Bây giờ là mùa nuớc đục, mùa của những giề lục bình tách đám trôi tản mác trên sông, mùa của những cơn mưa bất chợt, ào qua, mất hút, và cũng là mùa của những người thợ câu hết thời.
– Ủa, cái “xóm câu”** của mầy bây giờ đâu rồi?
Anh bạn viết văn “chọc quê” tôi, tôi phân trần.
– “Xóm” thì còn nguyên đây nhưng “câu” thì đã giải nghệ lâu rồi. Câu cái gì nữa mà câu khi sông bây giờ không còn đủ “trong sạch” để loài thuỷ sản một thời là kế sinh nhai của nhiều người dân ở đây tồi tại. Anh muốn tìm môt chiếc xuồng câu để nhìn nó mà buồn à? Đừng hy vọng, tôi cũng đang nhớ tới nó, nhớ để mà buồn, mà rai rứt…
Đó là những năm bảy tám, bảy chín của thế kỷ trước, thời hưng thịnh của nghề câu tôm ở xóm tôi. Trong nhóm thợ câu đó có ông Năm Bằng, người mà cái “lý lịch trích ngang” hết sức đơn giản: quê ở miền Tây, có đi chiến đấu, không vợ con, không tài sản, nghề nghiệp câu tôm. Đó là ông tự khai những lúc thấm rượu chứ không ai đi điều tra một nguời mà bề ngoài không có dấu hiệu đe doạ người khác. Bồng bềnh trên sông nước quanh năm, xuồng câu là nhà, là nơi trú ngụ khiêm tốn nhưng tự do, cái “kiểu” tự do không giống ai của người đàn ông phuơng Nam khi nổi máu ngang tàng. Người bạn “đồng nghiệp” của ông thương cảm cho ông cái doi đất ở phía Tây cồn Phú Đa để cất cái nhà sàn mà che mưa che nắng. Mới đầu, ở đó là cõi riêng của ông, là đêm đêm nơi ông nằm chò co ngắm trời trăng mây nước mà chiêm nghiệm về thân phận đời người. Sau đó, nó trở thành điểm hẹn của những kẻ lang bạc trên sông. Họ đồng cảnh, đồng cảm, ghé nhau nhiều khi chỉ để uống vài ba ly rượu,. rồi đi, rồi “trôi” biền biệt trên ngàn trùng sông nước. Bạn câu của ông thỉnh thoảng cũng ghé chơi, ghé để bày mâm, để nâng ly, để rầu rầu nói về thời cuộc hay chỉ để say mà ngâm câu vọng cổ cho những âm điệu buồn trôi bàn bạc trên sông, dưới trăng, chơi! Ông Năm Bằng là người lầm lì ít nói, dáng vẻ phong trần, nhưng khi nói thì nói bạt mạng, nhất là những lúc say.
– Thời đại gì mà…, một khúc sông chưa tới cây số mà “gắn” ba cái trạm, chỗ nào đám lính gác,mình chở đồ của mình từ tỉnh này qua tỉnh nọ nó nói… buôn lậu!
Ông Hai Kim “dỗ ngọt”.
– Thôi mà chú Năm, bị bắt chết.
– Bắt con khỉ họ! Tôi nói thiệt, cứ cái “kiểu” này hoài, coi chừng… Ờ, anh Hai, hôm qua “nó” tấp trên đầu cồn một “bao” nữa.
Cái “bao” mà ông Năm Bằng nói đó là những cái đầu lâu được nhét vào bao bố tời thả trôi lều bều trên sông. Người ta có quyền nghi ngờ nguồn gốc của những “sản phẩm” man rợ này. Đó là “thành tích” của đám cướp sông lộng hành trong giai đoạn đất nước gặp những biến cố thăng trầm? Hay là hậu quả của bọn Pôn Pốt diệt chủng đang làm mưa làm gió ở biên giới Tây Nam? Không biết, chỉ biết là sông đã phải hứng chịu những sản phẩm của tội ác, của những tham vọng điên rồ. Rồi, một lần ông Năm Bằng cũng đã làm một chuyện… điên rồ! Ông đi vớt những cái “bao”, xin người ta một khoảnh đất nhỏ để chôn đi “tội ác”nhưng không ai cho, đúng hơn là không ai dám cho. Đau đớn, buồn rầu và thất vọng nữa, ông năn nỉ người chủ đã cho ông cái doi đất cất nhà để chôn mấy cái “bao” ở đó.
– Tốt hay xấu cũng là con người, chú Sáu nó nỡ lòng nào?
Thật tình thì Sáu Thuẫn “cũng không nỡ lòng nào” nhưng còn vợ con, chòm xóm, họ không dễ gì chấp nhận sự bao đồng có chút… ba trợn của người đàn ông nổi tiếng cá biệt kia. Nhưng rồi Sáu Thuẫn cũng bị thuyết phục bởi sự “lì lợm” của ông Năm Bằng. Mà phải lén nghen, chôn ngoài doi đất đó, thiên hạ biết được thì tôi và ông trốn không kịp. Nghe nói sau đó ít tháng ông Năm Bằng dỡ nhà trả đất cho Sáu thuẫn rồi bỏ đi biệt tích. Bây giờ đã gần ba mươi năm, cái doi đất đó đã lở mất, người xưa, nhà cũ, và cả những cái “bao” nữa đã trở về với sông để sông tiếp tục dung chứa những thân phận bọt bèo mà chỉ có sông mới rộng lượng được như vậy.
* * *
Ở đó, sông có một mùa lũ tràn bờ, một mùa chim di trú về đậu chật đám bần, và ở đó sông có một mùa buồn! Đó là mùa em tôi xuống xuồng làm “sáo” nhưng con sáo của tôi không “sang sông” mà xuôi dòng Cổ Chiên về dưới Bang Tra làm dâu xứ người. Em học lớp mười một, tôi học mười hai. Nhà em làm nghề đưa đò qua cồn Phú Đa đã mấy đời, ba em là đời thứ ba. Lúc rảnh, em phụ ba chèo chống kiếm tiền. Nhà tôi gần bến đò. Những buổi chiều tôi thường xách quyển tập trèo lên cây còng già để… nhìn trộm em! Em thì ngồi dưới đò học bài thiệt, học miệt mài, đâu biết rằng có thằng con thằng con trai giả đò “chăm chỉ” để ngắm em và đò ế khách khi chiều xuống. Bến đò lúc vắng khách thật buồn. Trong bức tranh chiều đó em lúc mờ nhạt như sương như khói, lúc hiện rõ mồn một, lặng lẽ, âm thầm, cam chịu. Tôi yêu em? Hay tôi chỉ yêu khung cảnh sông chiều có em và có những nhọc nhằn kiếm sống? Không biết, tới giờ này tôi cũng không biết, chỉ biết rằng tôi đã buồn thật nhiều, thật lâu hay tin em “bị”gả đi xa, gả đi khi em mới hết tuổi mười sáu, khi em chưa kịp thuộc câu ca dao: Má ơi đừng gả con xa… Có lần tôi ngồi với ba em bên bến đò, ông thở dài.
– Tội nghiệp con nhỏ, học được lắm nhưng đành phải bỏ ngang. Biết làm sao bây giờ, ông nội nó đã lỡ hứa với người ta, nó cũng phản ứng dữ dội lắm nhưng ông cụ cứ cuơng quyết, nó mà không nghe lời ông sẽ… tự vận! Trời đất, có biết tảo hôn, tảo hít gì đâu, mấy cụ cứ đụng vào là: có con gái như… hơn nữa, sĩ diện của mấy cụ lớn lắm chứ thiệt lòng thì cũng nát gan, nát ruột.
Hôm em xuống xuồng để người ta rướt em đi, tôi ngồi trên cây cồng già ngẩn ngơ nhìn theo… đám lục bình, nhìn dòng sông, nhìn bến đò chỉ còn lại cây sào dài đứng trơ trọi, buồn hiu. Bến đò mất em, sông mất em nên từ đó sông có một mùa buồn! Mùa này không cụ thể như xuân hạ thu đông, mùa này chỉ có ở tôi, ở sông , mùa có những câu hò xâu xé lòng người.
Sông Cổ Chiên nối liền với biển.
Bông điên điển nở thắm hai bờ.
Thương em anh đã đợi đã chờ.
Sao em vẫn cứ mịt mờ Cổ Chiên?
Câu hò như loang nát mặt sông chiều, như găm vào lòng khách thương hồ (nếu vô tình “trôi” ngang) nỗi người, nỗi ta, nỗi đa đoan thế sự. Có lần em về, em tay bồng tay bế đứng bên này bờ sông nhìn về phía cồn Phú Đa. Em nhìn gì về phía bến đò cũ? Hoài niệm? Nuối tiếc? Hay chỉ để tìm lại em ngày xưa, cô gái có mái tóc đen huyền, có gương mặt đẹp nhưng buồn? Không, bây giờ em đã là thiếu phụ, là mẹ cuả bốn đứa con, em ngày xưa chỉ còn ở tôi, ở sông, ở một mùa buồn đưa tiễn!
Anh bạn viết văn đã chia tay để về Cần Thơ, còn lại tôi môt mình và tự buồn bã với cái ý nghĩ mơ hồ rằng: sông của tôi không đẹp, sông của tôi u nần, góc cạnh, gồ ghề, thô kệch như em gái quê, như bà mẹ nghèo; sông của tôi có một mùa nước trong và một mùa nước đục, một mùa mưa và một mùa nắng. Và ở đó, sông còn có một mùa buồn.
Ngọc Vinh
- Luồng: Khoảng trống giữa hai đám bần.
- Xóm câu: Một tác phẩm khác của tác giả
Truyên của Ngoc Vinh viết thật hay…dòng văn nhẹ nhàng nhưng thâm đậm…đọc một hơi…ngồi ngâm nghĩ mà ngậm ngùi cho số phận người ở đất cồn….mối tình của người trẻ với một người con gái chưa hết tuổi 16…và còn thêm nửa …nhiều cô gái đất cồn đi rất xa …xa đến Đài Loan, Đại Hàn, Mã Lai…Ôi buồn cho những nàng Kiều thế kỷ…
Ai bày ra cảnh bể dâu
Trôi đời em…để âu sầu cho anh!
Cảm nhận và chia xẻ cùng Ngọc Vinh bài thơ sau đây làm ngay sau khi đọc hết câu truyện.Thân mến
Nỗi buồn của cát
Cát tích tụ ngàn năm ngoi giửa nước
Nhắnh bần xanh lã ngọn gió đong đưa
Hạt cát vẫn miệt mài con nước động
Dựng nên cồn cát lớn rộng mênh mông
Căn nhà lá trên dàn cây chờ nước
Theo tháng ngày cát dựng mãi nên nền
Bờ bao trãi vòng đưa cồn xanh mượt
Vườn trái cây hoa nở ngát hương thơm
Đêm nghe tiếng ầu ơ trong xóm vắng
Ngoài xa cồn thuyền nhỏ thả dàn câu
Cơn gió chướng ngoài vàm kinh mát rượi
Thổi qua cồn đêm nhả nhạc rầu rầu
Người dân cồn mấy đời phơi nắng gió
Vườn cây xanh nước mắt ứa lá đêm
Người nối người bám đất cồn vất vã
Cùng thăng trầm theo vận nước gian nan
Giờ cồn xưa sóng gập ghềnh đất lở
Bởi dàn cào cát nhỏ lệ xuống dòng
Đêm đêm nghe mình cồn rung đọng
Cây bần xanh bật rể khóc xa cồn
Bờ bao quanh bị cứa mình rung rẩy
Gốc vườn cây trôi dạt xuống dòng sông
Dòng Cổ Chiên bến bờ giờ biến dạng
Hạt cát buồn trên những chiếc xà lang
Hởi những ai hám danh hám lợi
Quên cồn xưa nuôi nấng thuở sinh tồn
Giờ xé nát đất cồn ngày thêm lụn
Hạt cát buồn bôi trét biệt thư cao
Huỳnh Tâm Hoài
Gui anh re HTH !!! Doc bai cua chau Ngoc Vinh , cua anh re nghe buon , mot noi buon nhe nhang tham dam long người , lam em nho nha nho que , du chang con may ngay nua em được ve que ….,, !!!!
Ngọc Vinh à ! bài văn của NV sao thấy u buồn da diếc , não nề và run động thế nào đó, lại thêm 2tấm hình :1 là chiếc xáng, 1 là cái đuôi cồn Phú Đa phải kg ?_ Nó gợi lên bao cảm xúc, nổi niềm nhung nhớ quê hương, nhớ tới những lần có dịp đi ngang qua con đò kinh Bổn Sồ̀ _ Phú Đa , hay nhg̃ lần đi tàu , ghe xuôi ngược trên giòng sông Cổ Chiên ấy. Dòng sông quê hương với bao thăng trầm của thời gian ,dòng mang biết bao phù sa đem về bồi đấp cho vùng đất thân yêu, có cây trái bốn mùa ,cùng với luồng nước ngọt quanh năm như dòng sữa của Mẹ Hiền vậy. càng nhắc mình càng thấy nổi sót sa , thương nhớ , như mới ngày nào.
Dòng sông mang mấy nỗi sầu ?
Dòng sông ngày ấy, tìm đâu bây giờ ?
Dân tôi hạnh phúc đôi bờ,
Dù bồi hay lỡ vẫn nhờ dòng sông.
Tặng NV . Dòng sông ấy mình cũng có nhiều kỹ niệm , vì Vĩnh Bình là quê ngoại của mình đó.