Trung Học Chợ Lách

Lớp 12 A thuở ấy (phần 1)

Ngày đăng: 02/03/2013, 12:46 sáng, ý kiến phản hồi (2)

Ngày ấy, niên khoá 1978 – 1979, lớp 12 A nằm ngay phòng đầu tiên dãy trái từ cổng trường đi vào. Lớp hơn 40 bạn, đến từ nhiều xã ấp khác nhau của huyện Chợ Lách, nhưng đến khi ra trường mỗi người một nẽo, không ai nhớ con số chính xác là bao nhiêu. Học cùng nhau trong thời chiến, học trong hoàn cảnh thiếu thốn và đong đầy lo lắng. Từ lớp 10 đến lớp 12, lớp trưởng thay đổi mấy người nhưng cô chủ nhiệm thì chỉ có một, tận tâm, khả kính, cô Đinh Thị Kim Liên. Ngày học sinh xa mái trường, ngày cô rời nhiệm sở về lại Sài Gòn, không có một tấm hình tập thể làm kỷ niệm, một lời chia tay, tri ân, thăm hỏi của học trò dành cho cô. Còn chăng chỉ là niềm tiếc nuối khôn nguôi khi nghe tin cô qua đời năm 1989 hay 1990 gì đó vì sinh khó. Ghé thăm nhà cô ở Cư xá Bắc Hải mà không ai tin đó là sự thật, cô đã qua đời.

 

Ban chính của lớp là văn, sử, ngoại ngữ hoặc địa lý. Gắn bó với lớp không ai hơn thầy Võ Hoàng Lưu. Học môn sử của thầy từ lớp 8, mến thương thầy, có đứa gọi thầy là “anh Ba” trong những lúc trà dư tửu hậu. Nhưng nhớ nhất ở thầy là khi giãng bài, thầy không nhìn một ai, mà chỉ nhìn lên trần nhà. Có lẽ chính vì vậy mà thầy rất ít khi gọi trả bài, học trò ai cũng thấy “khoẻ” khi học giờ thầy. Còn giờ “mệt” nhất của lớp có lẽ là giờ thầy Lê Lợi. Thầy hay kêu trả bài đột xuất và thần thái của thầy khi dạy quá căng thẳng. Nhiều đứa không thích giọng Hà Tỉnh của thầy thường gọi thầy là Chí Phèo. Nhưng kỳ thật, những ý “gạch đầu dòng” cô đọng kiến thức văn học của thầy thực sự là vũ khí sắt bén cho học trò đi thi. (Nhờ ơn thầy, người viết bài này đã đoạt thành tích hạng nhì giỏi văn toàn tỉnh năm 1979). Viết đến đây, còn nhớ giờ giảng văn đi vào trái tim, đi vào lòng học trò là giờ của thầy Nguyễn Giang, của thầy Minh Đức từ năm lớp 10, lớp 11.  Thầy Giang với chất giọng truyền cảm khi lên khi xuống, nghe thầy đọc thơ Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương mà “mê tít thò lò”. Nếu không như vậy thì mê thầy ở cốt cách phong trần, dáng dấp thanh tao và mái tóc sớm điểm sương khi bình thơ và cả khi ngồi uống rượu. Nghe nói thầy đã đi thật xa trong một chuyến vượt biển trùng khơi, vĩnh viễn không quay trở lại, nhưng mãi là thiên thần trong mơ của nhiều thế hệ học trò Trung Học Chợ Lách. Có một thiên thần dạy văn khác còn ở lại, thầy Minh Đức. Thầy là thiên thần luôn khơi dậy ở học trò nhiều mơ ước. Mơ được như đứa trẻ Lê Minh trong “Sans famille” – Vô gia đình của nhà văn Hector Malot, như những đứa bé trong cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” (Les grands Coeurs của văn hào Edmond de Amicis). Thầy là một trong số ít giáo viên chịu khó thổi hồn vào bài giảng của mình những tấm gương đạo đức, bổn phận công dân để giáo dục nhân cách sống của học trò. Đáng quý hơn, lớp còn có một người thầy “vừa giỏi toán vừa giỏi làm thơ” – thầy Mai Chí Hiếu. Học thầy không biết chán, vì thỉnh thoảng trong giờ toán thầy tặng cho lớp một vài bài thơ do chính thầy sáng tác. Có một người thầy khác mà khi nhắc đến không ai có thể quên cách trình bày sống động, rành mạch, lôi cuốn trong giờ sinh vật – cô Lê Thiếu Hoa. Câu thành ngữ “bẹt cà na hột” của cô luôn ám ảnh những anh chị không học bài nhận điểm xấu, dịch ra tiếng Việt là “đứng chót bảng”. Còn thầy “Tuấn Singapore” là biệt danh lúc sau của thầy, còn lúc dạy lớp 12 A thầy có biệt danh là “Tuấn Tủ Lạnh” vì khi lên lớp lúc nào thầy cũng mặc chiếc áo ấm thật dầy như đang ở Đà  Lạt, dù lúc ấy trong lớp trời nóng hầm hập. Một ông thầy khác đạo mạo, nghiêm khắc như Tây, thầy Chu Đức dạy Pháp văn. Giờ học của thầy luôn là nỗi lo của bọn con trai, vì lúc nào thầy cũng ưu ái cho cánh con gái, ít khi thầy gọi họ lên trả bài. Hồi trường có tổ chức đêm văn nghệ cuối năm thầy cũng tham gia vai  một ông Tây nói tiếng Pháp thật sành điệu.

Lớp 12A ngày ấy có mấy tay hát giọng cổ thật mùi như Nguyễn Văn Ngôi, Hồ Văn Hạnh, người đóng vai “Trần Minh” khố chuối trong đêm văn nghệ tổng kết năm học năm 1979. Ngoài ra, lớp còn có giọng ca vàng Nguyễn Thị Kim Thanh, giọng ngâm thơ độc đáo của Đào Ngọc Nam – bây giờ là Đại thiền sư Trúc Lâm, Tuệ Giác, đang ở Mỹ.

Thế hệ lớp 12 ngày ấy, lớp nào cũng có người viết chữ đẹp, phần vì ảnh hưởng kiểu viết thanh thoát của thầy cô đi trước như thầy Lưu, thầy Hiếu, cô Cân, phần vì các bạn xuất thân từ những trường có truyển thống về viết chữ đẹp. Tờ báo “Ra trận” của lớp ra mắt vào cuối năm học 1979 đạt giải nhất toàn trường do thầy Lưu hướng dẫn và phần trình bày của Nguyễn Văn Ngôi và Nguyễn Phương Lộc

Ngày ấy, phong trào thể dục thể thao cũng thật sôi nổi. Lớp có đội bóng đá, bóng chuyền rất mạnh mà nồng cốt là Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Phương Lộc, Nguyễn Thanh Truyền, Giang Phước Thái, Thái Thanh Bình, Nguyễn Văn Bình …

Đây chỉ là một vài những ký ức không thể nào quên về lớp 12 A ngày ấy. Những ký ức về những mối tình học trò thì chắc có lẻ người trong cuộc “tự nhớ” và cảm thấy vui sướng hay buồn đau về những cuộc tình của mình. Nhưng ai cũng tin rằng tình yêu thời học trò là đẹp nhất, tuyệt vời nhất.

              Xin mượn ý  nhạc của Phạm Duy để thay lời kết trang ký ức này :

 

                                    “Thuở ấy thơ còn non mùi sữa

                                    Thuở ấy tiếng đàn nghe vụng quá

                                    Cho nên không khoe nhau bài thơ

                                    Cho nên không khoe nhau bài nhạc”

                                    (Trích Tóc mai sợi vắn sơi dài của Phạm Duy)

 

Nguyễn Phương Lộc

Lớp 12A (NK78-79)

H1

h2

h3

h4

h5

h6

2 bình luận

  1. Nguyễn Phương Lộc ơi ! hổm rày Em bận lắm phải không ? vì chị chờ hoài chưa thấy Em phản hồi “Về lại Trường xưa”nên Chị nghỉ vậy, bài viết “Lớp 12A thuở ấy làm chị bùi ngùi, nhớ tuổi học trò, nhớ Quê mình quá ! Em nhớ rủ các bạn cùng hưởng ứng cho đông,cho nhiều,cho “hoành tráng” nha Phương Lộc ! nhớ dành chút thời gian viết về Quê mình nhe ! Chị trông tin Em và các Bạn.

    Chúc Gia đình Em hạnh phúc,bình an, Cty du lịch LIÊN VIỆT phát đạt, tiến xa, tiến mải.

    Thân mến

     

    1. Đúng rồi chị Thanh Nhi ơi! Người làm du lịch lấy xe cộ làm nhà, khách hàng làm bạn. Tụi em đang vào “chiến dịch mùa hè”, đến hết tháng 8 mới lại “rảnh”. Sẽ cố gắng thỉnh thoảng gửi bài cho trunghoccholach.com. Cám ơn sự quan tâm, đồng cảm của chị. Thân mến.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
Vừa đặt tách cà phê xuống bàn thì tiếng chuông tin nhắn của chiếc điện thoại vang lên , thoáng nhìn qua...
Xem tiếp...
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
Năm 1969, nhà xuất bản Ca Dao của Hoài Khanh in cuốn Đi Vào Cõi Thơ của Bùi Giáng. Ngoài những nhà thơ...
Xem tiếp...
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Ngày 26/3, Lớp Lão niên đã họp mặt lần 6  tại quán Hiếu Nhân, thị trấn Chợ lách. Về dự có 13 CHS, đặc...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...
h4
VINH BÌNH- NHIỀU HỘI VIÊN CGC NHẬN QUÀ SINH NHẬT
Hội CGC Vĩnh Bình có thông lệ mừng sinh nhật hàng quý vì mỗi quý gặp nhau một lần. Lần này những hội...
h1
VINH BÌNH HOP MẶT MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO
Ngày 17/11, Hội CGC xã Vĩnh Bình đã tổ chức hop mặt mừng ngày Nhà giáo. Có 30 hội viên các nơi về dự,...
h1
THĂM BẠN GIÀ LÊ HỮU HỒNG
Năm ngoái, ngày 20/11 đi Phú Phụng thăm thầy Lê Hữu Hồng, hiệu trưởng trường PTTH Chợ Lách đã về hưu....
images (2)
TIN VUI
Được tin anh Trương Văn Năng, trang trunghoccholach.com sẽ tổ chức lễ vui quy cho ái nữ là Trương Minh...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 1
Lượt truy cập: