Trung Học Chợ Lách

LÀM RUỘNG NGÀY XƯA

Ngày đăng: 08/12/2013, 5:45 chiều, ý kiến phản hồi (2)

Ở Chợ Lách mình bây giờ tìm không ra một mảnh ruộng. Nhưng trước khi trở thành xứ sở của cây ăn trái, Chợ Lách cũng có nhiều ruộng lắm. Không nói chi xa, khoảng 30 năm về trước, vườn mới chỉ là những nét, những vệt chấm phá trên đồng xanh. Còn 50 năm trước nữa, những cánh đồng của huyện nhà, cũng có thể gọi là mênh mông, ít nhất trong con mắt trẻ con của tôi ngày ấy. Thành ra khi nhớ lại, những cánh đồng xa xưa đó, luôn làm cho tôi bâng khuâng, nhung nhớ, trộn lẫn một chút bùi ngùi, giống như ngữi phải mùi khói đốt đồng! Xin kể ra đây với các bạn những kỷ niệm, theo thứ tự canh tác của một vụ lúa mùa, coi như góp thêm trên bàn tiệc nhà một món ăn dân dã.

    Sân đình , nơi ngày xưa nông dân thường mượn phơi lúa (ảnh LM)

   LÀM MẠ

Cây lúa trồng ngày xưa là cây lúa mùa địa phương, thời gian sinh trưởng kéo dài, chỉ trổ bông khi ngày ngắn, tức là vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch, gọi là bị ảnh hưởng quang kỳ. Chưa tới thời kỳ ngày ngắn đêm dài là chưa trổ bông, dù có gieo cấy từ tháng giêng, tháng hai. Khác với giống lúa trồng phổ biến hiện nay, trổ bông quanh năm, ngắn ngày, năng suất cao, dân miền Nam gọi chung là lúa Thần Nông. ( Những giống đầu tiên được IRRI du nhập vào miền Nam ở những năm 1960, có tên là Thần Nông 5, IR 5, Thần Nông 8, IR 8…)

Có nhiều loại lúa mùa địa phương. Ở miệt trên, An giang, Đồng Tháp, hàng năm đều có một mùa nước lên, nước ngập tràn đồng mênh mông như biển và kéo dài 3, 4 tháng. Để thích ứng, có giống lúa mùa nước nổi. Nước lên tới đâu, lúa lên tới đó, với điều kiện nước phải lên từ từ. Nước lên nhanh quá, lúa ngoi theo không kịp, chết ngộp, gọi là bị nước chụp. Nước lên tới đỉnh cao, nằm đó không lên nữa. Thời gian nầy, cây lúa chớp thời cơ phát triển. Cố vươn lên hết những chồi còn nằm trong nước. Tháng 9, tháng 10, gió bấc rao rao, nước chớm giựt thì cây lúa trổ. Nước rút khô đồng, lúa chín, thân nằm rạp trên mặt đất, bông lúa nhiều khi cách gốc 4 đến 5 mét.

Chuyện làm lúa miệt trên thú vị lắm. Hy vọng sẽ kể cho các bạn vào dịp khác, giờ xin trở về chuyện làm lúa miệt mình, ngày xưa…

Cũng xin nói với các bạn, thời giờ, ngày tháng trong bài viết nầy là thời giờ ngày tháng theo âm lịch vì ngày xưa trong đời sống, ông bà minh lệ thuộc thiên nhiên nhiều. Trồng lúa cần nước, được xếp là nhất nước nhì phân. Mà muốn canh nước nôi, trời nắng trời mưa, nước rong nước kém…phải dựa vào âm lịch. Cứ ngày rằm, ba mươi là có con nước rong. Dương lịch không được như vậy.

Về giống, lúa mùa có rất nhiều. Đại đa số ngon cơm, và thường có tên là Nàng…( không biết tại sao? Chắc tại phụ nữ thường thơm, ngon và sinh sản được.) Như Nàng Hương, Nàng Thơm, Nàng Loan, Nàng Trích…Cũng có một số ngoại lệ như Vỏ Trà, Ba Túc, Móng Chim…Khoảng năm 1964, 1965, ba tôi đem giống Hòa Bình ở Mang Thít về, cũng là lúa mùa ngon cơm nhưng năng suất cao hơn các giống kể trên.

Lúa giống được để lại từ mùa trước. Khi sắp thu hoạch, người ta sẽ chọn trong ruộng khu vực nào lúa trúng nhất, giàn lúa đồng đều, không cỏ dại, sâu bệnh, cắt đập riêng, dành làm lúa giống cho mùa sau. Số lúa nầy được phơi thiệt khô trên nền đất, tránh phơi trên nền xi-măng, gạch. Sau đó được chứa trong những lu, vại lớn, bên dưới có lót một lớp tro bếp hút ẩm.
Trước ngày định gieo mạ 4 – 5 hôm, người ta đem lúa giống ra phơi lại một nắng, gọi là thức giống. Trước gieo 4 hôm, ngâm lúa vào trong những lu nước có pha chút muối, nhằm loại bỏ hết những hạt lừng lép, sâu mọt… Ngâm lúa một ngày đêm vớt lên ủ.
Lúa giống được ủ trong những vuông đất nhỏ. Bốn chung quanh tấn bằng cây chuối có chêm cọc, cho cây chuối đừng lăn, dạt. Diện tích vuông ủ rộng, hẹp làm sao để lớp lúa bên trong không dày quá, không mỏng quá. Thường dày vào khoảng 20 cm là vừa. Vuông ủ lót bằng nhiều lớp lá chuối, để hạt giống không rớt ra ngoài. Đổ lúa vào, khỏa đều mặt, rồi cũng dùng lá chuối đậy dày. Cuối cùng dằn lên trên bằng những thanh cây hơi nặng tay, tránh cho gió thổi bay những lớp lá đậy.
Lúa ủ một ngày đêm, giở lớp đậy ra, thấy hạt trên mặt đã nứt nanh và đâm rể. Nhưng lớp bên dưới rất nóng và thường chỉ mới sưng mép. Để cho lúa giống được lên đều, người ta phải ngót giống, tức là tưới nước sạch, mát cho lúa. Xong đậy lớp lá lại. Ngày hôm sau gieo mạ. Lúc nầy rể lúa mọc dài, bện chặt vào nhau. Phải xé, tách lúa rời ra mới gieo được.
Trường hợp trục trặc, đến ngày gieo mà ruộng mạ chưa dọn xong, cũng phải xé giống ra ngay rồi banh mỏng lúa trong chỗ có mái che, chờ hôm sau gieo, không được trễ nữa.
Cây lúa mùa không tốn giống nhiều. Một giạ lúa giống làm kỹ lưỡng có thể cho mạ cấy đủ 10 công đất.

Trong khi đó ngoài đồng, lo dọn ruộng mạ. Việc dọn ruộng mạ có gì vui không? Mời các bạn đón xem hồi sau, sẽ rõ.

Tháng 12/2013

      QUÁCH ĐÀO,

 

2 bình luận

  1. Thân chào anh Quách Đào ! xem bài viết Làm Ruộng Ngày Xưa anh kể rất chi tiết và thật hay ,nhưng so lại ngày nay quê hương Chợ Lách thì hiếm nhìn thấy một cánh đồng lúa chín ,thay vào đó bạt ngàn vườn trồng cây ăn trái …sẽ chờ đón xem bài viết Dọn Ruộng Mạ …Luôn chúc anh và gia đình nhiều sức khoẻ ,thật nhiều niềm vui …

    1. Cám ơn Chị Nguyên đã đọc bài và có lời khen ngợi. Tôi cứ sợ bị chê già, lẫm cẫm. Hình như khi lớn tuổi, người ta thường nhớ về thời thơ ấu. Ở Chi Lăng, có một bà chị thường ghé sạp bánh của bà xã tôi, mua bánh tằm bì cho ông nhà ăn sáng. Có lần chị nói, không mua thì ổng thèm, mà mua về có lúc ổng không ăn. Bưng dĩa bánh ra ngoài hiên đứng, ngó mông lung hồi lâu rồi khóc. Hỏi sao vậy, ổng không trả lời. Tra gạn mãi ổng mới nói, tôi nhớ Má tôi! Khổ chưa?

      Chúc chị Nguyên nhiều sức khỏe, luôn vui vầy hạnh phúc cùng con cháu. Q Đ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
Vừa đặt tách cà phê xuống bàn thì tiếng chuông tin nhắn của chiếc điện thoại vang lên , thoáng nhìn qua...
Xem tiếp...
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
Năm 1969, nhà xuất bản Ca Dao của Hoài Khanh in cuốn Đi Vào Cõi Thơ của Bùi Giáng. Ngoài những nhà thơ...
Xem tiếp...
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Ngày 26/3, Lớp Lão niên đã họp mặt lần 6  tại quán Hiếu Nhân, thị trấn Chợ lách. Về dự có 13 CHS, đặc...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

d92ab2a7-5d6c-49a4-8b59-87bb3265d276
BẾN TRE DƯỚI THỜI GIA LONG:
Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Đời vua Minh Mạng, miền...
h1b
MỘT MÙA DOLTA BÌNH AN
Tết Sene Dolta năm nay của người Khmer vùng Bảy Núi diễn ra trong 3 ngày, từ 1 đến 3/10/2024, 29/8 đến...
H1
SƯU TẦM VÉ SỐ CŨNG CÔNG PHU
Mua vé số sưu tầm thì về phân loại theo chủ đề: vé số Đông Dương, kiến thiết Quốc gia, vé sau 1975, chủ...
1727824568052blob
Chữ "Ả"
Ả vốn là từ A 婀(妸) trong “Chữ Nho… Dễ Học” được Nôm Hoá và được thông dụng cả hai âm...
unnamed
Tô Bún Nước Lèo 
Cao Miên là Cam Bốt (từ tiếng Pháp Cambodge). Tiếng Hán, Cao Miên chỉ nước và sắc tộc Khmer. Phụ nữ Miên...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 17
Lượt truy cập: