TÂM TÌNH 心情 là Tâm Tư Tình Cảm. Nói chuyện Tâm Tình là bày tỏ với đối phương về tâm tư và tình cảm của mình. Tôi lớn lên trong xóm bình dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, nên hồi nhỏ thường nghe bà con lối xóm hát nghêu ngao :
… Bà già “lấy le” ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông…
Hai người nói chuyện “Tâm Tình”, ôm nhau… lọt xuống xình!…
Còn người Hoa hiện nay thì dùng từ TÂM TÌNH 心情 để chỉ cái Trạng Thái tâm tư tình cảm vui buồn của con người, như “Hôm nay Tâm Tình không tốt(心情不好)nên nó hay nổi giận với mọi người !”. Cụ thể nhất để chỉ trạng thái tâm lý của con người là từ…
TÂM THẦN 心神 : là Tâm tư và Tinh thần, thường chỉ cái dáng vẻ và thần thái bên ngoài của con người. Ta có thành ngữ TÂM THẦN BẤT ĐỊNH 心神不定 để chỉ cái dáng vẻ bồn chồn lo lắng hay ưu tư hoảng hốt của ai đó.
TÂM HỎA 心火 là Lửa ở trong tim, lửa ở trong lòng. Theo Phật giáo, cơ thể con người là do Tứ Đại : Phong Thủy Hỏa Thổ 風水火土, tức là Đất Nước Gió Lửa kết hợp lại mà thành, nên bản thân con người đã có một phần tư là lửa ở trong đó rồi, ngọn lửa đó cứ âm ỉ mãi trong tim tạo nên sự ham muốn mãnh liệt mà ta gọi là Lửa Dục Vọng. Trong văn chương Phật giáo thì gọi nhẹ nhàng hơn : Lửa Lòng. Như cụ Nguyễn Du đã diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi tu ở Quan Âm Các :
Cho hay giọt nước cành dương
Lửa Lòng tưới tắt mọi đường trần duyên …
… và như lời của Thúy Kiều đã phân bua với Vương Viên Ngoại khi ông muốn nàng từ giả sư Giác Duyên để theo mọi người về nhà đoàn tụ :
Sự đời đã tắt Lửa Lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi ?!
Trong Cung Oán Ngâm Khúc Nguyễn Gia Thiều cũng đã gọi ngọn lửa âm ỉ đốt trong lòng người cung nữ là TÂM HỎA với các câu :
Ngọn TÂM HỎA đốt dàu nét liễu,
Giọt hồng băng thấm ráo làn son.
Lại buồn đến cảnh con con,
Trà chuyên nước nhất, hương đùn khói đôi !
Còn trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng mượn chữ TÂM HỎA nói thành “LỬA TÂM” để tả ngọn lửa ghen tuông trong lòng của Hoạn Thư là:
LỬA TÂM càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.
Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên !
TÂM HUYẾT 心血 : Không phải là từ dùng để chỉ trái tim và máu, hai thực thể sống còn không thể thiếu của cơ thể con người, mà là dùng để chỉ những gì được ấp ủ trong tim trong lòng được hình thành bằng bầu nhiệt huyết qua bao gian lao khổ nhọc trắc trở, qua bao thời gian vật vả mới hình thành làm nên một kế hoạch, một dự án, một công trình nào đó… Như : Cơ ngơi đồ sộ nầy là Tâm Huyết suốt cả đời của ông ta đó ! Nhưng…
Khi là Tính từ, thì Tâm Huyết cũng có nghĩa như là Nhiệt Huyết. Con người Tâm Huyết là con người rất nhiệt tình với chức trách của mình. Lời Tâm Huyết là lời nói rất thực tình từ trong lòng mà ra.
TÂM là Trái Tim, là Tấm Lòng, là Lòng Dạ… Câu đầu tiên của Huấn Mông Tam Tự Kinh đã dạy ta : Nhân chi sơ, Tính bổn thiện 人之出,性本善. Cái “Tính bổn Thiện” đó là “Cái trái tim liền lành của con người, là cái LƯƠNG TÂM 良心 mà khi cha sanh mẹ đẻ ra thì Trời đã phú sẵn cho mỗi con người rồi ! Nếu ai không khéo giữ, làm trái với Lương Tâm, làm những điều thương luân bại lý hay ác đức sát nhân thì sẽ bị “Cái Lương Tâm” đó theo đuổi cắn rứt và dằn dật suốt cả cuộc đời, không sao sống yên ổn được. Nên…
Nho Giáo thì dạy ta phải có NHÂN TÂM 仁心 là lòng nhân từ khoan dung, như trong Tăng Quảng Hiền Văn đã khuyên :
責人之心責己, Trách nhân chi tâm trách kỷ,
恕己之心恕人。 Thứ kỷ chi tâm thứ nhân.
Có nghĩa :
– Lấy cái lòng mình trách người ta để trách mình, và…
– Lấy cái lòng mình tha thứ mình để tha thứ cho người khác !
Phật Giáo thì khuyên ta phải có TỪ TÂM 慈心 là lòng từ bi hỉ xả. Vì Từ Bi Tâm 慈悲心 tức là Phật Tâm 佛心 đó. Phật dạy là chúng sinh đều có sinh mạng nên đều được xem bình đẵng như nhau; Vì thế mà ta không được sát sinh, mà còn phải cứu sinh, phóng sinh nữa, và cũng vì thế mà ta phải ăn chay ăn lạt. Làm được ba điều trên thì tự nhiên “Từ Bi Tâm” sẽ phát sinh.
TỪ 慈 là Nhân từ; BI 悲 là Thương xót; HỈ 喜 là Vui vẻ; XẢ 捨 là buông bỏ, là thả ra; Nên TỪ BI HỈ XẢ 慈悲喜捨, nói một cách Nôm na dễ hiểu là : Vì lòng nhân từ xót thương mà vui vẻ buông bỏ thả ra; chớ không phải hối tiếc con gà giò không “xé phai” được vì hôm nay phải ăn chay, nếu không thì đã cho nó vô nồi với bó rau răm rồi !
Công Giáo thì đề cao THIỆN TÂM 善心. Thiện Tâm là lòng hướng thiện một cách thuần thành. Người Thiện Tâm là người có đạo đức, có lý tưởng, sống để phụng sự Thiên Chúa và yêu thương con người. Trong các ngày lễ Chúa Nhật và trong các ngày lễ Trọng, lễ Kính, nhất là trong đêm Chúa giáng sinh nơi máng cỏ lừa trong hang đá ở xứ Bê-lem ta thường nghe câu hát ngợi ca :
Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm.
Như trên đã nói, bản thân chữ TÂM đã lương thiện rồi, nên từ HỮU TÂM 有心 là Có Lòng, cũng có nghĩa là “Có Lòng Tốt” đó ! Trong bài thơ Tặng Biệt 贈別 nổi tiếng của thi nhân Đỗ Mục ở buổi Tàn Đường, có hai câu thơ rất hay như sau :
蠟燭有心還惜別, Lạp chúc HỮU TÂM hoàn tích biệt,
替人垂淚到天明。 Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh !
Có nghĩa :
– Ngọn nến như cũng CÓ LÒNG (tốt), nên cũng tiếc cho sự biệt ly, mà…
– Thay thế người cứ nhỏ lệ nến mãi cho đến tận trời sáng tỏ !
Nến cũng CÓ LÒNG thương ly biệt,
Thay người nhỏ lệ suốt canh thâu !
Ta thấy, bản thân chữ LÒNG đã có hàm ý là “LÒNG TỐT” rồi. Nên CÓ LÒNG là “Có Lòng Tốt” đó. Trong rất nhiều ngữ cảnh, như :”Cám ơn bác đã CÓ LÒNG đến thăm tôi”.”CÓ LÒNG” ở đây cũng có nghĩa là “CÓ LÒNG TỐT” đó. Khi Từ Hải giúp Thúy Kiều Báo ân báo oán; Thúy Kiều đã nói với Thúc Sinh rằng :
… Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,
Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân ?
Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân,
TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là !
“Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân ?“. “PHỤ LÒNG cố nhân” là “PHỤ LÒNG TỐT của cố nhân” đó; hay như câu :” TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là“. “TẠ LÒNG” là “Cảm tạ Lòng Tốt của Thúc Sinh đó”…
THỐNG TÂM 痛心 hay THƯƠNG TÂM 傷心 đều chỉ Đau Lòng, nhưng THỐNG TÂM hay TÂM THỐNG 心痛 thì thường chỉ đau về thể xác, về những việc cụ thể như bị mất người thân chẳng hạn; còn THƯƠNG TÂM hay TÂM THƯƠNG 心傷 là đau về mặt tinh thần, là nỗi đau của tâm hồn vì tâm lý bị tổn thương. Như Thúy Kiều gặp gia biến phải bán mình chuộc tội cho cha, phải đau lòng mà lìa nhà lìa cửa lìa bỏ người yêu để đi theo Mã Giám Sinh :
Đau Lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên !
Đó là nỗi đau cụ thể hiễn hiện trước mắt, còn khi ở lầu xanh “Mặc người mưa Sở mây Tần, nhưng mình nào biết có xuân là gì” mới là nỗi Thương Tâm đáng thương của đời kỹ nữ :
Nỗi lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau !
Như ta đã biết, TÂM vốn Thiện, nên rất dễ bị mê hoặc, gọi là MÊ TÂM 迷心, mà Tâm Mê thì Ý Loạn, không còn tỉnh táo để phân biệt phải trái, thị phi trắng đen gì nữa cả, nên cần phải làm cho TÂM sáng lên để biết phán đoán phân biệt cái nào đúng cái nào sai, cái nào nên theo, cái nào không nên làm… Vì thế mà tiền nhân đã soạn ra quyển “Minh Tâm Bửu Giám 明心寶鑑” gom góp những lời vàng tiếng ngọc của các bậc Thánh nhân Hiền triết hoặc Danh Nho thời xưa đã nói trong các kinh điển hay sách vở, ngõ hầu để cho người đời sau học lấy và xem đó như là tấm gương báu để soi sáng lòng người.
MINH TÂM 明心 có chữ MINH 明 được ghép theo phép Hội Ý, gồm có bộ NHẬT 日 bên trái là nguồn sáng ban ngày, ghép với bộ NGUYỆT 月 bên phải là nguồn sáng ban đêm, nên MINH 明 là Sáng sủa, khi là Động từ thì có nghĩa là Làm cho Sáng Tỏ. BỬU GIÁM hay BẢO GIÁM 寶鑑 có chữ BẢO 寶 là Báu vật quý giá; GIÁM 鑑 có bộ KIM 金 là Kim loại bên trái và chữ GIÁM 監 là Giám sát bên phải, nên có nghĩa là Tấm gương soi (Ngày xưa chưa có pha lê, nên người ta mài kim loại cho sáng bóng lên để làm gương soi). Vì thế MINH TÂM BỬU GIÁM 明心寶鑑 có nghĩa là Tấm gương soi quý báu để cho người ta soi sáng lòng dạ của mình.
Ta còn có một từ MINH TÂM nữa…
MINH TÂM 銘心: chữ MINH 銘 nầy được ghép theo phép Hài thanh, gồm có bô KIM 金 là kim loại bên trái chỉ ý, bên phải là chữ DANH 名 chỉ âm (Vì âm Quan thoại DANH được đọc như MINH:”míng”); Nên MINH 銘 nầy có nghĩa Khắc, là Trạm, là Tạc. Vì vậy mà MINH TÂM 銘心 có nghĩa là “Tạc vào trong tim, khắc vào trong lòng”. Ta có thành ngữ MINH TÂM KHẮC CỐT 銘心刻骨 là Tạc vào trong tim, khắc vào trong xương, mà tiếng Nôm ta nói thành “Ghi Lòng Tạc Dạ”. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du nói là “Chạm Xương Chép Dạ” khi cho Thúy Kiều ngỏ lời cám ơn Từ Hải đã giúp mình trả ân trả oán :
… Trộm nhờ sấm sét ra oai,
Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi.
CHẠM XƯƠNG CHÉP DẠ xiết chi,
Dễ đem gan óc đền nghì trời mây !
Khi chàng Kim trở về vườn Thúy để tìm Kiều, thì mới biết Thúy Kiều đã bán mình cho Mã Giám Sinh. Vương viên ngoại đã kể lể với Kim Trọng rằng : “Trót lời hẹn với lang quân, Cậy con em nó Thúy Vân thay lời” và sau :
Mấy lời ký chú đinh ninh,
GHI LÒNG ĐỂ DẠ cất mình ra đi !…