Hôm qua , nhà văn Ngọc Vinh nhắc đến kép chánh Minh Phụng một thời vang bóng làm tôi nhớ đến những đêm hát cải lương ở đình thần Sơn Định lúc bấy giờ. Nhân mùa dịch rỗi rảnh ngồi nhớ lại chuyện xưa cách nay 60 năm.
Đình thần Sơn Định nằm ở khóm 4 , thị trấn Chợ lách (dạo ấy không có thị trấn, xã Sơn Định là trung tâm hành chánh quận Chợ Lách )Đây là rạp hát cải lương lớn nhất quận Chợ lách lúc bấy giờ, nhưng các gánh gát cải lương đại ban thì không về đây vì không xứng tầm, chỉ gánh vào hàng trung ban như Quốc Việt, Thanh Phương ( có Minh Phụng làm kép chánh), Hoa Sen 2 mới về diễn.
Nhà tôi , cách đình chưa được 100 mét, nên mỗi khi gánh hát về là tôi ít khi nào vắng mặt. Ông nội tôi khó tính, không muốn cháu xem hát bỏ bê việc học nên ra chỉ tiêu: gánh hát diễn 4 -5 đêm chỉ được xem hai đêm, còn thì ở nhà học bài! Khổ nổi ,trời chạng vạng là dàn nhạc Tây trổi lên làm cẳng chân tôi giựt liên hồi, chờ ông nội lơ là , tôi liền vọt ra đình để xem, dẫu sáng mai có bị rầy tính sau! Mấy gánh hát trung ban còn có vũ múa cha cha cha trước khi vô tuồng để khán giả ngồi chờ lâu không bực và để chờ lượng khá giả đi trễ mua vé vào xem.
Gánh hát diễn tuồng ở võ ca, lúc đó tôi thấy đình thần lớn quá, giờ về thăm lại thấy không gian quá nhỏ , hèn gì các gánh hát chê không về diễn. Mấy gánh hát hay, thì được người địa phương mua giàn, lời ăn lỗ chịu. Người mua giàn thường xuyên là ông Hai Đực tức Trần văn Đực một doanh nghiệp giàu có ở Chợ Lách (thầu bến đò Chợ lách nhiều năm) lúc bấy giờ, nên các gánh sau khi hát xong liền có lời cám ơn Mạnh Thường Quân Trần văn Đực vì đã mua giàn.
Hai bên đường vô đình, bên phải là hai hàng bán đồ ăn cho khán giả như khô cá khoai, bánh tráng , đậu phọng rang, bắp nướng, nước mía, nước đá bào, mía ghim và quạt giấy . vào xem hát không có máy lạnh, có quạt máy nhưng gắn cho có lệ, phải cần quạt giấy .
Tôi đứa con nít mười tuổi thì biết gì về nghệ thuật cho lắm, cỡ Minh Phụng ca hơi giống Minh Cảnh là khoái rồi. Ngoài ra , gánh hát nào có đu dây, đánh kiếm thì là tuyệt. Lúc đó cũng biết rằng hiệp sĩ vừa bay vừa đanh kiếm có dây móc ngang lưng mới bay được, nhưng vì tắt đèn , đèn chỉ chiếu vào người bay nên không thấy dây. Nhớ xem tuồng Thạch Sanh, lúc Thạch Sanh xuống hang cứu công chúa, xong Thạch Sanh được dây rút lên bay lên trên miệng hang thì khoái tỉ. Gánh hát trang bị đào kép y trang mới là hay, có đèn chiếu trên phông có núi , có mây , có trăng gọi là đèn khoa học. Tráng sĩ chia tay với người đẹp trong đêm trăng, lúc đầu trăng trên cao, hát hết câu vọng cổ là trăng vàng xuống thấp. Chỉ có gánh hát lớn mới đầu tư dụng cụ như vậy chứ gánh hát bội, gánh hát nhỏ thì làm sao có !
Hát hết nửa tuồng thì màn khép , nghỉ ngơi. Đây là thời gian để thay đổi phong cảnh trong sân khấu và để gánh hát quảng cáo tuồng tích đêm mai. Sau đó, phía cổng soạt vé cũng mở cửa cho mọi người vào miễm phí gọi là thả giàn. Từ này sau được dùng để chỉ những tiệc lớn ăn uống miễn phí ở đình chùa , gọi là ăn thả giàn.
Gánh hát đi rồi để lại hậu quả là bọn con nít tôi bắt chước. gần nhà tôi có mấy đứa nhỏ tuổi hơn lấy khăn cột cổ phủ sau lưng làm tráng sĩ, lấy lá dừa kết làm mão, rồi thì cũng giăng màn gỏ ba tiếng cộp cộp cộp kéo màn ra. Bài hát thì lấy từ tích tuồng cuốn bài ca vọng cổ mua hai đồng từ tiệm Phú Hưng Long bên chợ. Hình như những đào kép xóm bến Bắc bây giờ chắc xuống lỗ hết phân nữa.
Lương Minh
Mùa dịch 2021