Tôi biết được thầy Nguyễn Văn Châu năm tôi học Đệ ngũ của Trường Trung Học Chợ Lách , thầy là giáo viên Tiểu Học. Lúc đó thầy có thuê một căn gác của tiệm chụp hình Hoàng Thọ, ngang nhà lồng Chợ Lách . Trong một lần gánh hát về, người ta dùng nhà lồng chợ. để làm rạp hát .
Muốn coi hát nhưng vì không có tiền nên chúng tôi bốn đứa , trai có gái có, kéo nhaulên gác nói là thăm thầy, nhưng mục đích là để coi hát cọp . Và cũng từ đó chúng tôi mới thật sự quen biết thầy . Tôi gọi thầy một cách tự nhiên vì biết thầy là bạn cùng khóa với thầy Võ Thanh Toàn, dạy tôi năm lớp Nhứt . Cả hai thầy cùng tốt nghiệp Trường Sư Phạm Sài Gòn .
Hồi đó tôi rất thích văn nghệ , hể nghe chỗ nào có đờn ca là tôi tới ngay . Vào cuối năm 1963 , trường THCL tổ chức một đêm văn nghệ nhằm gây quỷ phát quà cho học sinh nghèo của trường ,tôi tham gia làm một diển viên của một vở kịch do thầy dàn dựng . Và cũng từ đó tình cảm thầy dành cho tôi càng lúc càng đậm đà hơn .
Đến cuối năm học Đệ tứ , khi đang ôn tập cho kỳ thi trung học đệ nhất cấp thì tôi gặp phải khó khăn lớn , vì không có chổ ở (Trước đó trong xóm có một cụ bà ở một mình trong ngôi nhà rộng kêu tôi đến ở cho có bạn , nay nghỉ hè nên con cháu của bà về đông ,ngôi nhà trở nên chật chội , bà không nói gì nhưng tôi cảm thấy ái ngại. Biết được điều nầy,thầy Châu bảo tôi : Em lại ở với thầy cho vui .
Lúc đó thầy Châu và thầy Hơn có thuê một căn nhà lá nhỏ ngang sông ,gần bến bắc. Thầy Hơn là giáo sư Trường Trung học Chợ Lách , nên hể tới hè là thầy bận túi bụi , hết gác thi rồi lại chấm thi, thầy Châu ở nhà một mình . Được thầy mở lời , tôi mừng lắm không một chút do dự , tôi đến ở với thầy ngay . Hằng ngày cứ tới bửa ăn thì thầy dẫn tôi đi ăn cơm . Phần lớn thời gian nghỉ, thầy dùng vào việc đọc sách . Thầy đọc nhiều loại sách lắm , có lẽ vì vậy mà kiến thức của thầy rất rộng . Dù là giáo viên dạy tiểu học, nhưng thầy giúp tôi ôn lại tất cả các môn trong năm học để chuẩn bị cho kỳ thi
Để cho tôi tập trung vào việc học , mỗi khi thầy đi chơi thì thầy khóa cửa trước lại (nhà không có cửa sau). Có hôm vì quá vui mà về muộn,thầy không quên mang về cho tôi một trái bắp hoặc một đòn bánh tét nhỏ.
Thành thật mà nói,đa số chúng tôi đều nghèo, học được đến đây là một sự hy sinh và cố gắng của gia đình . Mỗi đứa chỉ có một bộ đồ duy nhất bằng những loại vải rẻ tiền ( Kaki ,pompeline),còn giầy dép là ước mơ mà thôi . Mỗi khi học mệt tôi lại lấy mấy đôi giầy của thầy ướm thử. Có một hôm tôi lấy đôi giầy mà thầy mới mua ra mang , bất ngờ thầy về tới, thấy tôi lúng túng, ngượng ngập, thầy hỏi : “ Vừa không em ?”.
Tôi trả lời : “ Dạ……..Vừa .” Thầy nói tiếp :” Vừa thì mang đi, thầy mang chật quá
Sau nầy khi lớn lên tôi mới thấm thía sự tế nhị của thầy, muốn cho, nhưng tránh cho tôi không bị mặc cảm, chứ giầy được đo ni và đóng ở tiệm lớn làm gì có chuyện chật lỏng .
Và kỳ thi trung học đệ nhất cấp cũng qua ,tôi may mắn được đậu và chuyển lên Trường Tống Phước Hiệp. Lên học lớp Đệ Tam thì phải chọn ban (ABC),tôi thì lại kém 2 môn toán lý , làm sao dám chọn ban A , ban B. Còn nói về môn văn thì cũng ở dạng trung bình ,ngay cả việc thi đậu vừa rồi là do may mắn mà thôi. Tôi đem vấn đề trên trình bày với thầy để xin ý kiến . Thầy nói “: Theo tao thì mầy nên học ban C” (Thầy luôn nói chuyện với tôi một cách thân mật như vậy). Nghe lời thầy tôi chọn học ban C, cũng không ít bạn bè cho là tôi quá liều lĩnh. Từ đó mỗi lần về Chợ Lách thì tôi đều đến gặp thầy, thầy luôn hỏi han và khích lệ, thầy đưa thêm cho tôi một số sách để tham khảo đồng thời nâng cao thêm trình độ . Nhờ vậy mà khi lên đệ nhị tôi được thầy dạy môn văn đánh giá rất cao trong bài luận đầu tiên (môn văn là môn chính của ban C)
Đó cũng là tiền đề cho những thành công của tôi sau nầy, từ một học sinh trung bình tôi trở nên học sinh khá rồi giỏi. Năm 1966 thì tôi thi Tú Tài 1, điều bất ngờ là tôi đậu hạng bình thứ ( lớp tôi có 5 bạn đậu bình thứ .Mừng quá tôi vội về Chợ Lách để báo tin nầy cho thầy. Tiếc thay không gặp được, người ta nói rằng thầy Châu đã rời Chợ Lách trong một đêm mưa gió , hình như Thầy theo Cách Mạng và đã hy sinh . Từ đó đến nay tôi luôn tìm cách dò hỏi nhưng chẳng có chút tin tức nào .
Đó là điều ray rức tôi hơn 50 năm qua, thầy đã cho tôi nhiều quá nhưng tôi lại chẳng đáp lại được gì ,ngay cả việc tìm thăm nơi yên nghỉ của thầy hoặc thắp một nén nhang để tưởng niệm thầy tôi cũng chưa làm được . Cứ mỗi lần ăn một trái bắp, một đòn bánh tét hay mang đôi giầy mới thì hình ảnh của thầy lại hiện rõ trong tôi .
Lê Tấn Lực
(cựu HS lớp đệ thất NK1960)
.
Bài viết hay quá. Càng đọc càng thích.
Mong rằng có thêm nhiều người viết về đề tài chuyện cũ như vầy.