.

Chạy chầm chậm, trong đầu tôi lại hiện lên giai đoạn một thời quá khứ, như một đoạn phim quay chậm: Xưa kia nơi đây là một cây cầu gỗ lớn, có hình dáng như cầu khỉ, chưa có tên mà người dân có thói quen gọi là cầu ĐÌNH. Cây cầu có ba nhịp, hai nhịp đầu làm bằng thân cây tròn, bắt từ mé bờ xéo từ từ lên nhịp giữa, cọc cầu là những cặp tre bắt xéo hình X để giữ êm không bị lăng tròn, nhịp giữa khá dài và cao để ghe chung qua lại được, móng làm bằng cây dừa, mỗi đầu móng là một cây đóng chặt xuống sông , nhịp cầu là hai miếng úp lại từ một thân dừa cưa chẻ làm đôi , khoảng từ nhịp bìa lên nhịp giữa có một bậc cao cở bốn- năm tấc, những cọc tre đóng chữ X, phần ngọn còn dư phía trên cột hai hàng tay gượng, vừa cở người lớn và trẻ em.

Khi xưa tôi rất sợ qua cầu một mình, mặc dù lúc đó tôi đã là đứa bé mười hai tuổi (tại đẹt quá). Tôi còn nhớ rõ hình ảnh, tôi vói tay vịnh chắc vào tay gượng, lần mò từng bước, nhất là khi leo lên nhịp đoạn giữa, với tôi thời đó đã khó rồi. Chưa đâu ! đến đoạn giữa, chân tôi bắt đầu rung theo từng nhịp rung của nhịp cầu dừa, vịn chắc tay gượng tre, chân run run từng bước, trong đầu sợ hãi, mà mắt lại luôn nhìn xuống sông. Cuối cùng cũng lần mò qua hết nhịp giữa, mới thở phào nhẹ nhõm.

Giờ đây chạy bon bon qua cầu bê tông lớn, nhớ lại chuyện xưa, các bạn trẻ bây giờ nếu có duyên đọc được đoạn kể nầy, các bạn có tưởng tượng ra hình ảnh, đứa bé đang run run, một mình lần mò từng bước qua cầu, hay chỉ cho là câu chuyện hư cấu ?

28/06 /2022

Thông Văn

 

2 bình luận

  1. Hôm trước, trong khi đạp xe thể dục buổi sáng, tôi có đến Cầu Đình và ghé vào Đình Bình Sơn cạnh đấy chụp vài bức ảnh. Cửa chính tẩm bị khóa nên tôi không vào thăm bên trong được, chỉ đi dạo bên ngoài. Tuy vậy tôi cũng sẽ ghi lại thành một bài ngắn và đăng trên trang web này.
    Nếu có dịp, tôi có thể đến thăm thầy Thông Văn tại chùa được không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

d92ab2a7-5d6c-49a4-8b59-87bb3265d276
BẾN TRE DƯỚI THỜI GIA LONG:
Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Đời vua Minh Mạng, miền...
Xem tiếp...
H3
CHUYỆN ĐÒ XE VỀ CHỢ LÁCH
Những năm gần đây thỉnh thoảng tôi về Chợ Lách thăm bạn học cũ, ngồi trên chiếc xe Honda chạy bon bon...
Xem tiếp...
pHAN LE
TÔI ĐÓNG VAI PHÀN LÊ HUÊ
Năm 1963 thầy Nam dẫn tôi và chị Dễ (chị Tư) về Chợ Lách đi học, tôi vào lớp nhất học với thầy Châu,...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

unnamed
Thành Ngữ Bị Hiểu Sai Hơn Một Ngàn Năm Qua
 Trong văn học cổ Trung Hoa, thành ngữ đánh giá phẩm bình cao nhất về dung mạo của nữ giới là “Trầm...
Thông van
UỐNG TRÀ CỦA THÍCH THIỆN THẢO
Là nhà sư Phật giáo. CHS Trường THCL  hiện nay sống ở Huyện Mang Thít nhưng có cuộc sống của đạo tiên:...
3
CHÚC MỪNG SINH NHẬT THẦY ĐOÀN ĐÌNH CẦM
Ngày 16/10 là sinh nhật thầy Đoàn đình Cầm, GS truờng trung học Chợ Lách vào những năm 60, hiện nay thầy...
d92ab2a7-5d6c-49a4-8b59-87bb3265d276
BẾN TRE DƯỚI THỜI GIA LONG:
Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Đời vua Minh Mạng, miền...
h1b
MỘT MÙA DOLTA BÌNH AN
Tết Sene Dolta năm nay của người Khmer vùng Bảy Núi diễn ra trong 3 ngày, từ 1 đến 3/10/2024, 29/8 đến...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 17
Lượt truy cập: