Trong suốt bốn tháng tránh dịch cùng gia đình vừa qua, tôi viết được nhiều nhưng cho đến giữa tháng Chạp này, chỉ mới nhận được một cuốn sách vừa in xong. Đó là cuốn VỚI NGÀY NHƯ LÁ THÁNG NHƯ MÂY, vẫn do Phương Nam Book xuất bản. Rất vui, vì nhờ cuốn sách này, tôi được tái ngộ với họa sĩ kiêm kiến trúc sư tài hoa Đức Lâm sau nhiều năm. Thập niên 1980, tôi từng cùng anh làm một số truyện tranh trên báo Khăn Quàng Đỏ, anh vẽ và tôi viết lời. Anh Đức Lâm từng vẽ cuốn truyện tranh khổ lớn rất đẹp “Công viên khủng long” và minh họa nhiều cuốn sách hay một thời như “Trên sa mạc và trong rừng thẳm”, “Bim trắng tai đen”…
Lần này, anh vẽ bìa và minh họa cuốn sách mới ra của tôi, với những bức minh họa sinh động và đúng ý tác giả, với nét vẽ trong trẻo, rất dễ thương và rất riêng của anh. Anh còn vẽ tặng tôi bức chân dung màu nước đẹp….
Khi đọc lại bản thảo cuốn sách này, tôi nhớ nhiều nhất về những năm tuổi ba mươi của mình.
Đó là thập niên 1990 đầy hạnh phúc, khi bản thân còn đang căng tràn tuổi trẻ, sức lực và niềm vui sống. Đó là những năm không phải lúc nào mọi điều cũng suôn sẻ nhưng chỉ cần một chuyến đi xa, một tình bạn đơn sơ, một cuốn sách thú vị hay một ca khúc trữ tình phát ra từ máy cassette cũng đủ giúp tôi lướt qua những điều không vui gặp phải trên trường đời.
Những cái Tết của thập niên 1990 rộn rã, sung túc hơn hẳn mười lăm năm sống thời bao cấp khó khăn nghèo đói trước đó.
Đó cũng là những năm gặp lại nhiều bạn bè bên ly cà phê. Những ngày cuối năm dịu mát, bao nhiêu câu chuyện cũ thời đi học được nhắc lại và trong đó luôn có bóng dáng vài mái tóc dài. Bạn bè trong xóm cũ từ ngàn dặm xa bên kia đại dương về thăm nhiều hơn, giúp tôi phục dựng lại tuổi thơ của mình từ những câu chuyện kể về thời bận quần xà lỏn đá banh làm bể kính nhà hàng xóm. Đó cũng là giai đoạn mà may mắn thay, cha mẹ già vẫn còn, những thầy cô ngày xưa vẫn sống quanh đây để có thể kể về một thời quá khứ trước đó, mới thập niên 1950, 1960 thôi mà đã khác xa. Những lời kể giúp chúng tôi nhận ra những điều hay dở ở thời đang sống.
Thành phố lúc đó đang chuyển mình, dòng rạch Nhiêu Lộc đang được nạo vét. Thời trang đã quay trở lại trên đường phố Sài Gòn. Sách mới ra rất nhiều, nội dung và thể loại đa dạng. Bùng nổ tạp chí và sách ngoại văn. Những con đường Sài Gòn – Gia Định buồn hiu của thời bao cấp lại nhộn nhịp quán xá, tiệm sách cũ mới, tiệm sửa xe máy và các cây xăng hoạt động trở lại, rạp chiếu phim lại tưng bừng, sân khấu nhỏ nhà hát lớn lại đông khách… Có phần nào đó của Sài Gòn nửa đầu thập niên 1970 đang sống dậy.
Trong hồi ức miên man về những ngày tháng đó, tôi nhớ lại những ngày đi viết bài và chụp ảnh, lang thang từ Xóm Gà sang khu Nancy, từ cầu Sắt Đakao trở ra khu Cây Gõ. Tôi gặp lại anh Tư Quăn, cô Sáu Hàn Ni, chú Tám Lý Thân, anh Tấn Thành,… những người quen cũ biết nhau từ thuở nhỏ hay đã từng thân thiết. Tôi dạo lại trong tâm khảm những tiệm sách mới, cảm nhận những mùi hương sâu đậm đánh thức bao nhiêu kỷ niệm trong một chặng dài cuộc đời vẫn còn thoảng đâu đây.
Tôi luôn cảm thấy “Quá khứ không bao giờ chết. Nó thậm chí còn chưa trôi qua kia” (William Faulkner). Trong tôi, quá khứ luôn sống lại vì nó có nhiều điều thật đẹp, như nhà thơ Thanh Nam từng viết, đó là một thời:
“… với ngày như lá
tháng như mây.”
PHẠM CÔNG LUẬN