Tôi quen với thầy Thiện Huệ trong một cơ duyên rất ngộ. Là người trong gia đình theo đạo Phật nhưng hằng năm tôi không có đi chùa lễ bái lần nào. Năm 1980, tôi thường hay tổ chức những đêm thơ cho Nhà Văn Hóa Huyện Chợ Lách nên tìm những giọng ngâm như Mỹ Nha (Giáo viên trường cấp 2) Anh Thiết (NHNNo) anh Thanh Long (y tá ngụ xã SĐ) và có tăng cường thêm vài nghệ sĩ diễn ngâm là giáo viên ở CĐSP Bến Tre. Ngâm thơ thì phải có đàn địch, mà chuyên về đàn tranh thì ở địa phương không có ai. Nghĩ thế nên tôi mới nhờ chú Bảy Ngần thông qua danh ca tài tử kỳ cựu Bạch Huệ trên thành phố mua dùm cây đàn tranh hầu mong có một ngày dạo đàn đủ để tịch tình tang cho một người ngâm thơ.
Anh bạn tôi, thầy Thơi thường đi bán vé số ở Tân Thiềng, cho biết thầy Thiện Huệ, Trụ trì chùa Phước Long có tài đàn tranh nên tôi đem lòng ngưỡng mộ theo Thơi xuống Tân Thiềng. Phước Long Cổ Tự dạo đó mới khởi sự trùng tu nên còn đơn sơ lắm, cửa nẻo thiếu trước hụt sau, nền lót gạch chưa xong. Gặp tôi, thầy thiện Huệ nói chuyện rất vui vẻ, thầy kể chuyện đi hành hương ở các tỉnh phía Bắc. Lúc đó nước nhà mới vừa thống nhất, ít người có điều kiện đi Hà nội, vậy mà thầy được tham quan những ngôi cổ tự có tuổi đời hàng trăm năm tại các tỉnh miền Bắc. Thầy đi chơi nhưng cũng là để xem kiến trúc của các chùa để về xây dựng ngôi cổ tự của mình cho có nét văn hóa cổ Việt. Những con rồng trên nóc chùa được thầy chụp hình về nghiên cứu. Việc trùng tu chùa không có một kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng nào thiết kế mà thầy chậm rãi làm theo ý đồ có sẳn trong đầu. Để làm những con rồng gắn trên nóc chùa, thầy đã nhờ đệ tử lấy bùn về làm một cái khung chữ nhật trên đất. Thầy lấy giấy bao xi măng vẽ con rồng lớn có kích thước như mong muốn, đợi đất khô mềm đem bản vẽ đó scan xuống đất bùn, xong bắt đầu cho công cuộc điêu khắc khác thường. Lấy muỗng canh và dao khoét vào nền đất tạo hình một mặt của con rồng lõm, để đất khô bỏ kẽm gai vào làm cốt và đỗ xi măng vào. Vài ngày sau , xi măng cứng thầy lấy con rồng ra, như vậy là có một khuôn “mẫu cái” để tạo thành 8 miếng, cứ 2 miếng ghép vào nhau thành một con rồng . Phần đuôi của mái nhà lợp ngói âm dương , thầy làm những mảnh có hình hoa sen, cũng theo cách thức như trên. Ngày nay các nơi bán vật liệu xây dựng cho đền chùa đều có những mãnh gốm sứ tráng men xanh để gắn vào đầu ngói, còn thầy thì làm bằng xi măng, không quét vôi, không sơn màu để mặc cho nước mưa chảy qua và lâu ngày đóng rong rêu xanh thì đó mới đúng là cổ tự. Thầy còn có ý tưởng đặt các lò gạch bên Vĩnh Long là cho thầy vài thiên gạch Tàu kích thước bốn tấc vuông (40 x 40) để đúng theo kích thước gạch xưa, chứ còn gạch Tàu bây giờ chỉ có 3 tấc vuông mà thôi. Hỏi sao thầy cầu kỳ như thế ? Thầy cười, tại vì Phước Long lỡ mang danh cổ tự !
Đàm đạo với thầy có nhiều cái hay, nên lúc đó thỉnh thoảng tôi xuống thăm thầy. Thấy tôi dựng xe đạp ngoài sân, thầy đã vội hối đệ tử nấu cơm để trò chuyện xong, trưa đói bụng hai thầy trò sẽ được độ Ngọ. Vào chùa thì phải theo nội quy, đến các tịnh xá tôi thấy quý sư ngồi riêng, hàng phật tử ngồi riêng khi dùng cơm, còn đến chùa này thầy trò ngồi ăn chung, hỏi sao mà tôi không khoái dù bữa ăn rất đạm bạc: hai miếng tàu hủ, một chén chao và một đĩa rau lang hay bầu luộc. Vậy mà tôi ăn một cách ngon lành hơn cả những bữa ăn ở nhà có nhiều thịt cá.
Có một thời gian dài tôi đi thành phố kiếm sống, không có thời gian để thăm thầy. Mỗi khi về ngang Cái Mơn thăm bạn già Phong Tâm, sẳn dịp ghé qua Tân Thiềng viếng ngôi cổ tự ngày xưa. Thầy vẫn vui vẻ trò chuyện với chúng đệ tử, tôi mới đến cũng ngồi nghe luôn. Chuyện thầy mới vừa đi Khu Du Lịch Đại Nam ở Bình Dương, chùa Đại Nam to lớn như thế nào, từ ý nghĩa của bậc thang bước lên cho đến vì sao mà thờ nhiều đấng thánh thần như thế. Thầy không hề phê phán chủ nhân, không bàn chuyện tín ngưỡng mà chú trọng đến lối kiến trúc của Đại Nam, dường như trong đầu thầy chuyện kiến trúc là quan trọng. Thầy ước ao xây dựng ngôi cổ tự Phước Long sao cho đẹp, để Phật tử khắp nơi hàng ngày thích lui tới, nghe lẽ phải để tu hành. Phải chăng vạn pháp đều quy tâm ?
Mùng năm tháng 5 về Chợ Lách, nghe tin thầy mất, tôi vội vã xuống Tân Thiềng. Đến chùa thấy ngoài sân những vòng hoa còn treo quanh khu mộ, đệ tử khắp nơi đến viếng. Bàn thờ thầy, di ảnh còn đấy vẫn tươi vui như ngày nào, có lẽ giờ này thầy thẳng đường đi về cõi Phật không ghé thăm phong cảnh kiến trúc của chùa nào nữa.
Lương Minh (Ngày 4 tháng 8 năm 2012)
Viết nhân 49 ngày mất của Hòa thượng Thiện Huệ
Phước Long Cổ tự