Chữ Ô 烏 trong câu thơ “Nguyệt lạc Ô đề sương mãn thiên “. Ô có nghĩa là con Quạ; vì con quạ màu đen nên chữ Ô còn có nghĩa là màu đen, như Ngựa Ô chẳng hạn. Ô từ miền Bắc có nghĩa là cây Dù che mưa của miền Nam, nên ta lại có từ “Ô DÙ”, nghĩa bóng là có người che chở, nâng đỡ, đứng mũi chịu sào. Còn Ô của miền Nam là cái khai đựng trầu mà ta thường gọi là “Ô Trầu” thì miền Bắc gọi là “Cơi Trầu” với câu ca dao :
Đàn ông nông nổi giếng khơi,
Đàn bà sâu sắc như CƠI đựng trầu.
Trở lại với chữ Ô là “con quạ” trong câu thơ “nguyệt lạc Ô ĐỀ sương mãn thiên 月落烏啼霜滿天” là câu đầu tiên trong bài Phong Kiều Dạ Bạc rất nổi tiếng của Trương Kế đời Đường. Cả bài như sau :
月落烏啼霜滿天, Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
江楓漁火對愁眠。 Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
姑蘇城外寒山寺, Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự,
夜半鐘聲到客船。 Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền.
mà cụ Tản Đà nhà ta đã thoát dịch rất hay là :
Trăng tà tiếng QUẠ kêu sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Ô còn là Ô THƯỚC 烏鵲 là Chim Khách cũng màu đen, loài chim này bị đánh đồng với loài quạ đen trong truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ, mà ta gọi là Ả Chức Chàng Ngưu mỗi năm gặp nhau một lần nhờ vào loại chim này bắt cầu ngang sông Ngân Hà mà người đời hay gọi là CẦU Ô hay CẦU Ô THƯỚC, có gốc chữ Nho là Ô KIỀU 烏橋. Như trong truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu :
Riêng than chút phận tơ điều,
Hán giang chưa gặp Ô KIỀU lại rơi.
Hay như trong truyện thơ Nôm khuyết danh “Phạm Tải – Ngọc Hoa” của ta ở thế kỷ thứ 18 cũng có câu :
Đưa thơ tính đã nhiều lần,
Cầu ô rắp bắc sông Ngân cùng nàng.
Còn trong truyện “Lâm Tuyền Kỳ Ngộ” bằng thất ngôn luật thi (tức truyện Bạch Viên Tôn Các) thì gọi là CẦU THƯỚC :
cầu Thước phen này thênh dịp bước,
Tấc gang riêng giữ nghĩa chung tình.
Trong truyện thơ Nôm “Quan Âm Thị Kính” thì lại gọi là Ô THƯỚC BẮC CẦU với các câu sau :
Thiệt công ô thước bắc cầu
Chàng Ngưu Ả Chức giã nhau từ rày !
ĐỖ CHIÊU ĐỨC