Mấy tháng trước tôi có đến thăm đình Tân Phú ở xã Sơn Định, Chợ Lách. Lúc ấy tôi chỉ được tham quan ngoài sân và chung quanh đình vì không có người mở cửa vào xem bên trong.
Sân đình trước kia đã bị lở nhiều vì dòng chảy của con sông Tiền trước mặt. Đất sụp chắc đã đưa cái Đàn Xã Tắc, tấm bình phong (có hình con hổ con rồng) và vài ba cái miếu nhỏ mà các đình Nam bộ thường có… cuốn theo dòng nước… nên chỉ còn lại hai cái miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương, Chúa Xứ Nguyên Quân và Bạch Mã Thái Giám, Mộc Trụ Thần Quan. Trong phần nhà phụ bên cánh tả, tiếp nối với võ ca (nghe nói do anh Vĩnh Long, một mạnh thường quân địa phương vận động xây cất lại vì đã đổ nát) còn có bàn thờ Tiên Sư. Trước cái nhà phụ này là một cây Sộp cổ thụ rất to mà tôi nghĩ nó đã được dân gian gọi là “Thần” và được thờ trong miếu Mộc Trụ Thần Quan. Bà “thủ đình” kể rằng rất nhiều năm trước đây trong đám thân cây sộp chằng chịt có vài cục đá to. Tôi nghĩ đó có thể là “Ông Tà” của người Khmer? Dầu sao trước khi người Việt đến đây, không nhiều thì ít, người Khmer có thể đã ở vùng này?
(Sau chuyến đi tôi đã có viết một bài và chụp một số hình, đăng trên FB của Cựu học sinh trung học Chợ Lách)
Vừa rồi tôi lại có dịp ghé thăm ngôi đình cũng đáng được xếp vào loại “Di tích văn hóa” này và cũng may, được bà “thủ đình” mở cửa cho vào xem chính điện.
Nhìn chung, gian chính điện hơi nhỏ, đồ tự khí và lổ bộ không nhiều, có lẽ đã bị thất lạc, mất mát… Cũng may là còn tượng hai con hạc khá to khá đẹp khiến không gian có phần “thanh thoát” hơn!
Treo trên cao là bảng tên đình viết bằng chữ Hán “ Tân Phú Đình”. Vậy tên Tân Phú đã có từ xưa, từ ngày thành lập làng. Ngày nay đình vẫn thuộc ấp Tân Phú, xã Sơn Định. Dưới bảng tên đình là tấm trướng màu đỏ ghi hàng chữ “Quốc Thái Dân An” bằng chữ Việt và tên họ của một cố hương chức đề tặng.
Trong chính điện cũng không có nhiều hương án thờ các vị thần phối tự như ở các đình khác. Trên hương án chính thờ thần Thành Hoàng cũng có chữ “Thần” thật to nhưng tôi không thấy đồ khí tự gì ngoài cái tráp được phủ vải kín. Thông thường ở các đình cái tráp này đựng sắc phong Thần của vua ban. Vào năm Tự Đức ngũ niên nhà vua ký rất nhiều sắc phong cho các đình miền Nam đang mở đất. Nhưng tại một số địa phương, lưu dân đến rất đông, xây dựng được nhiều đình mà chỉ nhận được một sắc phong, nên có tình trạng nhiều đình phải “xài chung” một sắc! Trên hương án thờ Tả Ban cũng có hàng chữ “Quốc Thái Dân An” nhưng viết bằng chữ Hán và trên hương án thờ Hữu Ban có hàng chữ Hán “Phong Điều Vũ Thuận”.
Ngoài hương án thờ Tả Ban và Hữu Ban đặt hai bên hương án thờ thần Thành Hoàng, tôi chỉ thấy có một hương án thờ các bậc Tiền Vãng (ở các đình khác thường có hương án thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền). Trên các hương án này cũng chẳng bày biện đồ tự khí gì và trên hương án Tiền Vãng tôi cũng không thấy bài vị thờ những người cố cựu có công có đức ở địa phương.
Thấy tôi quan tâm đến sự “khiêm tốn” của đình, dầu theo bảng giới thiệu gắn trên cửa, tuổi đời của đình đã gần hai trăm năm và theo bà “thủ đình”, ban hội tề vẫn nghiêm trang tổ chức cúng kỳ yên hàng năm, bà ấy bèn chỉ tay lên nóc và cho biết thêm… những khi trời mưa, mái bị dột nhiều khiến các bàn thờ bị ướt và nền chính điện bị đọng nhiều nước!
Nhìn cái vẻ “nghèo” của đình tôi biết cách đấy không xa có một ngôi chùa xây cất gần xong và cũng như nhiều chùa khác trong thời buổi này, ngôi chùa đó trông bề thế, oai phong và hoành tráng… hơn cái đình rất nhiều!
Tôi mong những mạnh thường quân địa phương, những người “hằng tâm hằng sản” sẽ góp phần tu sửa lại ngôi đình. Tôi hy vọng sẽ có nhiều du khách các nơi đến thăm đình, làm “sống lại” một di tích văn hóa cũ của người Việt, góp phần phát triển nền kinh tế trong vùng. Tôi nghĩ rằng những người đã đóng góp công-của tu bổ xây dựng ngôi đình cho ra dáng một di sản văn hóa, khi chết đi cũng đáng được có bài vị trên bàn thờ Tiền Vãng!
(Long Xuyên tháng 6/ 2022)
Bác Sĩ Sữu
H3
h4
h5
h6
h7