Trung Học Chợ Lách

VỀ MỘT CHẶNG ĐƯỜNG THƠ …ĐI QUA HAI THẾ KỶ

Ngày đăng: 25/06/2021, 3:42 chiều, ý kiến phản hồi (0)
Ngót nghét cũng đã gần một thế kỷ trôi qua kể từ khi cuộc đổi mới về thi ca nổi lên (Tháng 3/1932 – 3/2020 đã được 88 năm ) Chúng ta những tín đồ của thi ca hôm nay được hưởng di sản vô giá đó, kế thừa và sáng tạo là một bước ngoặt lớn không thể không bồi hồi nhớ lại những thành tựu của tiền nhân đối với nền văn học nước nhà và thi ca nói riêng.
               Bạn hãy cùng tôi đọc lại MỘT THỜI ĐẠI TRONG THI CA ( Hoài Thanh, Hoài Chân biên soạn năm 1941)
Theo Hoài Thanh : Thơ mới là kết quả “của một cuộc biến thiên vĩ đại bắt đầu từ hồi nước ta sát nhập với đế quốc Pháp và xa hơn nữa là từ hồi Trịnh Nguyễn phân tranh , lúc người Âu mới đến. Cái ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta , người ấy đem theo cùng với hàng hóa phương Tây , cái mầm sau này sẽ nẩy nở thành thơ mới .
Ảnh hưởng của văn học lãng mạn Pháp đã làm thay đổi những rung cảm trong tâm hồn .Con người ta không còn vui buồn , yêu ghét giận hờn như trước , những cảm xúc trong tình yêu đã có màu sắc riêng, mang dấu hiệu của hiện thực cuộc sống:
“… Các cụ ta ưa những màu đỏ choét; ta lại ưa những màu xanh nhạt …các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya; ta nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ . Nhìn một cô gái xinh xắn ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi; ta thì ta cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh . Cái ái tình của các cụ thì chỉ chỉ là sự hôn nhân , nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng : cái tình say đắm , cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi…cái tình trong giây phút , cái tình ngàn thu…” ( Lưu Trọng Lư)
Từ ngàn xưa người ta quen với lối làm thơ : Thất ngôn bát cú: Tám câu, mỗi câu bảy chữ .Học trò vào trường nhì phải làm một bài thơ theo thể thất ngôn luật . Thể này mượn của thi nhân đời Đường , nhưng khi đưa vào khoa cử nó còn bó buộc gấp mấy luật đường :Theo quy mô: đề, thực , luận, kết . Câu tam tứ là câu thực nghĩa là phải giải thích đầu đề rõ ràng, hai câu ngũ lục là câu luận là phải đem ý bài mà bàn rộng ra. Không theo, hỏng.
Chính phủ bào hộ bỏ chế độ khoa cử và thể thất ngôn luật cũng mất địa vị độc tôn.
Năm 1917 Phạm Thượng Chi có nói : “ Thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tâm . Người Tàu định luật nghiêm cho người làm thơ thực là muốn sửa chữa lại tiếng kêu ấy ,cho nó hay hơn, trúng vần điệu hơn nhưng cũng nhân đó mà mất cái giọng thiên nhiên đi vậy .”
Quả đúng vậy khi con tim rung cảm , mạch cảm xúc tuôn trào và chúng ta mượn câu chữ để giải bày nỗi niềm . Thế là đặt bút viết một mạch theo dòng cảm xúc. Tất nhiên trong quá trình viết vẫn tìm từ ngữ , gợi cảm,có sức biểu đạt cao nhất có thể. Nếu cứ bó buộc theo khuôn khổ niêm luật ,thì có khi cảm xúc mất đi ít nhiều… khi tìm tòi ý thơ thì vẫn phải chắt lọc cảm xúc trước khi thể hiện.
Ông Phạm Thượng Chi phê bình bài thơ : QUA ĐÈO NGANG của Bà Huyện Thanh Quan : “ Rằng hay thì thật là hay” nhưng hay quá , khéo quá, phần nhân công nhiều quá mà vẻ tự nhiên ít, quả là một bức tranh cảnh vật . Thời oanh liệt của thất ngôn luật đã đến lúc tàn ., cái thời vận luật Đường đã suy vi . Có thể nói Tản Đà đã manh nha là người mở đường cho thơ mới mặc dù thi tứ vẫn như xưa nhưng đã phảng phất chút bâng khuâng, chút phóng túng của người đời sau . Ngày 10/3/1932 Ông Phan Khôi đã nói : “ Thơ cốt chơn. Thơ cũ bị câu thúc quá nên mất chơn. Bởi vậy ông bày ra một lối thơ “ đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết”
Lần lượt, các thi sỹ xuất hiện : Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, j.Leiba, Thái Can… với những bài thơ hay , có giá trị đã đem đến sự toàn thắng cho thơ mới 1936. Kể từ đó thơ mới đã chiếm hầu hết báo chí và sách vở. từ đó mất dần cách gọi là thơ mới. Các thể thơ : ngũ ngôn, lục ngôn, bát ngôn…thơ tự do của bút pháp hiện đại mới thỏa sức đáp ứng cho người làm thơ biểu đạt mọi cung bậc cảm xúc .có người nói người ta làm thơ mới vì luật thơ Đường khó . Theo Tân Việt :” Thơ tám câu cũng không phải khó gì . Nhiều người chỉ học trong nửa tiếng đồng hồ là thuộc và có thể làm đúng niêm luật . Tháng 8-1933 các báo hàng ngày vẫn đăng bào nhiêu là thơ bát cú của nhiều thi sỹ chỉ học trong mấy ngày là thành tài…” Chúng tôi dám quả quyết như vậy vì từ khi có báo quốc ngữ ..thơ tám chữ mọc ra không phải như hoa lan, hoa huệ …mà như nấm”
“ Thơ cũ rút quân ra khỏi mặt trận nhưng không hề cởi giáp ra hàng. Nó lui về các thị xã, ẩn mình trong những thi tập chỉ trao tay trong năm bảy anh em mà lưu truyền về sau cho con cháu. Thơ cũ trên sách báo ngày một thưa dần. Trừ một đôi tờ không chuyên còn hễ đăng thơ cũ là báo chết.
Tôi không so sánh các nhà thơ mới với Nguyễn Du để xem ai hơn ai kém. Đời xưa có những bậc kỳ tài đời nay không sánh kịp . Đừng lấy một người sánh với một người . Hãy so sánh thời đại cùng thời đại .Trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ người ta thấy cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, Hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ão não như Huy Cận , đậm hồn quê như Nguyễn Bính , kì dị như Chế lan Viên …và thiết tha rạo rực , băn khoăn như Xuân Diệu ”
Theo Hoài Thanh : Cái học khoa cử, những bài thơ kiệt tác ngâm đi giảng lại hoài đã gần thành vô nghĩa . Nó chỉ còn là cái máy để đúc ra hàng vạn thí sinh với hàng vạn bài thơ dở. Đến khi khoa cử bỏ, chữ Nho không còn là một con đường tiến thân , song thiếu niên Tây học vẫn có người xem sách Nho. Họ chỉ cốt tìm một nguồn sống tinh thần . Họ đi tới thơ Đường với một tấm lòng trong sạch và mới mẻ, điều kiện cần thiết để hiểu thơ . Cho nên dầu dốt nát, dầu nghĩa câu chữ lắm khi họ rất mờ , họ đã hiểu thơ Đường hơn nhiều tay khoa bảng.
Hồn thơ Đường vắng đã lâu , nay lại trở về trong thơ Việt , nó đi theo Thái Can, Leiba, Đỗ Huy Nhiệm, Vân Đài, Lưu Kỳ Linh, Phan Khắc Khoan , Thâm Tâm nhưng đôi khi phảng phất chứ cũng không hẳn hoàn toàn trong sáng tác của họ . Có những nhà thơ có ảnh hưởng của văn học Phương Tây , có ảnh hưởng thi văn Pháp cũng không làm mất đi bản sắc Việt nam , còn những sự mô phỏng vụng về dĩ nhiên bị đào thải . Có nhà thơ ít hoặc không ảnh hưởng của Thơ Đường , thơ họ có mang tính cách Việt Nam rõ rệt như Lưu Trọng Lư, tìm cảm hứng trong thi phẩm thời xưa như Phan Văn Dật. Nguyễn Bính tìm về ca dao để tìm tính chất Việt Nam.
Đôi khi các nhà thơ còn có ảnh hưởng lẫn nhau.
Nhất Linh cho rằng : « Thơ Đường luật nếu có hay , cũng chỉ hay về văn thể , không hay về ý tưởng » Như vậy phong trào thơ mới đã phá vỡ ít khuôn khổ xưa để đáp ứng với xu hướng mới đầy tinh thần sáng tạo .
Ảnh hưởng của thơ Pháp giúp ta tìm lại chính ta, nhận thức cái cá tính của ta , hoặc trở về thơ Việt xưa ,hoặc tìm đến thơ Đường , thơ Pháp thì ta cũng cốt tìm ta. Di sản tinh thần ông cha để lại vần còn nguyên vẹn những thế hệ kế tiếp sẽ kế thừa, phát huy, với tinh thần sáng tạo . Phép dùng chữ , đặt câu đổi mới ngày càng táo bạo ít nhiều thay hình đổi dáng câu thơ .
Trong thơ không còn chữ ta nữa, chữ ta đến lúc này đối với họ to rộng quá. Tâm hồn đừng lại ở chữ tôi là quá đủ. Không thể có khí phách ngang tàng như Lý Bạch ; trông trời đất chỉ biết có thơ , Cũng không thể khinh cảnh cơ hàn như thơ cũ mà tinh thần thơ mới là phản ánh những gì là hiện thực cuộc sống , dù hiện thực có là phũ phàng đi chăng nữa.
Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ”
Xuân Diệu nói lên cái hiện thực , phũ phàng không chỉ cho nhà thơ thời đó mà còn nói giùm cho chúng ta kể cả hôm nay.
Hãy nghe tiếp nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân ( Thi Nhân Việt Nam). chỉ với vài câu mà tìm thấy hồn cốt các phong cách thơ mà hay và rất thuyết phục.
« Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi, mất bề rộng, ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu, càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu . Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, , điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.
Đối với thơ mới đôi khi văn xuôi cũng chen vào địa hạt của thơ:
“ Ta là một khách chinh phu”
( Thế Lữ)
Cả ý thơ dồn lại trong hai chữ « chinh Phu » còn bốn chữ kia thừa. Hay so sánh với câu thơ xưa :
« Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo »
Bảy chữ không có một chữ nào thừa.
Nhưng rồi thơ mới mất dần tính cách văn xuôi . câu thơ ngày càng hàm súc.
Như chúng ta đã biết, tính hàm súc là một trong những tính chất làm nên vẻ đẹp văn chương của thi ca đích thực. Vì vậy tính hàm súc cần có trong thi ca nhưng cũng đừng hàm súc quá!
Thử đọc lại một số vần thơ các bậc tiền bối:
“Ngàn năm, sực tỉnh, lê thê
Trên thành son nhạt – chiều tê cúi đầu’”
( Huy Cận )
Mấy câu ấy còn hiểu được một phần. Thơ của vài người gần đây lại hàm súc đến nỗi có những câu không ai hiểu gì cả.
Có tác giả dùng từ tối nghĩa, múa may chữ nghĩa, nhiều khi đại ngôn mà sáo rỗng cũng có. Tuy nhiên nói như vậy, không phải ai làm thơ cũng phải thơ dễ hiểu như ca dao, dân ca hay tục ngữ để đáp ứng mọi tầng lớp và càng không có nghĩa là bài thơ nào bắt buộc ai đọc cũng hiểu, cũng thích cả. Đó là điều không thể. Có người đọc hời hợt thì làm sao bắt họ hiểu được trong khi thơ có tính ước lệ rất cao. Thỉnh thoảng có nhà thơ còn sử dụng nhiều điển tích, điển cố, đậm chất từ chương Hán học để diễn đạt ý tứ của thi nhân một cách hiệu quả nhất và đã để lại cho đời những áng thơ tuyệt tác.
Gần đây, có tác giả đã có tên tuổi trên văn đàn từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Có lần đăng trên Facebook bài thơ khá hay, ngôn từ trau chuốt, điêu luyện. Ông cũng sử dụng ngôn từ thuần Việt. Vậy mà có độc giả đọc xong phán một câu xanh rờn ngay dưới phần comment: « Hiểu chết liền! » Mà thơ ông nào có trìu tượng, siêu thực hay chơi chữ gì cho cam…Như vậy đôi khi không hiểu thơ do đọc hời hợt hay lý do nào khác không thể không nói tới lỗi ở người đọc. Cũng có người nói rằng thơ là phải trừu tượng, dùng nhiều ẩn dụ và nhiều tầng nghĩa. ngôn ngữ phải mang mang tính hàn lâm…
Vâng! Những người làm chuyên môn khi phân tích văn học ngoài những kỹ năng đọc một bài thơ, một bài văn thì rõ ràng phải phát hiện 5 lớp nội dung của tác phẩm (đề tài, chủ đề, cảm hứng, nội dung triết lý và sắc điệu thẫm mỹ). Nhưng công chúng yêu thơ (văn) chỉ cần hiểu, đồng cảm, đôi khi thoáng chút bâng khuâng, nao lòng, lay động tâm tư…Chỉ thế thôi để thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Như vậy sứ mệnh của thi ca đã hoàn thành. Mà khó hiểu quá thì làm sao để thấy được cái hay để mà yêu thích? Trong kho tàng thi ca có những câu đơn giản vô cùng, đọc lên ai cũng hiểu, ngôn từ gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày mà có ai dám cho rằng là thơ dở?
“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Tôi sẽ trách , cố nhiên nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi em hãy gắng quay về
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở”
Hồ Dzếnh
Theo nhà thơ nhà giáo Mai Văn Hoan “ Đánh giá bình phẩm một bài thơ thường mang tính chủ quan, tùy thuộc cái tạng riêng, thị hiếu riêng của từng người”. Hiện nay nhờ có mạng xã hội như blog hay facebook nên thơ nở rộ như hoa mùa xuân. Mỗi một hồn thơ hiện nay đều có lượng độc giả riêng. Có những bài chưa thật hay với người này nhưng lại rất tâm đắc với người khác. Khi họ có cùng tâm trạng tìm được sự đồng cảm, sẻ chia. Và họ cảm thấy như là thi nhân đã nói hộ lòng người, khi ít nhiều tìm thấy bóng hình mình trong đó. Thơ lôi cuốn được càng nhiều độc giả thì càng sớm đi đến thành công.
Nhưng cũng có người làm thơ quá trần trụi, ngôn ngữ như khẩu ngữ đời thường kể cả tiếng lóng ở lề đường hay chợ búa không phải ai cũng dùng, hoặc chưa kịp “cập nhật” chỉ để hiểu xem họ nói gì khi giao tiếp chứ không thể dùng để viết, hay là đưa vào thơ. Nên có những từ người đọc cảm thấy dị ứng. Có khi bí từ nên đưa những từ không có nghĩa hoặc tối nghĩa, diễn đạt rối rắm khó hiểu cho đó là “siêu thực” . Câu thơ không vần, câu chữ ngắn dài khác nhau, muốn xuống dòng lúc nào tùy thích mà thiếu tính nhạc. Nhiều khi tôi nghĩ ngay cả tác giả họ cũng không biết là họ đang viết gì thì người đọc chúng ta làm sao mà hiểu họ được.
Thơ không bắt nguồn từ cảm xúc chân thành mà viết vì mục đích nào đó hay viết theo đơn đặt hàng, lại thiếu sư kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật ngôn từ và tính nhạc thì quả là thảm họa cho thơ.
Tóm lại thơ mới đã lược bỏ đi nhiều khuôn phép xưa, song cũng nhiều khuôn phép nhân đó mà bền vững. Tuy nhiên có những khuôn phép mới xuất hiện đều bị tiêu trầm như thơ tự do, thơ mười chữ, thơ mười hai chữ, hay đang sắp sửa tiêu trầm như những cách gieo vần. Vậy thì có vần cũng tốt không vần cũng chẳng sao, (Trừ thơ lục bát) miễn là tìm được từ đắt nhất, gợi cảm nhất, thuyết phục nhất… để biểu đạt tốt nhất cho điều tác giả muốn diễn đạt và tất nhiên phải có tính nhạc hài hòa.
“Thơ tự do có khi không vần như thơ Thái Can, trong những nét đan thanh thường thì có vần. Nhưng dầu có vần thì nó vẫn khác từ khúc. Nó không bao giờ độc vận. Ba câu cùng một vần đi liền với nhau cũng không mấy khi. Trong khi một bài từ khúc liên vận thường có vần chị, vần em như một ban nhạc có âm chính, âm phụ.
Hễ câu thơ chia làm hai, ba, bốn đoạn, những chữ cuối các đoạn phải lần lượt bằng rồi trắc, hay bằng ngắn (không dấu) bằng dài (có dấu huyền). Theo cách gọi của Hoài Thanh là: luật đổi thanh.
Có những đoạn thơ không cần vần vẫn hay như mấy câu sau đây của Đoàn Phú Tứ:
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn vương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngắt
Tiếng Việt có bằng trắc rõ ràng nên chỉ cần đổi thanh, không nhất thiết phải cần vần.
Cần nhất là thơ phải có nội dung, thơ có hồn, là tiếng nói chân thành từ trái tim, kết hợp hài hòa giữa ý và nhạc. (Vì nếu nghiêng về ý thì thơ sẽ sâu nhưng khô khan, mà nghiêng về nhạc quá thì dễ đắm say nhưng lại nông cạn) chắt lọc cảm xúc, chọn từ ngữ biểu cảm… Chính vì vậy mà thơ của họ được người đọc đón nhận dù là những câu thơ không vần nhưng tất nhiên là “thi trung hữu nhạc” và“ thi trung hữu họa”.
Hãy đọc có 4 câu thơ của Xuân Diệu:
Đây, dây thơ e ấp đã lâu rồi
Chim trong cỏ một vười hoa bỏ vắng
Lòng tôi đó: Một vườn hoa cháy nắng
Xin lòng người mở cửa ngó lòng tôi”
Hay:
” Tôi sợ chiều thu phớt nắng hờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lặng lẽ chân mây vắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò”
( Hai sắc hoa ti-gon
T T KH)
Những câu không vần mà vẫn hay, vẫn lay động con tim bao thế hệ .
Ngày 24/3/2019
Hoàng Thị Bích Hà
( Bài đã được in trong tác phẩm BÌNH LUẬN VĂN HỌC, NXB Thuận Hóa Huế , tháng 6 năm 2019)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

1727824568052blob
Chữ "Ả"
Ả vốn là từ A 婀(妸) trong “Chữ Nho… Dễ Học” được Nôm Hoá và được thông dụng cả hai âm...
Xem tiếp...
Trầm
TRẦM, TRẦN, TRẬN, TRÂU, TRẺ, TREO,TRÊN.
TRẦM NGƯ LẠC NHẠN 沉魚落雁 là một thành ngữ có xuất xứ từ Tề Vật Luận của Trang Tử 《莊子·齊物論》nước Tống thời...
Xem tiếp...
1727106829104blob
Phiếm về NHÂN QỦA
Rất nhiều người vẫn luôn thắc mắc NHÂN QỦA là gì ? Xin thưa, NHÂN 因 là hạt giống, còn QỦA 果 là cái trái...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

d92ab2a7-5d6c-49a4-8b59-87bb3265d276
BẾN TRE DƯỚI THỜI GIA LONG:
Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Đời vua Minh Mạng, miền...
h1b
MỘT MÙA DOLTA BÌNH AN
Tết Sene Dolta năm nay của người Khmer vùng Bảy Núi diễn ra trong 3 ngày, từ 1 đến 3/10/2024, 29/8 đến...
H1
SƯU TẦM VÉ SỐ CŨNG CÔNG PHU
Mua vé số sưu tầm thì về phân loại theo chủ đề: vé số Đông Dương, kiến thiết Quốc gia, vé sau 1975, chủ...
1727824568052blob
Chữ "Ả"
Ả vốn là từ A 婀(妸) trong “Chữ Nho… Dễ Học” được Nôm Hoá và được thông dụng cả hai âm...
unnamed
Tô Bún Nước Lèo 
Cao Miên là Cam Bốt (từ tiếng Pháp Cambodge). Tiếng Hán, Cao Miên chỉ nước và sắc tộc Khmer. Phụ nữ Miên...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 17
Lượt truy cập: