Lời biên tập: Nguyễn Kiều Phương là cộng tác viên của THCL.com, trước đây cô có xuất bản tập thơ Má Năm được nhiều người chú ý. Nhà thơ Ngô Văn Cư ở Hoài Ân (Bình Định) đã đọc và nhận xét , xin giới thiệu bài viết của Ngô Văn Cư (LM)
Tôi quen biết Nguyễn Kiều Phương năm 2017, thông qua nhà thơ Đăng Huệ, khi tôi dự trại sáng tác tại Nha Trang và Kiều Phương mang ba lô từ Sài Gòn ra. Khi ấy, tôi chưa hề thấy Nguyễn Kiều Phương làm thơ và cũng chưa đọc câu thơ nào của tác giả này. Rồi năm ngoái (2020), chúng tôi cũng gặp nhau tại quận 1 – Tp HCM, nhưng Phương vẫn không hé môi khoe mình có làm thơ. Bất ngờ là sau ít tháng, tôi nhận tập thơ MÁ NĂM mà tác giả là Nguyễn Kiều Phương do Nxb Hội Nhà Văn cấp phép. Vừa ngạc nhiên vừa háo hức vì tiếp xúc với thơ của một nhà thơ mới toanh lần đầu xuất hiện, tôi đọc một mạch những bài thơ ngắn trong tập. Tôi nói ngắn là tính vào độ dài, vì hầu hết là thơ ngũ ngôn tứ tuyệt nhưng không theo luật lệ khắc nghiệt của thể thơ này.
Những bài thơ bất chợt đến khi Nguyễn Kiều Phương gặp một cảnh vật thiên nhiên hay tâm trạng buồn vui trên hành trình rong chơi của mình. Vì thế người đọc dễ dàng nhận thấy nhiều địa danh xuất hiện trong thơ: Phá Tam Giang, Nhà thờ Đá Nha Trang, Vọng phu, Lăng Khải Định… Ở những nơi ấy, tác giả đâu chỉ tả cảnh mà còn nói được tình cảm của mình. Khi thăm nhà thờ Đá Nha Trang, một phát hiện thật thú vị:
“Uy nghi và cổ kính
Sừng sững với thời gian
Như chẳng hề dự tính
Một chút chi điêu tàn”
(Bóng thời gian)
Cảnh vật thì “Sừng sững với thời gian” nhưng tác giả biết rõ đời người không thể “sừng sững” được. Ngắn ngủi. Không thể làm mới khi đã một lần sống. Dù thế nào đi nữa, cuối cùng mọi người cũng chung một đường: “Đời chỉ sống một lần/ Vội vàng hay thong thả / Thì cũng hết đường trần/ Rồi sẽ về chung ngả.” (Sống). Ai đã từng gặp Nguyễn Kiều Phương mới thấy cá tính mạnh mẽ nhưng rất… thơ:
Sáng nay đi nhà thờ
Đầu vẫn còn lơ mơ
Ngài Mục Sư cứ nói
Mình ngồi đây làm thơ.
(Đi lễ)
Tưởng chừng như tác giả thoát khỏi hiện thực dù biết đang ở nhà thờ và có lời giảng kinh của vị Mục Sư, nhưng thật ra lòng tác giả mang nhiều tâm trạng. “Tóc đã ngả màu mây/ Mắt mờ phải lần tay/ Chiều tà bên đồi vắng/ Lặng lẽ nào ai hay.” (Heo may). Tâm trạng ấy là cảm thức về quỹ thời gian của đời người chẳng còn bao nhiêu nữa mà con người phải bất lực, buông xuôi:
Theo thời gian mà vơi
Những xúc cảm trong đời
Giờ không còn nhiêu nữa
Thôi, vơi thì cứ vơi.
(Mất dần)
Lối sống của tác giả tưởng chừng như mặc kệ tất cả “Thôi, vơi thì cứ vơi” nhưng người đọc vẫn thấy một Nguyễn Kiều Phương khác. Vẫn còn yêu và gắn bó với đời lắm. Vẫn còn tha thiết với cuộc sống lắm. Vẫn còn chăm chút cho bản thân mình lắm. Cho dù “Sự bận vây khắp nơi/ Thời gian ít thảnh thơi/ Miếng ăn cùng manh áo/ Tranh giành với cuộc chơi.” (Than). Đâu chỉ là giọt mưa của tiết lập đông, ở đây, có cả một con người luôn làm đẹp cho đời:
Những giọt mưa cuối mùa
Luyến lưu rơi xuống đường
Như cuộc tình nở muộn
Bên đời còn vấn vương
(Lập đông)
Sẽ rất nhiều người khó chấp nhận suy nghĩ không nhất quán và hơn nữa là không chung thủy của tác giả: “Thời trẻ tưởng thích lê/ Đến già thời mê lựu/ Đời đâu vẹn chữ thề/ Nói chi câu trường cửu.” (Nghĩ). Nhưng chắc chắn sẽ chấp nhận tâm trạng của tác giả khi muốn quay về thời quá khứ:
Muốn tìm về dĩ vãng
Rảo những bước lang thang
Bới lên từng kỷ niệm
Đôi khi chỉ tro tàn.
(Đời)
Bởi lẽ, Nguyễn Kiều Phương dẫu chấp nhận tất cả nhưng “Mặc cho ai sấp ngửa. Ta cứ thế bình thân” (Đứng) và “Thâm tình dần vỡ vụn. Giã biệt nhau rồi đi”(Lẽ). Ở đâu đó, người đọc thấy một Nguyễn Kiều Phương bất cần đời, phớt lờ tất cả để vui sống cho trọn kiếp người. Nhưng trong sâu thẳm, độc giả lại thấy một con người nặng tình với đời, với bè bạn. Một áng mây ngang qua đồi cũng làm tác giả liên tưởng đến sự hiện hữu của bạn bè mà vui. Một niềm vui thánh thiện, trong veo:
“Mây nhởn nhơ theo gió
Thỉnh thoảng ghé ngang đồi
Thấy bạn tôi còn đó
Vậy cũng vui lắm rồi.”
(Dõi)
Như đã nói, những bài thơ ngắn của Nguyễn Kiều Phương là nói về số chữ và độ dài của câu. Khi người đọc lắng lòng lại sẽ vỡ lẽ ra rất nhiều từ hàm ngôn, ẩn dụ mà tác giả đã sử dụng. Tôi rất có ấn tượng với bài thơ RẢNH. Ba câu đầu là kể chuyện vụn vặt thường ngày, không có gì là thơ cả. Nhưng đến câu bốn khiến bài thơ nâng tầm khái quát hơn. Mời mọi người đọc:
“Hôm nay không có bạn
Chẳng có môn la cà
Thôi, mang áo ra giặt
Giặt luôn ngày trôi qua.”
(Rảnh)
Vẫn biết tập thơ gom góp từ những bài viết vụn vặt đề thơ cho những tấm ảnh tác giả chụp trên đường phiêu lãng của mình và bộc lộ tâm trạng với bạn bè khắp nơi nhưng người đọc thấy được một Nguyễn Kiều Phương với “cái tôi” không lẫn vào ai. Không hề làm văn chương nhưng tác giả đã đặt một viên gạch cho lâu đài văn chương cả nước. Nói vậy có ngoa ngôn không khi tác giả vẫn còn muốn rong chơi nơi trần thế:
“Thiên đường mở cửa chờ
Nhưng người quá thờ ơ
Thôi ở luôn trần thế
Gặp bạn rồi làm thơ.”
(Đóng cửa)
Độc giả sẽ bỏ qua luật bằng trắc; sẽ bỏ qua bố cục khai, đề, chuyển, hợp; bỏ qua cách gieo vần… trong thơ ngũ ngôn tứ tuyệt khi Nguyễn Kiều Phương sử dụng thể thơ năm chữ để cảm nhận ý tứ gởi gắm trong thơ và một người thơ có bản tính phóng khoáng này. Thơ tức là người vậy. Xin giới thiệu với mọi người tập thơ MÁ NĂM của Nguyễn Kiều Phương với gần 100 bài thơ lời ngắn nhưng tình dài này.
NGÔ VĂN CƯ
Ngô văn Cư và Luong Minh