Ở Campuchia hiện giờ có điểm du lịch bảo tồn cá heo mà Công ty du lịch Hòa Bình tổ chức cho du khách đi xem. Cá heo còn có một tên gọi khác là cá nược, ở Chợ Lách ngày xưa gọi là ông nược (Hồ Minh)
Câu chuyện tôi nhắc lại đây xảy ra hồi khoảng năm 1959 khi tôi mới về Chợ lách, sống ở gần bến bắc chống. Chợ Lách ngày xưa không có cầu, người dân các xã miền trên như Sơn Định, Vĩnh Bình, Phú Phụng muốn đi chợ phải qua đò chèo. Xe hơi các xã trên hay ở Vĩnh Long đi Cái Mơn, Mỏ Cày, Bến Tre thì phải qua bắc chống, Bến bắc cũ hiện nay còn di tích bên khóm 4, còn phía bên chợ là đường cạnh Ngân hàng PTNN hiện nay.
Kinh Chợ Lách là đường đi huyết mạch từ các tỉnh miền tây lên Sài Gòn. Trẻ con như tụi tui chiều chiều thấy một đoàn ghe tải cả mấy chục chiếc chở lúa gạo nối đuôi nhau đi về hướng sông Tiền, đứa này bảo đứa kia đó là ghe chở gạo của bà cố (cố vấn Ngô đình Nhu) (?)
Kinh không lớn nhưng khá sâu nên thỉnh thoảng cá nược ngoài sông cái bơi vào, chúng còn biểu diễn trồi hụp trên mặt nước nên người dân ở chợ la lên: Ông nược, ông nược! Trẻ con được dịp chạy ra bờ kinh coi ông nược biểu diễn.
Chiếc này có thể đua với ông nược
Thị trấn (tạm gọi vì hồi đó chưa có đơn vị hành chính mang tên thị trấn) lúc đó kinh tế không giàu bằng bây giờ , nhưng chung quanh chợ có nhiều người có ca nô (chúng tôi gọi là ho bo). Ca nô của quận trưởng là đương nhiên rồi, còn ca nô của tư nhân như của ông Kiến Thiết, chủ trại cây ở đầu vàm, một dãy nhà với ông Bảy Gạo.( ba của anh Chiến, NK 66) Nhiều chiếc ca nô khác của tư nhân tại hai bên kinh chợ mà tôi không nhớ tên . Sở dĩ tôi nhớ canô Kiến Thiết vì nó được sơn màu sôcôla mà tôi rất thích.
Ông nược chạy vô kinh Chợ Lách là ông Kiến Thiết thả chiếc canô xuống nước rượt theo, không phải để bắt mà là để đua. Vừa chạy với tốc độ cao, vừa hô : Ông nược đua ! Ông nược đua ! Thế là cá và người quần thảo phóng đua nhau trên kinh. Có khi có hai ba chiếc canô đua làm cuộc vui thêm hào hứng. Dân chúng hai bên bờ ra xem la hét cổ vũ giống như xem lễ hội đua ghe Ngo (đương nhiên là mức độ người xem ít hơn vì quá đột xuất, không có tổ chức)
Tôi không nhớ đến năm nào, kinh Chợ Lách không còn được ông nược bơi vô chơi như trước và những chủ chiếc canô về sau như thế nào, tôi cũng không nhớ. Bây giờ nghe kể về cá heo nước ngọt có nhiều người đi xem và tốn hàng 3 -4 triệu đồng, như vậy thì dân Chợ Lách ngày xưa quả là may mắn !
Hồ Minh
Anh Minh kể làm tôi nhớ lại thuở ấy. Chiều nào tụi nhỏ chúng tôi cũng đá gà bằng cỏ lông chầu ở voi Kiến thiết. Mỗi lần ông nược ngoài sông cái vô , bo bo chưa xuống đua là bọn trẻ chúng tôi đã chạy theo đua rồi. Đám con nít này chạy tới cầu Cái Ớt, vừa chạy vừa la : ông nược đua ! ông nược đua ! Không biết ông nược có nghe không, nhưng rồi bọn tôi không thấy nữa, lầm lũi trở về trong khi các chiếc bo bo thì đua với nhau, khán giả hai bên bờ coi bo bo đua đở ghiền
Nghe anh Minh ke chuyen xua ,…..lam ky uc rtrong toi song lai…..loai ca heo nuoc ngot nay doi voi toi thuo nho la huyen thoai. Bây gio ca nay gan nhu tuyet chung , khong con nua vi chi con o vung trung luu song Mekong Campuchia – Lao nhung so luong rat it