Anh Tấn Tài nói với tôi, mấy đêm rồi anh mong đến ngày này, anh phải về Chợ lách thôi dù mấy năm nay anh ít về, ngoại trừ những dịp quan trọng . Anh hỏi tôi về không, cho quá giang, thế là tôi có dịp cùng về quê với anh dự buổi họp mặt quan trọng này.
Đi trên xe về chưa tới Trung Lương thì anh Nguyễn Văn Màng, gọi điện thoại hỏi anh về tới đâu? Phần anh Màng thì đợi anh tại quán Quê Hương, ngang khu hành chánh huyện. Tôi nói với anh Tấn Tài, sở dĩ hôm nay có buổi họp mặt này là do ý kiến của anh Nguyễn Văn Từ và sự hổ trợ nhiệt tình của anh Lê Tấn Lực, ở Chợ Lách và Nguyễn Văn Hương ở nước ngoài .
Xe đến quán Quê Hương thì thấy anh Nguyễn Văn Màng và chị Trần Thị Triếp ngồi chờ. Các bạn già này cho biết đã xa nhau hơn 57 năm , giờ mới gặp lại nên ai nấy đều vui mừng vì biết mình đã tồn tại đến ngày nay. Ngồi quán được một chút, anh Lực gọi tôi đến quán Hiếu Nhân cách đó không xa.
Tại phòng họp đã có một vài anh đến , trước phòng là một lẳng hoa lớn chào mừng, trong phòng là 3 lẳng hoa nhỏ do chị Phạm Thị Huệ cắm. Anh Lực cho biết, chiều hôm qua mấy anh chị đã đi quanh xóm tìm thêm hoa phượng vỹ để cắm thêm vào cho có ý nghĩa “Một thời học sinh”
Người có mặt sớm là anh Đinh Văn Hạng, nhà ở xã Vĩnh Bình, sau khi rời trường trôi dạt bốn phương và lớn lên tấp về với người ở xã Tân Ngãi (TP.Vĩnh Long). Chị Võ thị Huỳnh Hoa hiện ở kinh Bổn Sồ thuộc địa bàn ấp Hòa Thuận, Vĩnh Bình; anh Phan Văn Sơn hồi đi học ở Long Thới, nhưng lớn lên bị một kiều nữ ở Mõ Cày Bắc bắt cóc nên định cư luôn tại đó. Anh Lê Tấn Thành, ấp Phú Hòa, xã Vĩnh Bình vui mừng gặp lại các bạn, anh thú thực là nhìn thấy mặt bạn bè nhưng không nhớ nổi, tuy nhiên nếu nói tên là anh biết liền. Nhiều người cùng nhận xét về bạn mình: “Hồi đó ốm nhách, giờ mập.”
Nhìn quanh thì không thấy anh Lê Tấn Lực, thành viên BTC, hỏi ra thì anh Lực đi rước anh Bùi Văn Quang, nhà ở gần đó. Anh Quang bị bệnh, rất yếu không thể đi lại được.
Anh Nguyễn Văn An, ở tại Vĩnh Bình học hết cấp rồi lên Vĩnh Long học, giờ về sống ở quê cùng con cháu.
Ngồi cạnh bên tôi là chị Võ thị Rạng, đang sống ở Long Thới, kế bên nữa là chị Nguyễn Thị Triều ở cùng xã. Chị Triều cho biết , trước đây chị là giáo viên, nghỉ dạy từ năm 1989, giờ thì sống tại ngã tư Cây Vông, cứ đến khu vực này hỏi nhà Năm Triều là ai cũng biết ! Chị có bệnh đau khớp, tim mạch nên không thể đi bộ được. Tuy nhiên nếu đi xe đạp thì chị có thể đạp hàng chục cây số cũng không hề hấn gì. Đêm qua, chị đã uống thuốc nhiều, nhờ vậy mà hôm nay gặp được các bạn già. Chị Phạm Thị Danh là người đặc biệt vì chị là tu sĩ. Khi chị mới bước vào thì có tiếng xầm xì của quý anh, gọi chị bằng gì cho phải lễ, ni cô hay ni sư, thôi thì cứ tên gọi tên như ngày nào. Nhìn chị Danh trong chiếc áo tràng lam thấy có vẻ thanh thoát, đồng tuổi với nhau nhưng da mặt hồng hào thì thấy rõ là việc tu hành có kết quả khỏe tốt hơn người thường. Chị Danh ăn chay trường, nên chị Huệ đã đem đến cho chị 2 dĩa bánh bò và bánh lá mít dùng trong bữa trưa này.
Anh Nguyễn Văn Màng từ lúc gặp bạn tới giờ, ngồi trò chuyện với bạn bè nhưng vẫn có “tâm tư”, anh không muốn kỳ họp này là kỳ họp đầu tiên và cuối cùng. Theo anh , hàng năm phải có gặp một lần và bạn bè hãy quy định một ngày cố định để mọi người nhớ mà về, không cần phải nhắc nhau nữa. Với ý kiến đó, các anh chị quyết nhanh là lấy ngày 27/5 hàng năm là ngày họp của khóa đầu tiên, mọi người đều đồng ý. Đề cập đến cần có người thường trực giải quyết những khó khăn của anh chị em, mọi người cho rằng ở Chợ Lách là nơi anh chị sống nhiều nhất, do vậy đề nghị anh Lê Tấn Lực (thị trấn) và Nguyễn Văn Màng (Phú Phụng) là địa chỉ liên hệ. Chị Huệ cho rằng, trong những kỳ họp tới, các anh chị dù có tiền đóng góp hay không cũng nên tới dự vì tuổi già anh chị muốn thấy mặt bạn là điều tiên quyết. Ở lớp này , các giáo sư còn sống hiện nay trong nước còn thầy Phan Thọ, cô Nghiệp, thế nên sẽ có chuyến đi thăm hai vị này ở Trảng bang và TP.HCM. Có người nhắc lại câu nói của thầy Trần Ngọc Sương: “ Ước gì tôi gặp được học trò cũ trước khi chết cũng vui” Nhưng rồi khi thầy về Chợ Lách thì học trò còn đây mà trường xưa nào thấy !!!
Người được chú ý nhiều là chị Trần Thị Hường, chị cùng với con cháu đi qua từ Mỹ Tho, chị là vợ của thầy Bùi Ngọc Thêm, dạy THCL trước đây và là hoa khôi của Chợ lách vào những năm 60. Con cháu thầy về trường của cha mình dạy, thấy được nghĩa thầy trò ngày chưa xa lắm cùng với các bác là bạn của mẹ một thời. Có một bức ảnh chụp chung gia đình chị Hường.
Ban tổ chức có chuẩn bị mấy phần quà cho người già yếu, neo đơn, anh Bùi Văn Quang được tặng cây gậy inox có 4 chân và 2 áo sơ mi . Điều này cho thấy tình cảm của các bạn già dành cho người già yếu.
Trò chuyện thăm hỏi trong vòng ba giờ, chắc chắn là chưa thỏa, nhưng sức của người già có hạn, người nào cũng bị thấp khớp, lên máu, số người uống bia còn lại vài lão , uống trong niềm lưu luyến. Tất cả đều mừng rỡ có ngày hôm nay, từ đây họ không còn cô đơn nữa, một danh sách 17 bạn được photo phát ra kịp thời. Chúc mừng các bạn già có được một ngày vui, có được niềm vui mỗi ngày nếu có điều gì cần thiết để chia sẻ.
Lương Minh
H1 Chị Phạm Thị Huệ bên lẳng hoa phượng
h2 Lê Tấn Lực chỡ Bùi Văn Quang
h3 Chị Phạm Thị Danh- Huệ- Nguyễn Thị Trâm
h4 chị Võ Thị Rạng- Nguyễn Thị Triều- chị Danh
h5 Gia đình chị Trần Thị Hường
h6 Nguyễn văn Từ chạy lòng vòng với bạn quên cả ăn
h7
h8 Những người tương đối khỏe ngồi lại sau
h9 Chị Triếp- chị Hường và các con. Anh Minh Khai chụp ảnh