Cách nay mười năm, tôi có ý nghĩ khi về hưu sẽ đến tìm những người lớn tuổi trong thôn ấp, để hỏi về những việc xảy ra cách nay 50 năm để ghi chép dành cho lớp nười sau. Thế rồi, đến bây giờ tôi vẫn chưa thực hiện được do công việc , do ở xa ít về thăm quê và những người lớn đó họ không chờ tôi đến và đã lần lượt ra đi.
Nay thì tôi cũng lớn tuổi rồi, nhớ gì ghi nấy, không hỏi nữa vì không còn thời gian, cỡ tuổi xưa nay hiếm cũng sắp lên đường. Tôi mong rằng , bạn bè ai biết được chuyện gì thì ghi lại giúp cho kẻ sinh sau được rõ.
TRƯỜNG TIỂU HỌC CHỢ LÁCH
Năm 1960, khi tôi về học Chợ Lách thì đã có trường tiểu học rồi. có một dãy lớp ở gần mả cũ , sát cơ quan hành chánh quận. Trường tiểu học Chợ Lách thì ở đầu cầu Chợ Lách (cũ) với 8 phòng , hai bên mỗi bên 4 phòng, từ lớp năm tới lớp Tiếp Liên. Mỗi cấp có hai lớp A-B phân ra nam và nữ, riêng tiếp liên 1 lớp vì là thành phần thi rớt đệ thất nhồi lại để thi tiếp. Tôi từ Vĩnh Long chuyển về học lớp nhì của thầy Đáng (không phải thầy Đáng ở Thới Lộc), lớp nhất là thầy Phổ, thầy Châu. Tiếp liên là thầy Nguyễn Thành Nam (trùng tên với đạo Dừa), ban đầu chưa có hiệu trưởng chính thức , việc này giao cho thầy Hòa ( hình như lúc đó chức vụ của ông là thanh tra). Sau giao cho ông hiệu trưởng Minh. Ông Minh người to lớn, tiếng nói nhanh gần như là cà lăm, Tôi nhớ , năm đó trên mái trường có con rắn lục, thầy Minh dùng ná (nạng dàn thun) bắn chết con rắn.
Khi về đi học lớp nhì , nhà tôi bên khóm 4 phải đi đò qua sông đi bộ qua sân banh có nhiều cát nóng muốn phỏng chân. Tôi lúc đó ở nhà có đôi guốc vông không dám mang vì cả trường không ai mang guốc, mang sẽ bị kêu ngạo là công tử bột.
Hai dãy lớp chưa có bồn hoa , ông thanh tra Hòa khuyến khích học sinh về nhà lấy gạch tiểu bỏ quanh nhà không dùng đem vô trường. Tôi lượm sau sàn nước hai viên đem vô đổi được 1 cây viết chì đen, có đầu gôm và lấy làm thích thú, bở vì gạch là phế phẩm, còn viết chì là văn phòng phẩm hoc sinh đang cần.
Trong các thầy dạy tiểu học, tôi nhớ nhất là thầy Châu, không nhớ trong lớp ông đối xử với học trò ra sau mà khi thầy đổi sang lớp khác (hay đổi đi) là cả lớp khóc nức nở. Sau này nghe nói thầy theo CM bị chết trong vùng (?)
Phía bên trái trường là ấu trĩ viện , do bà phước dạy (giống như mẫu giáo). Có lúc trưng dụng lấy làm nhà thương. Tôi nhớ man mán vì nhà thương không có liên quan đến giáo dục, khi chích thuốc ngừa dịch và trồng trái thì chúng tôi mới qua đây. Học trò lúc đó nghèo, thiếu đường nên thường qua nhà thương kế bên khai bị ho, y tá cho một muỗng canh thuốc ho uống tại chỗ rồi về , có vẻ hả hê lắm !
Trường tiểu học không có căn tin, chú Sáu cai trường (Ba của Phạn) bán nước đá bào xi rô và bánh mì. Bánh mì cắt thành miếng, chan với nước tương cá mòi, một miếng là 50 xu (năm cắc). Học trò nhà khá giả đi học có hai đồng là ngon lắm.
Phía trước trường là nhà của bà Mười Ngà, khoảng giữa cách hai nhà có bến nước, cầu rữa chân, cạnh đó có hình nộm hai người xay lúa giả gạo . Đây là một tổ hợp là bằng gổ bần điêi khắc tượng hai người ,vẽ mặt mắt mũi bằng sơn, cho mặc áo bà ba, đầu có đội nón lá ; phía dưới là trục có nhiều chong chóng nhờ sức gió mà chong chóng quay , hai người bù nhìn xay lúa, giả gạo không ngừng. Học trò cũng thích nhìn mỗi khi ra chơi. Đồ chơi này do những người khéo tay ở thôn quê làm như một thú chơi, nó không phải là đồ chơi dành cho con nít, giờ không còn nữa, thậm chí tìm hình cũ trên mạng cũng không có.
Chuyện đã hơn 60 năm, các anh chị sống thời này chắc nhớ.
Lương Minh.
Ngày 13/6/2021
Chú thích ảnh: Hình trường Trung Học Chợ Lách A sau 1975 là trường tiểu học chợ lách
Tôi nhớ có học trường này năm lớp nhì,lớp nhất. Trương Tiểu hoc Chợ Lách. ( 1966- 67) . Còn Trung học Chợ lách thì học trường ngoài chợ suốt từ năm 68 đến 75.(nền cũ của nhà lồng Chợ Lách A bây giờ)