Trung Học Chợ Lách

Hành Trình Phù Sa

Ngày đăng: 29/12/2020, 1:37 chiều, ý kiến phản hồi (0)

Đây là bài tự thuật dài của Họa sĩ lê Triều Điển, người ở xã Hòa Nghĩa, Chợ lách. Anh hiện nay sống ở TP.HCM có nhiều triển lãm trong và ngoài nước được giới hội họa chú ý. Bài viết cho chúng ta biết cuộc sống trước đây của gia đình anh , chúng ta cũng biết thêm một thời kỳ chiến tranh của quê nhà Chợ Lách (Lương Minh)

Cuộc đời là dòng sông, có lúc phẳng lặng êm đềm trôi, có khi mạnh mẽ ầm ào vượt qua bao ghềnh thác. Trong dòng sông ký ức, dòng chảy trong tâm hồn tôi đó là những con nước lớn ròng, lên xuống theo chu kỳ vận hành của trời đất, là một dòng sông bao la chậm rãi hiền hoà chia thành hai ngả sông Hậu và sông Tiền.

Vết xước của quá khứ, vết cắt của thời gian xẻ dọc xẻ ngang trong cuộc đời phiêu bạt. lờ mờ như giấc mộng, nhạt nhoà của ký ức. Đôi khi tôi tự hỏi: Tôi là ai? Tôi đang ở đâu? Khi âm vang của tiếng nước, tiếng gió như mời gọi, như gợi nhớ về quá khứ đang lan tỏa trên cánh đồng, trải dài qua những khu vườn kỷ niệm. Sông vẫn lặng lờ trôi.

Đây cù lao dài, cửa biển Ba Động, cồn Ngao; đây Chợ Lách, Mỹ An, Thiềng Đức… những nơi tôi đã sống trong thời thơ bé. Cửa biển, vàm sông, cù lao, rạch xẻo hiện dần trong ký ức, thấp thoáng bóng áo tơi nón lá hì hục lặn ngụp, chèo chống theo con nước cạnh bãi bờ, giăng câu thả lưới nuôi thân. Vàm Xếp, vàm Măng Thít, vàm Phú Phụng, từng mảng lục bình lờ lững trôi theo đàn vịt trời rợp bóng kiếm ăn. Những bầy cò vạc an nhiên trên cánh đồng lúa chín. Sông vẫn êm đềm lặng lẽ, ôi! dòng sông chảy từ sông mẹ đã có tự bao đời.

Trong ký ức của tôi, những năm lên năm tuổi theo cha mẹ ngược xuôi theo dòng nước chứng kiến bao chuyện đổi dời khi chính quyền Pháp đô hộ vùng đất miền tây Nam bộ. Thế lực cầm quyền chia năm xẻ bảy, các lực lượng chia vùng Hoà Hảo, Cao Đài, Bình Xuyên. Việt Minh nổi lên khắp nơi. Súng đạn lửa khói tràn ngập cuộc sống người dân. Hằng ngày, tin chiến sự truyền nhau từ gia đình này sang gia đình kế cận.

Hôm nay lính Tây ruồng bố miệt Cầu Kè bắt bớ, hãm hiếp, đốt nhà, ngày hôm sau Việt Minh trừ gian diệt ác, ám sát, đốt chợ, đốt đồn, giết thả trôi sông. Sau những cuộc chiến, xác tử sĩ, thương binh được cáng, võng về tỉnh lỵ, còn dân lành thì được xuồng tam bản đưa về nhà thương thí. Bầu trời xám xịt, mưa rơi lất phất, dòng sông đêm một vài xuồng câu với ánh đèn hiu hắt, phủ một màu buồn bã thê lương. Tiếng vạc kêu sương, tiếng ếch nhái ễnh ương càng làm cuộc sống của dân thêm buồn thảm. Về phía thượng nguồn, ánh sáng rực lên từ góc chân trời của phía tỉnh lỵ, từ bên kia sông, tiếng ì ầm của xe chở lính báo hiệu thêm một đợt ruồng bố. Xa xa, vẳng tiếng súng trường đơn lẻ của các đồn lính giáo phái chặn ghe thuyền nạp thuế. Và, dòng sông đêm vẫn âm thầm chảy trong bóng tối mịt mù.

Đêm buồn sâu thâm u, quê hương thời lửa khói, giấc ngủ tuổi thơ hồn nhiên nửa đêm giật mình sấm chớp ầm ì. Cả nhà đều tỉnh giấc, một trận mưa pháo vang rền, cha tôi kéo cả nhà thức dậy lùa xuống sàn. Ông trấn tĩnh, không sao đâu, chắc tàu Tây đi ruồng bố. Hằng tháng, tàu chiến Pháp từ biển về bắt đầu vào đất liền. Tất cả đại pháo được tuôn vào làng mạc hai bên bờ sông để thị uy. Từng hồi từng hồi tiếng đạn xé toạc vào không gian, rit dài trong không khí và nổ liên hồi vào làng mạc, vườn cây, vang rền giữa đêm khuya tĩnh mịch. Tiếng động cơ, tiếng sóng vỗ xô vào hai bên bờ nước làm chim vườn xao xác. Tàu Tây xuất hiện suốt tháng dài, qua lại trên sông rồi khuất dần theo dòng chảy mênh mông. Sau cơn ruồng bố, sông lại bình thản trôi trong màn đêm tĩnh mịch.

Màn đêm phủ dài trên sông, mờ mờ ánh sáng của trăng thượng tuần, những dáng cây im lìm như bóng người đang đứng trầm tư, bỗng vang lên tiếng đàn kìm réo rắt lúc nhặt lúc khoan, âm thanh rơi rớt nỗi buồn trong đêm tĩnh mịch. thỉnh thoảng có tiếng mõ, tiếng chuông từ những ngôi chùa nhỏ ven sông, chợt có tiếng súng lẻ loi, tiếng súng mồ côi của người đứng gác khi giật mình thấy tiếng động từ đám lục bình trôi.

Huyện Lách sau có tên là Chợ Lách, một chợ nhỏ nằm bên sông Vàm Xếp, cắt ngang cù lao Minh từ phía sông Cổ Chiên xuyên qua sông Hàm Luông, chợ có bến sông, bến đò, nhà lồng, giống như tất cả các chợ huyện miền Tây Nam bộ. Dãy nhà ven sông và hai bên hông chợ là các cửa hàng mua bán đủ thứ hàng hoá, từ mắm muối, đường sữa cho đến quần áo vải sợi. Trong nhà lồng là nơi họp chợ của những người mua bán sản vật địa phương. Buổi sáng chợ họp đông đúc, đến trưa thì họ gồng gánh ra về, chỉ còn lại những người bán ế ngồi ráng thêm để bán cho hết hàng hoá. Hai bên chợ còn có những cửa hàng cố định mua bán hàng khô bách hoá hay quán ăn, cà phê, thuốc Bắc.

Tại huyện, ngoài đồn quân sự chính, còn có vài bót canh, cách chợ vài trăm mét có một nhà thờ Công giáo, sát chợ có một nhà thờ đạo Cao Đài. Dưới bến sông, có cầu tàu, nơi những chiếc đò máy bằng gỗ vận chuyển hoa trái từ chợ huyện lên Sài Gòn và hàng hóa từ Sài Gòn ngược lại. Những chuyến đò chở hành khách từ chợ Lách đi Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre và ngược lại. Trên đường bộ, con đường nhỏ cán đá, vài chiếc xe ngựa chở khách lên xuống Mỏ Cày, Cái Mơn, mỗi ngày hai chuyến. Lúc tôi còn nhỏ, có lần được ngồi trên xe ngựa cùng với các sơ đi về Hoà Nghĩa, các sơ rất xinh đẹp, mặc y phục của nhà thờ trông rất trang nghiêm.

Tuổi thơ chóng qua, thời gian trôi nhanh, thoắt đã mười năm, hai mươi năm…như một giấc mơ. Thời gian chồng lên từng lớp, từng lớp, đan chen như mạng nhện, lúc ẩn lúc hiện như dòng sông trôi lúc cuồn cuộn, lúc lặng lờ. Hồi đó tôi vào khoảng năm tuổi, lang thang trong mảnh vườn gần nhà, bên những liếp rẫy tươi tốt, chân không chạm trên mặt đất mịn có lẫn cát phù sa. Cha tôi đứng cuốc đất từ xa, tôi tung tăng qua từng liếp rẫy, đây là giàn đậu đũa, khổ qua, dưa leo, rồi đến liếp cà tím, cà chua trĩu cành tươi thắm.

Ba tôi bản chất con nhà nông, thuở nhỏ được gia đình cho học chữ Nho, đọc sách thánh hiền, làu thông kinh sử. Khi người Pháp đô hộ, chữ Quốc ngữ bắt đầu phổ biến rộng khắp, ba tôi hưởng ứng phong trào Đông Du, hớt tóc ngắn, học Quốc ngữ, sơ học, rồi tiểu học. Ông lớn lên trong khung cảnh nửa chợ nửa quê, Tây không ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu. Tuổi thanh niên bị cuốn vào cơn lốc của lịch sử, buồn tình, ông theo học nhạc cổ, kìm cò, trống phách.

Khi lớn lên lập gia đình, ba tôi theo ghe thuyền chở trái cây từ chợ Lách lên Sài Gòn mua bán nuôi sống qua ngày. Khi rảnh rỗi, ông tham gia cùng ban nhạc cổ cúng tế ở các đình chùa. Gia đình tôi lúc đó tạm trú ở chợ huyện, vì ở quê thỉnh thoảng lính Tây càn quét Việt Minh, súng đạn không bao giờ phân biệt chánh tà, không biết ai là dân thường, ai là kẻ địch. Để bảo vệ vợ con, ba tôi xin ở tạm chợ huyện, nhờ biết chữ Quốc ngữ, ba tôi được làm thu thuế chợ. Cuộc sống tạm ổn, nhưng ở một góc khác của thế sự bấy giờ, lại bị lực lượng Việt Minh xem là thành phần hợp tác với chính quyền đô hộ.

Mỗi sáng, tôi theo ba tôi dạo chơi dọc bờ sông bến chợ, xem cá nược đua lũ lượt, xong về gần nhà tụ với bạn bè trang lứa, vui đùa trước sân nhà thờ huyện. Những nét vẽ đầu tiên của tôi là cầm viên gạch vụn vẽ ngôi nhà thờ trên sân và những mái nhà ngói xa xa sau những lùm cây. Có lúc tôi vẽ dáng ba tôi đang cuốc đất… Trong ký ức của tôi, hình ảnh những con cá nược trọc đầu bơi theo ghe xuồng trên sông rất là ngộ nghĩnh. Thời gian sau, nghe đâu cá nược bị lính canh dùng súng bắn chết nhiều nên chúng không còn về bơi đua theo ghe xuồng nữa. Cho đến bây giờ, dòng sông đã vắng bóng cá heo nước ngọt, những sinh vật hiền hòa thông minh và thích giúp người.

Cuộc sống tưởng đã yên bình như dòng sông trôi theo con nước lớn ròng, tuổi thơ vô tư trôi theo thời gian. Rồi đến một ngày, kháng chiến Việt Minh lại tấn công vào chợ huyện, lửa đạn tràn ngập, nhà cháy, người chết, người bị thương, phố chợ tan tác. Gia đình tôi lại di chuyển, cả nhà bồng bế nhau xuống tam bản cùng vài gia đình hàng xóm bơi về Vàm Xếp, qua bên kia sông Cổ Chiên, xin tá túc vào một ngôi chùa Cao Đài nhỏ ở ven sông, bỏ lại sau lưng những tràng dài súng đạn liên tiếp vang vọng trong đêm.

Sông đêm vẫn âm u, tiếng nước vỗ vào mạn ghe, tiếng thở dài mệt nhọc của những người lớn. Tiếng súng nổ xa dần, chiếc ghe lao nhanh về phía trước, lướt qua lau sậy, bờ dừa nước, tiến về phía bến sông có vài mái nhà lụp xụp cạnh lò gạch cũ đã bỏ phế nhiều năm.

Lần lượt năm ba xuồng tam bản cùng cảnh chạy loạn ghé vào, sau khi trao đổi về tình cảnh của đoàn với người dân trên bờ chợ Cả Kè, chúng tôi chuyển vật dụng lên bờ và kéo nhau về lò gạch nơi có người cho phân chia chỗ ở. Sáng hôm sau, mọi người giới thiệu với nhau và kể nhau nghe chuyện nơi trận chiến xảy ra và cùng nhau bàn phương cách để sống.

Bên kia sông vẫn còn vài tàu chiến mũi bằng chạy dài theo bờ sông, thỉnh thoảng bắn vài loạt đạn vu vơ về phía khu vườn.

Lê Triều Điển

(Còn tiếp…)

 HS Lê Triều Điển và nhà thơ Phạm Thị Quý

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Ngày 26/3, Lớp Lão niên đã họp mặt lần 6  tại quán Hiếu Nhân, thị trấn Chợ lách. Về dự có 13 CHS, đặc...
Xem tiếp...
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
  Năm nay, Ban Liên Lạc Đồng hương Chợ Lách họp ngày 24/2 tức 14 tháng giêng tại  Trung tâm Hội...
Xem tiếp...
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Năm 1992 khi chiếu bộ phim “Người tình” (L’Amant) của đạo diễn Jean-Jacques Annaud...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

438
NHÓM THCL ĐI VIẾNG NGÔ QUANG BỬU
Tối 22/4, nhóm Trung Hoc chợ lách ở Sài Gòn gồm thầy Nguyễn Khắc Minh, THanh Tùng. Phương Chi và Phương...
657
BỬU ƠI !
Bửu ra đi không là nổi bất ngờ với bạn bè. Cách đây hơn hai năm khi nhóm bạn bè Tống Phước Hiệp chuẩn...
CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
An-Tam
VIẾNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM
Năm 2014, tôi được Ni Cô Trí Giải mời ra Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm tham quan. Ni Cô Trí Giải  là người...
IMG_20240214_111120
TRÀ QUÁN ÔNG ĐỒ- NHIỀU NÉT VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG
Sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng nghe nhiều người nhắc đến Trà Quán Ông Đồ, phải chăng đó là nơi bán trà...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 12
Lượt truy cập: