Kính thưa Thầy Cô cùng tất cả các anh chị em cựu học sinh Trung Học Chợ Lách ,
Chúng tôi gồm ba người – Nguyễn Văn Hương ,Nguyễn Văn Từ và Phạm Thị Huệ – là cựu học sinh của trường niên khoá đầu tiên 1960-1961 có đọc trên trang nhà bài của thầy Trần Đắc Sương , sau đó có thêm ý kiến của anh Nguyễn Minh Khai cũng là một cựu học sinh niên khoá 1961-1962 nói về những năm đầu tiên của trường .
Chúng tôi chân thành biết ơn những đóng góp của thầy và bạn Khai về thời gian đó . Nhờ vào những đóng góp đó gợi cho chúng tôi biết bao kỷ niệm về ngôi trường thân yêu, nơi bắt đầu cho những học hỏi, gom góp kinh nghiệm về đời sống , về kiến thức làm hành trang cho cuộc sống sau nầy . Chúng tôi xin thưa trước vì thời gian quá lâu, hơn 53 năm , tính từ lúc chúng tôi rời trường vào năm 1964 , đồng thời với tuổi cao, tất cả đều trên 70 tuổi, cho nên mọi vấn đề nhớ lại của chúng tôi cũng có thể đôi khi sai lạc , mặc dù chúng tôi cố gắng kiểm chứng thật kỹ những việc mà chúng tôi có thể kiểm chứng .Cho nên nếu các quý vị tìm thấy bất cứ điểm nào không đúng xin cho chúng tôi biết hoặc sửa lại giúp chúng tôi cho chính xác , chúng tôi vô cùng cảm tạ .
Chúng tôi xin viết theo sự hiểu biết của chúng tôi về :
1. TRƯỜNG ỐC :
Khi chúng tôi nhập học vào lớp đệ thất năm 1960 thì trường đã xây xong hai lớp học mới toanh ,ở giữa là văn phòng cho Hiệu trưởng và các giáo sư . Xin nói thêm là lúc chúng tôi học , thì thầy dạy trung học , từ đệ thất đến đệ nhứt đều gọi là giáo sư, nếu nói cho rõ thì giáo sư đệ nhất cấp ,dạy từ lớp đệ thất ( lớp 6 sau nầy ) đến lớp đệ tứ (lớp 9 ) còn giáo sư đệ nhị cấp dạy từ lớp đệ tam ( lớp 10 ) đến lớp đệ nhứt (lớp 12 ) chứ không gọi là giáo viên như bây giờ. Hồi đó giáo viên chỉ dùng để chỉ thầy cô dạy tiểu học mà thôi .
Hai phòng học đó chúng tôi chỉ học có một phòng phía bên mặt nếu đứng từ ngoài nhìn vào , phòng còn lại bên tay trái dành cho lớp Tiếp Liên (lớp luyện thi vào Đệ thất cho học sinh bị thi rớt năm rồi ), nếu chúng tôi có luôn hai phòng để học thì đầy đủ, nhưng vì chỉ có một phòng nên rất vất vả , chúng tôi sẽ nói lý do sau .
2.HỌC SINH NIÊN KHOÁ ĐẦU TIÊN 1960 -1961
Điểm quan trọng và cần biết là lớp của chúng tôi không thi vào trường trung học Chợ Lách ,vì lúc thi chưa có trường trung học Chợ Lách, mà chúng tôi thi đậu vào lớp Đệ thất trường trung học Nguyễn Thông của tỉnh Vĩnh Long. Quận Chợ Lách thuộc về tỉnh Vĩnh Long vào thời gian đó , sau 1975 mới thuộc về Bến Tre. Trường Nguyễn Thông sau đổi thành Tống Phước Hiệp vào năm 1961 cho đến 1975. Sau khi có kết quả đậu vào Nguyễn Thông rồi chúng tôi mới được biết quận Chợ Lách vừa mới được bộ Giáo dục cho mở trường trung học cùng lúc với quận Tam Bình, tất cả học sinh quê ở Chợ Lách hoặc Tam Bình đậu vào Nguyễn Thông đều về học tại quận nhà . Có khoảng 51 học sinh về trình diện học lớp Đệ thất đầu tiên của trường trung học vừa mới thành lập . Sở dĩ chúng tôi nói khoảng vì hiện tại chúng tôi chỉ có danh sách 51 người mà chúng tôi nhớ được ( Danh sách đính kèm ) . Có người nhớ 54 hay 56 vì sau đó có những học sinh mới nhập học, có cha mẹ làm công chức mới đổi về Chợ Lách làm việc nên đi theo và ghi tên học, nâng sỉ số học sinh lên . Trong 51 học sinh nầy lại chia làm hai nhóm , một nhóm Anh văn và một Pháp văn , người nào học nhóm Anh văn hay Pháp văn đều đã chọn trước từ lúc thi vào trường Nguyễn Thông . Như vậy , chúng tôi có khoảng 15 học sinh cho nhóm Pháp văn ,còn lại khoảng 36 cho nhóm Anh văn . Tỉ số chênh lệch giữa học sinh Anh văn và Pháp văn là lý do tại sao học sinh Anh văn được ưu tiên hơn , khi nào đến giờ sinh ngữ thì học sinh Anh văn được ở lại lớp học , còn học sinh Pháp văn phải di chuyển đi nơi khác , thì ở khán đài sân vận động (sân banh của quận ), khi thì ở chùa Ông ( ông Quan Công ) , khi thì ở trụ sở Phong trào Cách Mạng Quốc Gia , khi lên phòng ngủ của thầy Thành trên lầu tiệm chụp hình Hoàng Thọ . Kể ra thì phe Tây vất vả hơn phe Mỹ nhiều , nhưng cũng đúng , vì lúc đó Tây đã về hết mà Mỹ đang ồ ạt kéo vào ai biểu không thức thời thì …ráng chịu vậy .
3.GIÁO SƯ VÀ HIỆU TRƯỞNG
Lúc khai giảng thì hiệu trưởng chúng tôi là thầy Lê Văn Hoà , ông là hiệu trưởng của trường tiểu học Chợ Lách , nhưng có lẽ giai đoạn đầu thiếu người nên ông kiêm nhiệm luôn chức hiệu trưởng trường Trung học , ngoài ra ông còn dạy thêm lớp Pháp văn cho đến khi thầy Nguyễn Văn Thành về mới thôi .
Phần giáo sư , đầu tiên chỉ có hai thầy , Trịnh Văn Thọ quê ở Vĩnh Long và Bùi Hữu Thêm quê ở Mỹ Tho , cả hai thầy đều vừa tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Sài Gòn . Hai thầy chia nhau dạy tất cả các môn Toán ,Lý Hoá ,Việt văn ,Sữ Địa ,Công Dân Giáo Dục ,Nhạc ,Vẽ kể cả môn Hán Văn .Đặc biệt có môn Nữ công cho mấy chị được thầy Hoà mời một cô dạy ở tiểu học lên dạy giúp khi có giờ Nữ công . Còn môn Anh Văn thì thầy Bùi Hữu Thêm dạy , giờ Pháp Văn thì thầy hiệu trưởng Lê Văn Hoà kiêm nhiệm cho đến lúc thầy Nguyễn Văn Thành đổi về . Sau đó các thầy được gởi về để bổ túc như Phan Ngọc Thọ ,Nguyễn Văn Thành ,Trần Đắc Sương ,Nguyễn Trọng Khiêm ,Nguyễn Văn Hơn ,Đoàn Đình Cầm ,các cô Võ Thị Nghiệp ,Trần Thị Bạch Tuyết vì các năm sau số học sinh và số lớp của trường ngày càng tăng .
Cho đến năm 1964 khi chúng tôi đậu Trung học Đệ nhứt cấp và chuyển lên học đệ tam Tống Phước Hiệp thì hiệu trưởng lúc đó là thầy Nguyễn Văn Thành .
Ngoài ra cũng nên nhắc tới thầy Lê Tấn Chỏi giám thị và chú sáu Dõng lao công của trường ,cả hai cũng là thành phần không thể thiếu của những ngày thành lập trường .
Đó là tất cả những gì chúng tôi nhớ lại, mong được sự góp ý của tất cả thầy cô bạn bè và những cựu học sinh Trung học Chợ Lách . Đa tạ .
Cựu học sinh Trung học Chợ Lách (1960-1964)
Nguyễn Văn Hương -Nguyễn Văn Từ- Phạm Thị Huệ
*Danh sách học sinh lớp Đệ thất của trường trung học Chợ Lách năm 1960 .
1.Phạm Thị Danh .2.Lê Thị Gấm .3.Huỳnh Kim Hoa 4.Trần Thị Hoa 5.Võ Thị Huỳnh Hoa 6.Nguyễn Thị Mỹ Hồng 7.Phạm Thị Huệ 8.Phạm Thị Lệ 9.Đặng Ái Linh 10. Võ Thị Rang 11. Âu Thị Sáu 12.Nguyễn Thị Sương 13. Nguyễn Thị Trâm. 14.Trần Thị Thơm 15. Trần Thị Triếp 16.Lê Tuyết Trung 17.Nguyễn Thị Kim Xuyến 18 .Nguyễn Văn An. 19. Ngô Văn Ba 20. Đào Văn Bổn 21.Nguyễn Thành Chơn 22.Nguyễn Tấn Được 23.Lê Tấn Lực 24. Nguyễn Ngọc Lợi 25. Nguyễn Văn Màng 26. Nguyễn Văn Ngẩu 27. Trần Văn Mừng 28. Hồ Văn Miểng 29. Lê Văn Hải 30. Đinh Văn Hạng 31. Nguyễn Văn Hương 32. Thái Văn Nhu 33. Nguyễn Tự Khiểm 34. Nguyễn Văn Phàn 35. Bùi Văn Quan 36. Trần Thiện Quân 37. Nguyễn Hữu Phúc 38. Phạm Văn Sót 39. Phan Văn Sơn 40. Nguyễn Văn Thành 41. Lê Tấn Thành 42. Trần Hoàn Thọ 43. Trần Văn Thống 44. Nguyễn Văn Tú 45. Nguyễn Văn Từ 46. Võ Văn Tấn Tài 48.Trần Thị Thanh Phụng 49. Lê Thị Thu Hạnh 50. Đoàn Ngọc Võ 51. Nguyễn Văn Liêm .
*Các bạn từ nơi khác chuyển đến :
1. Trần Bá Nghiệp 2. Trần Thị Hường 3. Nguyễn Thới Lai 4. Nguyễn Văn Lắm .5 Nguyễn Thị Kiều .
Chân thành cám ơn các sư huynh đã cung cấp thêm nhiều thông tin quý. nếu không có những bài viết như vầy thì lịch sử của trường về sau sẽ thiếu sót. Những anh chị ở khóa này mà tác giả có đề cập đến , hiện nay có Võ Văn Tấn Tài còn buôn bán cây kiểng ở Thủ Đức; Nguyễn Thị Trâm hiện sống tại TPHCM; và còn vài anh chị nữa mà tôi lâu ngày không gặp.
Theo như tác giả thì năm 1964 hiệu trưởng là thầy Nguyễn Văn Thành, nhưng sao thẻ học sinh của tôi năm 1964 là thầy Nguyễn Thành Thưởng (?)
Hiện nay, hình ảnh tư liệu về trường THCL trang nhà không có, mỗi lần có bài đăng thì thiếu hình cũ. Do vậy, anh chị em nào còn lưu giữ hình trường lớp, học sinh những năm đầu nên phổ biến lên trang để nhiều người cùng giữ. xin chân thành cám ơn
Lương Minh
Anh Lương Minh ,khi chúng tôi rời Chợ Lách cuối năm học 1963-1964 thì thầy Nguyễn Văn Thành vẫn còn làm Hiệu Trưởng ,nếu trong năm 1964 thẻ học sinh anh ghi Hiệu Trưởng là Nguyễn Thành Thưởng thì chúng tôi nghĩ có thể thầy Thành cũng được thay thế trong niên học 1964-1965 nghĩa là thầy Thành ra đi cùng lúc với tụi tôi .Chúng tôi không hề biết thầy Thưởng mà chỉ nghe nói là thầy thay thầy Thành sau đó .Cám ơn câu hỏi của anh Minh .
Anh Minh Luong ơi em đọc bài này xúc động quá. giờ em mới biết chú Sáu Dõng gắn bó với trường từ khi em còn chưa ra đời vậy mà hồi đó tụi em hay chọc phá cho ổng chưởi ..đúng là “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò “
Chào các bạn:
Anh Nguyễn văn Hương và Anh Lương Minh đều nói đúng…Hết niên khoá 63-64 thì Thầy Thành đổi đi nơi khác. Đầu niên khoá 64-65 (cuối tháng 8/64) Thầy Thưởng về làm Hiệu Trưởng. Thầy Đỗ Viết Cữu về dạy Việt/ Hán văn và cho lớp Đệ tứ của tôi. ( hai Thầy có lời qua tiếng lại…)
Tôi học sau 3 tác giả một niên khoá và chỉ học nơi cơ sở của trường…
Cám ơn ba bạn! Mục sư Nguyễn Thới Lai( cựu phi công trực thăng ) vừa tạ thế tại Houston cách nay vài tháng.
Chúc các bạn CHS/ Chợ Lách luôn yên vui
Tông
Chào các bạn
Hôm Noel 2017 tôi có gọi thăm quý Thầy Cô Trần Đắc Sương, Nguyễn văn Hơn, Đỗ Viết Cữu. Quý Thầy vẫn vui vẻ…
Khi nào nói chuyện được với Thầy Nguyễn v Thành và Thầy Nguyễn Thành Sơn, tôi sẽ thông báo tiếp
Cám ơn bạn Nguyễn Minh Khai về hình ảnh và bài viết của bạn
Tin nhắn quan trọng:
Người Mỹ rất quan tâm đến ” họp mặt Thầy Cô, cựu học sinh” hơn cả tiệc cưới.,.Rất có thể Hội Ái Hữu Vĩnh Long Vĩnh Bình Sa Đéc sẽ tổ chức Họp Mặt Liên Trường Trung Học vào mùa hè năm 2019 tại Houston Texas.
Kinh nghiệm cho thấy 3/5 số đơn xin tham dự của CHS từ VN được chấp thuận sang Mỹ dự ngày Họp mặt cựu học sinh
Tôi sẽ Thông báo tiếp các quyết định của Hội. Nếu nhiều bạn muốn tham gia chúng tôi sẽ hăng hái hơn…các CHS đang ở ngoài VN có thể theo dõi tin tức nơi đây
cám ơn các bạn
Chúc Mừng Năm Mới Dương Lịch
Tông ( phạm tương như)
In Chao Anh Tong,
Toi la Do Thi Phung dang o Virginia va Florida va cung la hoc sinh cua truong trung hoc Cho Lach, vao 1963-1969. Toi muon xin them chi tiet ve vu tham du cuoc Hop Mat Lien Truong Trung Hoc vao mua he nam 2019 o Houston, TX de toi co the tham du. Xin anh cho biet them.
Cam on anh.
Tôi là CHS Trung học Cholach khoa 1960-1961muốn liên hệ với các bạn thì làm thế nào .Tôi tên Vo van Tan Tài Dt 0903656436 dang ở phường Long bình quân 9 TP /HCM
Anh Tấn Tài. Anh cứ gửi theo địa chỉ phía dưới trang hay gửi cho [email protected] đều được.
Nhà thơ nói đúng rồi đó! Là “hậu sinh” nên không dính gì đến trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long, nói rỏ hơn không học không biết gì cả…! Nhà thơ nên đọc lại bài viết để hiểu rỏ sự chuyển tiếp của đàn Anh từ Trung Học Chợ Lách lên Tống Phước Hiệp… cho nên nhà thơ KHÔNG là cựu học sinh Tống Phước Hiệp là trường Trung Học của Tỉnh Vĩnh Long! Chúc lành… và không quên cám ơn đã “phong” cho tui học hàm giáo sư nghe cũng khoái à nha!
Thắc mắc! Thắc mắc! Theo tui được biết cô Trần Thị Triếp là Chị của nhà thơ Nguyễn Chiến! Như vậy tác giả(bào Huynh của tui) nhớ lầm họ hay tui nhớ sai vậy bạn?
Tôi chỉ là cộng tác viên được mời vào trang Tống Phước Hiệp đã 5 năm rồi, mình đâu cần là cựu học sinh TPH gì đâu, tôi có các anh chị học ở đó mà , vả lại chú tôi là cựu thanh tra giáo dục tỉnh Vĩnh Long nữa.
Những lời phúc đáp như thế có được đầy đũ chưa, thưa GS Bình Nguyễn ?