Trung Học Chợ Lách

TỪ HỌC TRÒ QUÊ LÊN HỌC CAO ĐẲNG PHÚ THỌ

Ngày đăng: 01/01/2021, 7:39 chiều, ý kiến phản hồi (0)

Chợ Cả Kè nằm cặp theo bờ sông Cổ Chiên, có con rạch nhỏ chảy vào đất liền, dẫn phù sa tưới mát cho đồng ruộng. Ở đây, có một chùa Cao Đài và một đồn lính nhỏ. Chợ nhóm chừng vài mươi người mua bán rau cải, tôm cá và vài hàng bánh dân dã. Chợ họp đến mười giờ chợ tan. Má tôi cùng chị tôi cùng làm bánh bò, bánh da lợn mỗi sáng đem ra chợ bán. Ba tôi mỗi chiều về thường kéo đàn cò cùng ban nhạc lễ. Hằng ngày, ba tôi bơi xuồng giăng lưới kéo cá ven sông nuôi sống gia đình. Cuộc sống gia đình tôi đúng là ba chìm, bảy nổi, bốn lênh đênh. ở Cả Kè được năm tháng, cả đoàn người phải bỏ lò gạch chuyển lên Phú Phụng.

Về ở Phú Phụng bốn tháng, thấy cuộc sống không yên ổn, cả nhóm gồm mười gia đình kéo nhau về Vĩnh Long tìm nơi dựng lều trại để sống. Nơi đó là rạch Cá Trê, cách chợ Vĩnh Long hơn hai cây số. Về sống nơi gọi là ngoại thành nhưng không xa chợ lắm, trong khi người lớn lo tìm kế mưu sinh thì với tôi, đó là niềm vui, sự hào hứng, hân hoan khi tách khỏi ruộng vườn hoang vắng, ẩm ướt sình lầy, được nhìn thấy đường sá thênh thang, nhà cao cửa rộng, xe cộ tấp nập, chợ búa đông đúc. Cha tôi lại nhập vào nhóm đàn ca đình chùa, tối tối lại đi câu, kéo lưới. Má tôi và chị tôi mua cối đá xay bột làm bánh bán mỗi sáng cho bà con thôn xóm.

Xóm nhà tôi ở dọc bờ một con rạch nhỏ, là nhánh từ sông Thiềng Đức chảy vào. Sông Thiềng Đức là một nhánh của Cổ Chiên, chảy cặp theo chợ Vĩnh Long chảy về Long Hồ và chia ra nhiều nhánh nhỏ, trong đó, một nhánh gọi là rạch Cá Trê. Cặp sông Thiềng Đức thỉnh thoảng có vài chiếc tàu Tây neo đậu gần chợ Cầu Lầu. Bà con ở xóm cầu Cá Trê thương các gia đình chạy loạn nên cho mọi người che những chòi lá dọc bên đường phía bờ sông, bên kia đường là những ngôi nhà khang trang của các thầy Thông, thầy Ký, thầy Giáo, y tá. Sau các dãy nhà là bờ vườn, bờ ruộng, có cả sân bóng đá dành cho dân trong xóm, gần chùa Cao Đài, Xã cất lên một rạp hát cải lương bằng tôn, vách lá, hàng tháng có đoàn về đây biểu diễn.

Má tôi là một người phụ nữ đặc biệt, vốn xuất thân từ con nhà quan. ông ngoại tôi từ bỏ triều đình Huế về Chợ Lách lập nghiệp, má tôi con dòng sau, tuy không được đi học nhưng má tôi được sinh ra trong gia đình lễ giáo, công ngôn dung hạnh vẹn toàn. Bà thuộc thơ Lục Vân Tiên, dạy con bằng những câu ca dao tục ngữ được truyền từ bà ngoại. Má tôi làm bánh rất khéo, bánh bò, da lợn, bánh đúc, bánh bèo, bánh tét được má tôi làm bán hằng ngày là nguồn sống để nuôi anh em chúng tôi ăn học. Sau những giờ tần tảo mua bán, mỗi tối khi rạp hát có đoàn cải lương về thì bà đi xem không bỏ sót một đêm nào. Bà là người mê cải lương nhất xóm, tôi và chị tôi là hai khán giả theo đuôi.

Tuổi thơ tôi hồn nhiên như cây cỏ theo năm tháng lớn lên trong vòng tay đùm bọc của gia đình. Ngoài những giờ học ở trường, những trò chơi của tuổi thơ vẫn còn đậm trong ký ức. Những đánh đáo, bắn đạn cu li, nhảy tràm, nhảy dây, đánh tròng, hay những buổi đá banh, đẩy cây, bắt dế, thả diều, vật lộn và vui nhất là theo các bạn lớn hơn đi bắt cá lia thia về nuôi… Một thế giới với nhiều ước mơ, như một giấc mộng đẹp tràn đầy trong ký ức, mặc dù cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, hằng ngày những chiếc xe quân sự vẫn chở lính ào ạt đi qua.

Tầng tầng lớp lớp kỷ niệm như chồng chất lên nhau với màu sắc của tuổi thơ qua từng nét vẽ, những nét vẽ nguệch ngoạc trên nền đất hay những trang giấy cũ. Màu vàng của bông vạn thọ, màu xanh lá ớt, màu tím trái mồng tơi, màu đen than lọ nghẹ…, lớp lớp chồng nhau rồi tan biến dần trong ký ức. Những nét vẽ thơ ngây của một thời lem luốc hồn nhiên như những trò chơi con trẻ, những bàn cờ nhảy, cờ chó, cờ ca rô giống như những ký hiệu ngày xưa khi con người muốn ghi nhớ, đánh dấu thời gian khi chưa biết dùng chữ viết.

Trường tôi học nằm cạnh sông Cái Cá. Vốn là ngôi đình cổ, mỗi ngày dưới bóng mát tàn cây, nhìn ngôi trường mái ngói rêu phong với kiến trúc nhà rường các hoành phi câu đối hai bên, ngôi đình trông rất uy nghiêm. Ngoài việc dạy học theo chương trình giáo dục, thầy cô giáo thương yêu học trò như con ruột chỉ dạy bảo ban cách sống cách đối xử nhân ái với mọi người bằng những câu truyện kể chuyện cổ tích Đông Tây. Từ đó tôi biết được thêm Cậu bé tí hon, Đôi hia bảy dặm, Cây đèn thần, Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Cô bé lọ lem, ngoài những chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa, Chàng nhái Kiển Tiên, Nàng Út ống tre mà hằng ngày tôi đọc cho má tôi nghe.

Học trò vừa ham học vừa kinh yêu thầy, tôi còn nhớ những thầy cô yêu quý như Thầy Tôn, Thầy Thích, thầy Vi, cô Lĩnh… Cô Lĩnh sau này là một nhà văn lớn của văn chương miền Nam, bút danh Nguyễn Thị Thụy Vũ, những tác phẩm như Khung Rêu, Mèo Hoang, đoạt giải văn học trước 1975. Thầy Tôn, ngoài nhà giáo còn là nhà thơ. Mới vào năm đầu tiên tôi được học với thầy, thấy tôi viết chữ đẹp, thầy nhờ tôi chép hàng trăm bài thơ của thầy vào cuốn sổ bìa cứng simili. Mỗi ngày, ngoài giờ học ở trường, tôi ngồi nắn nót từng chữ từng câu thơ của thầy, đọc được những cảm xúc tâm tình của con người ưu tư với cuộc đời và thời thế.

Sân trường là sân đình nên rất rộng, giờ thủ công thực hành, chúng tôi được thầy cô hướng dẫn trồng rau cải, bông hoa từng ô từng lớp. Dưới tàn cây phượng già, có bán quà ăn sáng, ăn trưa. Hôm nào có ít tiền cùng bạn bè ăn kem, ăn gỏi đu đủ, hay nước đá bào xi rô rất ngon. Hằng tuần, trường phát vé xem phim cho học sinh giỏi, vé bán cho những bạn nào muốn xem ở rạp chiếu bóng dành riêng cho học sinh ở Ty tiểu học, Trước khi xem phim, được thầy giáo tóm lược nội dung. Tuổi thơ chúng tôi được mở mang thêm nhiều thế giới diệu kỳ khác qua những phim truyện nước ngoài như Tarzan, Zorro, Người nhện, Samson… Từ mái trường làng, ấn tượng cao đẹp của thầy cô giáo cho đến những bài học giáo dục từ Quốc văn giáo khoa thư, những câu chuyện cổ tích, chuyện Cái lưỡi, chuyện Sờ voi, Tô canh hẹ.. giúp cho chúng tôi biết ơn người nông dân, người dệt vải, những con người sống và cống hiến cho cuộc đời cũng như biết quý trọng thời gian qua chuyện ống chỉ thần…

Những năm tiểu học ở Tân Giai là những kỉ niệm khó quên của thời thơ ấu. Mỗi năm hè về, trường tổ chức thưởng cho học sinh giỏi bằng những chuyến du lịch Vũng Tàu hoặc Sài Gòn hay dự tiệc cây mùa xuân và lãnh quà tại dinh Tỉnh trưởng vào dịp Tết đến. Đây chính là hình thức lấy lòng dân của chính quyền bảo hộ hay đó là văn hoá của phương Tây? Trẻ con chúng tôi chỉ biết đón nhận với niềm vui hồn nhiên vô tư khi lịch sử dân tộc chuyển biến từng ngày.

Tiếp xúc những không gian mới lạ, những phong cảnh xinh đẹp của quê hương đất nước, giúp cho tôi thêm nghị lực, quyết chí học hành, mở mang kiến thức với nhiều hoài bão, nhiều ước mơ. Với tôi, lúc đó Sài Gòn là thành phố tươi đẹp sầm uất, ánh sáng rực rỡ, nhà cửa khang trang như mời gọi, như thúc giục. Tốt nghiệp Tiểu học xong, tôi cùng vài người bạn rủ nhau đăng ký thi vào trường Kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn.

Cuối năm lớp nhất, trước khi rời trường tiểu học Tân Giai tôi được chọn đóng vai phò mã trong một vở kịch do cô Thụy Vũ viết kịch bản trong buổi lễ bãi trường, một kỷ niệm tuyệt đẹp vẫn còn mãi trong ký ức của tôi nơi mái trường thân thương của tuổi học trò. Năm 1954, tôi đậu vào trường Cao Thắng, mở đầu cho cuộc phiêu lưu bằng con đường học vấn ở Sài Gòn với nhiều mơ ước lớn. Năm đó tôi vừa mười hai tuổi. Bấy giờ, gia đình chúng tôi còn rất nghèo. Cái chòi lá xập xệ ngày xưa được nới rộng hơn một chút, tôi có thêm bốn đứa em, tuy nghèo nhưng ba má tôi vẫn lo cho các con được tới trường. Việc tôi đi học ở Sài Gòn cũng là thêm một gánh nặng cho gia đình.

Thời gian trôi qua, những ký ức rồi cũng dần phai, nhưng những suy tưởng thì cứ lớn lên, cứ thay đổi từng ngày như dòng sông trôi, từ suối nguồn qua ghềnh thác, thành sông mẹ rồi trôi ra biển cả. Dòng sông trong tôi vặn mình theo thời đại lịch sử, lúc thịnh lúc suy, lúc lớn lúc ròng. Hồn nước hoá thân thành mây gió muôn phương. Tiếng nước chảy rì rào, tiếng sóng vỗ rì rầm, tiếng gió thét mưa gào hoà quyện cùng nhịp đập đất trời vô tận .Uống một ngụm nước giữa dòng sông lớn, cảm nhận sự ngọt ngào muôn thuở, lan toả tình thương yêu bất tận của cuộc đời. Có khi ngồi yên lặng bên dòng sông đêm, lắng nghe hơi thở của đất trời trong đêm tĩnh lặng, tôi thường tự hỏi mình là ai? đâu là thân phận, là số mệnh của một kiếp người hữu hạn trong cái vô hạn của trời đất ? Cuộc sống thật mong manh, từng khoảnh khắc trôi qua trong chiến tranh, trong nô lệ, trong dòng chảy của lịch sử.

Đầu năm học, ba tôi đưa tôi lên Sài Gòn tìm nhà quen cho tôi tá túc. Học trường công không phải tốn tiền học phí, nhưng gia đình vẫn phải lo tiền ăn hàng tháng cho tôi. May mắn năm sau, nhờ chăm chỉ cố gắng, tôi được lãnh học bổng, bớt phần lo của gia đình. Tuy môn học kỹ nghệ hoạ không đúng ý thích của tôi, nhưng cũng giúp tôi rèn luyện kỹ thuật và ổn định chuyện học hành ở một đất nước còn nghèo, còn lạc hậu. Được nuôi dưỡng trong một môi trường giáo dục mới mẻ cũng là một diễm phúc. Giai đoạn lịch sử đất nước bấy giờ bị chia đôi. Việt Nam nằm trong thế chiến tranh ý thức hệ của các cường quốc. Dân chúng Sài Gòn và miền Nam đón hai triệu đồng bào miền Bắc di cư. Đất nước đình chiến, cuộc sống tạm ổn định, trí thức văn nghệ miền Bắc di cư vào Nam tham gia vào việc giáo dục, một số là những nhà văn nhà thơ nổi tiếng từ miền Bắc vào, một số từ nước ngoài trở về.

Học được một năm, tôi biết mình lầm khi thi vào Cao Thắng, nhưng với đầu óc non nớt trẻ thơ, tôi suy nghĩ cứ học đi, tương lai sẽ tính sau. Tôi cố gắng chăm chút từng giờ học vẽ ở trường. Đầu tiên tôi được học với thầy Thịnh Del (Mỹ thuật Paris). Năm sau, gặp thầy U Văn An (Mỹ thuật Đông Dương), Thầy Trần Kim Hùng, cô Trương Thị Thịnh (Mỹ thuật Gia Định)..

Ngoài chương trình mỹ thuật căn bản hội hoạ, các thầy cô còn là các hoạ sĩ, gợi mở cho tôi hiểu thêm về nghệ thuật, sáng tạo. Những câu chuyện về nghề nghiệp, về kinh nghiệm sáng tác cũng như hình ảnh, cuộc đời sáng tạo, tác phẩm của các danh hoạ thế giới như Matisse, Renoir, Picasso, Gauguin, Van Gogh, Chagall mở cho tôi một thế giới nghệ thuật mới mẻ, phong phú và diệu kỳ.

Tháng ngày theo gia đình trôi dạt khắp nơi, tuổi thơ mơ màng lặn ngụp, bơi lội các dòng sông trong những ngày khói lửa bom đạn đã dần xa. Tôi bây giờ một thân một mình giữa Sài Gòn đô hội, có lúc bị bệnh, bị đánh oan, phải tự chịu đựng, tự sống còn trong không gian mới, nơi không chỉ có giàu có xa hoa mà còn có nhiều con người sống trong nghèo khó đau khổ, còn có những mảnh đời cùng cực mà tôi đã gặp, đã chia sẻ, cả trong những lúc cuộc đời mình cũng chẳng hơn gì.

Dòng sông ký ức đã lùi xa, những cánh đồng lúa ngát thơm, những khu vườn xanh mát rượi, những cánh diều căng gió tung tẩy giữa bầu trời đã khuất dần trong tâm hồn của tuổi thơ. Con đường của mộng mơ vẫn còn xa tít, chỉ còn lại những con hẻm tối tăm, những đôi nước nặng oằn trên vai và những buổi cơm chiều nhạt thếch vì nỗi nhớ nhà mơ hồ như con đường xa tít tắp.

Ngoài việc học vẽ ở trường, tôi được học văn với thầy Nguyễn Thiệu Hùng, một nhà thơ từng đạt giải thưởng với bút danh Mai Trung Tỉnh. Thầy hướng dẫn chúng tôi đến thư viện chọn sách đọc để hiểu thêm về giá trị văn học, sức mạnh của việc mở mang kiến thức và tìm hiểu về các tác phẩm văn học trong nước và thế giới. Vì vậy, ngoài giờ học ở trường, tôi thường xuyên tới các nhà sách Khai Trí, Xuân Thu, thư viện Hoa Kỳ để tìm hiểu thêm nghệ thuật, lịch sử mỹ thuật thế giới. Sách mỹ thuật Việt Nam bấy giờ xuất hiện hiếm hoi, thiếu hằn những bài bình luận, nghiên cứu phê bình, chỉ thấy những Tìm đẹp, Tìm hiểu hội hoạ, Câu chuyện Hội hoạ… Nhưng những câu chuyện dân gian về Trạng Quỳnh, Họa long điểm nhãn, Người đẹp trong tranh, Bích câu kỳ ngộ và những câu chuyện về cuộc đời các hoạ sĩ là những hành trang giúp tôi có cái nhìn về nghệ thuật, đó là sự sáng tạo, sự tìm kiếm của người nghệ sỹ trên con đường trở về bản ngã, trở về cội nguồn trong sâu thẳm của sự sáng tạo, của tâm hồn, chớ không chỉ là sự cần cù, khéo tay, góp phần hình thành trong tôi sự đam mê, dấn thân vào niềm yêu thương tuyệt đối trên hành trình nghệ thuật, một con đường đi không có điểm đến.

Một buổi sáng ở trường như mọi ngày, tôi cùng bạn bè tới cổng trường. Thật kỳ lạ, nhiều xe đạp với móc khoá đầy cổng, giấy thông báo viết nguệch ngoạc. Nghỉ học, xuống đường, số đông ùn ùn kéo theo gậy gộc, dây xích khóa xe, kéo về hướng Đại học Văn khoa. Phần đông không hiểu đầu đuôi chuyện gì xảy ra, không hiểu mình đang làm gì? Nhưng khí thế sôi nổi rầm rập của tuổi trẻ lôi kéo từng đoàn, từng đoàn. Có lẽ một số người hiểu được vì họ là đạo diễn khích động phong trào tuổi trẻ, còn chúng tôi chỉ là những lũ trẻ hào hứng theo đuôi. Có nhiều xe ba gác chở nước, bánh mì tiếp tế cho đoàn biểu tình, tôi hoà theo dòng người được một đoạn, rồi rẽ về hướng thư viện, tách khỏi đám bè bạn đang hừng hực xuống đường. Thời gian học quân sự ở trường, tôi may mắn nhờ khả năng biết vẽ nên chỉ lo vẽ minh hoạ các loại vũ khí cho cán bộ giảng dạy mà khỏi phải học trườn bò lê lết ngoài sân tập như các bạn bè.

Đường là Đạo, đường là đời, con đường cuộc đời dẫn tôi đi qua muôn ngã, nó quanh co, chằng chịt rồi lại thênh thang, đường ngay thẳng rồi lại gập ghềnh khúc khuỷu. Tôi năm tuổi, tay cầm viên gạch vụn kéo nét vẽ đầu tiên trên nền sân nhà thờ cổ, say mê vẽ cái đẹp của thiên nhiên, hay những trang vở đầy ắp mộng mơ những hình phác hoạ để rồi lần mò vào môi trường nghệ thuật như đang bơi, bơi mãi giữa dòng sông mênh mông với nỗi cô đơn khắc khoải không rời.

Mùa mưa lại về, những cơn mưa đầu mùa ào ạt, dòng nước chảy xiết, màu phù sa đỏ rực cả dòng sông. Cá tôm kéo về, ba tôi đi giăng lưới kéo cá, thỉnh thoảng gửi cho tôi nhũng ơ cá kho khô hay những lon tôm chấy. Sài Gòn những năm sáu mươi ba đầy biến động, không khí u ám buồn bã, tin chiến sự, tin chính trường tràn ngập trên các trang báo. Cuộc chiến tăng dần nhịp độ từ Bến Hải cho đến Cà Mau, các cuộc biểu tình xảy ra liên tục, công chúng tham gia không chỉ có sinh viên học sinh mà có cả nhà báo, tu sĩ… Mỹ đem cả bộ máy tinh nhuệ vào Việt Nam, các tụ điểm của Cố vấn Mỹ bị đánh chất nổ. Các phong trào chống Mỹ xảy ra khắp miền Nam. Sinh viên học sinh bị bắt vào các trường quân sự. Tuổi trẻ với nhiều mơ ước đành ngưng lại, tương lai mờ mịt đen tối. Chiến tranh bắt đầu nổ ra, tuổi trẻ đứng trước cuộc chiến đành phải chọn lựa, một số bỏ lên rừng, vô bưng tham gia kháng chiến, một số bị bắt quân dịch, cầm súng cho kẻ cầm quyền, một số không chấp nhận cuộc chiến, chém vè, trốn tránh trở nên lực lượng phản chiến. Tôi rời trường Cao Thắng, học thêm hai năm ở Bách khoa Phú Thọ và cũng nằm chung trong số phận những kẻ lừng khừng chán ghét chiến tranh.

(Còn tiếp…)

Lê Triều Điển

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
Vừa đặt tách cà phê xuống bàn thì tiếng chuông tin nhắn của chiếc điện thoại vang lên , thoáng nhìn qua...
Xem tiếp...
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
Năm 1969, nhà xuất bản Ca Dao của Hoài Khanh in cuốn Đi Vào Cõi Thơ của Bùi Giáng. Ngoài những nhà thơ...
Xem tiếp...
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Ngày 26/3, Lớp Lão niên đã họp mặt lần 6  tại quán Hiếu Nhân, thị trấn Chợ lách. Về dự có 13 CHS, đặc...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...
h4
VINH BÌNH- NHIỀU HỘI VIÊN CGC NHẬN QUÀ SINH NHẬT
Hội CGC Vĩnh Bình có thông lệ mừng sinh nhật hàng quý vì mỗi quý gặp nhau một lần. Lần này những hội...
h1
VINH BÌNH HOP MẶT MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO
Ngày 17/11, Hội CGC xã Vĩnh Bình đã tổ chức hop mặt mừng ngày Nhà giáo. Có 30 hội viên các nơi về dự,...
h1
THĂM BẠN GIÀ LÊ HỮU HỒNG
Năm ngoái, ngày 20/11 đi Phú Phụng thăm thầy Lê Hữu Hồng, hiệu trưởng trường PTTH Chợ Lách đã về hưu....
images (2)
TIN VUI
Được tin anh Trương Văn Năng, trang trunghoccholach.com sẽ tổ chức lễ vui quy cho ái nữ là Trương Minh...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 11
Lượt truy cập: