Cuối năm, lần giở lại góc Việt Thi, tình cờ đọc lại bài NGUYÊN NHẬT 元日
và NGUYÊN NHẬT GIANG DỊCH 元日江驛 của Lê Cảnh Tuân 黎景詢, một danh sĩ ở cuối đời Trần. Lòng bồi hồi xúc động nhớ đến quê xưa, vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh lúc mai nở xuân về…
元日江驛 NGUYÊN NHẬT GIANG DỊCH
好景逢元日, Hảo cảnh phùng Nguyên nhật,
無家憫此身。 Vô gia mẫn thử thân.
客愁渾減去, Khách sầu hồn giảm khứ,
老眼看青春。 Lão nhãn khán thanh xuân.
黎景詢 Lê Cảnh Tuân
* Chú thích :
– LÊ CẢNH TUÂN 黎景詢 (1350-1416) tên chữ là Tử Mưu, hiệu là Tỉnh Trai, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, trấn Hải Dương xưa (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Tuy nhiên, nguyên quán của ông lại là ở hương Lão Lạt, huyện Thống Bình, châu Ái, trấn Thanh Đô (nay thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), sau mới dời ra nơi ấy.
Theo sách “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí” của Phan Huy Chú cho biết Lê Cảnh Tuân đỗ thi Hương (cử nhân) khoảng năm Xương Phù (niên hiệu của Trần Phế Đế, ở ngôi: 1377-1388). Đến năm 1381, mới đỗ Thái Học Sinh (được xem là tương đương học vị Tiến Sĩ sau này).
– GIANG DỊCH 江驛 : là Quán dịch ở ven sông.
– Nguyên Nhật 元日 : là Ngày đầu, ta phải hiểu là Ngày Đầu Của Một Năm, như chữ Nguyên Đán, là Tết NGUYÊN ĐÁN đó vậy.
– Mẫn 憫 : Thương xót, tội nghiệp.
– Hồn 渾 : là Hầu như, dường như…
* Nghĩa bài thơ :
NGÀY ĐẦU XUÂN NƠI DỊCH QUÁN VEN SÔNG
– Phong cảnh đẹp lại gặp ngày đầu xuân Nguyên Đán, nhưng…
– Không có gia đình ở đây nên cũng thấy cảm thương cho thân phận của mình.
– Nỗi sầu của người lữ khách dường như cũng giảm đi được phần nào, khi…
– Đôi mắt già còn nhìn thấy được cảnh xanh tươi đẹp đẽ của mủa xuân.
* Diễn Nôm :
NGUYÊN NHẬT GIANG DỊCH
Cảnh đẹp gặp ngày xuân,
Không nhà luống tủi thân.
Niềm sầu vơi có chút,
Mắt lão ngắm thanh xuân.
Lục bát :
Ngày xuân cảnh đẹp nơi nơi,
Không nhà luống những bùi ngùi riêng ta.
Lòng sầu vơi với mắt già,
Cảnh xuân xanh tốt là đà quanh đây !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm.
Mới lần đầu xa nhà trong ngày xuân ngày Tết, lòng tuy có buồn thương cho tấm thân lữ thứ của mình, nhưng nỗi buồn cũng sẽ dễ vơi đi với cảnh xuân xanh tươi bao la rực rỡ tràn đầy sức sống ở chung quanh… Kịp đến khi liên tiếp làm thân lữ thứ khi xuân về Têt đến mà mình thì vẫn cứ là thân xa xứ tha hương một mình một bóng. Ta hãy đọc tiếp cái tâm sự thê thiết của Nguyễn Cảnh Tuân qua bài thơ NGUYÊN NHẬT sau đây :
元日 NGUYÊN NHẬT
旅館客仍在, Lữ quán khách nhưng tại,
去年春復來。 Khứ niên xuân phục lai.
歸期何日是? Quy kỳ hà nhật thị ?
老盡故園梅。 Lão tận cố viên mai !
黎景詢 Lê Cảnh Tuân
* Chú thích :
– Nhưng 仍 : là Vẫn, Vẫn Cứ, Vẫn còn…
– Phục 復 : là Lại. Phục Lai 復來 là Trở lại, Lại trở về.
– Quy Kỳ 歸期 : Cái kỳ hạn trở về, là Ngày Về.
– Lão Tận 老盡 : là Già đến tận cùng, là Già khú, già chát, già khằng !
* Nghĩa Bài Thơ :
NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN
– Người khách tha hương vẫn còn ở nơi quán trọ nầy, nhưng
– Mùa xuân của năm rồi, năm nay lại trở lại. Còn ta…
– Biết ngày nào mới là ngày về đây ?
– Chắc cành mai già ở quê nhà cũng đã già cỗi hết cả rồi !
* Diễn Nôm :
NGUYÊN NHẬT
Khách còn nơi quán trọ,
Xuân năm trước lại sang.
Biết ngày nao trở lại ?
Cội mai đã cỗi tàn !
Lục bát :
Trọ nơi lữ quán khách còn
Mùa xuân năm trước lon ton lại về
Ngày nao mới được hồi quê ?
Cội mai vườn cũ xuân về khẳng khiu !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm.
Não nùng thay tâm trạng của người lìa quê xa xứ lâu năm trong những ngày xuân đến Tết về. Câu “去年春復來 Khứ niên xuân phục lai” Mùa xuân năm trước lại trở về đây, cho ta thấy ít nhất Lê Cảnh Tuân cũng đã hai năm không được về quê ăn Tết rồi. Cội mai già còn cằn cỗi huống hồ chi là các đấng sanh thành ở quê nhà chắc cũng không tránh khỏi buồn thương sầu não vì nhớ con còn ở nơi xa mà càng héo tàn lụm cụm !
Thà nghèo khổ nhưng được ở nơi quê nhà vẫn hơn !