Tại ấp Phụng Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nhà vườn Bùi Ngọc Lan đang sở hữu giống vú sữa không mủ, vỏ mỏng, ăn giòn. Khi ăn cảm nhận được vị ngọt thanh, ít hạt. Gọi là vú sữa không mủ là vì quả chín khi xẻ ra thịt khô, không thấy mủ. Vì vậy, ăn vú sữa này không dính mủ ở môi, không có cảm giác sít chát như ăn các loại vú sữa khác.
Nhiều người thích ăn loại vú sữa này cũng bởi đặc điểm đó. Điểm đặc biệt nữa ở vú sữa này là khi ăn chỉ cần gọt bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài, phần còn lại có thể ăn được hết. Thay vì, chỉ sử dụng phần cơm thôi, lớp vỏ đệm bảo vệ cơm cũng ăn được luôn, không chát.
Nói về nguồn gốc của giống, chị Bùi Ngọc Lan kể: Cách đây 10 năm, chị có mua mấy cây vú sữa bơ tím về trồng. Điều lạ là có hai cây vú sữa lớn nhanh như thổi. Mới hai năm mà ra bông chùm chùm, đậu trái quằng cây. Trong khi đó, các cây khác chưa ra bông.
Đến kì trái chín, chị Lan mới đem cho hàng xóm ăn thử. Ai ăn cũng khen ngon vì ăn giòn rụm mà không có mủ dính miệng.
Vú sữa Mica có màu sắc đẹp, khi chín không mủ, ăn ngọt thanh. Ảnh: Minh Đảm.
Trồng được hai năm thì cho trái chiến, nhưng để đến 3 năm chất lượng trái sẽ ổn định hơn. Cây thường ra hoa tự nhiên vào tháng hai âm lịch, nhưng hoa sẽ rụng nhiều đợt.
Mỗi năm cây chỉ cho một vụ trái. Đến khoảng tháng 10 âm lịch thì đậu trái. Từ lúc cây ra hoa đến khi trái chín khoảng 3 tháng. Khi chưa chín trái có màu xanh, đến khi chín chuyển hẳn sang màu tím.
Hiện nay, trong vườn nhà chị Lan loại vú sữa này có nhiều độ tuổi khác nhau. Cây lớn tuổi nhất được 8 năm, mỗi năm cho đến 350 trái. Cây ba năm tuổi cho trái ổn định, mỗi năm trên 100 trái. Càng về sau, cây sẽ cho nhiều trái hơn, đạt bình quân 300 trái/năm.
Quả to có thể đạt đến 700-800 gam. Ảnh: Minh Đảm.
Trong quá trình trồng, chị Lan thấy vú sữa rất dễ bị ruồi vàng tấn công nên chị đã dùng túi giấy, ni lông bảo vệ trái. Vú sữa này cũng không kén đất, trồng được ở nhiều vùng đất khác nhau. Mỗi năm chị Lan chỉ bón 3 đợt phân hữu cơ nhưng trái rất to, đẹp. Nhiều trái có thể đạt đến 700-800g.
Sau đó, với sự giúp đỡ của Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, chị Lan đã nhân giống vú sữa này và đăng ký cây giống đầu dòng với tên thương mại là Mica không mủ.
Vú sữa Mica có màu tím ăn tới vỏ không chát. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT Chợ Lách đặt tên cho nó là Mica, viết tắt của chữ Milk Fruit of Cái Mơn, nghĩa là vú sữa của xứ sở Cái Mơn”,.
Đầu năm 2020, giống vú sữa Mica không mủ đã được Sở NN-PTNT Bến Tre thẩm định các tiêu chí cấp chứng nhận cây giống đầu dòng theo quy trình mới của Luật Trồng trọt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Kết quả, các thành viên tổ thẩm định đánh giá giống vú sữa Mica không mủ đạt 8/8 tiêu chí.
Khối lượng trái trung bình đạt 423g, độ đồng đều trái đạt 75%, đường kính lõi 10,6cm, dày vỏ trái 1,1cm, cấu trúc thịt trái dai, mềm, nhiều nước, hương vị ngọt, thơm, số hạt 4,2 hạt/trái, độ ngọt 14,4%. Vú sữa Mica đã đạt các yêu cầu công nhận cây đầu dòng.
Theo đánh giá từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre thì đây là một giống vú sữa đột biến, rất ngon. Khi chín, trái vú sữa Mica không mủ, có màu tím hoàn toàn nguyên trái. Bên cạnh việc đăng ký cây đầu dòng chị Lan còn đăng ký vườn đầu dòng cho giống vú sữa Mica không mủ của mình.
Chịu mặn tốt
Bên cạnh đó, giống vú sữa này còn chịu mặn rất tốt. Vừa qua, khi kết thúc mùa mặn, chúng tôi có đến vườn của các nông dân trồng giống vú sữa này ở huyện Chợ Lách. Như tại vườn của chị Lan, ngoài cây vú sữa chị còn trồng thêm nhiều cây khác như sầu riêng, chôm chôm, nhãn…
Đợt mặn vừa qua, chị không đủ nước tưới đã có lần lấy nhầm nước mặn tưới vườn. Cây sầu riêng, chôm chôm cháy lá chết hết. Chỉ riêng cây vú sữa còn trơ trơ không hề hấn gì. Hiện nay, cây vẫn xanh tốt bình thường, trổ hoa đầy cành.
Chị Lan chia sẻ thêm: “Tôi thương cái vụ nó chịu nước mặn. Nó dễ trồng lắm, đất khô queo, nước mặn nó vẫn sống được. Mấy cây con tôi tưới nước mặn 1-2‰ cũng sống bình thường, chứ cây khác là chết hết rồi”.
Vú sữa Mica còn có thêm ưu điểm, cây lùn, tán rộng nên nhà vườn rất dễ bao trái làm nông nghiệp sạch nâng cao giá trị sản phẩm.
Năm nay hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân ở ĐBSCL nói chung cũng như Bến Tre nói riêng.
MINH ĐẢM – HOÀNG VŨ
( báo Nông Nghiệp)