Trung Học Chợ Lách

Trần Văn Kiết là ai?

Ngày đăng: 23/01/2013, 7:03 chiều, ý kiến phản hồi (0)

 

Hôm họp lớp 30/4 tại nhà Luật su Mai Ngọc Tâm , mình đã  nghe thầy hiệu trưởng đương nhiệm nói đến chuyện đổi tên trường. Lúc đó chợt thấy buồn , nỗi buồn đó cũng tự nhiên thôi.  Cái tên Trung học Chợ Lách đã quá thân thuộc trong lòng , tự nhiên nghe Thầy nói tên trường sẽ bị đổi bất chợt phản ứng bằng câu nói ngây ngô” thầy ơi em không chịu đâu . tại sao tên trường phải đổi” . Thầy nói ” phải chịu thôi em à, bây giờ có quy định chung từ trên rồi.Tất cả các trường đều phải lấy tên một danh nhân để đặt. Lúc đó mình buồn và  hình như tất cả các bạn có mặt hôm đó đều rất buồn. 

      Và với tâm tư đó, về nhà mình đã lục lọi tìm hiểu xem tên trường mới là tên của danh nhân nào và vị đó đã có cống hiến gì ? Hôm nay xin gửi đến các bạn cuộc đời và những hoạt động của người anh hùng đáng kính Trần văn Kiết . người đã được lấý tên để đặt cho  ngôi trường thân yêu của chúng ta.

      Trần Văn Kiết sinh năm 1911 trong một gia đình giàu có ở thị xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Cha ông tên là Trần Phương Danh – thường gọi là hương chủ Danh – một điền chủ có hàng trăm mẫu ruộng (2), nhưng là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước. Chính gia đình ông Danh là cơ sở đi về, hội họp, móc nối cán bộ, gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương trong thời kỳ bí mật vào những năm 1930 – 1931. Đặng Văn Quang, một người bạn thân với Trần Văn Kiết, sau này có lúc làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, đã kể lại rằng trong thời kỳ bí mật, ông đã về tá túc tại ngay nhà ông hương chủ Danh để gây dựng phong trào ở huyện Chợ Lách.

 

Sau khi học xong bậc tiểu học ở trường thị xã Vĩnh Long, Trần Văn Kiết được cha gửi lên Sài Gòn học tiếp ở Trường Chasseloup Laubat, cùng một lớp với Trần Văn Giàu. Sau đó, ông sang Pháp tiếp tục học lên cấp III, rồi thi vào đại học tại Toulouse.
Vốn thông minh lại hiếu học, nên từ cấp I đến cấp III, cũng như ở đại học, ông luôn luôn tỏ ra là một học sinh xuất sắc. Điều kiện và hoàn cảnh cộng với tư chất thông minh sẵn có, ông có thể dễ dàng đạt được một cuộc sống tương lai hạnh phúc không mấy khó khăn; hoặc học hành đỗ đạt rồi tìm một việc làm ở Pháp, sống đời ung dung của một công chức trí thức, hoặc trở về nước làm quan tay sai cho thực dân với nhiều bổng lộc. Thế nhưng, Trần Văn Kiết đã chọn một hướng đi khác. Cuộc sống lầm than của đồng bào quê hương mà ông đã từng chứng kiến, đã gợi lên trong ông nhiều điều suy nghĩ về dân tộc, về đất nước. Khi còn là học sinh ở quê nhà, ông cũng đã từng tham gia phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh tại Sài Gòn. Sống ở Pháp, ông càng thấm thía nỗi nhục của người dân nô lệ.
Năm 1930, cuộc khởi nghĩa Yên Bái nổ ra, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đã đàn áp một cách dã man. Lúc ấy, Trần Văn Kiết đang học ở Toulouse. Cùng với bà con Việt kiều ở đây, ông tham gia biểu tình, nêu yêu sách đòi nhà cầm quyền Pháp phải ngưng ngay cuộc đàn áp. Cùng năm ấy, ông gia nhập ĐCS Pháp tại đảng bộ Toulouse. Sống trên đất Pháp, tham gia hoạt động trong ĐCS, có điều kiện tiếp xúc với những nhân vật chính trị cấp tiến, những học giả có uy tín, cùng những sách báo của chủ nghĩa Mác, Trần Văn Kiết dần dần nhận thức được rằng muốn giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, nô lệ, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Ông thấy cần phải sang Liên Xô để tìm hiểu và học tập thêm, sau đó mới trở về giúp nước có hiệu quả. Được sự giúp đỡ của ĐCS Pháp, ông đã đến quê hương của Cách mạng tháng Mười, vào học tại Trường Đại học Phương Đông tại Matxcơva, nơi các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong đã từng học.
Sau khi tốt nghiệp, năm 1938, từ Matxcơva ông theo đường bí mật, về thẳng Sài Gòn. Tại đây, ông bắt liên lạc với Trung ương Đảng, lúc bấy giờ đóng tại Hóc Môn, và được giới thiệu bổ sung vào ban biên tập báo Dân chúng, tờ báo công khai, hợp pháp của Đảng lúc bấy giờ. Khi Dương Bạch Mai bị bắt, thì ông được trên chỉ thị thay ông Mai phụ trách cả hai tờ Le Peuple và Dân chúng (3). Mặc dù sức khỏe kém, nhưng ông đã làm việc không biết mệt mỏi, vừa giải quyết công việc hàng ngày của hai tờ báo, vừa đối phó với nhà cầm quyền, vừa tổ chức những lớp huấn luyện để trang bị kiến thức về chủ nghĩa cộng sản cho anh chị em cán bộ.
Ngày 7-3-1939, bọn mật thám Pháp ập vào khám xét tòa soạn. Mặc dù không tìm ra chứng cứ phạm pháp nào, chúng cũng bắt ông cùng với Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Trấn…
Trong phiên tòa của thực dân lần ấy, đồng bào Sài Gòn đã có dịp chứng kiến thái độ đường hoàng, hiên ngang của một số bị cáo là những đảng viên Cộng sản, đặc biệt người ta tập trung chú ý đến một thanh niên đẹp trai hơi gầy, đứng trước vành móng ngựa nói tiếng Pháp rất sõi theo giọng Paris, bằng lập luận đanh thép, dõng dạc bác bỏ từng lời buộc tội trong bản cáo trạng của tên biện lý người Pháp. Có thể nói công chúng dự phiên tòa hôm ấy đã bị con người ấy chinh phục. Người thanh niên đứng trước vành móng ngựa đó chính là Trần Văn Kiết. Tên chánh án tòa án đã phải nhiều lần rung chuông, cắt đứt những lời tự bào chữa của ông, và cuối cùng chúng kết án bừa Trần Văn Kiết một năm tù giam.
Trong khi bị giam trong Khám Lớn Sài Gòn, thì chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra, bọn thực dân Pháp chuyển số chính trị phạm đi an trí ở “căng” Tà Lài, trong số đó có Trần Văn Kiết. Tại đây, ông được các đồng chí tín nhiệm bầu vào ban lãnh đạo của trại cùng với Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông…
Năm 1941, do biến chuyển của tình hình bên ngoài thôi thúc, ban lãnh đạo trại chủ trương tổ chức cho một số đồng chí vượt ngục ra hoạt động bên ngoài, Trần Văn Kiết vượt ngục về Sài Gòn, móc nối lại được cơ sở cũ, hoạt động một thời gian, thì đầu năm 1943 lại bị địch bắt tại Chợ Lớn.
Theo lời kể lại của một số đồng chí cũ, Thanh tra mật thám Bazin, khi nghe tin ông bị bắt trở lại, đã không giấu được nỗi vui mừng khoái trá. Sau những thủ đoạn mua chuộc và dụ dỗ cùng những đòn tra tấn dã man, kẻ địch không moi được ở ông một lời khai nào có giá trị. Biết không thể lay chuyển được ý chí của người trí thức thuộc tầng lớp trên đã giác ngộ lý tưởng cộng sản, chúng đã đưa ông đi thủ tiêu một cách hèn hạ. Lúc ấy ông mới 32 tuổi và cũng chưa lập gia đình riêng.
Trần Văn Kiết đã hy sinh cả hạnh phúc cá nhân để cống hiến trọn vẹn đời mình cho cách mạng. Ông là một tấm gương sáng của một trí thức yêu nước, một người cộng sản chân chính. Trong tập hồi ký Chúng tôi làm báo (Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1985), Nguyễn Văn Trấn, một đồng chí đã từng hoạt động với ông trong những ngày làm báo Dân chúng, đã nhắc đến Trần Văn Kiết với tất cả tấm lòng trân trọng: “Viết đến đây, tôi xin mặc niệm một đồng chí, một người thầy quý mến của chúng tôi”.

Phương Chi (viết và sưu tầm)


(1) Viết theo tài liệu của đồng chí Nguyễn Trí Ảnh, lưu trữ ở Ban NCLSĐ tỉnh Bến Tre.
(2) Một mẫu ruộng ở chợ Lách, giá trị bằng ba, bốn mẫu ruộng ở vùng đất chua mặn.
 

(3) Hai tờ báo Dân chúng (tiếng Việt) và Le Peuple (tiếng Pháp) có cùng một nội dung, cùng xuất bản một lúc. “Le Peuple” dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Dân chúng”.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

1727824568052blob
Chữ "Ả"
Ả vốn là từ A 婀(妸) trong “Chữ Nho… Dễ Học” được Nôm Hoá và được thông dụng cả hai âm...
Xem tiếp...
Trầm
TRẦM, TRẦN, TRẬN, TRÂU, TRẺ, TREO,TRÊN.
TRẦM NGƯ LẠC NHẠN 沉魚落雁 là một thành ngữ có xuất xứ từ Tề Vật Luận của Trang Tử 《莊子·齊物論》nước Tống thời...
Xem tiếp...
1727106829104blob
Phiếm về NHÂN QỦA
Rất nhiều người vẫn luôn thắc mắc NHÂN QỦA là gì ? Xin thưa, NHÂN 因 là hạt giống, còn QỦA 果 là cái trái...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

d92ab2a7-5d6c-49a4-8b59-87bb3265d276
BẾN TRE DƯỚI THỜI GIA LONG:
Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Đời vua Minh Mạng, miền...
h1b
MỘT MÙA DOLTA BÌNH AN
Tết Sene Dolta năm nay của người Khmer vùng Bảy Núi diễn ra trong 3 ngày, từ 1 đến 3/10/2024, 29/8 đến...
H1
SƯU TẦM VÉ SỐ CŨNG CÔNG PHU
Mua vé số sưu tầm thì về phân loại theo chủ đề: vé số Đông Dương, kiến thiết Quốc gia, vé sau 1975, chủ...
1727824568052blob
Chữ "Ả"
Ả vốn là từ A 婀(妸) trong “Chữ Nho… Dễ Học” được Nôm Hoá và được thông dụng cả hai âm...
unnamed
Tô Bún Nước Lèo 
Cao Miên là Cam Bốt (từ tiếng Pháp Cambodge). Tiếng Hán, Cao Miên chỉ nước và sắc tộc Khmer. Phụ nữ Miên...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 5
Lượt truy cập: