Vừa qua, bạn đọc đã xem bài Nhớ quê của anh Nguyễn Anh Dũng, người con xứ Tân Thiềng lưu lạc , sống ở Canada. Hôm nay , anh viết tiếp bài này, trước là cho anh sáu Lực đọc, sau là tặng cho hai bạn là bác sỹ quê ở Vĩnh Bình (LM)
Trước khi tới nhà ông nội nuôi có một cầu tre bắt qua sông Cái Tre . Bên này sông và bên kia sông là hai cây tre cấm hình chữ x . Một thân tre để đi, một thân trên để vịn, người đi nửa cầu cầm một cây tre, cây tre để vịn cột vào đó bằng dây chuối đi lúc lắc người ta kêu cầu khỉ cũng đúng. Nhà ông nội nuôi tôi khá to, trước nhà có một khoảnh đất rộng có trồng sầu riêng trái to , bên trái nhà có một cái mương mà tôi đã từng câu cá ở đó và bị té ! Bên kia là ao cá tra, có vài cây dừa lão ở bờ ao. Tàu dừa rơi xuống để làm củi khô. Sau nhà là mộ tổ tiên và ruộng lúa. Nhà ông mái tranh vách ván. Trước bàn thờ có một bộ phảng mà tôi đã từng ngủ, bên trái là vựa lúa , sau là phòng ngủ. Một cái bếp không có hỏa lò chỉ một cái lỗ bằng đất để nồi lên đây mà nấu. Đi đường làng qua cây cầu dừa là đến nhà ông Ba. Dưới con rạch có một bụi dừa nước và một cây bần. Trái dừa già rụng trên rạch bị ếch nhái, cá khoét lỗ ăn cái dừa và lớn lên trong đó. Cá bống dừa hoặc ếch là món ăn cao cấp của quê tôi. Đi một chút là vườn dâu và bòn bon . Xuống nữa một khúc sông phía tay phải là nhà ba ruột tôi. Ba ruột tôi là người tháo vát, tôi từng thấy ông đóng ghe. Sau nhà là ruộng của ba tôi, những lúc về quê tôi vui đùa cùng anh em ở đó . Những người bà con tôi, giờ đây tôi chỉ nhớ chị Kẹp và Mười, con gái cô Sáu (chị của ba tôi) . Lúc nhỏ tôi đã từng thấy em Mười ăn cơm muối ớt.
Khi tôi từ Tân Thiềng muốn về Nha Trang thì có hai cách đi. Nếu nói trước ngày giờ thì đò sẽ chờ ở làng Tân Thiêng, còn không thì khuya thức sớm, anh hai tôi chèo xuồng đưa ra Chợ Lách đi đò máy lên Mỹ Tho rồi mua vé xe về Nha Trang. Anh chị em tôi, người tôi thân nhất là anh Sáu Lực . Hình ảnh kỷ niệm lúc mưa to, xuồng bị trôi anh nhảy xuống sông đem xuồng về. Anh làm cần câu cho tôi, làm bẹ chuối cho tôi bơi . Tôi nhớ, anh buổi tối chui vô nốp đệm ngủ, sáng đi học ở trường tiểu học Tân Thiềng. Anh cũng có cái cặp bằng đệm đựng viết tập. Lúc đó thầy giáo tiểu học ở trọ nhà ông nội nuôi của tôi . Tôi từng theo anh Lực đi bẫy cu bằng mủ đu đủ . Em gái tôi ở tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, tôi đã từng thấy em ra đồng kêu trâu về nhà , con trâu “ngoan ngoản” quay về. Khi anh tôi dạy học ở Rạch Giá, anh nói kiếm gái đẹp khó nhưng rồi cũng lấy được vợ. Năm 1995, tôi trở về quê với cha mẹ nuôi, cũng đi con đò máy xưa bên vựa khoai nhưng lúc này có tiến bộ hơn . Tới Chợ Lách là gọi điện có cháu tôi đưa xuồng máy ra rước . Lên thăm người quen ở chợ rồi về quê như bài hát : Thương con cá rô đồng giờ quay về chốn xưa cha mẹ mất rồi còn gì mà mong. Thăm lại ngôi chùa, uống trà ăn bánh in, cúng chùa thăm mộ thắp hương cha mẹ ruột . Anh em tôi về đông . Ăn bánh xèo trên lá chuối. Bánh xèo bỏ tép riêu vài miếng mỡ heo gói với lá bông so đủa . Tặng tiền quần áo mỗi người một ít. Cũng giống như cậu ấm về làng, dẩu xứ người mình là cu li! Qua anh hai ăn cơm với cá linh.
Hôm sau về nhà cha mẹ nuôi, tôi ngủ phảng bên ngọn đèn dầu leo lét để ban đêm tiện đi vê sinh ở ao cá tra. Mẹ nuôi hỏi tôi về đây có cực không, tôi nói xứ người đã từng đi làm ở nông trại ngủ ở chuồng bò. Đi cắm trại ngủ ngoài đồng, cầu vê sinh không có thì ở đây là chuyện nhỏ. Mưa xuống, tôi ra tắm mưa như ngày nào, gia đình hỏi tôi không lạnh sao ? nhưng với tôi là quá ấm. Lúc này anh hai tôi trồng nhãn, anh Bon tôi vẫn lo ruộng vườn mua được cái TV xài điện bình accu . Ngày về, anh hai tôi đặt lưới được một mớ tép bạc đem ra chợ bán liền. Chị ba làm bánh đem bán ở chợ; còn trai Một làm điện lực. Sáng tôi ra chợ Cái Tre, ghé qua cháu hớt tóc bà con tới coi. Nó cắt tóc bằng lưỡi lame cạo râu. Nó hỏi tôi có phiền không ? Tôi đưa tấm hình lúc tôi xuống tóc sắp đi tu vì tình phụ . Tôi nói, tôi xài lưỡi lame này. Xong có bao nhiều tiền tôi cho nó. Nó đóng cửa tiệm ẩm con đi chơi. Tôi hỏi, sao nghỉ đi? Nó nói, tiền tôi đưa là khoản tiền nó kiếm trong ba ngày. Chuyện nhỏ vậy mà cả làng đều biết tin. Sung sướng nhất là khi qua cầu tre cầu tre lắc lẻo, leo lại cây dừa dù không còn sức mình chụp hình đem qua Canada lấy le. Tôi nhớ mãi có một ông cậu, lúc đó là triệu phú cam tới mùa đá banh đem xuồng có máy phát điện và truyền hình màu cho bà con coi. Thời gian qua mau, bận bịu gia đình và vật lộn cuộc sống hàng ngày, không có chút thì giờ nhớ quê.
Năm 2019, con gái khôn lớn về Việt Nam chơi hỏi ba còn ai bà con không ? Lên mạng kiếm ra anh Lê Tấn Lực, liên lạc được rất mừng. Tôi viết bài này cho anh Lực và hai người bạn rất thân. Một người lên máy bay qua Belgique với tôi bác sỹ Lâm Tấn Bình quê ở Vĩnh Bình và bác sỹ Trần Hiền Thoại gặp ở Belgique bạn của Bình quê ở Vĩnh Bình. Viết bài này khi trí nhớ còn tốt, mai đây nếu có chuyện gì thì không tiếc. Gần 70 tuổi, đếm tháng đếm ngày, tôi xa xứ năm mươi năm, tiếp xúc với người nước ngoài nhiều hơn người Việt nhưng bản chất Việt Nam vẫn còn nhiều . Chân còn phèn chua, rún còn đất sông Cửu Long và tôi rất vui khi giữ được điều đó. Xin cám ơn trang nhà cho tôi viết bài này.
Nguyễn anh Dũng