Tôi về Chợ Lách năm 1960, ở đất đình Sơn Định thuộc địa bàn ấp Sơn Long (nay khóm 4, TT Chợ lách). Nhà ở gần bến bắc chống. Xe hơi qua sông chạy về hướng Cái Mơn, Bến Tre phải qua chiếc bắc này. Chiếc bắc như các chiếc trẹt ở các bến phà Lai Phụng, phà Rạch Vông nhưng có 2 mỏ bàn, xuống đầu này , lên đầu kia như phà Đình Khao bây giờ. Bắc chống không có động cơ mà dựa vào sức của 6 người chống. Xe xuống bắc, mỗi bên 3 người lấy sào (tầm vông) chống bắc qua, bên kia là trước cửa dinh quận. Sau vì vấn đề an ninh, quận không cho xe chạy vào khu quân sự nên dời bến bắc về gần khu vực chợ, tức Ngân hàng Nông nghiệp bây giờ.
Kinh bề ngang nhỏ, nước cạn chiếc bắc chiếm gần hết kinh, xe xuống bắc nhích cái là qua bờ bên kia, ấy vậy mà cũng có lần xe rớt xuống kinh do nhân viên bắc cột dây cáp không chặt, xe đò xuống bắc đẩy chiếc bắc ra giữa sông, xe chạy luôn xuống sông, làm chết vài người do xuống bắc không xuống xe !
Phía khóm 4, từ cầu cái Ớt dài tới bến đò là dãy nhà có buôn bán. Phía trước nhà hướng mé kinh là những liếp rau, hoặc trồng bông hay cây so đủa. Buổi chiều , trả em xách cần câu ra bờ kinh ngồi câu. Các câu được là các he, cá sát bụng loại nhỏ, không thấy cá lớn nhưng cá nhỏ thì nhiều.
Bến đò có 2 chiếc đò ngang đưa khách từ Khóm 4 qua chợ, và đưa qua Bù Cạp (Phụng Châu) Chỗ ngã ba sông nay chưa có cầu bắt qua. Buổi sáng bà con đi chợ đông đuc, thêm bọn học trò đi học nên lúc nào cũng xếp hàng chờ đò. Những người đưa đò lâu năm là ông Tám Văn và chú Hai Quận.
Con kinh Chợ lách là đường huyết mạch từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh đi Sài Gòn. Mỗi lần ghe chài chỡ lúa đi ngang qua kênh cũng vài chục chiếc, Một chiếc tàu kéo, theo sau vài chục ghe chài.Không biết chỡ hàng cho doanh nghiệp nào nhưng người dân quê chúng tôi gọi là ghe bà Cố (bà cố vấn Ngô Đình Nhu) không biết có phải hay không? Sau đoàn ghe là có cả chục tam bản, xuồng của người dân, họ đeo theo để khỏi phải chèo chống mất sức, và chủ tàu không lấy đó làm khó chịu. Lâu rồi , về Chợ lách ngồi cà phê bờ kè không thấy loại ghe này đi ngang, có lẽ xe hàng chỡ lúa nhanh hơn (?) nhưng lại thấy xà lan chỡ cát cồn khai thác chuyển bán cho vùng trên.
Mấy năm đó, tôi nhớ cá nược , một lại cá lớn cỡ cá mập có vú nhưng hiền thường bơi vào kinh. Khi cá nược xuất hiện thì trẻ em ở bên sông, bên khóm 4 đều la lên ông nược, ông nược. Tức thì khoảng năm phút sau là các chiếc Ho Bo từ trong bờ ra để đua. Chợ Lách lúc đó cũng có các nhà tư sản sắm Hobor (?)loại Ca Nô có tốc độ cao ngắn hơn Võ lãi ở Cà Mau chỉ chỡ được vài người. Chợ lách khu vực thi trấncó khoảng 5 chiếc Ho Bor, trong đó Ho Bor của Trại cây Kiến Thiết là đẹp hơn cả. Có lẽ đó là phương tiện để họ đi chợ Vĩnh Long. Mấy chiếc Ca Nô này xuất hiện đua với ông nược , khiến dân chúng hai bên bờ ra xem như xem đua ghe Ngo ở Trà Vinh. Trên bờ, tôi không thấy cá nược đâu, chỉ thấy đóm đen trên sông rẻ nước trắng xóa. Cuộc đua chừng 15 phút thì chấm dứt, có lẽ cá nược ra sông lớn.
Lâu lắm rồi, tôi không thấy cá Nược vào kinh Chợ Lách, không biết ở ngoài sông lớn có còn không, chẳng thấy ai nói tới, do vậy lớp trẻ sau này không biết cá nược ra sao?
LƯƠNG MINH
Cá nược