“Lộ Bờ Tre” là cái tên khá mỹ miều cho một con đường nhỏ ở ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Lộ cách thị trấn nhộn nhịp ba cây số về phía bắc, bị ngăn khỏi kênh Chợ Lách bởi vài ba mảnh vườn, con lộ khá yên tĩnh nhưng không hề bị cô lập với vùng bên ngoài, đó là nhờ hơi thở cuộc sống đến từ tiếng ồn của cư dân sinh hoạt, tiếng xe máy trên lộ, tiếng động cơ tàu, ghe ngoài sông và tiếng đài phát thanh huyện từ thị trấn vọng lại lúc năm giờ rưỡi chiều. Nghe mẹ kể, hồi xưa xứ mình toàn đồng ruộng đã có con “lộ” nằm giữa những bạt ngàn lúa, cập mé hai bờ trồng nhiều tre nên lộ Bờ Tre ra đời từ cách gọi của người ta. Lộ gắn bó lịch sử…xã tôi, với cuộc sống nhân dân trong xã, để rồi nó đã đồng hành cùng thế hệ chúng tôi một lần nữa, với tôi, lộ là quyển nhật ký sờn cũ, đầy ắp yêu thương và kỷ niệm.
Hôm nay, tôi dành thời gian đọc lại nó, tìm về và khám phá.
Lộ bắt đầu từ tiệm tạp hóa thầy giáo Đáng, nằm sát góc ngã quẹo từ con đường dọc kênh, đi vô trong vài trăm mét là Lộ Bờ Tre đó. Thay đổi nhiều nhưng vẫn là nó. Giờ ta đang đi trên một con lộ dal bề ngang gần 5 mét, trải dài vài trăm mét, bên trái rào lưới B40, bên phải là hàng cây xanh che mát rợp một khúc đường. Tuy nhiên đi ban đêm hơi âm u, đường không có đèn, nếu không có xe chạy ngang, nguồn sáng duy nhất là từ đèn nhà mồ sâu trong vườn hắt ra. Năm lớp 6, tôi đi đạp xe đi học thêm về lúc 20h, cái xe không có đèn pin, đến đoạn này mà tim nó đập nhanh, miệng đọc đều như Má Hai dặn: “Nam mô a di đà Phật”, “Nam mô…”, và cả “Xin đừng nhác con, con sợ lắm”… Nghĩ lúc đó mình cũng gan phết.
Đầu lộ đi vào 150 mét, đến ngã ba có một cái mộ màu xanh, một lùm tre thì đó là đường vào xóm nhà tôi, các bạn rẽ vào đây, đi tiếp một con “lộ” hẹp hơn chừng hai mét. Cái lùm tre này là biểu tượng hiếm hoi còn sót lại của lộ Bờ Tre, giờ nó lùm xùm quá, tôi sẽ mé nó bớt vào ngày mai. Từ đây đi vào gần hai trăm mét, bên phải là vườn nhà tôi. Khu vườn nhiều lần thay áo theo xu hướng trồng cây của người dân Chợ Lách.
Nó từng là vườn bưởi trĩu quả, lúc đó tôi bé xíu, có lần cha ẵm tôi nhảy qua mương không biết sao mà hai cha con đều rớt xuống mương, dánh đầy sình. Rồi cha mẹ trồng cam quýt, cây quýt trái ngọt lịm, trẻ con hái vui vì màn leo trèo, chẳng biết bao lần tôi bị mấy cái gai lớn đâm vào tay, chảy máu ròng ròng khi đang mãi hái thứ quả ấy, giờ lục lại mấy bộ đồ hồi nhỏ vẫn còn nhiều vết nâu.
Sau đó gia đình trồng mận An Phước, cả khu vườn lại tối om vì tán lá mận, tới mùa đỏ rực vì những chùm mận sai trĩu quả, lúc thu hoạch, tôi là tay trèo bẻ mận cừ khôi, dù một hai lần té trên cây xuống, mận ngon, giòn, trái đủ hình thù, tôi chọn trái nào đỏ au, căng mọng nước ăn là ngon nhất, cắn một phát nửa trái rồi quăng vì phần dưới cạp mỏi răng, mận nhiều quá nên chẳng sợ hết.
Có lần nhà trồng bắp, nhìn bắp trổ bông kết trái thích hơn với ăn bắp, vậy mà cuối mùa gia đình cũng có một nồi bắp luộc to, không biết có bán buôn gì hông nữa.
Tới đợt trồng chanh tắc là mệt nhất, tại đất tốt, cây lại muốn không phụ công kẻ trồng nhọc nhằn, tụi nó ngày nào cũng chín, lác đác khắp vườn, làm chúng tôi cứ chiều nào cũng xách rổ đi hái chanh, tắc mệt gần chết, rổ luôn đầy.
Đó là vườn cập lộ, còn vườn nhãn ở phía trong nữa, đây là địa điểm đào dế, trốn tìm, lùa mương bắt cá huyền thoại của đám con nít xóm tôi, buồn, đói thì đưa tay lên trời kéo chùm nhãn bẻ ăn tỉnh bơ. Vui lắm, rồi lúc nhà trồng lộn xộn ổi, bưởi, mãng cầu là lúc tôi ít ra vườn. Hôm nay nhìn lại thấy nó cũng không khác mấy, có điều trống trải, thoáng mát hơn vì cây chưa lớn.
Bên trái là vườn đã được rào lại, của ai không biết nữa, nhưng chắc họ đã tính toán khi trồng sầu riêng, mít, là những quả bọn nhóc chúng tôi không thể đi ngang tiện tay bẻ trộm cho vào mồm được. Nhưng đến chỗ này, đối diện cổng rào vườn tôi là một hàng rào kẽm gai cũ, nhớ hồi nhỏ tôi nghịch té vào đó, tay đâm sâu vào gai rát và chảy máu ớn, khóc huhu, chẳng biết có rào được trộm không nhưng nó đã tấn công tôi rồi. Giờ khúc hàng rào cập đường đó phủ kín bởi hàng bông bụt và dây dưa leo rừng, chim chóc rất hay bu lại đó. Cuối chặng này là nhà tôi, có cây bông tím trước cửa. Hàng rào đối diện cổng có dàn tì bà dại mọc xanh tốt, tôi từng cắt rất nhiều nhánh tặng cô giáo mẫu giáo của tôi.
Đi tiếp gặp hẻm nhỏ vào nhà cậu Tư Thanh (cậu tôi), con đường đó tôi cũng thường rong chơi, nhưng nếu đi thẳng, ngang nhà má Hai (Dì tôi) cách đó vài bước chân. Má Hai có vườn bưởi trồng khá khít trước sân nhà, cái mương trong vườn là điểm bắt cá sặc, cá bảy trầu lý tưởng nên bọn trẻ chúng tôi thường hay tập kết.
Tôi đã đến cửa vườn út Đém (Cậu tôi), trước chỗ này có một cây dừa to, nó là biên giới mẹ vạch ra cho tôi, đi chơi phá phách chỗ nào cũng không vượt khỏi cây dừa này, tôi lúc đó còn nhỏ, không đủ để hiểu ý việc đó, rằng nó giới hạn phạm vi mẹ có thể lần theo vết chân lon ton của tôi mà gọi về ăn cơm tối, tiếng “bớ Thiện à..à….” ngân khắp xóm mỗi chiều, qua mấy cánh vườn báo hiệu một ngày rong chơi mệt lã kết thúc. Tôi quay về.
Bước về, tôi đắm chìm trong kỷ niệm giữa lòng lộ.
Tôi ngửi thấy mùi đất, mùi nước mương, trong vườn bưởi ai mới tưới kia, tia nắng còn rọi qua lớp sương mờ, óng giọt xanh, có mấy con chó đang bới đất, rượt đàn gà bay loạn xạ, à, cả bìm bịp kêu.
Tôi nhớ cái mương xa kia, một chiều nào, có thằng nhóc giận mẹ bỏ nhà, ra ngồi khóc sụt sịt bên bờ mương, cũng có tiếng bìm bịp phụ họa nghe buồn não ruột. Tối mịt nó mới lủi thủi về do quá đói và sợ ma.
Nhìn khu vườn ngoại tôi, hồi đó đã từng là vườn chôm chôm sai trái, quyến rũ bọn tôi mỗi khi đến mùa trái chín. Có lần, tôi và đứa cháu đang mãi ngồi trên cây bẻ trộm, ăn phun hột phèo phèo, thì nghe cái “rắc”. Ngay chỗ tôi ngồi, một nhánh cây to kéo theo rất nhiều chùm trái chín gãy ngang, rớt ùm xuống sông. Hai đứa hoảng sợ còn hơn tụi nó té xuống. Một tiếng sau, vọt về nhà thì gặp ngoại, bà đã dùng cách gì đó mà biết hết mọi chuyện, ngoại chỉ bảo ôn tồn: “Thằng cha mày, mới làm gãy nhánh chôm chôm của tao phải hông!” Tôi lúng túng chỉ biết cười hì, ngoại cười xoa đầu tôi rồi đưa tôi cầm chùm quả đỏ ướt sũng, nhưng tôi ăn không ngon nữa mà thấy day dứt muốn chết.
Những trò nghịch phá của chúng tôi trên lộ cũng không kém trong vườn, tôi đang đứng ở đoạn một căn cứ, khi ấy chúng tôi thường lại đây chế “vũ khí” từ tầm vông, củi, đĩa CD, đánh nhau, lượm đá, móc sình chọi ác liệt. Sau trận hỗn chiến thường tôi phải chịu những đòn roi của mẹ, đôi khi đau và giận quá mà bỏ ra bờ mương khóc một mình. Ngay bây giờ, trước mắt tôi là hình ảnh những thằng bé đùa giỡn, đánh nhau bằng mấy cây củi đủ hình thù, chúng chia thành hai phe đối diện, tiến công trong tiếng hô xung trận ầm ĩ, náo loạn hứa hẹn một trận đánh giả ra trò. Bất giác, tôi lùi lại, nhường đường cho bọn trẻ đang hăng hái ấy, chúng không nhìn thấy tôi, chạy nhanh qua và đôi mắt cương quyết với kẻ địch trước mặt. Bồi hồi ngắm cảnh tượng hỗn loạn sau lưng, tôi như một đứa trẻ bị chúng bỏ rơi, cô đơn và lạc lõng. Tụi nó mang cả thời ấu thơ đẹp đẽ ấy vụt qua, ở đây chỉ còn một đứa thanh niên mới lớn, mang nhiều nuối tiếc, khát vọng và trăn trở.
“Ai rồi cũng sẽ lớn”. Lúc nhỏ tôi chưa từng nhận ra trớ trêu và chút cay đắng trong cái quy luật hiển nhiên đấy. Rằng ai rồi cũng khác, tựa như cuộc vui nào cũng tàn, đồ chơi nào rồi cũng chán, tình cảm rồi sẽ bớt nồng hậu, thế giới ta sắp đặt chân tới hiếm khi màu hồng, mà đôi khi những đứa trẻ không biết sắp đối mặt với đều gì nữa kia. Bạn tôi, có đứa học cao lên, đứa chọn học nghề, đứa nghỉ học ngang đi làm công nhân may, chạy xe ôm, sửa xe, bán bánh mì…Chúng tôi sẽ tìm đến đồ chơi mới, tiền bạc sẽ hấp dẫn hơn tờ giấy 500k trong bộ cờ tỉ phú, coi người ta sút quả banh tròn sẽ gay cấn hơn một cuộc bắn bi, lên thành phố vật lộn với cơm, áo, gạo, tiền rồi sẽ mệt mỏi hơn vật một đứa nhóc xuống đất trong trò đánh trận giả. Từ “trách nhiệm” và “nỗ lực” sẽ được nặng nề hơn, như cách trong phòng thi ĐH, tôi làm bài với mọi tâm sức, chỉ có một ý nghĩ lơ đãng vụt qua: bài thi này không phải cho tôi, nó còn cho người cha, anh đang trông mong ở nhà, cho người mẹ bỏ công việc chồng chất mà đưa tôi đến cổng trường thi, khi bà bảo một yêu cầu hiếm hoi: “con uống sinh tố không, mẹ mua cho”, tôi biết điều đó có nghĩa những gì sức lực người phụ nữ ấy làm được vì tôi, bà đã làm tất cả, làm sao tôi có thể phụ lòng họ?
Theo thời gian, thằng nhóc ấy cũng đã thay đổi nhiều. Con lộ cũng thay đổi nhưng vẫn ở đấy. Chỉ vài ngày nữa trước khi cắp sách đi xa, tôi phải bỏ lại nhiều ký ức uy mua, hồn hậu thời con nít ở con hẻm nhỏ ấy, để bước chân vào một thế giới mới, sẽ có vấp ngã, đau đớn ở cái nơi không còn chỗ cho kẻ ngây thơ, khờ khạo, tự huyễn hoặc cuộc đời chỉ màu hồng ấy. Nhưng tôi vẫn phải đi, vì đã sinh ra trên đời ai cũng phải có một sứ mạng cần họ hoàn thành, chứ không phải chỉ sống mãi trong cái thế giới hồn nhiên nơi ta không cho đi mà chỉ nhận lại.
bài và ảnh Nguyễn Minh Thiện
h1
h2
h3
h4
h5
Lộ này hồi trước thỉnh thoảng tui cũng có đi qua. Buổi trưa đi ngang mấy ngôi mộ cũng ớn lạnh xương sống.