Thầy Đào Hữu Ngạn là Hiệu trưởng Trường TH. Chợ lách đồng thời cũng là giáo viên dạy văn từ năm 1968 đến 1972 sau đó Thầy được chuyển về Sở Học chánh Vĩnh Long
Được nghe Thầy giảng về các tác phẩm Nguyễn Công Trứ , Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương và nhất là tuyệt tác của Đặng Trần Côn thì trong học sinh chúng ta không thể nào quên giọng giảng ngọt ngào sâu lắng , ý thơ cô đọng dạt dào . Để bây giờ nhìn lại, thấy rằng thời gian sao trôi nhanh quá , tất cả đã nhạt nhòa theo năm tháng, Thầy thì đã tha hương, học trò Thầy đã chắp cánh bay vào vạn nẻo đường đời. Điều còn lại trong Thầy là ngôi trường và học sinh yêu dấu .
Có lần Thầy kể rằng : ” Năm ấy khi về nhậm chức Hiệu trưởng, trường chỉ có từ lớp 6 đến lớp 9. Mỗi khối chỉ vỏn vẹn 2 lớp , trong khi mỗi năm học sinh thi vào Đệ thất ( tức lớp 6 bây giờ ) có đến hơn 500 học sinh , trường tuyển chọn 110 học sinh . Số học sinh còn lại sẽ về đâu ? Việc học của chúng như thế nào ? Thầy cứ đắn đo suy nghĩ , ưu tư lại đè nặng lên vai Thầy .Thế là Thầy mạnh dạn họp Phụ huynh học sinh vận động hỗ trợ tài chính, môt mặt Thầy xin với trên mở thêm 8 lớp Đệ Thất . Số học sinh tăng thì trường lớp phải mở rộng để có chỗ cho hơn 3.500 học sinh ngồi học .
Bên cạnh việc mở trường lớp Thầy còn vận động xây nhà vệ sinh , tuyển nhân viên phục vụ . Cổng trường THCL do chính tay Thầy thiết kế theo kiểu cổng tam quan , gổm một cổng chính và hai cổng phụ .
Về mặt đời sống ,Thầy mở căng – tin trong trường để tăng thêm nguồn thu nhập cho 2 nhân viên lúc bấy giờ là chú Sáu Dõng ,và chú Tám ”
Ở trường, Thầy là người Thầy hết lòng vì học sinh, trong đời sống Thầy là thầy thuốc tận tình với bệnh nhân. Bây giờ dù ở rất xa , nhưng trái tim Thầy luôn hướng về mái trường, về học sinh thân yêu của mình bởi nơi ấy có nhiều kỷ niệm đã một thời gắn bó trong cuộc sống của Thầy .
Cảm ơn Thầy . Cảm ơn người đã cung cấp hành trang cho chúng em vững bước vào đời . Dù nghìn trùng xa cách, dù thời gian có phôi pha ,Thầy mãi mãi là người Thầy đáng kính của chúng em
Lục Bình