Trung Học Chợ Lách

CÂU CÁ LÒNG TONG

Ngày đăng: 23/05/2013, 9:57 chiều, ý kiến phản hồi (6)

 

Chớm đông, gió heo may lại lướt thướt kéo về, lục bình chưa kịp trôi đã… nở, phù sa lắng xuống tấp đâu đó bên bãi sông bồi, nước từ đục ngầu rồi chuyển sang trong như được lóng phèn khi mùa mưa chậm dần rồi dứt hẳn. Nước trong leo lẻo đủ để nhìn thấy từng bầy cá lòng tong bơi lượn tìm mồi. Trên bờ, hàng so đủa bắt đầu nhú bông, đám đậu rồng cũng lún phún những nụ màu trắng tím gợi thèm một tô canh chua thơm phức mùi ngò gai, mùi ớt hiểm giầm nước mắm trong và con cá lòng tong cong cong, trắng tươi, béo ngậy. Sự thèm được khơi dậy từ tiềm thức gây nhớ rồi đột nhiên muốn một bước nhảy về tuổi thơ để tìm lại những khoảnh khắc trong trẻo, hồn nhiên của cuộc kiếm sống dân dã, nhọc nhằn nhưng đầy lãng mạn, trong đó có “nghề” câu cá lòng tong.

Xưa, ngoại tôi cứ qua lập đông là bà chọn một đọt trúc cong vừa phải trong vườn, chặt, phơi khô và vót cho láng để chuẩn bị cho một mùa câu cá lòng tong. Cá lòng tong mùa nào cũng có nhưng nhiều và ngon nhứt chỉ có ở giai đoạn từ đầu đông cho tới cuối tháng Hai âm lịch. Hồi đó, do tiết kiệm ngoại tôi chỉ mua lưỡi câu, còn nhợ thì được thay thế bằng những cọng chỉ trắng. Riêng mồi câu, ngoại không sử dụng thứ nào ngoài cơm nguội trộn cám. Lúc ngồi câu, một tay ngoại cầm cần câu, tay kia ngoại bóc hột cơm se liên tục cho hột cơm quện với cám xăn lại để móc vào lưởi câu không rã. Câu cá lòng tong, khâu quan trọng là chọn bến và thời điểm, trúng hay thất lệ thuộc rất lớn vào những kinh nghiệm này. Thời điểm thì đơn giản rồi. Dân quê ai cũng biết cá lòng tong thường kéo nhau đi kiếm mồi lúc nước vừa lớn. Thời gian này mà thảy mồi là giựt không kịp! Nhưng bến câu mới là yếu tố quyết định trúng thất trong một ngày vì, chọn đúng bến, người câu sẽ có được nguồn cá dồi dào để mà “khai thác”! Ngược lại, ngồi chưa nóng chỗ đã phải quảy cần câu đi chỗ khác.  

Khi ngoại “về hưu”, tôi “kế thừa sự nghiệp’ câu cá lòng tong của bà trong những ngày nghĩ cuối tuần để cải thiện cho mình những bữa cơm nghèo trước đó. Tôi câu cá không giỏi bằng ngoại nhưng “lì” hơn và “đa dạng hoá” mồi câu nên ngoài kiếm ăn thì có khi còn dư cá để bán lấy tiền đi học. Với tôi, câu cá lòng tong trong cái ý nghĩa đơn thuần là kiếm ăn thì nó còn là một thú tiêu khiển, một cách rèn cho mình sự nhẫn nại, chịu khó. Thuở ấy, có hai địa điểm “ruột” để tôi ngồi câu, đó là cây gừa già gie ra mé sông gần bến đò ngang và cây điều tán rộng trong con khém sau góc vườn nhà ngoại. Chỗ gốc gừa gie ra mé sông, kỉ niệm tuổi thơ tôi ngồn ngộn ở đó. Không chỉ câu cá lòng tong, đó là nơi bọn trẻ chúng tôi tập trung bày những trò chơi dân gian như năm mười, đu bay (nắm rể gừa lấy trớn đu ra ngoài sông rồi buông tay cho rớt ùm xuống. Đứa nào đu xa hơn sẽ thắng.)… Nơi này, tôi đã từng đọc cho mấy thằng bạn nghèo của mình nghe bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh khi học lóm được của người chị bà con học cấp ba:

 

Quê hương tôi có con sông xanh biếc.

Nước gương trong soi tóc những hàng tre.

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè.

Toả nắng xuống những dòng sông lấp loáng…  

 

Nơi này, tôi từng giả bộ ngồi học bài để dòm lén cô gái chèo đò có mái tóc dài quá lưng được kẹp lại gọn gàng, đung đưa theo mỗi nhịp chèo. Nơi này, tôi từng ngồi hút mắt chờ mẹ tôi đi mót lúa ở tận miệt Long An, Đồng Tháp trở về. Nơi này, tôi có những vui buồn hờn giận của đứa trẻ bần hàn, lăn lóc giữa đời như chiếc lon rỗng, thỉnh thoảng được kêu lon ton khi có người đá vào! Và nơi này, tôi thường ngồi ngắm hoàng hôn tắt để hy vọng một bình minh trong lành…

Khác với chỗ gốc gừa, nơi tán điều ở góc vườn trong khém là một không gian hoàn toàn im ắng, vắng lặng đến mức có thể nghe cả tiếng cá đớp mồi, tiếng lá rơi và cả tiếng xế trở chiều! Cây điều vào mùa đông, từng sợi hoa đổ tím xuống mặt nước. Cứ có một đợt gió là có một đợt mưa tím rụng đầy. Đàn cá lòng tong chỉ chờ cơ hội này là “ăn móng”. Ngồi câu mà thưởng thức bức tranh chiều có màu trầm đầy lãng mạn đó rồi mơ hồ một bóng hình thôn nữ thoáng qua trong vườn vắng thì tuyệt vời làm sao! Rồi, trong cái yên ắng đến tịch liêu ấy, những âm thanh thôn dã từng chút, từng chút một rụng vào kí ức: Tiếng bìm bịp kêu xa, tiếng gà cục tác, tiếng mẹ gọi con văng vẳng: Bớ… Tèo… sao mà thương vô cùng!

Câu cá lòng tong nhìn thì thấy đơn giản vậy nhưng không có kỹ thuật thì kiếm ăn cũng khá vất vã. Từ khâu chọn lưỡi câu, cách móc mồi câu cho tới việc nhấp câu, giựt câu phải có một quá trình trải nghiệm mới thuần thục được, nhất là chọn thời điểm giựt câu để cá mắc câu. Cá lòng tong rất háu ăn, thảy mồi vừa tới mặt nước là chúng tranh nhau đớp mồi. Giựt nhanh sẽ duột mồi, giựt chậm cá sẽ nhả mồi do đụng lưỡi câu. Thích hợp nhất là khi cá ngậm mồi lôi đi một khoảng ngắn, nhấp nhẹ cần câu cho vừa đủ để lưỡi câu móc vào miệng cá, lôi lên cá không bị sứt mép mà sẩy mất.

Cá lòng tong là thứ dễ chế biến thành… mồi nhậu nhứt! Buổi chiều, muốn lai rai với bạn bè thì trưa đó trèo giựt một mớ bông so đủa và hái vài chục trái đậu rồng để sẵn. Nước nhửn lớn sẽ đi dọc theo hàng rào dăm bụt để tìm ổ sâu. Nước vừa chảy mạnh là ra cầu bến thảy một nắm cam để nhử cá. Và, nếu câu giỏi, chừng hai mươi phút sau sẽ có một nồi canh chua cá lòng tong bông so đủa và đậu rồng bốc khói. Trong lúc chờ nấu canh chua, xách cần câu tới một bến khác ngồi câu “ráng”. Canh chín cũng là lúc có thêm một món mới từ cá lòng tong: cá lòng tong chiên tươi. Ngối nhấm nháp chút rượu đế cùng những người bạn nông dân lam lủ giữa thôn quê yên bình dưới tàn cây mát rượi bóng chiều rồi khề khà những chuyện mùa màng, giá cả; chuyện mưa nắng thất thường; chuyện được mất đời người như gió thoảng, mây bay… Hạnh phúc có khi chỉ đơn giản và nhẹ nhàng như vậy nhưng không dễ tìm trong sự bộn bề tất bật của cuộc kiếm sống hôm nay.

Ngọc Vinh

                                                                                           

 

6 bình luận

  1. Ngoc Vinh oi !!! Sao ma chọc ghẹo nhung mon tủ cua di. Thu khong vay? hình nhu luc nay ghe dáy o con Phu Đa  trung mua ca long tong lam phai khg ? Ca long tong kho tieu an voi chao trang tuyet voi Vinh nhi ??

  2. Ngọc Vinh thân mến,

    Đọc bài này đã thiệt…..Đọc xong đã thèm, với món ăn đạm bạc, rẻ tiền nhưng đậm đà hương vị quê nhà…làm những người ở xa như anh, như chị hoa hậu Paris… càng thêm nhớ. Hồi nhỏ, ở quê anh ( Cái Gà, Long Thới) cũng thường đi câu cá lòng tong lắm, mỗi khi nhà không có gì. Phia sau nhà là con sông, anh khong nhớ rỏ là mùa nào, nhưng hình như nươc sông trong lắm, có thể nhìn thấy cá đang lội dưới nước, Ngồi trên gôc cây gòn, dưới sông là bóng mát…chỉ cần nửa tiếng đồng hồ là đũ bửa cơm chiều……Giờ đây, nước dưới dòng sông ngày càng ô nhiểm, việc câu cá lòng tong chắc khó lắm phải ko NV?

    Nồi cá kho của Vinh trông thèm quá…Không biết của ai kho đây? Nêu có nồi cá này, chắc bửa cơm hôm nay của anh ở đây ngon lắm….Rất mong thưởng thức tiếp nhưng tác phẩm hay của em…,Thân ái

     

  3. Ngoc Vinh oi! Di doc bai cau ca long tong cua con ma di thèm canh chua va ca kho to qua chung. Di cung co ve thuong sao di khong co gap con, chi gap ma con thoi co le con di lam o Ben tre phai khong? Con da co gia dinh chua viet bai hay lam chao chau di Chich Chi

  4.  

    Anh Quang Phước mến! rất vui vì gợi cho anh những kỷ niệm của quê nhà. Chừng nào về Việt Nam, em sẽ đãi anh toàn những món ăn dân dã mà không dễ có ở xứ người!
     
    Nhắn dì Sáu Chích: Dạ, mỗi lần dì Sáu về con đều có thấy nhưng con ít giao tiếp bên ngoài lắm, ở nhà đóng cửa và sáng tác (ngoài trừ những lúc đi công tác lấy tư liệu). Chúc Dì Dượng và mấy em luôn vui khỏe!
  5. Vinh oi !! Tai sao khg tiep xúc voi ban be vay ?? , di thu hy vong ky nay di se gap được Vinh , doi an mon hen ne , co , ne , va ca ca kho nua ??? 

     

  6. Ngọc Vinh,

    Vẫn ở nhà cũ ngày xưa phải không? Mình không ngạc nhiên vì bây giờ Vinh là nhà văn, hồi xưa đã viết văn hay rồi mà …

    Vinh, viết rất thật! mình đọc mà tưởng tượng ra cái tướng của Vinh hồi đó liền: cao cao, ốm, con trai mà trắng tươi, tóc trước trán hơi có mấy cọng dài hơi xoăn 1 tí, ít cười, ít nói!

    Mình nhớ hồi đó nhà đứa nào cũng vậy, nhà Vinh và Bảo Trân vách bằng tre, nhưng mà Tết đến thì cả đám được Mẹ chủ nhà xẻ dưa hấu cho ăn, qua nhà Bích Ngọc thì không có ba mẹ chi cả, nhớ bữa đó tụi mình làm gà và thằng Lộc anh nhỏ Ngọc và 2 ông Vinh nấu ăn…  1 ngày đó mình đi chơi chắc mỗi đứa ăn cả trái dưa à hả?

    Hơn 20 năm rồi …

    Hôm nọ mình đi thăm cô Phước có hỏi thăm Ngọc Vinh, Xuân Vinh và Thuấn, Trí … nay thấy được tung tích của Ngọc Vinh rồi … Vinh điểm danh coi còn ai nữa không?

    Mà có nhớ “tui là con nhỏ nào không” hả????

     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...
Xem tiếp...
unnamed
Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ
Nhớ năm 1964, khi dự thi môn Văn của bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi đã phải trả lời câu hỏi giáo khoa...
Xem tiếp...
ban-doi-ban-tri-ky-ban
Phiếm về TRI ÂM, TRI KỶ.
Có rất nhiều người thắc mắc và hỏi tôi :”Hiểu và phân biệt như thế nào cho đúng về hai từ TRI ÂM...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...
h4
VINH BÌNH- NHIỀU HỘI VIÊN CGC NHẬN QUÀ SINH NHẬT
Hội CGC Vĩnh Bình có thông lệ mừng sinh nhật hàng quý vì mỗi quý gặp nhau một lần. Lần này những hội...
h1
VINH BÌNH HOP MẶT MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO
Ngày 17/11, Hội CGC xã Vĩnh Bình đã tổ chức hop mặt mừng ngày Nhà giáo. Có 30 hội viên các nơi về dự,...
h1
THĂM BẠN GIÀ LÊ HỮU HỒNG
Năm ngoái, ngày 20/11 đi Phú Phụng thăm thầy Lê Hữu Hồng, hiệu trưởng trường PTTH Chợ Lách đã về hưu....
images (2)
TIN VUI
Được tin anh Trương Văn Năng, trang trunghoccholach.com sẽ tổ chức lễ vui quy cho ái nữ là Trương Minh...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 2
Lượt truy cập: