Trung Học Chợ Lách

Ánh đèn khuya

Ngày đăng: 09/11/2013, 9:46 chiều, ý kiến phản hồi (0)

  Những năm ấy, tôi học thi tú tài nên thường phải thức đến một hai giờ sáng*. Đó cũng là chuyện rất bình thường của học sinh thời trước giải phóng trong những năm thi cử quyết liệt. Cả tú tài 1 ** và tú tài 2 ***đều thi mười môn, với một chồng sách cao nghệu! Cái tỉ lệ tốt nghịêp khắc nghiệt trên dưới ba mươi phần trăm, ai học lơ mơ hỏng là cái chắc! Nhất là con trai thời đó, hễ thi rớt tú tài là phải đi lính và cầm chắc cái chết trước mắt nên phải học “quyết tử” như thế!

Do đó, ba lần vượt vũ môn: tú tài 1, tú tài 2, thi tuyển vào ngành nghề của những chàng trai là nỗi lo lớn cho cả gia đình!

 Tôi ở thôn quê, khác hẳn thị thành. Mới chín mười giờ tối, bốn bề đã vắng lặng rồi. Thức đến một hai giờ khuya là khuya lắm!

            Nhiều đêm mệt mỏi, nhìn quanh quẩn trong nhà, mọi người đều ngủ cả. Tiếng thở vang lên đều đều giữa khuya tĩnh mịch, Tôi không làm sao cưỡng nổi cơn buồn ngủ của mình và cũng đành xếp tập đi ngủ!

            Cha mẹ tôi lấy làm lo lắm. Nhắc nhở động viên mãi cũng không xong!

            Rồi một đêm, tôi thấy cha tôi chong đèn dầu ghi ghi chép chép ở phòng bên đến khuya. Một đêm, hai đêm rồi liên tiếp những đêm sau…

            Cha tôi là một nhà nho cuối mùa, biết chút đỉnh tiếng Pháp. Tính tình ông trầm lặng, kín đáo nên tôi cũng không biết cha định làm gì. Dần dần, tôi theo dõi mới biết cha học lại Pháp văn.

            Từ đó, mỗi đêm cha tôi thức khuya hơn. Nỗi thắc mắc của tôi cũng lớn dần: “Không hiểu cha đã già rồi còn học lại Pháp văn để thi cử gì cho mệt nhỉ?”.

            Đêm nầy qua đêm khác, tôi vẫn tiếp tục thức khuya để học bài. Mỗi lần buồn ngủ, tôi lại nhìn sang phòng bên. Hễ thấy phòng bên ánh đèn còn thắp sáng là tôi phải cố gắng học nữa. Tôi không dám ngủ sớm, lý do duy nhất là sợ cha rầy!

            Một đêm mưa, gà đã gáy vang khắp xóm. Tôi liếc sang phòng cha, ngọn đèn vẫn sáng choang. Một bóng người ngồi gục đầu trên hai tay chống xuống bàn một cách khổ sở. Tôi ngạc nhiên: không phải cha mà là mẹ tôi!

            Tôi bước sang, gạn hỏi, mẹ tôi mới trả lời:

– Hôm nay cha con làm việc nhiều, mệt quá phải đi ngủ sớm! Cha bảo mẹ phải thức thay để có bạn cùng con. Mẹ không quen, nãy giờ đã ngủ gục!

Tôi chợt hiểu tất cả. Tôi thương cha quá! Tôi cũng thương mẹ quá! Cha nào có ý định thi cử gì nữa đâu. Cha chỉ thức cho có bạn cùng tôi, để tôi được vui mà thức khuya hơn. Chỉ đơn giản thế thôi mà thâm thúy và cảm động vô cùng!

Mẹ tôi còn nói: cha con định xem lại Pháp văn để kèm thêm cho con. Tội nghiệp, người bỏ quá lâu nên nghiên cứu mãi vẫn chưa dạy được.

Tôi nhủ thầm: “Ôi! Cha đã thức khuya vì tôi và học lại cũng vì tôi. Mẹ đã ngủ gục một cách khốn khổ cũng vì tôi! Cả gia đình đã lo lắng, dành mọi ưu tiên mà từ lâu tôi nào có hay! Thảo nào, quần áo của tôi, mẹ cũng giặt lấy. Thảo nào, công việc lặt vặt trong nhà các em trai tôi đều đảm đương tất cả. Còn chị tôi và các em gái thì luôn để dành những thức ăn ngon và bổ dưỡng cho tôi…

Từ đấy, tôi quyết tâm học tập. Đêm đêm, hai ngọn đèn dầu đua nhau thắp sáng. Bên nầy là tôi, hết lép nhép học bài thì cọc cạch làm toán trên bảng. Bên kia, đêm thì cha, đêm thì mẹ hoặc các em tôi giả bộ làm một chuyện gì như gấp lắm cho kịp sáng hôm sau. Hễ thấy tôi buồn ngủ, mẹ hoặc các em gái đánh thức tôi bằng những tách cà phê thơm ngạt ngào. Tôi thấy ấm lòng và không còn cô đơn giữa những đêm dài vắng vẻ…

Năm ấy, tôi đỗ tú tài 1 rồi năm sau đỗ tú tài 2 khá cao trong sự hân hoan của cả gia đình!

Hơn hai mươi năm qua, cha mẹ tôi đều qua đời cả. Anh chị em tôi đều lập gia đình đi mưu sinh tứ tán. Tất cả đều đạt được ước vọng khiêm nhường của cha mẹ tôi ngày trước: có nghề nghiệp ổn định đủ để nuôi thân và góp phần cho xã hội.

Tuy rằng, anh chị em tôi vẫn thương yêu và đùm bọc lẫn nhau như ngày nào; nhưng mỗi lần nhớ về tuổi thơ, tôi vẫn nuối tiếc về một mái ấm gia đình xa xưa, còn đủ cha mẹ, có đủ anh chị em, biết thương yêu, chăm sóc cho nhau từng chút!

Giờ vì yêu cầu công tác, thỉnh thoảng tôi phải học thêm lên. Tuổi cao, công việc bề bộn, trí nhớ kém dần. Việc học thêm thật là khó khăn; đôi lúc tôi muốn bỏ cuộc! Nhưng, mỗi lần nhìn ánh đèn dầu leo lét trên bàn thờ cha mẹ, tôi lại nhớ ánh đèn khuya của hai mươi năm về trước rồi cố gắng vươn lên.

Đêm nay, tách cà phê sao quá đắng mà khói lại cay cay…

7/11/1998

Nguyễn An Cư

 

PC: (*) : Tức 12 giờ và 01 giờ sáng bây giờ

       (**) : Hết lớp 11    (***) : hết lớp 12

 

 

Đã đăng:

* Tuyển tập truỵên&ký Bến Tre-2000

* Tuyển tập “Một thời đèn sách”, báo Sinh Viên 2000

* Tuyển tập “Anh đèn khuya”-NXB Phụ Nữ- 2001

           

            

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

tải xuống
PHIẾM LUẬN VỀ THAM SÂN SI
THAM SÂN SI 貪嗔痴 tiếng Phạn(梵)là Rāga Dveṣa Moha. Hiểu một cách đại thể thì : THAM là Tham ái ngũ dục,...
Xem tiếp...
h4
Những Chuyến Phà Xưa.
Ánh dương đã dâng cao tự bao giờ, cái nắng hè gay gắt cũng đã bắt đầu nhóm dậy trong buổi sáng mai trên...
Xem tiếp...
h3
MIỀN TÂY TRONG TIM TÔI
ôi thường được hỏi vì sao lại dành nhiều thời gian để đi lại miền Tây. Nơi đó có gì hùng vĩ, cảnh đẹp,...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
Vừa đặt tách cà phê xuống bàn thì tiếng chuông tin nhắn của chiếc điện thoại vang lên , thoáng nhìn qua...
h1
THƯ MỜI CHS . TH CHỢ LÁCH ( Đăng lần 2)
Tin từ chị Thanh Nhi cho biết,  Đỗ thị Tiệp- hiền thê của Đào Văn Lộc  mời tất cả bạn bè CHS Trung học...
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
Năm 1969, nhà xuất bản Ca Dao của Hoài Khanh in cuốn Đi Vào Cõi Thơ của Bùi Giáng. Ngoài những nhà thơ...
450531
"THỜI GIAN TRÊN GIÁ SÁCH"
Mỗi khi ghé thăm nhà một ai đó, thay vì ngắm nhìn bộ salon bằng gỗ quý hay những chiếc bình gốm sứ đắt...
tải xuống
PHIẾM LUẬN VỀ THAM SÂN SI
THAM SÂN SI 貪嗔痴 tiếng Phạn(梵)là Rāga Dveṣa Moha. Hiểu một cách đại thể thì : THAM là Tham ái ngũ dục,...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 8
Lượt truy cập: