Thế là đến nay tôi đã qua 67 mùa trung thu, nhưng thú thật biết và nhớ về tết trung thu thì rất ít. Những năm còn con nít thì không nói, những năm lớn lên phần do sinh nhai, phần thì nghĩ đây là tết trẻ thơ nên không quan tâm lắm. Giờ đây, tuổi lớn không còn ra phố xem cộ đèn nên viết tản mạn vài dòng về tết trung thu này. Ăn bánh trung thu nhiều, loại ngon có dở có, nhưng ấn tượng nhất là cái bán hình con heo bé tí mà ông ngoại tôi cho hồi năm tôi bốn tuổi. Hiện mẫu bánh này đang được khá nhiều thương hiệu bánh gia truyền lâu năm sản xuất chủ yếu là cho trẻ chứ nhân trong đó rất ít không có gì là ngon.
Gia đình tôi sống về nghề chạy xe đò ở quê, những năm 1960, gần đến tết Trung Thu là ba tôi mua rất nhiều bánh hiệu Đồng Khánh, Soai Kinh Lâm, Tân Tân, những thương hiệu bánh nổi tiếng ở Sài Gòn để biếu các viên chức trong quận. Sau khi đề tên từng người, có dư vài bánh tôi cũng được thưởng thức. Đêm 14, cúng trăng cũng là cúng cô hồn, ông nội tôi thường bày bánh ra cúng trăng, trong đó có bòn bon, bưởi là loại trái cây có trái vào mùa thu. Tất nhiên, bánh trung thu với bòn bon ngẩu nhiên mà có cùng lúc, nhưng chú ba tôi giải thích đó là sự huyền diệu của ông trời. Bánh này nhiều mở, ăn dễ bị tiêu chảy nên có bòn bon nhiều mủ nhựa, chất chát kềm lại bệnh tiêu chảy !
Dì tư tôi là người thích ăn trung thu nhất, mỗi mùa trung thu dì ăn nhiều hơn người khác và khuyến khích con cháu nên ăn. Dì nói, một năm có một tháng có bánh trung thu, qua tháng 8 muốn ăn cũng không có mà ăn. Không ai làm một vài cái trung thu cho mình ! Đó là thông lệ ngày xưa, chứ bây giờ không cần đợi tháng 8, tiệm bánh mì Như Lan làm quanh năm bánh mới, tháng giêng tháng hai đều có trung thu để ăn, tất nhiên là giá không rẻ.
Hồi còn nhỏ, tiệm tạp hóa gần nhà có bán bánh trung thu vuông vức, mỗi cạnh chừng năm phân, mỗi cái một đồng, không ngon nhưng tôi cũng mua, hình như ghiền cái bột của bánh thì phải. Bánh trung thu ở vườn tiêu thụ có loại bánh cây. Cứ bốn cái phong lại một cây to như bánh 250 gr nhưng nhân mức và đậu phọng. Bánh này do các tiệm bánh ở Mỹ Tho làm, bán cho bà con nông dân với giá năm đồng/cái để uống trà thưởng trăng!
Năm 1972, tôi đi lính, ở quân trường tôi nhắn về nhà, khi đi thăm nhớ gửi bánh trung thu cho tôi. Ông nội tôi lúc đó hơn 70 tuổi , lên Thủ Đức thăm tôi, có đem theo lon Guigoz trong đó có hai bánh, một hạt sen hột vịt, một thập cẩm, chỉ trong vòng mấy phút, tôi và các bạn thanh toán hết !
Cách nay mấy năm, đi du lịch Campuchia vào dịp trung thu, tôi cũng thấy mấy kiot bên lề đường bán bánh , nhưng dường như ở đó không xôm tụ bằng ở Việt Nam. Chắc chắn là có các đại gia đem bánh từ Sài Gòn qua.
Cách nay vài hôm, tôi có đi ngang qua thành phố Cà Mau, Hà Tiên, Bạc Liêu, Vĩnh Long, thành phố nào cũng có Kinh Đô phủ sóng, các thương hiệu Đồng Khánh hay nhái Đồng Khánh đều bị lấn thùng. Có lẽ họ chen vào các quầy như Kinh Đô , Bibica để gần đến ngày rằm thì hạ giá: mua một được hai. Hôm nay thì mua một được bốn.
Ở các địa phương đều có làm bánh trung thu, nơi làm ngon thì họ vẫn hiên ngang để thương hiệu của mình như ở Vĩnh Long có Tân Mỹ Hương, ở Chợ Lách có Nam Hiệp, một hộp bốn cái giá 150.000 đồng, không hạ giá vào giờ cuối vì làm đến đâu bán đến đó.
Nói đến bánh trung thu thì phải nói tới đèn. Đèn lồng truyền thống là đèn giấy phủ giấy màu, đèn quả bí xếp giá rẻ. mấy năm gần đây đèn giấy bị đèn nhựa Trung Quốc triệt hạ vì đèn nhựa chịu được trời mưa, các tiểu thương mua đèn này để bán , họ không dám mua đèn giấy màu vì sợ bị rách sẽ lỗ vốn.
Hai mươi năm trước tôi có vô làng nghề làm lồng đèn Phú Bình, quận 11 thì thấy làng nghề đang thoi thop, nay nghe nói còn không đến mươi nhà ! Theo tôi, trẻ con chơi đèn giấy sang hơn, đẹp hơn dùng một lần rồi bỏ. Còn đèn nhựa dùng phin giá cao, đèn nhỏ không tạo nên đám rước hoành tráng. Chuyện làm đèn bằng lon sữa bò với ống chỉ cây năm nay có xuất hiện lại để nhớ thờ xa xưa và trẻ con bây giờ cũng thích.
Lương Minh
h1
h2
h3 Đèn giấy loại này rẻ tiền
h4 đèn giấy kiếng của làng Phú Bình sản xuất
h5
h6
h7