Tuổi niên thiếu vốn nhiều mơ lắm ước
Tôi đã nuôi trong trí chuyến đi dài
Biết bao giờ cho thỏa được lòng trai
Chân bé quá, không mang hài vạn dặm
Để ngày tháng vơi đôi phần thăm thẳm
Bản đồ đây tôi dự ước hành trình…
Giữa phương Nam biển dội sóng thanh bình
Tôi sẽ lấy Côn Sơn làm khởi điểm
Sau giây phút để tâm hồn mặc niệm
Lắng không gian nghe tiếng gọi tiền nhân
Đường thênh thang chí quyết cũng xem gần…
(Chuyến Đi Dài của Trần Huiền Ân trong bộ sách giáo khoa Việt Ngữ Tân Thư Xuất bản năm 1961)
Thật nhanh chóng , ngày hôm sau, tôi nhận được Email của Trần Huiền Ân (THA) mời ra chơi với anh ở Tuy Hòa. Là một tác giả nổi tiếng và cao niên nên lời mời của anh thật trân trọng đối với tôi. Tôi trả lời anh là em sẽ ra thăm anh vào khoảng cuối tháng 6/2022 này.
Mấy hôm sau, Phạm Cao Hoàng nói rằng sợ đường quá xa và thời gian của tôi khi ở Việt Nam không dài, cho nên anh đã nhờ một em đem tập bản thảo Doãn Dân về Saigon. Và tôi có thể dễ dàng liên lạc nhận sách đem về mà không cần phải ra Tuy Hòa. Phạm Cao Hoàng nói thêm nếu có thể được, ông cũng nên đi một chuyến ra Tuy Hòa gặp THA và biết thêm về cuộc đất này.
Dù lý do đi Phú Yên để nhận di cảo của nhà văn Doãn Dân không cần thiết nữa, nhưng tôi vẫn giữ ý định muốn đi Phú Yên một chuyến, Vì muốn gặp và kết giao với một tác giả mà tên tuổi và tác phẩm đã được biết từ thời học trò. Thêm vào đó, Phú Yên có thủ phủ là thành phố Tuy Hòa, một địa danh chưa từng đi tới nhưng thật gần gũi quen thuộc khi còn là thanh niên, sinh hoạt với Phong Trào Du Ca tôi đã từng nghe và yêu thích ca khúc Chiều Qua Tuy Hòa của Nguyễn Đức Quang, giai diệu êm êm dịu buồn mà tôi mơ màng như thanh âm của một nơi chốn thiên nhiên an bình và tình người nồng ấm:
Ngày xưa tôi đã đi qua Tuy Hòa
Trời xanh le lói bao mộng mơ
Đàn chim tung cánh bay bay đầu gió
và đâu đây tiếng sông bồi phù sa
Ôi, những chiều mây vắt ngang lưng đèo
Vọng Phu đưa mắt cũng buồn thêm…
Hai tuần đầu tiên khi về tới Saigon là hai tuần bận rộn với rất nhiều cuộc gặp gỡ chí tình cùng người thân và bạn bè thân thiết cũ, tôi lại nhận được email của Trần Huiền Ân thăm và hỏi có ý định ra Phú Yên không. Và câu trả lời của tôi khẳng định sẽ đi. Hốm đó , khi ngồi uống cà phê sáng với Hoàng Khởi Phong và Đoàn văn Khánh, tôi nói ý định của mình, sẽ đi bằng xe lửa ra Phú Yên. Hoàng Khởi Phong gợi ý đi một mình rất buồn, sao không rủ thêm bạn bè, thuê một chiếc xe làm một chuyến du lịch vừa thăm người vừa ngắm cảnh luôn. Ý kiến quá hay, tôi ngỏ lời mời và thật vui khi nhận được câu trả lời đồng thuận của năm người nữa. Tiếc là trước chuyến đi một ngày, anh Hoàng Khởi Phong có con gái từ Mỹ bất ngờ về nước nên không thể tham dự. Còn lại chúng tôi có Nguyễn Minh Nữu, nhà thơ Đoàn văn Khánh, Nhà Biên Khảo Hoàng Kim Oanh, Nhà thơ Nguyễn Kiều Phương, Nhà báo Lương Minh và Nhà văn Nguyễn Châu. Tất cả đều là những người cầm bút, nghe danh và quý trọng tài năng, tư cách của anh Trần Huiền Ân nhưng chưa bao giờ gặp mặt nên muốn đi gặp gỡ một lần với tác giả trong sách giáo khoa này.
Xe rời Saigon lúc 4 giờ sáng, trên xe có 4 người. Hoàng Kim Oanh có một tiết dạy học buổi sáng , nên sẽ đáp máy bay ra Tuy Hòa sau giờ dạy. Nguyễn Châu thì ở Dầu Giây nằm trên lộ trình nên xe sẽ ghé Dầu Giây ăn sáng và đón Nguyễn Châu cùng đi. Sau đó chạy thẳng ra Phú Yên, đến Tuy Hòa vào khoảng 4 giờ chiều. Khi xe chạy ngang cây cầu dài để vào thành phố, thì được biết đây là cây cầu mới được xây dựng và khánh thành năm 2019. Theo bản tin của Vnexpress ngày 26/3/2019 thì :
Ngày 26/3 Sau hơn một năm khởi công, cầu Đà Rằng bắc qua sông Ba (TP Tuy Hòa) đã hoàn thành, dự kiến thông xe cuối tháng 3. Đây là cầu dài nhất trên quốc lộ 1A qua miền Trung. Cầu dài 1,6 km, rộng hơn 10 m với hai làn xe cơ giới, dải phân cách và làn đường đi bộ. Dự án có tổng vốn hơn 340 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư.
Theo Sở Giao thông Phú Yên, cầu Đà Rằng cũ được xây trước đây trăm năm, hiện xuống cấp nghiêm trọng. Trước đây, các xe có tải trọng lớn từ trung tâm TP Tuy Hòa muốn qua phía Nam và ngược lại, phải đi đường vòng qua cầu Hùng Vương, xa hơn khoảng 5-7 km.
Cầu mới nằm song song cầu cũ, khi đưa vào hoạt động sẽ giúp cải thiện giao thông, giảm ùn tắc trên quốc lộ 1A, tạo sự phát triển hạ tầng giao thông và đô thị, kết nối các khu đô thị mới của Phú Yên.
Cầu Đà Rằng cũ xây dựng gần trăm năm trước, đã đi vào văn hóa Phú Yên như một bài viết trên trang MIA như sau:
“Cầu Đà Rằng dài hai mươi mốt nhịp
Chàng bỏ ta đi biền biệt bấy lâu
Ngày xuân con cá giải sầu
Trông chàng chẳng thấy chàng đâu hỡi chàng”.
Cây cầu Đà Rằng đi vào thơ ca Việt Nam nhẹ nhàng và tình cảm như chính bề ngoài của cây cầu. Nếu đồ vật mà được nhân hóa lên thì ắt hẳn mọi người sẽ gọi cầu Đà Rằng là “cụ cầu” mất vì “cụ” đã có mặt tại vùng đất Phú Yên từ thời Đông Dương xa xưa. Cầu chính thức hoàn thành xong và đưa vào sử dụng từ tháng 7 năm 1927.
Theo tư liệu của anh Trần Huiền Ân cho biết thêm rằng:
-Cầu Đà Rằng xây từ thời Đông Dương thuộc Pháp được ông Kiểm học tỉnh Phú Yên, Nguyễn
Đình Cầm viết trên sách Địa dư tỉnh Phú Yên (xb 1938): Cách phủ lỵ Tuy Hòa độ nửa cây số, trên đường thiên lý đi vào Nha Trang, có một cái cầu kiểu tối tân: cầu Đà Rằng.
Cầu có hai đoạn: một đoạn ngắn, một đoạn dài, ở giữa có một đường đất. Cầu nầy dài hơn cây số, làm bằng xi măng cốt sắt. Trên đoạn dài cứ trăm thước một lại làm một khoảng rộng ra, để xe cộ tránh nhau.
Đứng trên cầu trông xuống, nước sông Ba chảy lờ đờ, cầu cách mặt nước độ hai, ba chục thước tây ( … )
Đoạn ngắn bắc qua sông Chùa, thường gọi là cầu Sông Chùa. Cách một đoạn đường đất đến
đoạn dài bắc qua sông Đà Rằng. Cây cầu này bị máy bay Mỹ dội bom sập mấy nhịp khi đánh với Nhật (1945). Từ 1945 đến 1954 không có xe, bị bỏ. Vậy nó chỉ sống đến 1945 thôi.
Sau 1955 các loại xe lớn nhỏ đều đi chung trên cầu xe lửa.
Cây cầu anh tài xế chỉ cho đoàn không gần cầu Đà Rằng mới lắm. Cầu do Công binh VNCH xây dựng, khởi công 2/9/1969, hoàn thành 15/1/1971. Dân gian hay gọi “cầu hăm mốt nhịp” (là cái đoạn dài ô. Nguyễn Đình Cầm tả), cũng có khi gọi cầu Dài. Đoạn ngắn (như ô Cầm tả – cách một đoạn đường đất) thì hoàn thành sau, ngoài tên cầu sông Chùa còn gọi “cầu ba nhịp”. nó 50 – 51 tuổi, coi như dùng cho giao thông nội thành. Bữa tối ấy, chúng tôi ngồi ở quán Sông Ba (không phải Sông Trăng) dưới đầu cầu này. Cầu Đà Rằng mới ở phía tây cầu này hoàn thành tháng 10 năm 2004.
Ở phía đông có cầu Hùng Vương hoàn thành năm 2011 kỉ niệm 400 thành lập tỉnh Phú Yên.
Vậy, trong phạm vi thành phố Tuy Hòa có 3 cây cầu bắc qua sông Đà Rằng, tình từ đông lên tây là: cầu Hùng Vương, cầu Đà Rằng cũ, cầu Đà Rằng mới.
Muốn biết “cụ cầu” của Phú Yên, xin mời lên thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Cầu bắc qua suối Cá nên gọi là cầu Suối Cá, chỉ có 1 nhịp, hai bên thành trông như cầu vồng, dân gian gọi là Cầu Mống. Xây dựng khoảng năm 1930 khi làm đập Đồng Cam và quan lộ số 153 từ Tuy Hòa lên Cheo Reo, có một đoạn ghé vào Củng Sơn, huyện lỵ Sơn Hòa. Cầu Mống ở trên đoạn đường này. Năm 1949 tiêu thổ, phá hoại, nó bị hạ gục một đầu xuống suối, thành cầu, lòng cầu không bị đập phá. Năm 1955 tái thiết, nó được nâng lên, gia cố trụ đầu cầu là xong. Nay đường vào huyện lỵ chuyển lối khác, cầu thọ khoảng 92 năm (1930-2022), vẫn dùng trong giao thông địa phương.
Là cây cầu duy nhất ở Phú Yên xây trước năm 1945 còn lại, tất cả các cầu khác đều đã làm mới hết. Cầu Mống (Suối Cá) mới xứng danh “cụ cầu”.
Đường số 153 Tuy Hòa – Cheo Reo, sau là liên tỉnh lộ số 7 (đường 7 của năm 1975), nay là quốc lộ số 25.
Cả nhóm gặp nhau tại một khách sạn đã thuê trước trên mạng, nghỉ ngơi chút xíu trước khi lật bản đồ tìm địa chỉ nhà THA. Nhà anh là một khu đất lớn , mặt tiền dành cho con trai xây nhà, chừa lại một ngõ nhỏ khoảng hai thước, sâu vào trong vài chuc mét mới là nơi anh cư trú như ở ần, rộng rãi với phòng khách, lên lầu có bốn phòng để đọc sách, phòng thờ tổ tiên, 2 phòng ngủ. Khi xe đến cửa, từ bên trong, một cụ già 85 tuổi, dáng người đậm thấp, tóc bạc trắng, nhanh nhẹn bước ra tươi cười chào đón. Chúng tôi đồng loạt ồ lên ngạc nhiên và vui mừng khi thấy dáng vóc trẻ trung, hồn hậu của một tác giả nghe tên tuổi từ bấy lâu nay.
Trần Huiền Ân mời ngồi quanh bàn trà thơm, và đưa tặng mỗi người một cuốn sách mới nhất của anh viết về tình Phú Yên, mỗi cuốn sách đã được bọc bằng dải băng giấy đỏ, trên đó, in sẵn hàng chữ đề tặng tên của từng người rõ ràng. Cách cư xử thật trang trọng của một nhà văn lão thành đầy chất sư phạm.
Trần Huiền Ân tên thật là Trần Sĩ Huệ, sinh năm 1937 tại Phú Yên.
Sinh ra, lớn lên và sống gần như suốt đời với vùng đất quê nhà. Ông làm về ngành Giáo Dục, từ thanh niên cho tới về hưu vẫn sống với nghiệp thày giáo, sau 1975, không còn đi dạy, có một thời ông sống bằng nghề tay trái là Vẽ (vẽ quảng cáo, bảng hiệu, bích chương) sáu đó, khi con cái lớn lên, trưởng thành, ông thu mình về nghiên cứu văn học, địa lý, lịch sử, đặc biệt là vùng đất ông sinh ra và lớn lên lâu dài: Đất Phú Yên.
Tác phẩm đã xuất bản là trên 40 cuốn. Tác phẩm đầu tiên : Thuyền Giấy (Tập thơ – NXB Bách Khoa SG – 1967). Trước đó, bằng những bài thơ đăng báo, nhiều nhất là các báo giáo dục thiếu nhi như Tuần báo Tuổi Xanh do nhà giáo Bùi Văn Bảo chủ trương, Thơ của ông đã được chọn để xử dụng làm bài học trong bộ sách giáo khoa Việt Ngữ Tân Thư (1961) Tân Việt Văn (1964) nên sau khi tập thơ xuất bản năm 1967, ông đã được coi như một Nhà Thơ nổi tiếng và được nhiều người tìm đọc.
Đây là bài thơ Thuyền Giấy, bài thơ dùng để đặt tên cho tập thơ đầu tiên của ông:
Thuyền Giấy
Mưa đã tạnh nước ven bờ đại lộ
Lững lờ tan bong bóng chảy về xuôi
Đang rảo bước anh dừng chân giữa phố
Bởi tiếng em cười chứa vạn niềm vui
Bàn tay bé em thả con thuyền bé
Xếp vụng về – góc giấy chực xòe ra
Không có gió nên thuyền trôi rất nhẹ
Em dõi theo và hát khẽ: Dô ta
Anh vụt nhớ ngày xưa năm sáu tuổi
Trời quê hương nhiều mây trắng mây xanh
Mấy anh em suốt ngày chơi với suối
Thả những con thuyền vun vút lao nhanh
Anh bỗng thương em: thị thành chật chội
Một nhánh khe nào thấy để mà tìm
Thì mong gì vừa ngửi mùi hoa gối
Vừa thả thuyền vừa nghe bản đàn chim?
Em nhanh nhẩu vói bàn tay đón vớt
Con thuyền lên đem thả lại từ trên
Anh muốn đến hôn mái đầu non nớt
Tia mắt em – trời – biết thuở nào quên
Anh chợt hối: thị thành dù chật chội
Vẫn có dòng mơ bến mộng khơi nguồn
Thả đi em… mai thuyền xa đô hội
Nhập bạn bè say lướt sóng trùng dương
(1963).
Với bốn tập thơ xuất bản lần lượt Thuyền Giấy ( 1957) Năm Năm Dòng Sông Thơ (1973) Lời Trên Lá (1997) Rừng Cao (2007) ông ngừng lại khá lâu về thơ, tới 15 năm mới in lại tập Thuyền Sông Lá Rừng 2022.
Khi thực hiện phần chuyên mục cho tác giả Trần Huiền Ân, Phạm Cao đã ghi nhận về anh như sau:
“Trần Huiền Ân là một trong những cây bút chủ lực của bộ môn thơ trên tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn trước 1975. Thơ ông đậm chất quê hương và tình tự dân tộc. Ông cẩn thận, kỹ lưỡng từng câu từng chữ. Chữ nghĩa của ông uyên thâm, kỹ thuật điêu luyện, ý tưởng sâu sắc và thơ ông tạo nhiều cảm xúc cho người đọc. Thành công nhất của Trần Huiền Ân là ông đã có được một sắc thái riêng, một giọng thơ riêng, không lẫn lộn với bất cứ tác giả nào khác
Sở trường của Trần Huiền Ân là thơ vần 7 chữ hoặc 8 chữ. Thơ ông gieo vần rất chuẩn mực nhưng khi đọc chúng ta thấy câu chữ rất tự nhiên, ý tưởng mạch lạc, không có gì là gượng ép.”
Trong tổng mục các sách đã xuất bản, chúng ta dễ dàng nhìn thấy tác phẩm của Trần Huiền Ân có thể chia ra thành ba đề mục :1/ Thơ văn quê hương, tình tự dân tộc, 2/ các sáng tác thơ văn dành cho Giáo Dục và 3/ Biên khảo Địa lý, Lịch Sử, Văn Hóa đất Phú Yên.
Phân loại là vậy cho dễ tra cứu, nhưng nhìn về tổng thể, tất cả các trước tác của ông, đều là những kiến văn thu thập được từ các tư liệu ngày xưa, những nhận định từ hiện tại, khéo léo thêm vào các hoàn cảnh khác nhau để nhằm vào trao truyền kiến thức cho đời sau, giáo dục con người về tình yêu với quê hương đất nước, trân trọng và tôn kính những tình cảm với cha mẹ, tổ tiên, thầy cô, bạn hữu , anh chị em. Hay nói một cách ngắn gọn hơn, Trần Huiền Ân chính là một tác giả dành một đời cho giáo dục.
Những biên khảo của Trần Huiền Ân ngoài đề tài Địa lý, Lịch Sử và Phong hóa đất Phú Yên, Ông còn dành ra cả gần 20 bài viết dài nghiên cứu và giới thiệu về Ca dao Việt nam chia ra từng đề mục như: A và B trong ca dao. Cây cỏ trong ca dao ,Động vật trong ca dao. Nhất nhì tam tứ trong ca dao, Phú Yên, dọc đường ca dao. Thời gian trong ca dao. Trời đất trong Ca dao. Với kiến văn sâu rộng, lời văn giản dị dễ hiểu và đặc biệt lối viết khiêm cung của tác giả, khiến cho các bài viết dành cho người đời sau hiểu biết và yêu thích văn hóa dân tộc nhiều hơn.
Buổi tối hôm đó, anh Trần Huyền Ân có nhã ý mời mọi người dùng cơm chiều ở nhà hàng Sông Ba, nằm bên cạnh cây cầu Đà Rằng cũ, nổi tiếng gần trăm năm , Tôi thưa với anh, từ phương xa, Phạm Cao Hoàng đã gửi chi phí về để tụi em chào mừng buổi gặp ngày hôm nay với anh. Nhìn anh tay nâng ly bia, nụ cười tươi tắn và phúc hậu, trò chuyện hào sảng bên cạnh các bạn mới cũ mà lòng rất xúc động. Hôm đó, ngoài nhóm 5 người chúng tôi, còn có con trai của anh, và nhà thơ Triều Hạnh (tác giả tập thơ Còn Thương Chiếc Lá mà anh đã viết bài giới thiệu) nhà văn Đoàn Thị Phú Yên và phu quân là anh Nguyễn Văn Danh. Cuộc trò chuyện lan man về rất nhiều đề tài văn học, lịch sử đất Phú Yên, kỷ niệm với nhà văn Doãn Dân khi ông đóng quân ở Phú Yên và kết bạn với Trần Huyền Ân, câu chuyện gửi bài cho báo Tuổi Xanh đưa đến tác phẩm dược in trong sách giáo khoa và cả những sinh hoạt thường nhật của trong một ngày. Nghe ông kể kỷ niệm sáng tác thời sau 1975, với cái máy Đánh Chữ cũ, khuya lóc cóc trên căn gác nhỏ, với sự nhòm ngó của lối xóm và địa phương:
“Một hôm, ông Tổ dân phố nhà ở đầu hẻm tạt vào, thấy ông ta đang đánh máy. Ông Tổ dân phố già có một thời làm nhân viên chụp ảnh cho Ty Cảnh sát, sợ cũng mang tiếng là cảnh sát , để gỡ cái tiếng ấy, luôn luôn tích cực trong công tác mong bù đắp lại. Ông Tổ dân phố già ghé hôm trước thì hôm sau ông Sáu thợ hồ nhà bên cạnh ngoắc ra nói nhỏ :
– Này , anh Tám ơi, tôi nghe ông Mười nói bữa nào vào “hốt cốt” đó…
– Hốt cốt cái gì ? Ông ta hỏi.
– Máy đánh chữ. Ông Sáu thợ hồ đáp.
Chiếc máy đánh chữ bị hốt cốt thật. Ông ta không biết có phải do Tổ dân phố không, chẳng dám hỏi, chẳng dám nói… Hôm họp dân, ông Khu phố trưởng (cấp trên của tổ) cũng là người có dính dáng đến ngành cảnh sát chế độ cũ, đưa sự việc ra như một lời cảnh cáo.
Tưởng như thế là qua, chứng nào tật ấy, ông ta lại mua máy đánh chữ.
Lần này ông ta hết sức cẩn thận. Để tránh những lời bép xép trẻ con, việc có máy đánh chữ phải kín đáo với mấy đứa cháu nhỏ trong nhà, không cho chúng biết điều gì. Khi cần, đợi đến tối, đóng hết cửa lại, khóa cổng… mới đánh máy. Đánh xong cất vào tủ đứng.
Ông ta tạm bằng lòng cho tới lúc… một buổi sáng dậy sớm tập thể dục, ông Chín nhà phía trước nói :
– Hồi hôm thức khuya, nghe đánh máy lóc cóc cả đêm mà sáng vẫn dậy sớm, anh Tám giỏi thiệt.”
(Trích lại từ truyện ngắn Ba Năm Nắng Một Ngày Mưa của THA).
Chuyến đi ghi lại kỷ niệm của nhóm người đến thăm anh hôm đó, Khi về lại Saigon, Nguyễn Kiều Phương đã kính trọng gọi anh là Thày, đã ghi lại:
“Thời gian đối với thầy vô cùng quý báo bởi vậy cho nên thầy có những nguyên tắc riêng hạn chế tiếp xúc. Lần gặp gỡ này do tôi may mắn đi cùng với nhà văn Nguyễn Minh Nữu nên được cơ duyên bởi thầy nhận lời tiếp anh Nguyễn Minh Nữu sau nhiều từ chối với vài người trước đó. Và thật vô cùng xúc động khi tôi chứng kiến cảnh chị Hoàng Kim Oanh cố gắng tận dụng vài phút giây cuối cùng trước khi ra về để xin thầy cho phép QV làm một chuyên đề về thầy với một lý do hết sức cảm động và thuyết phục rằng: không phải viết cho chúng ta mà tụi em viết để dành cho con cháu sau này biết về một người thầy.”
Hoàng Kim Oanh gửi ra tặng anh mấy tấm hình chụp khi đến thăm với những dòng thư trân trọng:
Chuyến đi miền Trung và cuộc hạnh ngộ với một tác giả tiêu biểu của Tuy Hoà mà em trước giờ vốn chỉ “văn kỳ thanh” thật sự quá nhiều ấn tượng.
Chỉ mới gặp anh lần đầu mà xúc động tình cảm của anh chị lắm.
Nhớ mãi hình ảnh chị nắm tay em dắt vào phòng chỉ cái giường bảo để dành cho anh Nguyễn Minh Nữu ra ở. Hỏi em ra ở được không? chị gật đầu: – Được chớ. Thương hết sức.
Riêng anh, phút đầu đã cho em nhiều ấn tượng quý mến. Giản dị, chu đáo, mà sâu sắc, uyên bác thật đáng nể. Cầm món quà chữ anh cẩn thận ghi tên từng người dán sẵn mà thật bất ngờ trân trọng, quý làm sao và cũng nể làm sao cung cách một đàn anh tên tuổi…
Hy vong anh cho phép em thỉnh thoảng thăm hỏi chuyện trò nhé.
Em xin gửi anh vài tấm ảnh đẹp làm kỷ niệm.
Từ trái qua: NV.Nguyễn Minh Nữu, NV. Trần Huiền Ân, TS Hoàng Kim Oanh, Lương Minh
Với tôi, những cảm xúc vẫn thật đầy, và nhớ mãi cái nắm tay của chị Trần Huiền Ân, Người phụ nữ trên 80 tuổi, gầy guộc sau cơn trọng bệnh vừa hồi phục, âu yếm khoác tay tôi đưa lên lầu, chỉ vào một căn phòng nhỏ, bố trí sẵn giường nệm chăn mền, bên cạnh cửa sổ nhìn ra hàng cây xanh ngắt trổ hoa tím lung linh bên ngoài, và nói: “Khi nghe tin em sẽ ra Tuy Hòa, anh chị đã sắp xếp sẵn chỗ để em nghỉ ngơi mấy ngày ở đây…”
Tôi xúc động tê người với cái tình tri giao mới gặp lần đầu của anh chị. Tôi cám ơn lời giới thiệu chí tình của Phạm Cao Hoàng để tôi được đón tiếp như vậy, và tôi hiểu được cái gọi là HUYỀN ÂN trong đời sống. Cám ơn anh chị Trần Huiền Ân.
Nguyễn Minh Nữu
Tháng 8/2022.