Cách nay gần 50 năm, người dân trong tỉnh Vĩnh Long thường gọi quận Chợ Lách là kinh đô trái cây của tỉnh Vĩnh Long. Sau năm 1975, huyện Chợ Lách thuộc về tỉnh Bến Tre, có thêm phần đất Cái Mơn thì vai trò kinh đô trái cây của huyện Chợ Lách cũng không thay đổi nhưng chợ thị trấn của huyện này (chợ Chợ Lách) thì từng lúc đổi thay theo thời gian.
Chợ Sơn Định ngày xưa
Chợ Lách là địa danh của một huyện, nhưng chợ huyện lỵ của huyện này cũng mang tên chợ Chợ Lách. Chợ này có từ trước năm 1940, nằm ở phía tây kênh Chợ Lách. Khoảng đầu thập niên 1950 – 1960, chợ dời qua bên kia con kênh ở vị trí ngày nay và mang tên là chợ Sơn Định (vì nằm trong xã Sơn Định, nay là thị trấn Chợ Lách). Sau năm 1975, chợ Sơn Định được đổi tên thành chợ Chợ Lách.
Chợ Chợ Lách ngày xưa ngoài nhà lồng chợ ra còn có 4 dãy phố nằm dọc theo nhà lồng là có buôn bán, dãy nhà phía sau (đối diện với Ngân hàng NN&PTNT bây giờ) là nhà ở. Nhà lồng chợ lúc đó nửa căn dành để bán gạo, nửa căn dành để bán thịt heo và bán cà phê, hủ tíu, thức uống như nước đá đậu, nước đá sirô. Phía trước chợ, người bán ngồi thành 4 dãy dài ra tới gần cầu tàu. Hai dãy giữa có bán cháo lòng, xôi bánh phồng và các loại bánh vùng quê như bánh cam, bánh cồng, bánh da lợn, bánh sùng, bánh xếp.. . Một dãy bán cá tôm, một dãy bán rau quả của nhà vườn, trong đó có điểm thu mua trái cây các loại, từ đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, bưởi, chanh đến loại trái xen canh như mận, chuối, mít. Tất cả đều chở đò đi Vĩnh Long hoặc Mỹ Tho bán. Chợ chỉ nhóm một buổi, sáng sớm đến khoảng 10 giờ là tan, đến giữa trưa là chợ được người chủ thầu cho quét dọn sạch sẽ.
Hàng tiêu dùng ở chợ lúc bấy giờ chủ yếu bày bán trong các tiệm ở phố chợ, tuy ít người bán nhưng chẳng thiếu thứ chi. Hàng vải tơ, lụa có tiệm Toàn Phát; tạp hoá có Phú Hưng Long, Nam Bình Hưng; hàng ngũ kim có Khiêm Ký; thuốc tây có Lê Văn, Mỹ Lộc; thuốc bắc có Tân Công Dân, Bảo An Đương, Vạn Tế Xuân, Thái Hoà Đường; bánh kẹo có Nam Hiệp. Những tiệm này, ngày nay hầu hết đều do con cháu nối nghiệp, một số đã chuyển sang kinh doanh ngành khác. Ở đây có tiệm nước của một người Hoa, hiệu Đông Nam Hưng tồn tại hơn nửa thế kỷ. Hồi năm 1943, ông Ba Ta cất nhà sàn trên sông mở tiệm bán cà phê, hủ tíu, lấy hiệu là Đông Nam Hưng. Tuy món ăn của tiệm không xuất sắc, nhưng nhờ địa thế tốt, thoáng mát và thức ăn đa dạng nên được nhiều khách ghé vào. Thời đó chỉ có mỗi tiệm ông là có bánh bao, xíu mại nên những người khá giả trong huyện muốn thay thực đơn phải tìm đến địa chỉ này. Ngày nay con gái ông kế nghiệp việc kinh doanh có phần sung hơn trước.
Chợ huyện quá tải
Sau 1975, chợ Chợ Lách có thêm nhà lồng chợ chuyên bán cá thịt, trong đó có các quầy thực phẩm gia vị. Nơi đây hàng ngày nhận cá đồng, cá biển từ chợ Vĩnh Long chở về, từ sông rạch do người dân quê đánh bắt chở ra bán. Bạn hàng cá tươi, hàng cá khô chen chút nhau chật cả đường xuống cầu đò. Năm mươi năm trước, người dân Chợ Lách đã lên xe đò đi Sài Gòn, Vĩnh Long, nhưng rồi do chiến tranh tuyến đường xe đi Bến Tre bị gián đoạn nên việc đi lại khắp nơi chủ yếu bằng đường sông. Bến đò Chợ Lách có giai đoạn rất sung túc vì ngoài các đò lớn chạy Bến Tre, Vĩnh Long, Mỹ Tho, gần như mỗi xã trong huyện đều có đò chạy, đưa khách và chở hàng hóa lưu thông khắp nơi trong huyện. Ngày nay, mặc dù TL30, đường nối liền Vĩnh Long với Bến Tre trở thành quốc lộ 57 nhưng chưa hoàn chỉnh, đường đi rất khó khăn dù vậy cũng có những chuyến xe đi Sài Gòn, Bến Tre, Vũng Tàu, chia sớt khách đường sông.
Đứng trước chợ, khách phương xa đến khó thấy mặt tiền chợ bởi các quầy bán bánh mì , hủ tíu mọc lên như nấm, dù bạt che chắn khắp nơi. Chỉ tính riêng hàng bánh mì, năm 1970 có một lò bánh cung cấp cho chợ nay đã lên đến 5 lò bánh mì và sự cạnh tranh tại đây không kém phần khốc liệt. Chị Hai bán bánh mì hơn 30 năm ở chợ cho biết, 5 lò bánh này hầu hết là lò mới, những lò cũ đã lần lượt dẹp tiệm thay thế bằng những chủ mới. Bánh mì ở đây giá bán lẻ 500 đồng một ổ to, người dân quê Chợ Lách được lợi, nhưng tương lai của các lò bánh chưa biết ra sao?
Trong nhà lồng chợ đã sửa sang lại rất nhiều, gọn ghẻ, ngăn nắp nhưng vẫn không giấu được sự quá tải. Hàng hóa ở tiệm có thứ gì, trong nhà lồng chợ có thứ nấy, có khi còn phong phú hơn. Trước đây, ở phố chợ có tiệm sách Dân Trí, nay không còn nhưng đổi lại trong nhà lồng chợ có đến 2 sạp bán đủ sách giáo khoa và một vài tờ báo do thành phố phát hành. Từ khi nghề làm cây giống lan rộng ra khắp huyện, mặt hàng mới là bao nhựa đen, dây nylong bán rất chạy và để phục vụ các nhà vườn in nhãn hiệu cây giống, chợ Chợ Lách cũng có một cơ sở in ấn, kéo lụa trên bao bì. Dãy phố ở phía sau hông chợ, ngày xưa vắng vẻ giờ đây nổi lên nhiều tiệm gạo với qui mô lớn. Giải thích về hiện tượng này, một thương gia ở chợ nói, ngày xưa mặc dù Chợ Lách là xứ trái cây nhưng cũng có nhiều diện tích trồng lúa. Các hộ nông dân sau khi thu hoạch lúa, thường có tâm lý “tích cốc phòng cơ”, người không làm ruộng cũng thế, mua lúa trữ trong nhà, không ăn gạo chợ. Mấy năm nay, hầu hết nông dân đều chuyển ruộng lên vườn nên gạo bán chạy và giá gạo ổn định nên những hộ giàu, khá cũng không cần qua tỉnh khác để mua lúa dự trữ, hết gạo cứ chạy đến chợ mua. Do vậy mà các tiệm gạo ở chợ bán sỉ và lẻ không lúc nào ngơi.
Có người lớn tuổi ở Chợ Lách đi xa đã lâu mới về cho rằng, nửa thế kỷ qua chợ Chợ Lách không thay hình đổi dạng, nhưng sự buôn bán ngày nay đã mười lần hơn xưa, phải chăng đó là sự phát triển liên hoàn từ ngành nghề cây giống.
Ngày 10/6/2002
Chợ Chợ Lách quá tải đã 10 năm, đến tháng 5 năm 2012, huyện Chợ Lách đã xây dựng thêm 2 nhà lồng nữa. Hai nhà lồng mới được sắp xếp cho tiểu thương bán vải, hàng may mặc, giày dép, mỹ phẩm…, nói chung là những mặt hàng làm đẹp cho người nông thôn.
Trụ sở mới của UBND huyện đã được xây dựng, toàn bộ khu hành chánh huyện sẽ dời đến đó. Trụ sở cũ của UBND huyện nằm sát bên chợ Chợ Lách dự kiến sẽ được phá bỏ để xây dựng khu trung tâm thương mại, kinh doanh các mặt hàng điện, điện tử, trang trí nội thất…, nói chung là những mặt hàng phục vụ cho nhu cầu “nâng cấp” cuộc sống của người dân. UBND huyện có chủ trương mời gọi đầu tư trung tâm thương mại này.
Khu nhà lồng chợ Lách cũ sẽ trở thành chợ thực phẩm.
Các con đường và cầu trong thị trấn Chợ Lách đã và đang được mở rộng, việc vận chuyển cây giống, trái cây đi tiêu thụ ở các tỉnh sẽ nhanh chóng hơn, thu nhập nhà vườn sẽ khấm khá lên thêm. Qui mô của chợ Chợ Lách được mở rộng sẽ đáp ứng nhu cầu mua sắm và tạo nên bộ mặt cân xứng với một vùng mà nhà nhà làm giàu bằng nghề nông.
Ngày 15/6/2012
Lương Minh
(trích trong cuốn Chợ tỉnh- Chợ quê)
Sắp xuất bản
Cái nhà lồng Chợ Lách trong bài anh Minh viết đã đi vào quá khứ rồi . Anh Minh giữ lại tấm ảnh nầy vài chục năm sau giá trị vô cùng đó .